Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa
BÍ TÍCH RỬA TỘI

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/on-the-sacrament-of-baptism

Sau gần 1 tháng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại với các buổi triều kiến chung (general audience) hằng tuần vào các Ngày Thứ Tư để tiếp tục giảng dạy giáo lý cho đàn chiên của mình. Loạt bài Giáo Lý cho / trong Năm Đức Tin, tất cả là 38 bài, trong đó 13 bài đầu là của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, và 25 bài còn lại là của Đức Thánh Cha Phanxicô, 25 bài này hoàn toàn về các tín điều của Kinh Tin Kính, kể từ tín điều Chúa Kitô phục sinh (ngày 3/4/2013) và đã được ngài kết thúc bằng tín điều về Chung Thẩm (ngày 11/12/2013), liên quan đến "sự sống vĩnh hằng" là tín điều đã được ngài gợi ý bắt đầu từ bài giáo lý cuối cùng của Năm Đức Tin ấy.

 

Hôm nay, tuy ngài không trực tiếp trở lại với tín điều về "sự sống vĩnh hằng", mà là với loạt bài giáo lý mới về chủ đề Các Bí Tích, nhưng dầu sao chủ đề mới này cũng liên quan đến chủ đề "sự sống vĩnh hằng", vì "sự sống vĩnh hằng" đã được bắt đầu ngay từ đời này, nhờ các Bí Tích, đầu tiên là Phép Rửa. Đó là lý do hôm nay, Đức Thánh Cha của chúng ta mở màn cho loạt bài giáo lý về Bí Tích bằng bài giáo lý về Phép Rửa, trong đó, ngài nhấn mạnh đến một vấn đề mà hầu hết Kitô hữu lơ là, một vấn đề đã được ngài nêu lên mấy lần trong các buổi triều kiến chung hằng tuần, một vấn đề đã trở thành bài làm ở nhà cho cả chúng ta nữa. Vấn đề đó là vấn đề gì? 

Bí Tích Rửa Tội 

Xin chào anh chị em thân mến buổi sáng! 

Hôm nay, chúng ta bắt đầu một loạt bài mới về Giáo Lý Các Phép Bí Tích, mà trước hết là Phép Rửa. Một trùng hợp may mắn đó là Chúa Nhật tới đây lại là lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. 

1- Phép Rửa là một bí tích làm nền tảng cho đức tin của chúng ta và liên kết chúng ta trong Chúa Kitô cũng như trong Giáo Hội của Người như là những phần thể sống động. Cùng với Bí Tích Thánh Thể và Thêm Sức, cả 3 làm nên bộ bí tích được gọi là "Khai Mở Kitô Giáo - Christian Initiation", một cuộc khai mở tạo nên như là một đại biến cố duy nhất về bí tích khiến chúng ta nên giống Chúa và làm cho chúng ta trở thành một dấu hiệu sống động về sự hiện diện của Người cũng như về tình yêu thương của Người. 

Thế nhưng một vấn nạn có thể nẩy lên nơi chúng ta, đó là phải chăng Phép Rửa thực sự cần thiết để sống như là Kitô hữu và để theo Chúa Giêsu? Phải chăng về căn bản nó chỉ là một nghi thức đơn thuần, một tác động chính thức của Giáo Hội trong việc cống hiến tên thánh cho một bé trai hay bé gái nào đó? Đó là vấn nạn có thể được đặt ra nơi chúng ta. Theo chiều hướng ấy thì vấn đề được soi sáng nơi những gì Thánh Phaolô viết: "Anh em không biết rằng tất cả chúng ta được thanh tẩy trong Chúa Giêsu Kitô là anh em đã được thanh tẩy trong cái chết của Người hay chăng? Bởi đó, chúng ta đã được mai táng với Người nơi cái chết nhờ phép rửa để như Chúa Kitô đã được sống lại từ trong kẻ chết nhờ vinh quang của Cha thế nào thì cả chúng ta nữa cũng được sống một sự sống mới như vậy" (Roma 6:3-4). Thế nên, phép rửa không phải là một thứ hình thức! Phép rửa là một tác động sâu xa chạm đến việc hiện hữu của chúng ta. Một đứa trẻ được lãnh nhận phép rửa và một đứa trẻ không lãnh nhận phép rửa không giống nhau! Một người lãnh nhận phép rửa và một người kh6ong lãnh nhận không giống nhau! Nhờ Phép Rửa, chúng ta được chìm ngập vào nguồn sống vô tận là cái chết của Chúa Giêsu, một tác động yêu thương cao cả nhất trong toàn bộ lịch sử; và nhờ tình yêu này chúng ta có thể sống một sự sống mới, không còn bị thống trị bởi sự dữ, tội lỗi và sự chết, nhưng được hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em. 

2- Nhiều người trong chúng ta không hề nhớ một tí nào đến việc cử hành Bí Tích này, dĩ nhiên, nếu chúng ta được rửa tội sau khi sinh một chút. Tôi đã đặt câu hỏi này hai ba lần ở Quảng Trường này. Ở đây ai biết được ngày Rửa Tội của mình nào? Xin giơ tay lên! Ai biết? Đó, thấy không, mấy người thôi! Rất ít. Đây là vấn đề quan trọng! Cần phải biết ngày nào anh chị em được chìm xuống giòng nước cứu độ của Chúa Giêsu! Xin cho tôi có một chút khuyến dụ nhé. Một bài làm ở nhà hôm nay hơn là một lời khuyến dụ: Hôm nay về nhà anh chị em hãy tìm kiếm, hỏi han xem ngày Rửa Tội của anh chị em. Nhờ đó anh chị em mới thực sự biết rõ cái ngày tuyệt vời Rửa Tội đó của anh chị em. Anh chị em có làm thế không? [Dân chúng: Thưa có!] Tôi không nghe thấy nhiệt liệt cho lắm. Anh chị em có làm hay chăng? [Dân chúng; Thưa có!] Có! Vì cần phải biết đến một ngày hồng phúc! Ngày Thanh Tẩy của chúng ta! Thế nhưng, cái nguy cơ đó là làm mất đi ký ức về những gì Chúa đã làm ở nơi chúng ta, cái ký ức về một tặng ân chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta đi đến chỗ coi nó chỉ như là một biến cố đã xẩy ra trong quá khứ - và là một biến cố thậm chí không phải bởi ý muốn của chúng ta mà là bởi cha mẹ chúng ta - một biến cố không còn một tác dụng gì trong đời sống hiện tại của chúng ta. Chúng ta cần phải làm bừng lại ký ức về Phép Rửa. Chúng ta được kêu gọi để sống Phép Rửa của chúng ta hằng ngày như là một thực tại thật sự trong việc hiện hữu của chúng ta. Nếu chúng ta theo Chúa Giêsu và lưu lại trong Giáo Hội, bất chấp những hạn hữu của chúng ta, yếu hèn của chúng ta và tội lỗi của chúng ta, thì chính nhờ Bí Tích này mà chúng ta đã trở nên một tạo vật mới và chúng ta được tái mặc lấy Chúa Kitô. Thật vậy, bởi Phép Rửa, được khỏi nguyên tội, chúng ta được tháp nhập vào mối liên hệ của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha; mà chúng ta trở thành những người chất chứa một niềm hy vọng mới, vì Phép Rửa cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng mới này! Niềm hy vọng tiến bước trên con đường cứu độ suốt cuộc đời còn lại của chúng ta. Không gì và không ai có thể dập tắt đi niềm hy vọng này, vì hy vọng không lừa dối. Hãy nhớ như thế. Niềm hy vọng vào Chúa này không bao giờ lừa dối chúng ta. Nhờ Phép Rửa, chúng ta có thể tha thứ và yêu thương những ai phạm đến chúng ta và gây tổn thương cho chúng ta, chúng ta có thể nhận biết nơi những người thấp hèn nhất cũng như nơi người nghèo dung nhan của Chúa là Đấng viếng thăm chúng ta và đến gần với chúng ta, và nhờ Phép Rửa này chúng ta có thể nhận ra nơi khuôn mặt của những ai thiếu thốn, những ai khổ đau, thậm chí hàng xóm láng giếng của chúng ta, dung nhan của Chúa Giêsu. Đó là một ân sủng về sức mạnh này của Phép Rửa. 

3- Một yếu tố cuối cùng quan trọng mà tôi muốn đặt vấn đề đó là Người ta có thể tự rửa tội cho mình được chăng? [Dân chúng: Thưa Không!] Tôi không nghe thấy anh chị em! [Dân chúng: Thưa Không!]. Anh chị em có chắc không đấy? [Dân chúng: Thưa Chắc!] Người ta không thể nào tự rửa tội cho mình! Không ai có thể tự rửa tội cho mình! Không một ai hết! Chúng ta có thể xin được rửa tội, mong được rửa tội, thế nhưng chúng ta bao giờ cũng cần một ai đó ban Bí Tích này nhân danh Chúa. Phép Rửa là một tặng ân được ban tặng trong một môi trường ham ước và chia sẻ huynh đệ. Trong lịch sử bao giờ cũng thế người này rửa tội cho người kia và người nọ. Đó là một cái xích, một cái xích ân sủng. Thế nhưng tôi không thể rửa tội cho bản thân mình. Tôi phải xin người khác Rửa Tội cho. Nó là một tác động của tình huynh đệ, một tác động của phận con cái đối với Giáo Hội. Nơi việc cử hành của bí tích này, chúng ta có thể nhận thấy những tính chất xác thực nhất của Giáo Hội, một Giáo Hội, như một người mẹ, tiếp tục sản sinh những người con cái mới trong Chúa Kitô, bằng tính chất phong phú của Thánh Linh. Giờ đây chúng ta hãy xin Chúa với tất cả tâm hồn của mình để có thể cảm nghiệm hơn bao giờ hết trong cuộc sống hằng ngày ân sủng chúng ta đã lãnh nhận nơi Phép Rửa. Để trong việc gặp gỡ chúng ta, anh chị em chúng ta có thể gặp gỡ con cái thực sự của Thiên Chúa, những người anh chị em thực sự của Chúa Giêsu Kitô, những phần thể thực sự của Giáo Hội. Và đứng quên bài làm ở nhà hôm nay đấy nhé, đó là tìm kiếm, hỏi han ngày lãnh nhận Phép Rửa của anh chị em. Và như người ta biết được ngày sinh của mình thế nào thì họ cũng phải biết được ngày Phép Rửa của mình, vì đó là một ngày lễ hội vậy!