Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa
NÊN THÁNH
Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR

Ngày nay nói đến nên thánh, người ta dễ liên tưởng đến một Cha Piô năm dấu đạo đức thánh thiện, đến Đức Gioan Phalô, tuy đã già nhưng vẫn xông xáo trong việc quảng bá Tin mừng Phúc âm cho muôn dân, hay một Mẹ Têrêsa dấn thân chăm sóc cho những người cùng khổ.

Dường như nhắc đến "thánh" là nhắc đến những khuôn mặt dấn thân, tu trì... và không thấy giáo dân đâu hết ! Phải chăng làm giáo dân khó nên thánh ? Không đi tu, chỉ mong "lọt" qua cửa thiên đàng là mừng, còn ngồi đâu trong đó, xa Chúa hay gần Chúa cũng được rồi chăng ? Có phải vì làm giáo dân cứ phải lăn lộn với đời nên khó làm thánh ?

ĐHY Nguyễn Văn Thuận từng viết "Giáo dân cứ nghĩ thánh là phải sốt sắng kinh nguyện, phải xa lánh thế tục, phải hãm mình hy sinh, tức là phải giống như các nhà tu thời xưa.

Trong khi các tu sĩ lại nghĩ rằng thánh là phải dấn thân giúp đời, phải lăn lộn hoạt động xã hội chính trị, phải tranh đua với giáo dân mà nhập thế.

Thành ra loạn xà ngầu ! Giáo dân muốn sống như nhà tu, nhà tu lại muốn sống như người trần thế."

Không. Nên thánh không phải là cứ làm theo những gì mình nghĩ hay muốn. Song, nên thánh là sống những gì Chúa muốn và Chúa dạy. Chúa muốn mưa, con muốn mưa. Chúa muốn nắng, con muốn nắng. Chúa muốn vui sướng, cực khổ, thành công, thất bại, con cũng muốn như vậy.

Như thế nên thánh không phải là đạt đến giây phút được thoả mãn như ý mình vì đã làm được việc này cho Chúa hay chuyện kia cho Giáo hội, nhưng là khi Chúa được như ý nơi con người của tôi, dù khi chẳng có chút gì thành công.

Vậy nên, những ai biết đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời, biết cộng tác để thánh ý Ngài được thực thi, họ đều là thánh.

Chúa Giêsu được gọi là Thầy Chí Thánh hay Đấng Cực Thánh là do đâu, nếu không phải vì Ngài đã luôn hết tâm thi hành ý Cha. Đức Giêsu từng nói đi nói lại với các môn đệ: "Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta" (Ga 6:38); và "Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta, và chu toàn công việc của Người" (Ga 4:34).

Thi hành bổn phận của mình chính là tiến trình nên thánh chắc chắn nhất mà Lời Chúa trong ngày lễ Chúa Chịu Phép Rửa muốn nói với chúng ta.

Số là trong hôm khởi đầu sứ mạng công khai, Đức Giêsu đi đến với ông Gioan Tiền hô bên sông Giođan để xin thanh tẩy. Gioan nhận ra Ngài là Đấng vô tội, là Chiên Thiên Chúa nên vội thoái thác : "Đáng lẽ Ngài phải rửa cho tôi, chứ đời thuở nào tôi lại rửa cho Ngài." Nhưng Đức Giêsu nói với ông : "Cứ làm đi ! Vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế."

Đây là lời nói được ghi nhận trước nhất trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Phải chăng Ngài muốn mở ra cho con người một chân trời mới: một con đường nên thánh qua việc chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao ban.

Thế thì đâu chỉ có các linh mục, tu sĩ, thừa sai, hay giáo hoàng mới có bổn phận và mới có thể làm thánh. Đúng hơn, tất cả mọi người đều có một trách nhiệm nào đó và đều có thể thánh hoá mình trong bổn phận.

ĐHY Nguyễn Văn Thuận có viết : "Người thợ nên thánh ở công xưởng, người lính nên thánh ở bộ đội, bệnh nhân nên thánh ở bệnh viện, học sinh nên thánh ở học đường, nông phu nên thánh ở ruộng rẫy, linh mục nên thánh trong mục vụ, công chức nên thánh ở công sở. Mỗi bước tiến là một bước hy sinh trong bổn phận" (ĐHV 24).

Bổn phận không chỉ gắn liền với công việc nghề nghiệp, nhưng còn với chức năng. Chức năng đó có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, lãnh đạo, giáo dục... Không thể chỉ "mang chức" “từ năng", không thể chỉ có danh xưng mà nền tảng cần thiết làm nên danh xưng ấy lại không được thi hành.

Mặc khác, không thể nên thánh nếu không có Chúa. Vì Ngài là Đấng Thánh. Muốn nên thánh là phải đón nhận Chúa làm tâm điểm cuộc sống, để rồi nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài, con người chu toàn và được tác thánh qua bổn phận của mình.

Có một điểm rất đáng ghi nhận từ Thánh Kinh : trong suốt quảng đời thi hành ý Cha trao phó, Đức Giêsu không ngừng gắn bó với Cha qua việc nguyện cầu. Ngài liên lỉ cầu nguyện: trong gia đình, nơi đền thánh, trên đường đi, chốn sa mạc, trong rừng vắng.... Ngài cầu nguyện ban ngày lẫn ban đêm, lúc vui cũng như khi buồn, trước phép lạ lẫn sau khi giảng dạy. Thậm chí còn cầu nguyện ngay trước lúc tắt thở: "Mọi sự đã hoàn tất" (Ga 19:30), "Lạy Cha, Con phó thác hồn con trong tay Cha" (Lc 23:46).

Nếu khi màn chiều buông xuống hay lúc ngày đời chấm dứt, tôi cất lên được lời nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu - "Mọi sự đã hoàn tất, con xin phó thác hồn con trong tay Cha"-thì tuyệt vời và hạnh phúc cho tôi biết bao.  PRIVATENguồn: NS Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp