Chúa Nhật XXIV thường niên - SUY TÔN THÁNH GIÁ
SUY TÔN THÁNH GIÁ
ĐGM. Phaolô Maria Cao Đình Thuyên

Lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành vào hôm nay 14/9 hằng năm nhắc nhở cho ta một biến cố hết sức quan trọng. Đó là biến cố Đức Giêsu, Chúa chúng ta, bị treo trên cây thập tự như một tội nhân bị án tử. Nhưng tội nhân đó đã không bị khuất phục trước cái chết nhục nhã đó, mà từ cõi chết Ngài đã sống lại vinh quang toàn thắng. Như vậy, suy tôn Thánh Giá không phải là đề cao một hình phạt hay để vui thỏa một cách bệnh hoạn trong các đau khổ vật chất, mà là ca ngợi tình yêu vô biên của Đấng đã hy sinh vì người mình yêu. Nơi Thánh Giá không những tình yêu Thiên Chúa được thể hiện một cách trọn vẹn. Cũng nơi Thánh Giá chân lý về con người được tỏ bày một cách trong sáng nhất, vì con người chỉ là con người và chỉ có thể sống cho ra người khi họ biết hiến thân vô vị lợi. Nhưng ý nghĩa đó đã dần dần lu mờ đi trong đời sống người Kitô hữu. Thay vì nhìn Thánh Giá như một dấu hiệu, như một ngọn cờ bách chiến bách thắng để giúp mình can đảm hiến thân hy sinh theo gương Chúa Giêsu, để cứu rỗi thế gian, để giải phóng đồng loại, chúng ta lại thường biến Thánh Giá, như đồ trang sức, đồ trang trí phòng ốc để trang điểm con người.

Ta nên nhớ Giáo Hội thiết lập lễ Suy Tôn Thánh Giá không những chỉ là để biểu lộ lòng tôn kính đối với cây gỗ đã được hạnh phúc mang thân xác Con Chúa trong ngày cuối đời, cây gỗ đã được sử dụng làm phương tiện để cứu rỗi nhân loại, mà còn để chúng ta biết Thánh Giá chính là biểu tượng của lòng tin. Tin ở một đường hướng, một giải pháp. Đường hướng đó chính Chúa Kitô đã tự chọn để cứu độ, để giải phóng chúng ta. Đướng hướng đó, giải pháp đó chính là bước đi qua hy sinh gian khổ, đi qua Thánh Giá để rồi đến sự sống lại, sự toàn thắng.

Như thế, mầu nhiệm Thánh Giá là một mầu nhiệm cơ bản. Công đồng Vatican II đã đề cập đến trong nhiều bản văn, nhất là trong Hiến chế Tông Đồ Giáo Dân. Công đồng nói: Những kẻ có lòng tin như thế hy vọng sẽ được Chúa mạc khải cho như Chúa đã thương mạc khải cho con cái Ngài, nhờ lòng trí họ luôn tưởng nhớ đến Thánh Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô(số 15).

Kitô hữu là những kẻ tin ở Chúa, mong mỏi được làm như Chúa, được hưởng như Chúa Kitô. Vậy thì tất nhiên họ cũng phải luôn cắm mắt vào Thánh Giá của Chúa như một mục tiêu, một đường hướng. Muốn sống lại như Ngài, muốn thành công như Ngài, muốn vinh quang như Ngài, họ phải kinh qua Thánh Giá, phải chấp nhận hy sinh gian khổ như Ngài. Thánh Matthêu viết: Con Người sẽ bị nộp trong tay người ta, họ sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại(Mt 17, 22).

Là mầu nhiệm cơ bản, nhưng mầu nhiệm Thánh Giá không đi một mình. Nó luôn đi kèm theo mầu nhiệm Phục Sinh. Đường Thánh Giá không chỉ dừng lại ở chặng 14 – chôn xác Chúa. Chôn xác của Chúa không phải là chặng cuối cùng mà chính là sự sống lại, lên Trời của Ngài.

Người Kitô hữu đã tin vào Chúa, vào mầu nhiệm Thánh Giá, vào mầu nhiệm Phục Sinh, vì thế đáng lý họ phải là những kẻ dám hy sinh, dám dấn thân hơn ai hết. Bởi vì đã tin chắc kinh qua hy sinh gian khổ, thì nhất định sẽ đi đến toàn thắng, đến vinh quang. Người Kitô hữu mà không dám chấp nhận hy sinh để xây dựng Nước Trời, để xây dựng xã hội thì đó chỉ là người mang danh Kitô hữu thôi, chứ chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giêsu Kitô, chưa phải là kẻ được đổi mới và có khả năng đổi mới.

Nói người rồi nghĩ đến ta: Là những người mang danh hiệu Tu sỹ Mến Thánh Giá, chúng ta đã thực sự có một tầm nhìn đúng về mình chưa? Chúng ta đã thực sự là những người mến Thánh Giá, là những người sẵn sàng hy sinh, phấn khởi dành dật Thánh Giá để cùng với Chúa mà cứu rỗi các linh hồn, mà xây dựng cộng đoàn, xây dựng Giáo Hội chưa?

Thánh Giá với Chúa Kitô đã trở thành quy luật cho sự đổi mới, cho mọi thành công. Thế thì ai chưa dám hy sinh, chưa vui đón gian khổ, đó chính là những người chỉ muốn chuốc lấy thất bại, chỉ muốn nằm lỳ trong tình trạng khô cứng…

Một công chúa được ơn gọi vào dòng. Cô đến gõ cửa một Dòng Mến Thánh Giá và xin nhập hộ. Bà mẹ Bề trên thấy một công chúa, một người đã từng sống trong cảnh sung sướng đầy đủ nên ngần ngại. Nhưng để chối từ cách khéo, bà đã dẫn cô đi tham quan các nhà trong dòng: nhà học, nhà ngủ, nhà thờ, nhà ăn…

Năm 1627, khi Cha Đắc lộ đến khởi đầu cuộc giảng đạo ở Việt Nam ta, Ngài dựng một cây Thánh Giá lớn trên quả núi cao nhìn xuống Cửa Bạng. Đâu xa cũng nhìn thấy Thánh Giá. 300 năm giảng đạo là 300 năm máu chảy đầu rơi. 13 vạn người đã hy sinh xương máu, liều mất mạng sống mình để cứu lấy anh em.

Lạy Chúa, thật Thánh Giá là luật khó hiểu, các môn đệ Chúa đã bực bội can ngăn. Nhưng đó là mầu nhiệm tình thương, mầu nhiệm cứu độ, là nguồn gốc sự sống. Xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và can đảm vác thập giá hằng ngày để theo Chúa, để cùng thưa với Chúa như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Lạy Chúa Giêsu của con, Chúa đã làm việc đủ rồi. Chúa đã khóc đủ 33 năm sống trên nơi khổ ải này, hôm nay Chúa hãy nghỉ, đến lượt con đi chiến đấu và chịu đau khổ (Têrêxa Hài Đồng Giêsu)./.