Chúa Nhật XXXI thường niên - Năm A |
SỐNG KHIÊM NHƯƠNG |
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC |
Thưa anh chị em, Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe việc Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ tránh xa những thói hư tật xấu của các luật sĩ và biệt phái. Đồng thời dạy cho các ông bài học khiêm nhường trong cung cách ứng xử, nhất là trong đời sống đạo. Các luật sĩ hay còn gọi là các kinh sư, là những nhà chuyên môn nghiên cứu giảng dạy Thánh kinh Cựu ước và cắt nghĩa lề luật. Họ có công rất lớn trong việc đào tạo những người thừa kế, để mạc khải Giavê Thiên Chúa được lưu truyền cho hậu thế trong đạo Do thái. Còn biệt phái hay còn gọi là Pharisiêu là những người tuân giữ lề luật tôn giáo rất tỉ mỉ nhiệm nhặt, niềm tin họ dựa vào giáo lý truyền thống. Không ai nghiêm túc tuân giữ luật đạo cho bằng các luật sĩ và biệt phái. Chính Chúa đã khẳng định điều đó: “Nếu các con không ăn ở công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con sẽ chẳng được vào Nước Trời đâu” (Mt 5, 20). Vậy mà tại sao Đức Giêsu lại nặng lời khiển trách họ?. Thưa, Chúa khiển trách họ vì 4 lý do sau đây: 1/ Họ “Ngồi trên toà Môsê”, nghĩa là nắm quyền giảng dạy, cho nên những gì họ nói, hãy làm và tuân giữ. Nhưng đừng noi theo hành vi của họ vì họ nói mà không làm, đó là tội giả hình (Mt 23,3). 2/ Họ ra luật cho người khác thi hành cách cứng ngắt và khắt khe, còn chính họ lại không tuân giữ, đó là tội thích quyền hành thống trị (Mt 23, 4) 3/ Họ làm những việc đạo đức bề ngoài chỉ cốt để cho người ta khen, đó là tội thích phô trương công đức trước mặt người ta (Mt 23,5). 4/ Họ ưa ngồi chỗ nhất, thích được chào hỏi nơi công cộng, thích được người khác gọi là thầy, là Rápbi đó là tội ham danh vọng (Mt 23, 6-7). Cả bốn thói xấu này đều bởi tội kiêu ngạo mà ra. Để không nhiễm lây những thói hư tật xấu của các luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ rằng: “Những gì họ dạy thì các con tuân giữ, nhưng đừng bắt chước theo các hành vi lối sống của họ”( Mt 23,3). Chúa Giêsu đến trần gian này là để mặc khải cho nhân loại biết có một Thiên Chúa là Cha và mọi người đều là anh em với nhau, con cùng một Cha trên trời. Những người được trao cho nhiệm vụ cao hơn lớn hơn, thì càng phải là người phục vụ nhiều hơn. Chức quyền chẳng qua là phương thế để phục vụ chứ không phải lợi dụng chức quyền mà thống trị người khác (Mt 23,8-11). Chúa Giêsu còn cảnh báo rằng: “Ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(Mt 23,12). Có nghĩa là ai tự cho mình hơn người khác, bắt người khác phải lụy phục mình sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Cụ thể như những luật sĩ và biệt phái đã bị Đức Giêsu nặng lời khiển trách. Còn những ai phục vụ anh em trong tinh thần khiêm tốn sẽ được Chúa nâng lên. Anh chị em thân mến, Đức Giêsu không dạy điều gì mà Ngài không làm gương trước. Thật vậy, Ngài là Thiên Chúa nhưng đã từ bỏ mọi vinh quang, mặc lấy thân phận con người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mc 10,45). Ngài đã hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-15) để nêu gương khiêm nhường và phục vụ chúng ta. Như vậy, chúng ta có làm được gì cho tha nhân thì đó chỉ là bổn phận theo gương Chúa mà thôi (Lc 17,7-10). Thế nhưng, theo bản năng tự nhiên, dường như ai trong chúng ta cũng khát vọng hơn người, khát vọng quyền lực, khát vọng danh giá, khát vọng nổi nang… Thậm chí, khi chúng ta đi lễ, đọc kinh, làm việc từ thiện hay công tác xã hội nào đó, chúng ta cũng muốn được nhiều người biết đến và ghi công tán thưởng. Trong khi đó Chúa dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, hay bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo. Và Cha của các con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ trả công cho các con” (Mt 6, 1-4). Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết mình, bớt đi tính tự cao, tự mãn, kiêu căng nhưng hãy sống khiêm nhường trong cung cách ứng xử. Đồng thời, noi gương Chúa, chúng ta biết quên mình phục vụ trong yêu thương, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ. Amen. |