Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa
NHỚ LẠI LỜI CAM KẾT
SƯU TẦM

Hôm nay Giáo hội tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu đến sông Giođan để chịu phép rửa. Qua cử chỉ dìm xuống nước, Chúa Giêsu nuốn mặc lấy thân phận yếu đuối của con người, Ngài là Thiên Chúa gánh tội trần gian. Tưởng niệm biến cố này, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta nhớ lại những cam kết của phép rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Qua phép rửa mà Chúa Giêsu đã thiết lập, Ngài cho chúng ta được dự vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa. Cùng với Ngài, chúng ta chiến đấu chống lại tội lỗi và sự dữ để được tham dự vào vinh quang phục sinh của Ngài. Cử hành cái chết và sự phục sinh của Ngài trong thánh lễ này, chúng ta hãy xin Ngài tẩy rửa tâm hồn chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta tiếp tục chiến đấu chống lại tội lỗi và sự dữ trong cuộc sống của chúng ta.

Trong các dòng sông nổi tiếng trên khắp thế giới hẳng dòng sông Giođan phải là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cáh đón nhận phép rửa bởi Gioan tẩy giả cử hành. Chính tại dòng sông này, khi dìm mình xuống nước, Chúa Giêsu đã tỏ bày sứ mệnh của Ngài, đó là “gánh lấy tất cả tội lỗi của nhân loại”

Là Đấng vô tội, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa với người tội lỗi qua cử chỉ dìm mình trong dòng nước, đồng thời Chúa Giêsu loan báo chính cái chết mà Ngài sẽ trải qua. Phép rửa trong sông Giođan là hình bóng của phép rửa đích thực mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện, đó là cái chết của Ngài. Từ cạnh sườn Người khi máu và nước chảy ra, Chúa Giêsu đã khai mở một dòng sông mới để từ đó tất cả những ai đến dìm mình vào đều nhận được sức sống mới.

Tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bên bờ sông Giođan, Giáo hội muốn mời gọi chúng ta nhớ lại phép rửa mà chúng ta được dìm mình vào trong chính cái chết của Chúa Giêsu. Dìm mình vào trong chính cái chết của Chúa Giêsu là gì nếu không phải là tiếp tục đi lại con đường tử nạn của Ngài. Phép rửa mà chúng ta lãnh nhận không phải là một nghi thức bùa chú. Người lãnh nhận bí tích rửa tội không đương nhiên trở thành một con người thánh thiện được miễn trừ khỏi những cám dỗ và yếu đuối trong cuộc sống. Có biết bao người lãnh nhận phép rửa để mang danh hiệu là người Kitô hữu, nhưng cuộc sống của họ không bao giờ là một tiếp tục cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: “Người tín hữu Kitô cần phải tiếp tục những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu”. Chịu phép rửa là khởi đầu một cái chết, là bước vào một cuộc chiến đấu, chiến đấu chống lại con người cũ của tội lỗi, chiến đấu chống lại không biết bao nhiêu cơn cám dỗ trong và ngoài con người của chúng ta. Chiến đấu chống lại không biết bao nhiêu sức mạnh của sự chết như ích kỷ, hận thù, chia rẽ, đố kỵ…

Tưởng niệm phép rửa mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận bên bờ sông Giođan, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta về chính những cam kết mà chúng ta đã đoan hứa trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, đó là cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Ngài. Hằng ngày mỗi lần chúng ta giơ tay làm dấu Thánh giá là mỗi lần chúng ta được mời gọi để nhớ lại lời cam kết ấy.

Trên đường tiến về Giêrusalem, khi các môn đệ tranh luận về quyền bính, vương quốc tương lai của Ngài, thì Chúa Giêsu đã hỏi các ông: “Các con có sẵn sàng uống chén đắng mà Ta sắp lãnh nhận không?”. Ngày nay trong từng giâh phút của cuộc sống, Chúa Giêsu cũng hỏi từng người trong chúng ta như thế: “Các con có sẵn sàng chịu phép rửa mà Ta sắp lãnh nhận không?”. Chúng ta đang trải qua không biết bao nhiêu những khó khăn, thử thách và cạm bẫy trong cuộc sống. Sống một cách thiết thực phép rửa chính là sống từng giây phút trong cuộc sống bằng sự phấn đấu, bằng tinh thần từ bỏ và lòng tín thác của Chúa Giêsu. Và chúng ta tin rằng nhờ nguồn nước từ cạnh sườn mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta, chúng ta cũng được trong bị để chiến đấu và nhờ đó chúng ta được tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Ngài.