Chúa Nhật XXVII thường niên - Năm A
HÃY Ý THỨC ĐỊA VỊ MÌNH TRONG VƯỜN NHO CHÚA
Lm Jude Siciliano, OP

Thưa quí vị,

       Sự đối đầu giữa Chúa Giê-su và lãnh đạo đền thờ còn tiếp tục ở Tin Mừng Chúa Nhật này. Chúa Giê-su kể dụ ngôn khác cho họ nghe. Hẳn quí vị thán phục lòng kiên nhẫn của Ngài. Ngài không kể dụ ngôn như các học sinh tổ chức tranh luận ở trường học, để xem ai thắng, ai thua. Ai lợi khẩu nhanh trí, ai không? Ngài không mong đợi đám đông vỗ tay khen ngợi vì từ ngữ thông minh, khéo léo. Cũng chẳng màng kiếm thêm “điểm” cho phe nhóm của mình như chúng ta thường làm trong các trận thi đấu kiến thức hay thể thao. Điều Ngài tìm kiếm là “các chiên lạc nhà Israel” (10, 6). Những chiên lạc khó tìm nhất lại là các lãnh đạo Do thái mà Ngài đang đối diện. Họ tự phong là chiên ngoan của Đức Chúa, nhưng kỳ thực là vườn nho tồi tệ nhất, hoang tàn nhất. Chúa Giê-su không đi rao giảng để được nhiều điểm, nhiều lời khen ngợi mà kêu gọi “kỳ mục và thượng tế” Israel thay đổi não trạng, chấp nhận Ngài và Giáo lý của Ngài. Tức là thi hành ơn gọi mà Thiên Chúa đã cắt đặt họ lên. Chỉ cho dân chúng biết Đấng thiên sai đang ở giữa họ. Hình như chúng ta cũng đang ở trong trạng thái này, vỗ ngực là tu sĩ, giáo sĩ, lãnh đạo tôn giáo, mà thực chất chỉ là những chiên lạc cứng cổ nhất, tìm kiếm địa vị, danh lợi, tiền tài mà quên nhiệm vụ chính yếu: chỉ cho giáo dân biết Thiên Chúa ở đâu? Ở các nhân đức vâng lời, nghèo khó,khiết tịnh! Thử hỏi ngày nay còn mấy tu sĩ, giáo sĩ tìm kiếm Thiên Chúa trong khiêm nhường, nghèo khó, chay tịnh, khiết trinh? Hay phần đông “tìm” Ngài trong những thứ thề gin cũng đang tìm kiếm, hưởng thụ?

     Chúng ta nên tìm hiểu bài ca vườn nho của tiên tri Isaia, đây là bài hát cổ truyền, có sẵn trong văn hoá Do thái, nhưng tiên tri đã dựng lại để nói lên sự thật trong dân. Dân đã phản bội Thiên Chúa mà chạy theo những thói tục vô luân. Thiên Chúa đã xót xa nói về họ: “Có gì hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong đợi trái tốt, sao nó lại sinh nho dại?” Thiên Chúa cũng mong đợi việc lành nơi chúng ta, nhưng toàn là phản bội và tội lỗi. Đến đây câu truyện không còn là dụ ngôn nữa, mà chuyển sang thể loại song song. Một tỷ giảo so sánh vườn nho hoang tàn với tâm hồn sa đoạ. Hình ảnh vườn nho vẫn gây một ấn tượng cực mạnh trong ý nghĩ tôn giáo thời Chúa Giê-su. Cho nên thánh Mattheo muốn gởi đến độc giả một thông điệp sống động về thái độ lãnh đạo đền thờ đối với Chúa Giê-su. Sự song hành giữa các thợ vườn nho và các đầu mục Do thái quá rõ ràng. Họ ương ngạnh từ chối Chúa giống như các thợ độc ác đã hành hạ con trai ông chủ. Thánh Mattheo mô tả: “Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác nhiều hơn trước. Nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai con trai mình đến gặp chúng, vĩ nghĩ rằng: chúng sẽ nể con ta…Nhưng bọn tá điền bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho, và giết đi.” Số phận của các tiên tri và Chúa Giê-su giống hệt như vậy.

       Để dùng một tỷ giảo khác, Chúa Giê-su lại tung mẻ lưới nữa xuống biển, hy vọng lần này bắt được nhiều cá hơn, thuyết phục được nhiều kỳ mục do thái. Phúc âm kể: “Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác, có gia chủ kia trồng được một vườn nho…” đây là dụ ngôn thứ hai, trong ba dụ ngôn thuyết phục lãnh đạo Do thái. Nhưng dụ ngôn này cũng thất bại, thay vì làm cho họ hối hận, họ trở nên chai đá hơn và quyết định bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng (21, 46). Như vậy chúng ta thấy rõ, Chúa Giê-su kiên nhẫn biết bao. Ngài kể cho họ hết dụ ngôn này đến dụ ngôn khác, đụng tới xương tuỷ bọn giả hình mà không lay chuyển được lòng trí họ. Các tác giả xếp ba dụ ngôn này vào loại tỷ giảo, so sánh thẳng thừng. Ôi lòng người khó biết bao! Nhưng xin đừng nghĩ đến chuyện thời xưa. Bây giờ cũng vậy thôi. Có khi còn tệ hơn. Biết bao lời kêu gọi của Giáo hội, của các sách thiêng liêng. Nhưng chúng ta vẫn “cứng” lòng, ăn ở buông tuồng trác táng, rồi tự phong mình “thánh thiện” hơn thiên hạ là những bọn “mạt kiếp”. Nếu trong dụ ngôn này ông chủ nhà phản ánh Thiên Chúa, bày tỏ lòng kiên nhẫn cực kỳ của mình đối với các tá điền, gởi tới vô số đầy tớ và cả con trai yêu quí để mong thu hoa lợi từ vườn nho. Chẳng ai trên thế giới này có thái độ tương tự, chỉ duy một mình Đức Chúa Trời, quá kiên nhẫn, quá đeo đuổi một tội nhân, sẵn sàng tha thứ, ban cho họ cơ hội nữa để mang hoa kết trái trong vườn nho Đức Chúa Trời. Ý kiến đa phần học giả gọi các dụ ngôn các tuần này là truyện giáo dục. Chúng khiến lương tâm chúng ta bối rối và suy nghĩ lại hành vi của mình. Trong cuộc sống thực, chúng ta không thể bao dung cho thái độ các tá điền, thì tại sao trong luân lý chúng ta nuôi dưỡng nếp sống bê bối của mình? Các tá điền đại diện cho dân tộc Do thái kiên quyết từ chối Đức Kitô, thì chúng ta là hình ảnh của loại người nào? Xin cật vấn kỹ lương tâm và thẳng thắn trả lời trước Thiên Chúa.

      Tuy nhiên, Thiên Chúa đầy lòng tha thứ, đúng như Chúa Giê-su trả lời cho Phêrô hai tuần trước đây. Ngài nói: “Ta không bảo bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy,” Vô hạn định. Câu truyện hôm nay nói lên đúng tâm trạng đó. Ông chủ vườn nho luôn ban cơ hội để các tá điền thay đổi thái độ. Thiên Chúa cũng vậy, luôn vươn ra tới các linh hồn, đeo đẳng, kêu gọi chúng ta trở về với lương tâm, với sự thiện. Chính Ngài hằng hy vọng chúng ta phản ánh đời sống Ngài mà mang hoa trái ngọt ngào cho thế gian. Thật là trớ trêu khi Chúa Giê-su đặt câu hỏi cho các lãnh đạo Do thái: “Vậy thì ông chủ vườn nho đến ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” Họ lập tức trả lới: “Ac giả ác báo, ông sẽ giết sạch bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho của mình.” Không hiểu các kỳ mục và thượng tế nghĩ thế nào về câu đó? Có áp dụng được vào hoàn cảnh của họ không? Thường xuyên chúng ta cũng có thái độ tương tự. Liệu có cảm thấy điều chi “chướng” trong nếp sống?

      Suy nghĩ cho kỹ, các tín hữu tiên khởi của cộng đoàn Mattheo phấn khởi về câu này: “Cho các tá điền khác vào làm.” Họ là những dân ngoại vào làm muộn trong vườn nho Thiên Chúa, họ chưa từng có thái độ ương ngạnh với ông chủ, nói cách khác là những “con trẻ mới trong khu phố”, được thừa hưởng vườn nho từ tay các thợ đến trước. Cuộc sống là vườn nho. Tuy nhiên họ phải ra sức làm việc để sản xuất mùa màng, hoa lợi. Dụ ngôn bộc lộ đặc ân Chúa ban trong Đức Kitô, nhưng cũng nhắc nhở họ và chúng ta ơn thánh không hề rẻ rúng, tuy là ân huệ nhưng không, vậy chúng ta nên có những việc làm thích hợp, ngõ hầu diễn tả đời sống mới Chúa ban cho linh hồn mỗi người, bằng không, lấy chi minh chứng cho thế gian hay? Kiêu căng, tự phụ, sa đoạ mà nói là sống trong ơn nghĩa Chúa? Ai có thể tin được? Chẳng qua giống như các thượng tế, kỳ mục tự kết án chính mình mà không hay biết!

       Là tín hữu đã chịu các Bí tích: Rửa tôi, Thêm sức, Hôn phối cho nên tên tuổi ngày tháng lãnh nhận đã được lưu giữ cẩn thận nơi nào đó trong hồ sơ hàng xứ. Khi đi học hồ sơ khác lại được thành lập ở nhà trường. Nếu có khả năng lên đại học, đỗ bằng cấp thì một loạt chứng minh thư khác nữa. Ngày nay thời đại vi tính, các truyện trên được ghi vào đĩa để dùng tra cứu. Ngoài ra còn tên tuổi ân nhân, tiền bạc, công sức và nhiều sự kiện khác như hội đoàn, hiệp hội, tổ chức từ thiện…Tuy nhiên, dụ ngôn hôm nay gợi ý nhiều hơn là tính hội viên, đặc quyền đặc lợi. Nó gợi ý về lao động của mình. Lao động đặc biệt trong vườn nho Thiên Chúa. Ngài đã thiết lập và trao cho chúng ta vườn nho thế gian. Chúng ta phải chăm lo cho nó sinh hoa lợi mà Ngài mong đợi: công bình, bác ái, yêu thương, thanh sạch, công chính. Những hoa trái ở trong tầm tay mọi người. Rõ ràng chúng ta không là chủ nhân, không có danh hiệu sở hữu vườn nho, nhưng chỉ là tá điền. Trước Thánh thể, chúng ta cử hành mầu nhiệm để nhắc nhở và đáp trả bổn phận của mình, lời mời gọi là thành phần cộng đoàn Thánh thể. Chúng ta đã chấp nhận và trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Đó là món quà miễn phí, không do công nghiệp của riêng ai, hoàn toàn do lòng rộng rãi của Thiên Chúa. Dùng lại cụm từ mấy tuần trước “hay vì ta tốt bụng mà các anh ghen tức!” ông chủ tốt bụng đã giao phó cho chúng ta toàn thể vườn nho của mình. Chúng ta chẳng hơn chi các tín hữu đi trước. Vậy xin đừng tự phụ, đừng vỗ ngực cậy công. Nhưng nên có thái độ thích hợp tức tá điền tốt của Thiên Chúa. Nhịp theo câu hát của bài đọc 1: “Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn thân tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi màu mỡ. Anh ra tay cuốc đất, nhặt đá, giống nho quí đem trồng…” Dụ ngôn này không chỉ nguyên nói về chuyện Chúa bị người đồng thời khinh dể và từ chối, mà nó còn kêu gọi chúng ta ý thức vị trí của mình trong vườn nho Thiên Chúa. Dù tính chất của nó xem ra kỳ quặc, cổ lỗ, lỗi thời, đáng cất vào bảo tàng lịch sử. Tuy nhiên việc dân ngoại mau mắn chấp nhận giáo lý của Chúa, khiến ta khâm phục và suy tư về quá khứ, hiện tại và tương lai nhân loại. Liệu chúng ta có đủ can đảm noi gương những linh hồn lành thánh, hy sinh những tiện ích của mình vì giá trị Phúc âm.

       Dụ ngôn không chỉ hội tụ vào tinh thần phục vụ Giáo hội tốt hơn, nhiều hơn, nhưng còn lưu ý chúng ta đến bối cảnh của công việc. Nó xảy ra không phải ở hành lang đền thờ, nhưng ở vườn nho bên sườn núi, nghĩa là nơi người ta sống và làm việc hằng ngày. Các công nhân của Chúa không phải ở nơi cầu nguyện, mà ngoài cánh đồng, bến cảng, chợ búa, công xưởng…lao động để kiếm sống cho bản thân, gia đình, thân thuộc. Đồng thời chu toàn nghĩa vụ thiêng liêng với Đức Chúa Trời. Tất cả đều phải sản xuất mùa màng hoa trái cho ông chủ vườn. Tất cả phải sống đời thiêng liêng tốt lành. chúng ta phải ý thức về công việc vườn nho, bất cứ ở đâu và lúc nào, dù là nuôi sống gia đình, giúp đỡ người nghèo, bệnh tật hay công việc xã hội. Chúng ta được kêu gọi thi hành ý Chúa theo đúng “kỳ hạn”, Ngài đặt ra cho mỗi người trong quĩ thời gian đời mình. Hình phạt Thiên Chúa giáng xuống dân tộc Israel không phải là nhỏ. Người Assyria tàn phá Samaria năm 721 trước công nguyên. Người Babylone tàn phá Gierusalem năm 587 trước tây lịch. Người La mã đốt sạch Gierusalem năm 70 sau Chúa Giê-su và còn nhiều trừng phạt khác nữa, đúng như dụ ngôn tiên báo. Tuy rằng thời giờ không rõ ràng trước, nhưng hình phạt nhất định sẽ xẩy ra, nếu chúng ta, đất nước và Giáo hội bỏ ngoài tai lời cảnh cáo của Chúa Giê-su, trong sách Khải huyền.

       Nếu nhìn kỹ bài đọc một của tiên tri Isaia chúng ta nhận ra những điểm song song nhau. Những người Do thái khi nghe Chúa kể dụ ngôn, lập tức nhận ra lời ám chỉ. Cả hai đều bắt đầu với ông chủ chăm lo cho vườn nho của mình, xây tháp canh và thuê thợ làm vườn. Cả hai đều kết thúc với vườn nho tan hoang. Khi đọc, chúng ta nhận ra ngay ai là người chịu trách nhiệm toàn bộ câu truyện. Vườn nho thuộc về Thiên Chúa, nhưng những tá điền chẳng tôn trọng quyền sở hữu của ông chủ, mà muốn tước đoạt nó về phần mình. Linh hồn chúng ta cũng thuộc về Thiên Chúa. Ngài làm chủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng toan tính loại trừ Ngài ra ngoài. Xin hỏi lương tâm mọi người xem ai đã làm chủ cuộc đời chúng ta? Bản thân hay Thiên Chúa? Nếu Thiên Chúa, tại sao chúng ta coi Ngài như không có mặt? Tự tung tự tác trong hết mọi quyết định, không hỏi ý kiến Ngài, không cầu xin Ngài ban ơn soi sáng? Hậu quả của dụ ngôn thật là thảm khốc, các hành động quá đáng của các tá điền quả là ngang ngược. Thẳng thừng giết con ông chủ, cho nên thông điệp của nó thấm thía vào linh hồn chúng ta. Người đọc vô tâm nhất cũng dễ nhận ra chủ ý của Chúa Giê-su. Phản ứng chúng ta hôm nay ra sao? Có rất nhiều công việc phải làm trong Giáo hội, trên thế giới, nơi mỗi linh hồn. Chúng ta nên phản ánh chương trình của Ngài cho thế giới. Dụ ngôn còn mời gọi chúng ta trung thành với công việc vườn nho của Thiên Chúa. Nó cũng nhắc nhở mỗi người không làm việc một mình. Thiên Chúa sẽ hoàn thành ý định của Ngài. Vậy trước bàn thờ Thánh thể xin mọi người nhớ lại Thiên Chúa đã đầu tư rất nhiều vào chúng ta và vào các công việc chúng ta làm. Ngài quan tâm, săn sóc từng người như ông chủ vườn nho xây tháp canh, rào giậu, thuê tá điền…Chúng ta chỉ là kẻ quản lý công việc. Trách nhiệm hoàn thành thuộc Thiên Chúa. Ngài còn gởi con của Ngài đến với chúng ta, để bảo đảm rằng chúng ta sinh hoa kết trái, mang lại mùa màng cho Ngài. Khi cảm thấy không kết quả như ý, không thành công như mong đợi, chúng ta can đảm nhớ lại các đầu tư của Ngài nơi chúng ta và cố gắng chu toàn mọi bổn phận, ngõ hầu gặt hái được bội thu trong ngày mùa sau hết. Amen.