Chúa Nhật XXVIII thường niên - Năm A |
HÃY NGHIÊM CHỈNH THAM DỰ TIỆC CƯỚI CỦA HOÀNG TỬ |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra là lời mời gọi tham dự tiệc cưới của nhà vua cho hoàng tử của mình. Đây là một đại tiệc, và lời mời được gửi đi nhiều lần. Ai lại từ chối một bữa tiệc lớn lao như thế? Ấy vậy mà cũng có người đang tâm từ chối và chuốc lấy những hậu quả nặng nề. Lời mời gọi tham dự được gửi đến mỗi người chúng ta là những khách mời bất ngờ thế nhưng lại là những người được đi vào phòng tiệc cưới. Thế nhưng chúng ta có mặc y phục lễ cưới theo qui định không? Đó là câu hỏi mà bài dụ ngôn hôm nay muốn đặt ra cho chúng ta.
Bữa tiệc của Hoàng tử thường được so sánh với bữa tiệc của Đấng Cứu thế Messia bởi vì Đấng Messia này chính là chàng rễ của thời cánh chung (Mt 9,15; Ga 3,29; Ep 5,25-32; Kh 21,2-9). Khai triển rộng biểu tượng hình ảnh này, tiệc cưới của chàng rễ trở nên hình ảnh của bữa tiệc thời Đấng thiên sai như trong câu chuyện dụ ngôn chúa nhật này. Việc nối liền hai ý nghĩa này có thể hiểu được bởi vì chàng rễ xuất hiện cũng chính là Đấng cứu thế được tiền báo cách long trọng; cả hai bữa tiệc đều là cử hành với đặc trưng tiêu biểu là rượu thịt đầy bàn, nhạc đàn múa hát vui vẻ của một bữa tiệc long trọng được chuẩn bị hết sức chu đáo.
Trong cả hai bài đọc thứ nhất và bài thánh vịnh đáp ca, Thiên Chúa là Đấng cung cấp dư dật “thịt béo rượu ngon”, và là Đấng “bày bàn ăn”. Trong Phúc âm, chính nhà vua chuẩn bị bữa tiệc cho tiệc cưới của hoàng tử. Nói rõ hơn, đây không phải là những sự kiện thông thường mà có một tầm vóc quan trọng khác thường. Ngoài việc trình bày sự sang trọng của bữa tiệc, câu chuyện còn nhấn mạnh sự tử tế mời mọc của nhà vua khi mời các thực khách và cung cấp mọi nhu cầu cho họ, cũng như nhấn mạnh đến chiều kích cánh chung của bữa tiệc này vốn là bữa tiệc quyết định, bữa tiệc mong đợi sau bao thời gian chờ đợi lâu dài và sẽ là một bữa tiệc đầy tràn niềm vui và hạnh phúc của một tình yêu chờ đợi đã rất lâu dài. Hơn nữa câu chuyện còn có chi tiết mọi người sẽ phải trầm trồ khen ngợi hạnh phúc của bữa tiệc này vì khi đó mọi người sẽ nói lý do của niềm vui và hạnh phúc lớn lao là vì Chúa là Đấng cứu độ và Người thực hiện ơn cứu độ cho dân người.
Câu chuyện của bài dụ ngôn Tin mừng thuật lại hai lần các đầy tớ được sai đi mời khách dự tiệc. Có thể là lần mời thứ nhất được phát đi trước tiệc cưới, và lần mời thứ hai, chính thức hơn, được gửi đi để nhắc nhở các khách mời dự tiệc cưới cách khẩn khoản với những lời lẽ rất niềm nở: bò bê và súc vật béo tốt đã sẵn, kính mời mọi người đến dự. Dù sao, phúc âm chúa nhật này cũng giống phúc âm chúa nhật tuần trước, là trong cả hai dụ ngôn này, hai nhóm đầy tớ đã được gửi đi lần lượt và đều bị từ chối. Không những thế, các đầy tớ này còn bị bắt, bị đánh đập nhục mạ và bị giết chết. Vì thái độ kiêu căng và tàn ác của họ, những thủ phạm trong hai dụ ngôn này đều bị tước quyền làm việc vườn nho hay tham dự tiệc cưới. Câu chuyện dụ ngôn tuần này còn gợi lên việc thành Giêrusalem bị phú hủy năm 70 sau công nguyên khi nói nhà vua sai quân lính tiêu diệt bọn sát nhân cùng với thành phố của họ. Sau đó, nhà vua sai đầy tớ ra các ngả đường bất luận và mời mọi người vào cho đầy phòng tiệc cưới. Để rồi khi nhà vua đi vào quan sát các khách mời, nhà vua bỗng trở nên giận dữ vì có một khách mời tham dự tiệc cưới mà không có y phục lễ cưới. Nhà vua đã truyền lệnh trao người này cho lý hình tống vào nơi tối tăm.
Tham dự những buổi lễ như cưới hỏi, sinh nhật, tân gia vốn là những chuyện rất thường trong đời sống xã hội của chúng ta. Những lần đi dự những cuộc lễ như thế, chúng ta sống và muốn chứng tỏ tình cảm, tình bạn, mối hiệp thông liên đới của chúng ta với mọi người. Có như thế, khi gia đình chúng ta hữu sự, người khác mới đến với chúng ta. Và dĩ nhiên, chúng ta sẽ thất vọng biết bao khi vất vả chuẩn bị tiệc tùng cổ bàn, hy vọng bạn bè sẽ đến mà không ai đến cả.
Đọc câu chuyện dụ ngôn chúa nhật này, chúng ta cũng mường tượng sự thất vọng và tức giận của nhà vua vì thái độ của các khách mời. Thực ra ở đây tình tiết câu chuyện cho chúng ta thấy các khách mời dự tiệc không phải chỉ vì là tình bạn, hay chỉ vì là những thần dân trung thành của nhà vua mà họ phải đến dự. Cùng với bài đọc thứ nhất của sách tiên tri Isaia, câu chuyện dụ ngôn này thực sự cho chúng ta thấy một lý do thực quan trọng khác. Đây chính là bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc thời cứu độ của Thiên Chúa mà mọi người không được coi thường. Trong câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu, lời mời được đưa ra hai lần và nhấn mạnh lý do : chính nhà vua tổ chức tiệc cưới, thật long trọng để mừng tiệc cưới của hoàng tử, và lời mời được đưa ra và nhắc lại nhiều lần. Những khách mời đã dại dột và kiêu căng từ chối và phải lãnh hậu quả nặng nề vì sự khinh suất của họ, họ bị tiêu diệt cùng với thành phố của họ. Bài đọc thứ nhất đã cho thấy là tiệc cưới chính là bữa tiệc Đấng thiên sai của đời sống vĩnh cửu. Đây là lời mời được gửi đến chúng ta: nhận lời hay không có nghĩa chúng ta sẽ nhận hay từ chối hạnh phúc của đời vĩnh cửu khi mà Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ.
Tuy nhiên việc chúng ta nhận lời dự tiệc cưới không phải chỉ là đến dự tiệc cưới. Trong phần cuối của dụ ngôn còn có một lời phán xét: sao anh vào đây mà không mặc y phục lễ cưới. Cũng như nhà vua phải chuẩn bị để tổ chức tiệc cưới, thì khách mời cũng phải chuẩn bị để tham dự tiệc cưới (“mặc trang phục lễ cưới”). Mọi người đều được mời vào dự tiệc Thiên Chúa, thế nhưng cũng đòi hỏi những trách nhiệm đi kèm theo lơi mời này. Những tội nhân cũng được mời, thế nhưng họ phải hối cải và sửa đổi đời sống tội lỗi của mình để sống đời sống mới tốt đẹp. Để tham dự bữa tiệc của Thiên Chúa, khách được mời phải chu toàn phần việc của mình, tức là sống thánh ý Thiên Chúa trong đời sống của mình.
Thật không thể ngờ được những khách mời lại khinh suất đến thế đứng trước lời mời quan trọng của chủ tiệc vào một thời điểm quyết định như thế! Thế nhưng chính chúng ta là những khách mời tham dự một bữa tiệc trọng đại này, và chính chúng ta cũng có thể không nhận thức được tầm quan trọng của bữa tiệc này cũng như có thể không chuẩn bị chính mình xứng đáng với bữa tiệc này. Đời sống hằng ngày của chúng ta không phải là không hệ trọng, bởi vì ngay cả những việc nhỏ mọn chúng ta làm cũng đang góp phần giúp chúng ta mặc chiếc áo cưới của mình. Việc hoán cải liên tục của chúng ta sẽ chuẩn bị chúng ta để tham dự lễ cưới này. Trong khi bữa tiệc thời thiên sai là một sự kiện tương lai, thì đồng thời chúng ta đã được chia sẻ bữa tiệc đó ngay từ bây giờ mỗi khi chúng ta đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc Thánh Thể cũng là một bữa tiệc trọng đại và cũng đòi hỏi phải chuẩn bị sẵn sàng. Câu chuyện dụ ngôn của Phúc âm mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị chính mình để tham dự bữa tiệc trọng đại mà chúng ta là những khách mời đồng thời chiếc áo cưới là việc chuẩn bị trong chính đời sống của chúng ta. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở một phần nào việc chuẩn bị này khi chia sẻ than tình với chúng ta đời sống của ngài. Thánh Phaolô nói trong mọi hoàn cảnh, ngài đã biết chịu cảnh thiếu thốn hay biết hưởng sung túc, trong mọi trường hợp, ngài đã học biết no biết đói, biết dư dật và thiếu thốn bởi vì ngài đã biết làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho ngài. Bàn tiệc thời Đấng thiên sai là hình ảnh ẩn dụ của đời sống thần linh vĩnh cửu mà chúng ta được mời gọi tham dự ngay từ cuộc đời hiện tại với y phục lễ cưới là chính cách sống của chúng ta. Chúng ta được mời gọi hãy có thái độ hiểu biết nghiêm chỉnh về tầm mức thực quan trọng và cần thiết đối với chúng ta bởi vì chúng ta được mời gọi tham dự vào đời sống hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa rất yêu thương và chờ đợi chúng ta. |