Chúa Nhật XXVII thường niên - Năm A
LÀM THEO Ý CHÚA
Lm Giuse Đinh tất Quý

"Nước Thiên Chúa,

Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa,

mà ban cho một dân

biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi."(Mt 21,43)

Chúng con yêu quí,

Lại một lần nũa chúng con được nghe Chúa nói về một vườn nho. Vườn nho là một hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do Thái. Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để nói cho chúng ta về Nước Trời.

1. Đây là dụ ngôn tương đối dễ hiểu. Ý nghĩa dụ ngôn này như sau: Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho lúc đầu được dùng để chỉ dân Do Thái.

Dân Do Thái được Chúa chọn làm dân riêng. Đây ta hãy nghe tiên tri Isaia mô tả: "Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Ít-ra-en đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Giu-đa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than."(1Is 5,7)

Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước. Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai các tiên tri đến dạy dỗ họ. Quả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm sóc từng li từng tí. Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ. Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa. Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp lại bằng sự phản bội. Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa. Họ giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ. Họ còn giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng họ.

Họ tưởng họ giết được Chúa Giêsu là họ sẽ được toại nguyện.

Quả thực dụ ngôn cho thấy họ đã lầm, một sự lầm lẩn không thể sửa sai. Thiên Chúa đâu có để cho họ muốn làm gì thì làm. Tới một lúc nào đó theo đúng chương trình Chúa đã ấn định thì Ngài sẽ hành động. Khi Ngài đã ra tay uy quyền thì mọi sự sẽ phải vâng phục và lúc đó mọi người sẽ thấy chính Ngài mới là Đấng chiến thắng cuối cùng.

Ý nghĩa câu chuyện dụ ngôn hôm nay là như thế.

2. Bài Học.

Qua dụ ngôn hôm nay, chúng ta có thể thấy Chúa muốn nói với mọi người 3 điều căn bản này:

a. Điểu thứ nhất: Uy quyền tuyệt đối của Chúa trên các công trình của Ngài.

Những kẻ làm thuê trong vườn nho hôm nay đã không thấy được điều đó. Đến khi ông chủ truất quyền của họ, họ mới thấy mình bị trắng tay.

"Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân

biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi."(Mt 21,43)

Vua Alexandre băng hà, người ta chuẩn bị tống táng. Khi liệm xác, người ta đã theo lệnh nhà vua khi còn sống: “Hãy để tay mặt của Ta ra ngoài quan tài và chôn xuống huyệt cho dân chúng thấy rằng: Vua Alexandre giàu sang và uy quyền của họ ra trước Thiên Chúa với hai bàn tay trắng”.

          b. Điều thứ hai: Cái sai lầm chết người của con người trong suốt giòng Lịch sử là muốn gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình.

Những người làm vườn nho hôm nay đã toan tính âm mưu muốn làm như thế. Họ muốn loại bỏ Chúa để tự mình làm chủ hoàn toàn vườn nho. Thế nhưng những toan tính của họ đã đưa đến một kết quả thảm bại, không những họ đã mất tất cả mà còn bị tiêu diệt nữa.

Khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình thì tự họ sẽ tự rước lấy thảm hoạ. Họ sẽ không còn được sống trong sự bao bọc đầy yêu thương của Chúa nữa

Chúng ta không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của con người khi sống  không có Thiên Chúa sẽ ra sao.

Theo bản thống kê thì trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Đức Quốc Xã đã thiết lập 200 trại tập trung để giam giữ tù binh và chính trị phạm, trong đó đa số là người Do thái. Đặt biệt, người ta nhắc đến trại hãi hùng khủng khiếp nhất như Dachau ở Đức và Auschwitz ở Ba lan. Có khoảng 09 triệu người thuộc 23 quốc tịch khác nhau đã bị tiêu diệt trong trại tập trung này. Riêng nạn nhân người Do thái lên đến 06 triệu.

Khi quân đồng minh đến giải phóng một trong các trại tập trung họ thấy ngoài cổng có một tấm bảng ghi các dòng chữ sau: "Ở đây không có Thiên Chúa". Thấy cảnh tượng ghê tởm ấy, người ta không biết phải làm gì hơn là lấy cỏ che phủ lại làm nên một quả núi nhân tạo và trên đó dựng lên một cây Thánh Giá lớn để nói cho con người của thời đại biết rằng: Khi con người chối bỏ Thiên Chúa thì cũng đối xử với nhau tàn bạo hơn xúc vật.

          Bất cứ một sự chối bỏ Thiên Chúa nào cũng hàm chứa sự chối bỏ con người; và ngược lại, bất cứ sự chối bỏ và chà đạp nào đối với con người cũng là một sự chối bỏ chính Thiên Chúa.

          c. Điều thứ ba: Con người phải chịu tránh nhiệm vể cuộc đời của mình.

Đến một ngày nào đó, chúng ta phải tường trình về công việc “vườn nho” mà Chúa đã trao phó cho ta.  Đức Hồng Y Suhard đã nói: “Chúng ta chịu trách nhiệm về những điều chúng ta đã làm, đã không làm, hay đã cản trở không cho người khác làm”.

Khi con tàu khổng lồ mang tên Titanic vừa được xuất xưởng và hạ thủy, người ta có thể đọc thấy dọc theo sườn con tầu những câu khẩu hiệu kiêu căng được vẽ sơn thật lớn, ngạo nghễ như sau:

No God, No Pope! (Không có Chúa, cũng chẳng có Giáo Hoàng!) Le Christ lui même, ne le fera pas sombrer. Ni le ciel, ni la terre ne peut nous engloutir! (Ngay đến Đức Ki-tô cũng không tài nào đánh đắm con tàu này. Cả trời lẫn đất cũng không thể khiến chúng ta bị nhận chìm!).

Ngay khi ấy, một trong các công nhân đóng tàu, vốn là một người Công Giáo ở Dublin đã ghi vào trong nhật ký như một lời tiên tri: “Vì những tội xúc phạm ghê gớm đó, tôi tin Titanic sẽ không bao giờ tới được New York”

Và quả không sai, vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 14.4.1912, đúng ngày Chúa Nhật Quasimodo sau lễ Phục Sinh, tàu Titanic đã chạm mạnh vào một tảng băng khổng lồ giữa đại dương làm thủng một lỗ lớn làm con tàu bị gãy đôi. Người ta chỉ vớt được 705 người sống sót, còn 1.502 người đã chết theo con tàu kiêu hãnh...

Sau đó mấy ngày, một tờ báo lớn ở Anh đưa tin kèm theo 2 bức tranh hí họa đầy ý nghĩa: Hình vẽ con tàu và tảng băng (sự yếu đuối của con người và sức mạnh của Thiên Chúa) và hình vẽ một người đàn ông nhường chiếc phao cứu hộ cho một bà đang bế con (sự yếu đuối của thiên nhiên và sức mạnh của con người).

Muốn cuộc đời luôn được bình an thì phải để Chúa hướng dẫn. 

Một thượng nghị sĩ lịch lãm ở miền Nam nước Pháp đến Paris. Ông thuê một phòng trong khách sạn uy tín, và trả tiền phòng luôn một tháng. Viên quản lý khách sạn hỏi:

- Ông có muốn ghi biên lai không?

Thượng nghị sĩ đáp:

- Không cần thiết đâu, có Chúa làm chứng chuyện này mà.

Viên quản lý tỏ vẻ ngạc nhiên :

- Cái gì ! Thời đại này mà ông còn tin có Chúa ư?

- Ô tin chứ. Vậy ông không tin à?

- Tôi không tin, thưa ngài.

- Nếu thế thì tốt nhất ông hãy ghi biên lai cho tôi đi. (Liguorian)