Chúa Nhật XXIV thường niên - SUY TÔN THÁNH GIÁ
THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU :
TÌNH YÊU CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Giáo Hội cử hành lễ suy tôn thánh giá hằng năm nhắc nhở người Kitô hữu cái chết thập giá mang đến ơn cứu độ của Đức Giêsu. Thập giá là khổ hình của con người, của chính quyền Rôma thời Đức Giêsu dành cho các phạm nhân người nô lệ, hoặc dân tộc bị trị. Cái chết trên thập giá là cái chết ô nhục trước mặt người đời. Phạm nhân bị treo trên thập giá bị mọi người xem là đồ chúc dữ. Thế nhưng Đức Giêsu đã đón nhận khổ hình thập giá, làm cho mọi người chúng ta chắc chắn rằng Con Thiên Chúa đã hạ mình xuống hàng thấp hèn nhất để chứng tỏ cho mọi người chúng ta Thiên Chúa yêu thương mỗi người trong chúng ta, và hơn nữa, từ nay mọi người được mời gọi tin tưởng để kết hợp những đau khổ trong cuộc đời của mình làm hy lễ với cuộc khổ hình thập giá của Đức Giêsu.

          Ý nghĩa cứu độ của thập giá đã được báo trước trong lịch sử dân Chúa qua câu chuyện con rắn đồng được tường thuật trong sách Dân số chương 21. Khi dân chúng, trong hành trình sa mạc vất vả, đã than trách Chúa và Môisen. Họ nói rằng tại sao lại dẫn họ vào trong nơi hoang vắng thiếu thốn này, thiếu hết mọi thứ vật dụng cần thiết như bánh ăn và nước uống. Thậm chí những người do thái còn buông lời khinh miệt khi nói chúng tôi đã nhàm chán thức ăn này rồi. Chính thái độ thiếu hiểu biết và vô ơn này khiến Thiên Chúa đã cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Nhiều người do thái phải chết, khiến lần này họ  lại chạy đến cùng Môisen để xin được chữa lành và họ nhìn nhận tội lỗi vì đã buông lời xúc phạm đến Chúa. Môisen đã cầu nguyện và Chúa đã truyền cho Môisen treo con rắn đồng lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được chữa lành. Hình ảnh rắn đồng là hình ảnh được báo trước để làm chứng hiệu quả của lời của Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa luôn là một lời hiệu nghiệm, được chứng thực qua lịch sử. Những gì Thiên Chúa làm qua các tiên tri, trong lịch sử là hình ảnh báo trước thực tại trọn vẹn sau này. Con rắn đồng treo lên để ai bị rắn cắn nhìn lên thì được chữa lành là hình ảnh báo trước cái chết của Đức Giêsu trên thập giá để ai nhìn vào thập giá của Chúa và tin tưởng thì sẽ đón nhận được ơn cứu độ. Lần này, không chỉ là việc chữa lành thân xác nhưng là được đón nhận sự sống đời đời. Cái chết thập giá của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đem lại ơn cứu độ là sự sống đời đời cho những ai tin tưởng vào người, là thực tại trọn vẹn của những hình ảnh đã được báo trước bởi con rắn đồng được treo lên trong sa mạc.

          Thánh Phaolô trong bức thư danh tiếng gửi cho tín hữu Philipphê, đã nhìn cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là mầu nhiệm tự hạ của việc hủy mình ra không. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, người có địa vị thực là cao cả, nhưng người đã muốn tự hạ thẳm sâu là vâng lời cho đến chết trên thập giá nên Thiên Chúa đã siêu tôn người và tặng ban cho người một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Giải thích và suy tư của thánh Phaolô không phải chỉ là những suy tư viễn vông mà người có một cái nhìn toàn diện về thực tại hiện thực của con người chúng ta. Thực tại của con người là đau khổ và sự chết do tội. Mỗi người chúng ta mang trong thân phận của mình dấu vết và hậu quả của tội làm cho chúng ta trở nên yếu hèn và phải chết. Đức Giêsu, người vốn là Thiên Chúa, người là Đấng hằng sống, nhưng người đã nhập thể làm người để chia sẻ kiếp sống con người với chúng ta. Khi nhập thể, người đã muốn trở nên hoàn toàn giống như chúng ta mọi đàng, tức là người đã tự hủy, mang lấy thân phận nô lệ và nhất là người đã vâng phục cho đến chết trên thập giá. Đây cũng chính là điều kiện để Thiên Chúa siêu tôn người và ban tặng cho người một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Không phải bởi vì Đức Giêsu không có danh hiệu thần linh này mà người phải tự hạ cho đến chết để được Chúa Cha ban tặng. Nhưng là người đón nhận cho chúng ta là những con người để khi người được tôn vinh thì đó cũng chính là điều kiện để chúng ta được đón nhận vào sự sống đời đời của Thiên Chúa, bởi vì khi được tôn vinh, Đức Giêsu được tôn vinh với thân xác con người mà người đã đón nhận vì chúng ta. Bởi vì chúng ta cần nhớ lại nguyên tắc của thánh Phaolô cũng như của thánh Gioan. Đó là Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa, là nguyên lý của mọi tạo thành là con người chúng ta. Chính nhờ người, bởi người và trong người mà chúng ta được tạo dựng và chúng ta được cứu độ. Mọi sự chúng ta được có và nhận lãnh là do Đức Giêsu là vừa là Con Thiên Chúa vừa là trưởng tử của một đoàn em đông đúc.

          Vì thế, câu chuyện Tin mừng hôm nay được rút ra từ Phúc âm thánh Gioan, tường thuật cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Nicôđêmô. Cuộc đối thoại này được xem như một cuộc đối thoại thần học giữa Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, và Nicôđêmô như là đại biểu của giới do thái giáo. Do thái giáo vốn thừa hưởng giáo huấn từ lề luật và các tiên tri với nền phượng tự ở đền thờ. Thế nhưng vào giai đoạn này của lịch sử dân tộc, khi họ đã trải qua những giai đoạn thăng trầm từ hành trình sa mạc, cho đến thời kỳ lập quốc dưới những vĩ nhân như Môisen, Đavít và các tiên tri như Êlia, Isaia, rồi thì bị lưu đày và hồi hương, và giờ đây họ lại rơi vào hoàn cảnh bị thống trị bởi những người rôma. Nicôđêmô tìm tới nói chuyện với Chúa Giêsu ban đêm cũng là hình ảnh biểu tượng cho sự bế tắc của do thái giáo. Chúa Giêsu khẳng định với Nicôđêmô chân lý bất di dịch, không ai có thể lên trời được ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con người  vốn ở trên trời. Từ nay, viễn tượng cần phải mở rộng hơn, đó là không chỉ là viễn tượng chính trị của một dân tộc độc lập mà Nicôđêmô nhắm tới, Chúa Giêsu đưa ông tới một viễn tượng mới lớn hơn mà có lẽ ông không nghĩ tới, đó là viễn tượng vĩnh cửu và thần linh : chúng ta không nhắm tới một viễn tượng giới hạn là sự độc lập của dân tộc mà chúng ta nhắm tới đời sống vĩnh cửu thần linh. Và hơn nữa, để đón nhận được thực tại mới này, cần nhờ đến Con người cũng chính là Con Thiên Chúa, vốn từ trời đến để đưa chúng ta vào thiên quốc đón nhận sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu nhắc lại hình ảnh con rắn đồng trong sách Dân số để nói đến cái chết của chính người trên thập giá. Đối với Nicôđêmô cũng như đối với những người do thái, việc Đức Giêsu chịu chết trên thập giá là một sự ô nhục. Một con người chết trên thập giá là một tội nhân, là đồ bị chúc dữ. Thế nhưng theo đức tin Kitô giáo, là chính cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã được báo trước bởi hình ảnh con rắn đồng trong sách Dân số. Chính những người do thái, do bởi thái độ tự mãn của mình, đã không biết nhìn trong thực tế lịch sử những diễn biến mà Thiên Chúa thực hiện cho họ, đã được báo trước trong lịch sử của chính dân tộc họ. Chúa Giêsu kết luận cuộc đối thoại bằng cách nhấn mạnh với Nicôđêmô về tình yêu của Thiên Chúa : Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến độ sai chính con một của mình để những ai tin vào người con này thì không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời. Đứng trước sự ác độc của con người là giết chết chính người con của Thiên Chúa trên thập giá, thì Thiên Chúa lại biến đổi cái chết của người thành cái chết cứu độ bằng cách Phục sinh người. Khi người con của Thiên Chúa bị giết chết trên thập giá, người đã biến đổi thập giá là tội ác của con người trở nên khí cụ của sự phục sinh bằng chính sự vâng phục tự hạ cho đến chết của mình. Thập giá trở nên khí cụ cứu độ không phải do tự nó, nhưng cho chính sự vâng phục trọn vẹn của Đức Giêsu. Đức Giêsu, khi đón nhập thập giá, người đã đón nhận với tất cả tình yêu của mình, tình yêu đối với ý muốn cứu độ của Chúa Cha cho mọi người, và tình yêu đối với mọi người không trừ ai dù là những người tội lỗi.

          Khi đối diện với những đau khổ và sự chết, chúng ta thường lẫn trốn hay than trách. Chúng ta không có đủ sức mạnh để chiến thắng được sự chết. Mừng lễ suy tôn thánh giá, chúng ta cần nhớ phải chiến đấu để chiến thắng đau khổ và sự chết bằng cách kết hợp những đau khổ của mình với thập giá của Đức Giêsu. Không ai lại muốn chọn cho mình đau khổ và sự chết cả, nhưng cũng như Đức Giêsu, chúng ta cần phải biết vâng phục và tự hạ, chúng ta đón nhận để có thể đi vào đời sống mới Phục sinh. Chúa Giêsu là gương mẫu của chúng ta qua con đường khổ giá để đến vinh quang phục sinh.