Chúa Nhật XXVIII thường niên - Năm A
CÔNG TRÌNH KỲ DIỆU
Lm Giuse Đinh tất Quý

          Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ

          lại trở nên đá tảng góc tường.

          Đó chính là công trình của Chúa,

          công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.(Mt 21,42)

 

Anh chị em thân mến.

Chúng ta vừa nghe một dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để nói về những gì mà người Do Thái đã và đang dự tính làm đối với Chúa.

Có thể nói đọc ngôn này, ai cũng hiểu ý Chúa muốn nói gì. Ai cũng hiểu những nhân vật Chúa dùng trong dụ ngôn ám chỉ về những người nào.

Ngày xưa, vườn nho là nước Do thái. Chủ vườn nho là chính Thiên Chúa. Những kẻ trồng nho mướn là những giới chức tôn giáo Do thái, là những kẻ chịu trách nhiệm với Thiên Chúa về sự hưng thịnh của quốc gia. Những đầy tớ lần lượt được sai đến là các tiên tri. Họ được Chúa sai đến nhưng đã bị chối bỏ và giết đi. Người con trai đến sau cùng không ai khác hơn là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng bị bọn thuê mướn vườn nho giết chết. Việc này chửa xảy ra nhưng chắc sẽ xảy ra. Và quả như lời Chúa tiên báo Chúa Giêsu cũng đã cùng chung một số phận như các tiên tri thuở trước. Đây là câu chuyện Chúa dùng để tiên báo về chính cái chết của Ngài.

Chúng ta thử hỏi qua dụ ngôn này Chúa muốn nói với chúng ta về những điều gì?

A. Việc đầu tiên Chúa muốn cho mọi người thấy.

1. Trước hết về Thiên Chúa. Chúng ta có thể thấy ngay:

a) Thiên Chúa tin cậy con người. Như ông vườn nho trao cho kẻ trồng nho muớn. Ông không đứng canh họ như cảnh sát, ông đi xa, để họ tự giác làm việc. Thiên Chúa cũng tôn trọng con người như thế. Người trao phó cho họ công việc của Ngài. Mỗi một công tác chúng ta nhận đều bởi Chúa trao cho chúng ta làm.

b) Thiên Chúa là Đấng nhẫn nhục. Như người chủ sai hết người đại diện này đến người đại diện khác đến với họ. Ông không báo thù ngay khi người đại diện ban đầu bị ngược đãi. Ông cho những người làm mướn trong vườn nho hết cơ hội này đến cơ hội khác để đáp ứng đòi hỏi của ông. Thiên Chúa cũng nín chịu hết mọi tội lỗi của con người và cho con người có cơ hội để ăn năn.

c) Sau cùng Thiên Chúa mới là Đấng phán xét. Cuối cùng, người chủ vườn nho đã lấy lại vườn nho và trao lại cho người khác. Cũng tương tự như thế, Thiên Chúa phán xét thật nghiêm khắc. Điều nghiêm nhất là khi Chúa lấy khỏi tay chúng ta những công tác Ngài muốn chúng ta làm. Khi đó những người bị Chúa phán xét sẽ trở nên vô dụng đối với Chúa.

2. Tiếp đến, dụ ngôn cho chúng ta thấy nhiều đều về con người:

a) Đặc quyền của con người: Vườn nho được sắp sẵn mọi thứ, có hàng rào, có hầm ép rượu và tháp canh, để giúp cho việc canh tác được dễ dàng. Thiên Chúa không những giao công tác để làm mà còn giao phương tiện để làm nữa.

b) Sự tự do của con người: người chủ vườn để những người thuê mướn được hoàn toàn làm việc theo ý thích. Thiên Chúa không phải là người độc đoán, Ngài như một vị chỉ huy khôn ngoan trao phó công tác rồi để cho họ làm.

c) Con người phải trả lời về hành vi của mình. Tất cả mọi người đều sẽ có một ngày phải tính sổ. Chúng ta phải trả lời Thiên Chúa về cách chúng ta thi hành công tác mà Ngài trao cho.

d) Con người cố tình phạm tội: trong dụ ngôn những người làm mướn trong vườn nho đã cố tình thực hiện kế hoạch chống lại và không vâng phục ông chủ. Tương tự như, thế tội lỗi là cố ý chống lại Thiên Chúa, là cố tình theo đường lối riêng dù đã biết rõ đường lối Chúa như thế nào.

3. Cuối cùng dụ ngôn nói cho chúng ta về Chúa Giêsu.

a) Chúa Giêsu là ai? Dụ ngôn cho chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu là ai. Ngài là Đấng hơn các tiên tri đi trước. Những người đã đến trước Ngài chỉ là những sứ giả của Thiên Chúa, không ai có thể phủ nhận vinh dự đó của họ, nhưng họ chỉ là tôi tớ, còn Ngài mới là Con. Ví dụ này là một lời tuyên xưng rõ rệt nhất về Chúa Giêsu, về địa vị độc đáo của Ngài và xác định rõ ràng Ngài hơn các vĩ nhân đã đến từ trước.

b) Sự hy sinh của Chúa Giêsu: dụ ngôn rõ ràng cho thấy những gì đang ở phía trước. Những kẻ làm vườn gian ác đã giết con trai của chủ. Chúa Giêsu không nghi ngờ gì về những việc đang chờ đợi Ngài. Ngài không chết vì bị bắt buộc phải chết nhưng Ngài sẵn lòng đi tới và đối diện với cái chết.

B. BÀI HỌC.

Bài học cụ thể nhất mà mọi người có thể thấy: Đó là Thiên Chúa có chương trình của Ngài.

Đây là chương trình do chính Thiên Chúa Cha hoạch định và Chúa phải thi hành.

Không ai có thể cản trở được chương trình của Thiên Chúa.

Con người đừng có ảo tưởng có thể làm cho công trình của Thiên Chúa phải thất bại.

Mọi âm mưu của con người sẽ thất bại khi Thiên Chúa ra tay uy quyền.

Họ chớ có tưởng khi giết được Chúa Giêsu là họ đã có thể ăn mừng chiến thắng.

Thiên Chúa sẽ cho họ thấy quyền năng của Chúa. "Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.(Mt 21,42)

Malebon là tên của một tảng đá rất nổi tiếng tại tiểu bang California. Tên của tảng đá này được người ta nhắc đến do một sự tinh cờ: Ngày nọ, có một người dân làm đơn khiếu nại Sở Kiều lộ. Người này báo động rằng vì nạn đất chùi, tảng đá này có thể đổ xuống làm hư nhà; và thế là hai chiếc trực thăng yểm trợ cho hai xe cẩu loại lớn, người ta đã đưa tảng đá ra xa lộ.

Theo dõi câu truyện trên đài truyền hình, một người Úc nọ đến mua tảng đá đó với giá 100 Mỹ kim. Sở Kiều lộ của thành phố mừng thầm vì ít ra cũng có người giúp họ di chuyển cái của nợ ấy ra khỏi xa lộ. Sau đó, người Úc bỏ ra 20.000 Mỹ kim để thuê xe chuyên chở tảng đá ấy về nhà, và sau bốn tháng miệt mài, anh đã tạc được chân dung của một tài tử nổi tiếng chuyên đóng phim cao bồi. Đó là món quà qúi nhất mà người Úc đã dành cho tài tử này truớc khi nhắm mắt lìa đời. Không bao lâu sau đó, tác phẩm đã được bán cho một người chuyên sưu tầm với giá một triệu Mỹ kim.

Tảng đá Melebon trên đây đã bị nhiều người xem như là một của nợ cần vứt đi, nhưng một người Úc đã nhìn ra nó như một thách đố để thực hiện một công trình vĩ đại. Sự thành công trong cuộc sống thường được nhiều người gán cho là một sự ngẫu nhiên hay một vận may nào đó. Nhưng người có niềm tin thì xem đó là sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Trước Công nghị Do thái, thánh Phêrô đã giải thích về cái chết của Chúa Giêsu, với câu nói thời danh: “Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường”. Cái chết của Chúa Giêsu quả thực là một hành động đê hèn dã man của người Do thái, nhưng Thiên Chúa đã biến cái chết ấy trở thành biểu tượng của tình yêu, và nguyên nhân cứu rỗi của con người. Đó là điều quan trọng mà mọi người có thể học được qua bài dụ ngôn hôm nay. Amen.