Chúa Nhật XIII thường niên - Năm A - THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ
PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ, HAI CỘT TRỤ CỦA GIÁO HỘI
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, hai cột trụ của Giáo hội. Giáo hội đã được xây dựng trên tảng đá Phêrô và Phaolô. Trên nền tảng đức tin của Phêrô và Phaolô mà chúng ta tin vào Chúa Giêsu. Hai vị thánh tông đồ đã xây dựng Giáo hội bằng việc rao giảng và nhất là việc làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới bằng cái chết tử đạo. Tảng đá gợi lên cho chúng ta hình ảnh của sự chắc chắn cần thiết để trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo hội của người.

          Phêrô là vị tông đồ đã đi theo Chúa Giêsu ngay từ đầu công trình rao giảng của Chúa, và Phaolô là vị tông đồ được Chúa Giêsu kêu gọi cách riêng sau khi Chúa Phục sinh. Cả hai cùng làm chứng và chịu tử đạo ở Rôma, đặt nền móng cho Giáo hội bằng cái chết của các ngài. Cả hai đều có những khuyết điểm rất lớn, thánh Phêrô thì chối thầy, còn Phaolô là người bắt bớ các Kitô hữu, nhưng cả hai đều đã trở nên những vị tông đồ làm chứng cho Chúa, cả hai cùng chịu roi đòn tù tội, làm chứng cho niềm tin bất khuất vào Đức Giêsu Kitô mà không trở ngại nào, không đe dọa nào, không quyền lực nào làm các ngài lùi bước, và sau cùng cả hai vị tông đồ đã chịu tử đạo tại Rôma, trung tâm của đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

          Bài đọc Tin mừng làm cho chúng ta hiểu lý do tại sao Chúa Giêsu đã chọn Phêrô làm tông đồ trưởng và đặt làm đá nền móng mà Người sẽ xây dựng Giáo hội. Khi Chúa Giêsu trắc nghiệm sự hiểu biết của các môn đệ bằng cách hỏi người ta nói con người là ai, Chúa đã để cho các tông đồ nói ý kiến của dân chúng, sau đó Chúa Giêsu lại hỏi riêng các tông đồ ý kiến của các ông về người. Phêrô đã thay mặt các tông đồ để tuyên xưng : « Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống ». Chúa Giêsu hiểu rằng sự hiểu biết chính xác của Phêrô về căn tính của người là nhờ ơn mạc khải của Chúa Cha, vì thế người đã chọn Phêrô làm tảng đá mà trên đó người sẽ xây dựng Giáo hội của người. Từ đây thánh Phêrô sẽ là người gắn bó sát cánh với thầy Giêsu. Tin mừng cho chúng ta thấy vị trị rất quan trọng của thánh Phêrô trong số các tông đồ. Đức tin của ông sẽ là điểm qui chiếu cho đức tin của toàn thể Giáo hội khi chính ông là người sẽ đứng ra rao giảng niềm tin vào Đức Giêsu cho các anh em do thái của người sau khi Chúa Giêsu Phục sinh, nối kết niềm tin từ giao ước cũ đến giao ước mới và sẽ là giao ước quyết định đã được thực hiện nhờ sự chết khổ hình thập giá và sự Phục sinh của Đức Giêsu. Từ đây, cộng đoàn Kitô giáo sẽ được hình thành nhờ lời rao giảng làm chứng và đức tin của Phêrô và các tông đồ. Trong bài đọc một của sách Công vụ tông đồ, chúng ta thấy mô tả những bước đầu rất khó khăn của việc rao giảng, cộng đoàn Kitô giáo bị bắt bớ rất khốc liệt bởi chính các anh em do thái giáo. Hêrôđê ra lệnh giết Giacôbê là anh của Gioan. Sau đó, vì ông thấy việc này làm cho những người do thái hài lòng, ông lại còn cho bắt Phêrô và cho tống vào ngục, nhưng rồi thánh Phêrô đã được cứu thoát một cách lạ lùng khiến cho Phêrô nhận thức hơn nữa hoạt động của Thiên Chúa ở với mình để giải thoát khỏi bàn tay của Hêrôđể và những người do thái.

          Bài đọc 2 trích từ thư của thánh Phaolô gửi cho Timôthê gợi cho chúng ta về vai trò của vị tông đồ này trong Giáo hội. Ngài có một ơn gọi thực là đặc biệt và sứ vụ của ngài được thuật lại phần lớn ở trong sách Công vụ tông đồ. Ngài được Chúa Giêsu Phục sinh trực tiếp kêu gọi khi đang trên đường bắt bớ những Kitô hữu. Ngài cho biết đó là một thị kiến và là một mạc khải đảo lộn của ánh sáng Đấng Phục sinh đụng chạm tới con người của ngài từ tận sâu xa. Ơn gọi của ngài không phải là kết quả của một hoạt động suy tư trí thức mà là một sự can thiệp ân sủng của Chúa Phục sinh, vì thế ngài tự nhận mình là người tông đồ theo thánh ý Thiên Chúa. Từ khi được Chúa Giêsu chinh phục, Phaolô đã hoàn toàn thay đổi và tận hiến toàn cuộc đời cho công việc rao giảng Tin mừng, dồn mọi nổ lực để phục vụ cho công việc rao giảng Tin mừng, coi mọi sự chỉ là thua thiệt và phân bón so với việc rao giảng Tin mừng Chúa Phục sinh. Công việc của ngài có nét chuyên biệt đó là làm cho việc đón nhận Giao ước cứu độ được mở rộng, không phải chỉ hạn chế cho những người do thái mà còn cho muôn dân, bất kỳ ai tin vào Đức Giêsu, « yêu mến trông đợi người xuất hiện ». Trong bức thư này, Phaolô đã viết cho người môn đệ Timôthê yêu quí với những lời khích lệ. Ngài nhận thức mình đã làm việc thật nhiều để rao giảng, đã chiến đấu trong cuộc chiến của chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và luôn giữ vững đức tin và giờ đây sẵn sàng chờ đợi triều thiên mà Thiên Chúa ban tặng.

          Cả hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô đã làm cho giáo đoàn Rôma trở thành giáo đoàn Mẹ trên các giáo đoàn khác do bởi cái chết tử đạo của các ngài trong tư cách là những vị tông đồ cột trụ của Giáo hội tại trung tâm của đế quốc. Tư cách cột trụ của Giáo hội của các ngài được chứng thực qua tường thuật của sách Công vụ tông đồ mà phần lớn xoay quanh việc rao giảng của Phêrô và Phaolô. Đồng thời cái chết tử đạo của các ngài tại nơi đây còn là điều kiện cốt yếu của Giáo hội Rôma bởi vì việc tử đạo được nhìn nhận như là tiêu chuẩn tối cao của thực chất Kitô giáo. Nếu Đức Giêsu không thể khơi gợi lên nơi các tông đồ và môn đệ của ngài những cái chết tử đạo can đảm thì Kitô giáo không thể được đón nhận cũng như trường tồn trong thế giới. Sức mạnh chinh phục của Kitô giáo không phải bởi những binh đoàn hùng mạnh mà bằng cái chết của những vị tử đạo, bởi vì nó có thể nói cho thế giới biết chân lý của vị thầy Giêsu như lời người đã báo trước : Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô xây dựng Giáo hội bằng đời sống và bằng việc rao giảng của các ngài, nhưng còn bằng chính cái chết tử đạo của các ngài vì tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô. Qua cái chết tử đạo, các ngài mạnh mẽ làm chứng rằng không một đe doạ nào, dù là sự chết, có thể tiêu diệt tình yêu của các ngài đối với Chúa Kitô.

          Mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô nhắc nhở mỗi người trong chúng ta đức tin của các ngài cũng chính là hình ảnh gương mẫu cho chúng ta là những người cũng được mời gọi tin tưởng và hiểu biết Đức Giêsu Kitô và cố gắng sống niềm tin này trong đời sống của mình. Chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ phần thưởng vinh quang của Chúa Kitô như các tông đồ đã được đón nhận. Hai yếu tố mà chúng ta có thể nhận thấy khi mừng lễ này là sự hiểu biết của các tông đồ và việc làm chứng hiệu quả của các ngài. Sự hiểu biết Chúa Kitô đã dẫn đến niềm tin mạnh mẽ của các ngài và việc làm chứng hiệu quả của các ngài. Các ngài cũng là những con người yếu đuối với những khuyết điểm, nhưng đã có được sự biến đổi lạ lùng để trở nên những vị tông đồ bất khuất mà sức mạnh cường quyền không thể khuất phục. Cần phải nói rằng điêù bí mật của các ngài đó là các ngài đều có tương quan thân mật với Chúa Giêsu. Các ngài đều có đời sống gắn bó sâu xa với thầy Giêsu, và sự gắn bó này đã trở thành xác tin bất di dịch trong cuộc đời của các ngài. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu hơn nữa trong đời sống và công việc của mình để chúng ta có thể làm chứng hữu hiệu cho Chúa trong đời sống của mình. Chúng ta được mời gọi hiểu biết Chúa Giêsu hơn nữa, và để Chúa Giêsu hiểu biết chúng ta hơn bằng đức tin và tình yêu của chúng ta đối với Chúa.