Chúa Nhật XXXII thường niên |
HÃY TỈNH THỨC VÀ CHỜ ĐỢI |
Lm Giuse Đinh lập Liễm |
A. DẪN NHẬP.
Con người ai cũng phải nghĩ tới tương lai. một tương lai đầy hy vọng và tốt đẹp. Người khôn ngoan thật là người phải biết chuẩn bị cho tương lai tươi sáng đang đón chờ tức là phải nhắm đến cái cùng đích của mình. Cùng đích của mình là phải chiếm hữu được Nước Trời. Cuộc sống ở trần gian này là một thời ước mong và chờ đợi.
Những bài đọc trong Thánh lễ hôm nay nói về sự chờ đợi đó và sống trong sự chờ đợi này ngõ hầu không phải vỡ mộng vô phương cứu chữa sau khi chờ đợi. Nhưng nhiều người đã vỡ mộng thật ! Nếu vào ngày chúng ta chết, vì thiếu khôn ngoan và lo xa, chúng ta lại nghe Chúa phán :”Ta không biết các ngươi”.
Cuộc sống trần gian chỉ là cuộc hành trình về Quê Trời. Đã nói đến hành trình thì phải nói đến hành trang, mà hành trang của Kitô hữu là chiếc đèn đầy dầu, tức là một cuộc sống lành thánh và đầy công phúc. Cuộc sống ở đời này rất bấp bênh, kết thúc lúc nào không ai biết vì “sinh hữu hạn, tử bất kỳ” !
Vì thế, bổn phận của chúng ta là phải tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Một khi đã chuẩn bị sẵn sàng thì chúng ta sẽ được bình yên, không còn lo sợ trước cái chết vì “Cẩn tắc vô ưu” mà !
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
1. Bài đọc 1 : Kn 6,13-17.
Trong bài đọc một này Thánh Kinh thôi thúc chúng ta tìm sự khôn ngoan, vì Khôn ngoan là món quà cao qúi mà Thiên Chúa ban cho con người. Hãy tìm kiếm khôn ngoan và Khôn ngoan sẽ đáp ứng, Khôn ngoan sẽ đến gặp chúng ta như một người bạn. Nhờ có khôn ngoan mà con người biết sống thế nào cho phải, tìm ra cái gì phải tìm. Nhờ có đức tính này mà con người có thể định hướng được cuộc đời của mình mà không sợ lạc hướng.
Đối với người Kitô hữu, sự khôn ngoan ấy được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nói :”Ta là đường, là sự thật và sự sống”. Ai theo Ngài sẽ tiến tới con đường cứu độ.
2. Bài đọc 2 : 1Tx 4,13-18.
Thánh Phaolô vui mừng vì thấy tín hữu Thessalonica đón nhận Tin mừng do Ngài rao giảng và sống đức tin vững vàng. Nhưng họ có một tâm trạng lo âu : họ đang mong chờ đến ngày tận thế để được gặp Chúa Giêsu, nếu họ chết trước thì họ sẽ không được gặp Ngài.
Nhưng thánh Phaolô làm cho người Thessalonica yên tâm bằng cách cho họ tin chắc rằng : khi Chúa đến, tất cả mọi người dù còn sống hay đã chết đều được gặp Ngài và sau đó được sống hạnh phúc bên Ngài mãi mãi. Vì thế, họ hãy tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến trong tinh thần tin tưởng.
3. Bài Tin mừng : Mt 25,1-13.
Dụ ngôn 10 cô trinh nữ nói lên sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa là biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa quang lâm. Chúa sẽ đến nhưng chúng ta không biết ngày nào giờ nào. Việc chúng ta phải làm là hãy dự trữ đầy đủ dầu đèn tức là phải tỉnh thức. “Tỉnh thức” ở đây, qua hình ảnh chiếc đèn đầy dầu, có nghĩa là lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng.
Chắc chúng ta thắc mắc về một chi tiết : 5 cô khôn ngoan không cho 5 cô khờ dại vay mượn dầu. Phải chăng chi tiết này nói lên tính ích kỷ của các cô khôn ngoan ? Chắc không phải thế ! Chúa Giêsu muốn dùng chi tiết này để nói rằng trước số phận đời đời không ai có thể giúp ai được , mỗi người phải tự lo lấy . Vậy mỗi người phải tự lo bằng cuộc sống lúc nào cũng sẵn sàng trả lẽ trước mặt Chúa.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA. Tỉnh thức và sẵn sàng. I. BỐI CẢNH CỦA DỤ NGÔN.
1. Phong tục cưới hỏi người Do thái.
Khi đọc dụ ngôn này, chúng ta thắc mắc nhiều điều vì phong tục cưới hỏi của người Palestine thời Chúa Giêsu khác hẳn với phong tục của chúng ta ngày hôm nay. Muốn hiểu dụ ngôn 10 cô trinh nữ đón chàng rể, ta nên xem qua phong tục của người Do thái.
Tiến sĩ Alexander Findlay để lại những điều ông đã thấy ở xứ Palestine. Ông viết :”Khi chúng tôi đến gần cổng một thị xã Galilê, tôi thấy 10 cô gái vẫy tay và đánh đàn vui vẻ, nhảy múa dọc theo con đường phía trước xe chúng tôi. Tôi hỏi họ đang làm gì vậy ? Người hướng dẫn trả lời là họ ra nhập bọn với cô dâu chờ chàng rể đến. Tôi hỏi anh ta xem có dịp thấy đám cưới này không, anh lắc đầu đáp :”Có thể tối nay, tối mai hay có khi cả hai tuần lễ nữa, không ai biết chắc lúc nào đám cưới cử hành”.
Đoạn anh tiếp tục giải thích rằng : một trong những niềm vui lớn nhất trong một đám cưới trung lưu ở Palestine là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ, vì vậy, chàng rể thường đến bất ngờ, đôi khi vào lúc nửa đêm. Theo ý của công chúng thì chàng rể phải cho một người đi trước để la lên rằng :”Kìa, chàng rể đang đến”. Việc đó có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nên nhà gái phải luôn luôn sẵn sàng đi ra đường để đón chàng rể khi chàng đến. Những điểm quan trọng khác là không ai được phép ở ngoài đường sau khi trời tối nếu không có đèn. Khi chàng rể đến và cửa đóng lại thì những người đến trễ không được phép vào. Đó là toàn thể quang cảnh dụ ngôn mà Chúa Giêsu nêu ra.
Dụ ngôn có nhiều chi tiết nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn dựa vào phong tục rước dâu để nói lên sự tỉnh thức và sẵn sàng.
2. Ý nghĩa dụ ngôn.
Dụ ngôn này nhằm cảnh cáo những thính giả gần là người Do thái và những thỉnh giả xa là chúng ta ngày hôm nay là phải tỉnh thức và sẵn sàng. * Dụ ngôn nhằm trực tiếp vào người Do thái. Họ là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, cả lịch sử của họ đúng ra là một cuộc sửa soạn cho cuộc giáng sinh của Con Thiên Chúa, lẽ ra họ phải chuẩn bị cho Ngài tới. Nhưng họ đã không chuẩn bị đóp tiếp Ngài, vì thế họ đã bị loại ra như 5 cô trinh nữ khờ dại.
* Dụ ngôn còn gián tiếp cảnh cáo chúng ta khi chúng ta không chuẩn bị đón tiếp Chúa đến trong ngày tận thế và nhất là trong ngày sau hết của đời mình. Chúng ta quá mải mê với đời sống ở trần gian, chỉ biết tìm hạnh phúc chóng qua ở đời này mà quên đi hạnh phúc thật đời sau. Chúng ta rất dễ lần nữa trễ nải đến nỗi không còn thời giờ chuẩn bị mình đến gặp Chúa vì Chúa đến rất bất ngờ.
* Dụ ngôn này nhấn mạnh đến tính cách bất ngờ. Cl Tassin viết :” Dụ ngôn về lụt đại hồng thủy trình bầy cho thấy sự phán xét của Thiên Chúa ập xuống nghiệt ngã giữa dòng đời thường của con người. Dụ ngôn kẻ trộm đêm kêu gọi phải tỉnh táo truớc mọi thứ bất ngờ không hẹn trước. Và dụ ngôn về người đầy tớ trung tín nêu rõ tinh thần vâng phục, Chuá phải là linh hồn của thời gian chờ đợi. Hội thánh sống với lòng mong đợi ngày cánh chung ở cuối chân trời, nhưng cuộc phán xét đã bắt đầu hôm nay, trong những lựa chọn của đời sống hằng ngày”. (Tassin, l’Évangile de Matthieu, Centurion, tr 260).
II. BÀI HỌC ĐƯỢC RÚT RA.
Ngày xưa, Chúa Giêsu cảnh cáo những người Do thái không chịu chuẩn bị cho Ngài đến trong việc cứu chuộc loài người, nên họ đã bị loại ra ngoài và dành cho các dân tộc khác. Ngày nay, với dụ ngôn này, Chúa cũng cảnh cáo chúng ta đừng quá mê man sự thế gian mà quên đi giờ chết của mình. Chúa sẽ đến gọi chúng ta ra khỏi đời này một cách bất ngờ và ngày giờ nào chúng ta không biết. Chỉ có một điều chúng ta phải làm là tỉnh thức và sẵn sàng.
1. Mọi người đều phải chết.
Kinh nghiệm người đời cho hay : không ai có thể sống mãi. Từ xưa đến này, người ta đã nỗ lực đi kiếm tìm thuốc trường sinh, nhưng đã thất bại. Bao nhiêu anh hùng cái thế, bao nhiêu vĩ nhân lừng danh thế giới đã qua đi, chỉ còn lưu lại trên sử sách. Vì thế người ta mới đặt một dấu hỏi và tự trả lời :”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử”: người ta xưa nay ai mà không chết ? Theo Kinh thánh, ông Adong sống thọ 930 tuổi, ông Noe 950 tuổi, ông Mathusalem 969 tuổi, tất cả đều đã chết. Vì thế người ta mới nói :
Người đời hữu tử hữu sinh Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm. Biết là mọi người sẽ phải chết đấy, nhưng mấy ai nghĩ đến sự chết để dọn mình ?
Nhà nhiếp ảnh Mạnh Đan có chụp một bức hình thần tình. Bức hình trình bầy hai nhân vật : một cụ già đang quay lưng đi, một thiếu niên đang quay mặt lại. Và tác giả đã đặt cho bức hình ấy một tên không thể khéo đẹp hơn : QÚA KHỨ VÀ TƯƠNG LAI.
Thật vậy, quá khứ và tương lai, hay là lớp người già và lớp người trẻ, là hai hạng người ngồi châu lưng lại cho nhau. Lớp người trẻ nhìn về phía trước mặt. Lớp người già nhìn về phía sau lưng. Vì thế Thánh Kinh nói :”Trẻ thì mộng tới tương lai, già thì chiêm bao về quá khứ” (Joel 3,1).
Tâm lý trẻ già khác nhau đấy : người thì nhìn về quá khứ, người thì nhìn về tương lai. Nhưng cả hai ít khi nghĩ đến sự chết kể cả người già, vì chết là một cái gì bi quan làm mất đi niềm vui của cuộc sống. Do đó, người ta tạm quên đi để hưởng trọn cuộc đời đầy bấp bênh này.
Tuy niên, cũng có những người khôn ngoan biết lo xa để chuẩn bị cho ngày ra đi vĩnh viễn của mình. Vua Ferdinand II của Pháp, ở trong phòng giấy và nơi ngủ, ngài dạy phải viết câu này :”Annos aetrenos in mente habui” (Tôi hằng nhớ những năm vô tận).
2. Giờ chết đến bất ngờ.
Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng lời khuyên :”Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào” (Mt 25,13). Lời khuyên dụ tỉnh thức ở đây giống như câu đầu của dụ ngôn chủ nhà (Mt 24,42) vì không biết ngày nào giờ nào ông chủ về, nên người đầy tớ phải tỉnh thức luôn. Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng này giữ con người ở tình trạng thường xuyên sống trong ơn nghĩa Chúa và gia tăng việc lành phúc đức mỗi ngày một hơn.
Truyện : núi lửa Vésuve.
Cách đây hơn 1900 năm, núi lửa Vésuve đã phun lên ở Italia. Khi núi lửa ngưng phun lửa, thành phố Pompéi đã bị chôn dưới lớp phún thạch tới 18 bộ (gần 6 mét). Thành phố vẫn giữ nguyên dạng như thế mãi đến thời gian gần đây, khi các nhà khảo cổ khai quật nó lên.
Mọi người cũng phải ngạc nhiên về những điều khám phá được... Phún thạch đã làm đông cứng mọi người ngay trong tư thế họ đang có khi cơn đại họa đổ xuống. Các thân xác người ta đều bị hư hoại. Trong khi hư hoại, chúng để lại những lỗ trống trong lớp tro cứng. Bằng cách đổ dung dịch thạch cao vào những lỗ trống, các nhà khảo cổ học có thể khôi phục lại hình các nạn nhân.
Một số nạn nhân này đã gây xúc động. Chẳng hạn có một thiếu phụ đang cuốn chặt đứa con trong tay mình, hoặc một lính gác Rôma đang đứng thẳng người tại trạm gác, trên người trang bị vũ khí đầy đủ. Anh ta vẫn trầm lặng trung tín với phận sự tới lúc cuối cùng... Nhưng cũng có người chết đang lúc nhậu nhẹt, có người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. (Cf M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 322-323)
3. Phải chuẩn bị sẵn sàng.
Hai bài đọc hôm nay nhắc cho chúng ta phải sẵn sàng đón ngày cuối đời mình. Khi giờ chết đến, chúng ta có sẵn sàng như 5 trinh như khôn ngoan kia không hay lại chẳng chuẩn bị gì như 5 trinh nữ khờ dại ?
a) Phải sống khôn ngoan.
Người ta thường nói :”Khôn ba năm dại một giờ”(Tục ngữ). Sự khôn ngoan đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, phải cố gắng suốt cả đời vì “chỉ có ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”, chỉ thiếu khôn ngoan một chút là trở thành dại, đem đến sự tai hại khôn lường. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta đâu là sự khôn ngoan đích thực và phải hành động ra sao để có sự khôn ngoan đó.
Như chúng ta đã biết có nhiều loại khôn ngoan : khôn ngoan chủ quan hay khách quan, khôn ngoan do kinh nghiệm hay do học hỏi, khôn ngoan xưa hay ngày nay. Và mọi sự khôn ngoan không luôn có tầm quan trọng như nhau vì có những thứ khôn ngoan chỉ hữu dụng tạm thời hay tùy cơ ứng biến, lại có những thứ khôn ngoan có giá trị bất biến mà ai cũng phải công nhận. Một trong những thứ khôn ngoan quan trọng đó mà dụ ngôn đề cập tới :”Mọi người sống ở trần gian sẽ qua đi , chỉ cần một việc quan trọng là chiếm hữu cho được Nước Trời”. Đây là sự khôn ngoan mà Chúa muốn truyền dạy chúng ta như một chân lý căn bản hướng dẫn một cuộc đời và chi phối tận gốc rễ mọi sinh hoạt của con người mong đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa đã hứa ban.
Truyện : Diogène bán sự khôn ngon.
Triết gia ngoại đạo Diogène dọn một chỗ ỡ giữa thành Athènes. Ở đó, ông treo một tấm bảng có đề chữ :”Đây có bán sự khôn ngoan”. Một người kia thấy câu đó, liền sai đầy tớ đem tiền đến mua. Diogène bỏ tiền vào túi rồi trả lời : - Hãy về thưa lại với chủ câu này :”Trong mọi sự phải nhắm chắc cái cùng đích”. Người chủ cho đó là một câu đầy giá trị. Ông truyền khắc câu đó bằng chữ vàng và treo trước cửa nhà. Như vậy, ông muốn nhắc nhở kẻ khác năng nhớ đến mục đích của con người sống trên mặt đất này, vì đó là điều quan trọng nhất.
b) Sẵn sàng đón Chúa đến.
Việc chờ đợi sẵn sàng có tính cách bản thân liên quan đến mỗi người, không ai làm thay ai được. Sự tỉnh thức và sẵn sàng này phải có luôn, kéo dài mãi chứ không phải trong một thời gian nào thôi vì Chúa đến bất ưng, Chúa có thể gọi ta ra khỏi đời này bất cứ lúc nào. Cho nên, như 10 trinh nữ, sửa sọan có đèn mà thôi, đèn cháy mà thôi cũng chưa đủ, còn phải dự trữ dầu. Cũng vậy, có đạo, có đức tin mà thôi chưa đủ mà còn phải có sự nghiệp đức tin và nhân đức nữa Đúng như người ta nói : “Đèn không dầu như cầu không nhịp”.
Đèn không dầu thì đốt không cháy, cũng như cầu không nhịp thì người đi bộ cũng như người đi xe có ngày sẽ bị té xuống sông. Con người khôn ngoan phải biết lo cho tương lai. Khôn ngoan của con người là phải cùng đích của mình, mà muốn tới cái cùng đích ấy thì phải chuẩn bị cách tỉnh thức và sẵn sàng vì “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”.
c) Phận ai người ấy lo.
Có một điều làm cho chúng ta suy nghĩ : việc 5 cô trinh nữ khôn ngoan từ chối không cho 5 cô trinh nữ khờ dại vay mượn dầu. Chi tiết này xem ra có vẻ nói về cái tính ích kỷ của 5 cô khôn ngoan, nhưng dầu sao nó cũng có ý nghĩa. Có thể đây là một chi tiết nói lên sự cô độc của con người khi chết. Mỗi người phải tự lo lấy cho mình, không ai giúp ai được. Con người sẽ một mình ra trước mặt Thiên Chúa, cùng với tất cả những gì mình có.
Đây là tư tưởng làm cho triết gia và nhà thần học Đan mạch Kierkegaard (1813-1855) ông tổ của trào lưu tư tưởng triết học hiện sinh, suy nghĩ và gợi hứng cho ông viết cuốn “Le concept d’angoisse” và suy tư một hệ thống triết học bi quan về thân phận con người.
Tuy nhiên đối với những người công giáo, chúng ta nhận định chân lý trên mà không sợ hãi lo lắng, bi quan. Trái lại, từ chân lý đó ta sẽ cố gắng để sống, định liệu lấy chính đời sống đời đời của ta bằng đời sống hiện tại vì biết rằng một mình ta sẽ ra trước toà Chúa.
Lúc đó, mỗi người sẽ lãnh nhận lấy hậu quả của mọi hành vi mình trong cuộc sống, hoặc được thưởng hoặc bị phạt. Việc thưởng phạt này do chính lương tâm của ta tự quyết định vì gieo thứ nào thì gặt thứ ấy như thánh Phaolô đã dạy :
Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. (Ngạn ngữ)
Qua tư tưởng các bài đọc của Thánh lễ hôm nay, chúng ta có thể rút ra được bài học thực hành : một ngày nào đó cuộc đời chúng ta sẽ chấm dứt. Giờ chết, giờ gặp Chúa của mỗi người chắc chắn sẽ xẩy ra, nhưng có một điều không chắc là không biết nó sẽ xẩy ra khi nào . Chúa không muốn ta biết giờ chết vì muốn để ta tập luyện tinh thần phó thác : tin vào Chúa quan phòng và tình thương của Chúa. Đồng thời chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, phải lo cho linh hồn mình, phải luôn sẵn sàng tối đa bằng cách sống tốt lành, sống trong tình trạng ơn nghĩa với Chúa. Chỉ có những ai biết sống như thế mới bảo đảm được hạnh phúc đời đời như người ta nói :”Sống lành chết thiêng”.
|