Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa
SỐNG ĐÍCH THỰC LÀ SỐNG YÊU THƯƠNG
SƯU TẦM

Anh chị em thân mến !

Alexandre đại đế của Hy Lạp nổi tiếng không những về tài điều binh khiển tướng mà còn ngay cả trong việc chinh phục thú vật. Theo một giai thoại thì cha ông là vua Philip có mua một con ngựa tuyệt đẹp, nhưng lại là một con ngựa bất kham, cả triều thần không ai dám đến gần nó. Thế nhưng, một hôm được phép vua cha, Alexandrie bất thần ôm chầm lấy cổ con ngựa hướng mặt nó về phía mặt trời. Alexandrie thầm nghĩ  rằng : sở dĩ con ngựa bất kham là vì lúc nào nó cũng chỉ cúi mình nhìn vào cái bóng của nó. Thế là như một phép lạ, sau một hồi hướng nhìn lên mặt trời, con ngựa bất kham bỗng trở nên thuần thục. Bỏ lại đàng sau bóng tối, hướng nhìn về mặt trời để trở nên thuần thục.

Đây có lẽ cũng là một bài học mà Chúa Giêsu muốn nhắn gửi cho chúng ta hôm nay khi tưởng niệm việc Ngài chịu Phép Rửa lại sông Jordan. Thánh Matthêu đã nêu bật ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa khi ngài ghi lại chi tiết : "Các tầng trời mở ra và có tiếng Chúa Cha phán rằng : “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng".

Chúa Giêsu quả là một người con yêu dấu đẹp lòng Chúa Cha. Bởi vì Ngài đã khởi đầu sứ vụ công khai bằng cử chỉ vâng phục. Thật thế, ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa chính là sự vâng phục tuyệt đối của Ngài vào Thiên Chúa Cha. Qua việc dìm mình xuống sông Jordan, Chúa Giêsu loan báo cái chết mà Ngài sẽ phải trải qua. Ngài chấp nhận thân phận làm người, mang thân phận yếu đuối của con người. Điều đó có nghĩa là Ngài chấp nhận cái chết như một tất yếu của cuộc sống. Cái chết ấy đã được qui định trong chương trình cứu rỗi của Ngài, và Ngài đã thực thi chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Do đó, Chúa Giêsu không thể không đi vào cái chết ấy bằng việc vâng phục thánh ý của Thiên Chúa.

Thật thế, qua cử chỉ dìm mình xuống sông Jordan, Chúa Giêsu đã nói lên hai tiếng "Xin Vâng" trọn vẹn vào chương trình của Thiên Chúa Cha. Điều này đã được thánh Phaolô diễn tả sự vâng phục của Chúa Giêsu bằng một công thức bất hủ : "Ngài đã vâng phục và vâng phục cho đến chết".

Vậy, qua việc vâng phục cho đến chết ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện trọn vẹn ơn gọi làm người của Ngài. Ngài đã làm người thật sự, sống đúng cương vị của một con người như bao con người khác ngoại trừ tội lỗi có nghĩa là Ngài đã vâng phục và vâng phục cho đến chết.

Mặt khác, sau khi cho đánh đòn Chúa Giêsu, tổng trấn Phitatô đưa Ngài ra trước dân chúng và tuyên bố : "Này là Con Người". Một lời giới thiệu như thế gắn liền với một tấm thân đầy thương tích, hẳn phải nói lên rằng: một con người thực sự, một con người thể hiện trọn vẹn tính người, khi con người đó sống hoàn toàn cho tha nhân, khi con người đó chịu hao mòn và thương tích vì tha nhân.

Thật ra, sự vâng phục cho đến chết của Chúa Giêsu không phải là một sự vâng phục mù quáng, nhưng sự vâng phục ấy có giá trị một cách tuyệt đối. Bởi vì sự vâng phục ấy được thực thi chỉ vì tình yêu thương, với một tình yêu vô cùng. Yêu thương và yêu thương cho đến cùng chính là thể hiện sự vâng phục trọn vẹn.

Anh chị em thân mến !

Tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa lại sông Jordan, chúng ta cũng được nhắc nhở về ý nghĩa của Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã mặc cho Phép Rửa của chúng ta cùng một ý nghĩa của chính Phép Rửa mà Ngài đã lãnh nhận lại sông Jordan. Vì thế, qua Phép Rửa chúng ta đi vào chính cái chết và sự vâng phục của Chúa Giêsu bằng chính sự sống của Ngài. Do đó, có thể nói được là chúng ta đã đi lại con đường vâng phục của Ngài.

Qua Phép Rửa, chúng ta bỏ lại đàng sau bóng tối của tội lỗi, của ích kỷ, của hận thù, để ngước nhìn lên trời cao và vươn lên trong yêu thương phục vụ, trong quảng đại bằng chính sự quên mình vì Chúa, vì tha nhân.

Trong "Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng", Công đường Vatican II đã khẳng định rằng : "Chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, mầu nhiệm của con người mới được sáng tỏ". Thật thế, con người chỉ thấy được ơn gọi của mình trong Chúa Gìêsu Kitô mà thôi. Chỉ qua cuộc sống của Ngài, con người mới có thể biết phải sống như thế nào cho xứng với phẩm giá của con người. Chỉ khi nhìn vào Chúa Giêsu, con người mới có thể biết thế nào là sống cho ra người.

Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha để sống yêu thương và yêu thương cho đến chết và chết một cách  nhục nhã trên Thập giá. Qua một cuộc sống như thế, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta rằng : "Sống đích thực là sống yêu thương". Như vậy, không thể có một ơn gọi hay một cung cách làm người nào khác hơn trong việc tưởng niệm và tuyên xưng cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Và cũng chỉ vì yêu thương mà Chúa Giêsu luôn luôn ở lại trong Bí tích Thánh Thể để yêu thương mọi người cho đến cùng. Ước gì lối tuyên xưng của chúng ta không chỉ đóng khung và dừng lại trong khoảnh khắc của Thánh lễ, mà phải được thể hiện bằng cả cuộc sống yêu thương của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Ước gì Phép Rửa không chỉ mang lại cho chúng ta danh hiệu Kitô hữu, mà phải được sống, được thể hiện bằng muôn ngàn cử chỉ yêu thương quên mình trong cuộc sống thường nhật của ngày sống chúng ta: "Chỉ có một Chúa, một đức tin, một Phép Rửa". Chính trong đức tin đó mà chúng ta đã chịu Phép Rửa và đó cũng là đức tin mà chúng ta hợp nhau để tuyên xưng qua kinh Tin Kính.