Chúa Nhật XXXI thường niên - Năm A |
THÀNH TÍN - CÔNG BÌNH - THƯƠNG XÓT |
Lm Augustine S.J. |
Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng Bài Tin Mừng hôm nay là một lời cảnh cáo gay gắt chống lại lối giữ đạo của các luật sĩ và biệt phái. Ðó là hai lớp người có tầm ảnh hưởng lớn đối với các tín hữu Do thái giáo thời Ðức Giêsu. Trong bài giảng đầu tiên về Nước Thiên Chúa, Ðức Giêsu đã tuyên bố rõ với đám đông rằng: "Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ không được vào Nước Trời" (Mt 5,20). Bây giờ, về cuối sách Tin Mừng Mátthêu, Ðức Giêsu vạch rõ những điều xấu nào nơi họ cần phải loại bỏ. Nhưng trước hết hai loại người đó là ai ? Hình ảnh người Kinh Sư Kinh Sư, cũng được gọi là luật sĩ: ban đầu là nhân viên có trách nhiệm ghi chép những tài liệu tôn giáo nhằm việc sử dụng riêng tư hoặc nơi công cộng (2V 22,8; Gr 32,12). Sau thời lưu đầy Babilon cũng như trong thời Tân Ước, kinh sư là người chuyên môn nghiên cứu và dạy Kinh Thánh (Nk 8,1; x. Er 7,10). Là những chuyên gia nghiên cứu Luật đạo, các Kinh Sư lo áp dụng Luật Môsê với những quyết định có tính pháp lý, nên họ cũng chịu trách nhiệm về những tập tục cha ông để lại. Về họ, Ðức Giêsu không ngại trưng lời ngôn sứ Isaia để nói "Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân" (Mt 7,7). Tuy vậy, Kinh Sư thể hiện chức năng quan trọng trong việc cẩn thận duy trì và truyền lại cho thế hệ kế tiếp bản văn Cựu Ước và áp dụng Kinh Thánh vào đời sống người tín hữu Do thái. Các Kinh Sư giảng dạy luật đạo và đào tạo những người thừa kế để nội dung của lời giảng dạy được truyền lại qua bài bản cho thế hệ kế tiếp. Một bản ngụy tác của Sách Giảng Viên xuất hiện giữa thời Cựu Ước và Tân Ước, đã dành những lời tốt đẹp nhất để ca ngợi người Kinh Sư lý tưởng khi nói: "Người Kinh Sư được đầy tinh thần hiểu biết theo ý muốn của Thiên Chúa cao cả, nên sẽ nói những lời khôn ngoan và tạ ơn Chúa trong cầu nguyện. Người sẽ dẫn đưa lời chỉ bảo và kiến thức của mình theo chính lộ, đồng thời suy niệm những điều bí nhiệm mình đang đeo đuổi. Người sẽ vạch cho thấy điều Người chỉ bảo qua giảng dạy, nên sẽ được vinh quang nhờ Luật của Thiên Chúa Giao Ước! Sẽ có nhiều kẻ ca ngợi sự hiểu biết của Người và lời ca ngợi ấy không bị xóa đi. Người sẽ được tưởng niệm mãi chứ không bị quên, và danh thơm Người sẽ còn mãi qua các thế hệ. Các dân nước sẽ công bố đức khôn ngoan của Người - và cộng đoàn sẽ cao rao lời ca tụng Người (Gv ngụy tác 39,6-11). Những đám đông khi nghe Ðức Giêsu giảng bài Tin Mừng đầu tiên về Nước Thiên Chúa, họ nhận ra ngay "Người giảng như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ" (Mt 7,29). Một Kinh Sư có thể là thành viên hay không là thành viên của phe phái Pharisêu. Hình ảnh người Pharisêu thời Ðức Giêsu Pharisêu có nghĩa là những người tách biệt theo nghĩa chữ Hipri. Ðó là những người giáo dân Do thái giáo cam kết về hai điều này: một là tuân giữ cách khắt khe các qui định Do thái giáo liên quan tới những đòi hỏi về trong sạch theo phụng tự; hai là chu toàn cách tỉ mỉ những bổn phận trong đạo, như nộp thuế thập phân cho Ðền Thờ, thực hiện những cuộc thanh lọc đúng như đòi hỏi của nghi lễ. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hình ảnh người Pharisêu đối địch với Ðức Giêsu, nhưng cũng nên nhớ rằng một số người Pharisêu sau này gia nhập Kitô giáo, mà nổi bật hơn cả là Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại. Vào thời Ðức Giêsu, con số người Pharisêu được ước tính khoảng 6,000, theo sử gia Giuse (Josephus) gốc Do thái. Con số ấy không đông nhưng ảnh hưởng của họ vẫn lớn như thấy nơi các hội đường Do thái giáo. Ở đây người ta đọc kinh nguyện và tổ chức phụng vụ theo nề nếp của người Pharisêu, mặc dầu quyền bá chủ trên các hội đường này thuộc phe Xađốc là phe quyền lực về chính trị. Ảnh hưởng của người Pharisêu phát sinh do hai lý do. Một là giới bình dân rất kính trọng họ bởi lẽ họ cam kết giữ đạo cách nghiêm nhặt. Hai là có một số người Pharisêu tham dự thượng hội đồng tối cao Do thái giáo, như chính Ðức Giêsu nhìn nhận khi nói "Các kinh sư và người pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy" (Mt 23,12). Về giáo lý, người Pharisêu tỏ ra chính thống khi họ tin có thế giới siêu nhiên trong đó có các thiên thần của Thiên Chúa, có sự sống bất tử với kẻ lành sống lại sẽ được Thiên Chúa ban thưởng. Họ tin vào lời chứng của Kinh Thánh cho biết Thiên Chúa sẽ phái một vị được xức dầu tấn phong (Mêxia) tới để hồi phục lại tự do cho con cái Ítraen. Họ tin Kinh Thánh Cựu Ước là Lời của Thiên Chúa nói với loài người; nhưng đồng thời họ còn tin rằng nhà lãnh đạo Môsê đã truyền khẩu lại cho dân Thiên Chúa một bộ luật ngang hàng với Kinh Thánh và bộ luật ấy được lưu giữ nơi truyền thống Pharisêu. Ðó là lý do tại sao người Pharisêu đã đến chất vấn Ðức Giêsu khi nói: "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?" (Mt 15,2). Ðiều trái ngược là trong khi dân chúng hết mức kính trọng người Pharisêu về lối sống nghiêm nhặt, thì người Pharisêu lại ra mặt khinh rẻ dân chúng. Họ dám nói về đám dân tin theo Ðức Giêsu rằng "còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" (Ga 7,49). Ðức Giêsu với người Pharisêu Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự xung khắc giữa Ðức Giêsu và người Pharisêu. Vấn đề giáo thuyết không được đặt ra vì về giáo lý, người Pharisêu tỏ ra khá chính thống như nói ở trên. Nhưng về nếp sống thì người Pharisêu đặt cơ sở trên truyền thống của tiền nhân, đó là điều Ðức Giêsu phủ nhận ngay ở bài giảng đầu theo Tin Mừng Mátthêu. Người tuyên bố rõ nhiều lần rằng: Luật xưa dạy như thế này... còn bây giờ tôi dạy khác chứ không như vậy (x. Mt 5,21-26; 27-30; 31-32; 33-37, 43-48). Thế là ngay từ đầu, Ðức Giêsu đã công khai đối kháng lập trường của người Pharisêu. Cuộc đối kháng này trở nên ngày một trầm trọng. Lần đầu tiên Ðức Giêsu làm phép lạ để chữa người bị bại tay trong ngày sabát, theo Mátthêu, liền bị người Pharisêu chống đối và bàn bạc để tìm cách thủ tiêu Người (x. Mt 12,9-14). Tin Mừng Máccô cho thấy Ðức Giêsu vạch trần điều sai lầm cơ bản nơi người Pharisêu khi nói: "Các ông lấy truyền thống mà các ông đã truyền lại cho nhau để hủy bỏ Lời Thiên Chúa" (Mc 7,13). Ðức Giêsu đau đớn nói lên rằng: "Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luât là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia. Quân dẫn đường mù quáng! Các ngươi lọc con muỗi nhưng lại nuốt con lạc đà!" (Mt 23,23-24) Lời tuyên bố vừa nêu của Ðức Giêsu, tóm tắt điều Người chỉ trích người Pharisêu, là họ chú trọng về việc cần làm theo truyền thống, mà bỏ quên ý nghĩa đích thực của Cựu Ước. Thánh thiện không hệ ở cố gắng tuân giữ các luật về nghi thức trong đạo. Thánh thiện hệ ở chính bản thân người tín hữu có lòng thành tín, đức công bình và lòng thương xót. Gương lành của Ðức Giêsu Riêng với người Kitô hữu, chìa khoá để hiểu bài Tin Mừng hôm nay chính là bản thân Ðức Giêsu. Từ máng cỏ, nơi Người sinh ra, cho tới cây thập tự, nơi Người chết đi, lời giảng dạy của Ðức Giêsu được tóm gọn bằng gương lành Người nêu cho các môn đệ: "Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi thì êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" (Mt 11,29). Ðức Giêsu mới là vị lãnh đạo và là Thầy vì Người là con đường, là sự thật và là sự sống. "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6). Duy mình Chúa Cha tuyệt đối; không ai là cha một cách trọn hảo như Thiên Chúa. (GLGHCG, số 239). Một số câu hỏi gợi ý 1. Bạn có thiện cảm hay ác cảm với hình ảnh sau đây về người Pharisêu: Họ nói mà không làm (c.3)? Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy (c.5)? Ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc (c.6)? Ưa được chào nơi công cộng (c.7)? 2. Còn về Ðức Giêsu, hình ảnh nào đối với bạn hấp dẫn, ngược lại với hình ảnh người Pharisêu? |