Chúa Nhật XXVII thường niên - Năm A
HÃY NỘP HOA LỢI
Lm Trần Thanh Sơn

Trong ngôn ngữ hàng ngày có một tiếng mà chúng ta rất hay sử dụng khi nói chuyện với người khác: đó là từ “ của”. Cái nhà của tôi, ghe thuyền của tôi, tiền của tôi, các con của tôi… và nhiều cái của khác nữa. Điều đó cho thấy ý thức về quyền sở hữu rất mạnh trong mỗi người chúng ta. Chúng ta làm lụng vất vả phải chăng là để được sở hữu, được làm chủ thật nhiều? Chính vì thế, chúng ta cảm thấy khó chịu khi thấy người khác có điều chúng ta không có. Và chúng ta tìm mọi cách, kể cả những phương thế bất công để có được điều đó. Chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta là chủ nhân thật sự của những gì đang có trong tay chúng ta.

     Thế nhưng, phụng vụ lời Chúa hôm nay lại cho chúng ta thấy rằng: chính Thiên Chúa mới là người làm chủ thật sự, còn mỗi người chúng ta chỉ là người quản lý của Thiên Chúa, đến mùa phải nộp hoa lợi cho Ngài.

     Trước hết, chúng ta cùng đọc lại bài Tin mừng. Dụ ngôn mô tả có một ông chủ lập một vườn nho. Ông đã chuẩn bị cho vườn nho này thật kỹ lưỡng, ngõ hầu có thể thu hoạch được những chùm nho chín mọng, những ly rượu thật nồng như lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc một: “Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho”. Ông đã làm tất cả những gì có thể làm được để có một vườn nho xanh tốt như lời ông tâm sự: “ Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm?”. Kế đó, ông đã tin tưởng giao vườn nho mà ông đã để hết tâm huyết tạo dựng cho những người tá điền canh tác để trẩy đi phương xa.

    Lãnh một vườn nho đã được chuẩn bị kỹ như thế để canh tác, đúng ra những người tá điền phải làm cho nó sinh lợi thật nhiều như lòng mong ước của ông chủ. Thế nhưng, “Nó lại sinh toàn nho dại.”. Không những thế, những người được giao cho quản lý vườn nho của ông chủ, lại còn có dã tâm muốn chiếm đoạt luôn vườn nho của chủ làm của mình. Tin mừng thuật lại: “Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác”. Thậm chí, cuối cùng, ông chủ đã sai người con một yêu dấu của mình đến, những người tá điền này cũng không tha mà còn giết luôn người con đó. Chúng nói với nhau: “Đứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Đúng là một hành vi vô ơn và độc ác. Họ đã bắt bớ, hành hạ và giết chết biết bao tôi tớ của chủ là các vị ngôn sứ được sai đến với họ. Họ đã quên đi công ơn của chủ, người đã chuẩn bị mọi sự và đã cho họ làm vườn nho của ông. Họ cũng đã phụ lòng tín nhiệm của chủ khi ông giao cho họ toàn quyền trên vườn nho mà ông đã vất vả xây dựng, vun trồng. Cũng thế, những người lãnh đạo trong dân Do Thái đáng lẽ phải nộp hoa lợi cho chủ, nghĩa là họ phải chuẩn bị một dân sẵn sàng để đón nhận Đấng Messia của Thiên Chúa là Đức Giêsu. Thế nhưng, chẳng những họ không đón nhận, mà họ còn là cớ vấp phạm, ngăn cản người ta đến với Đức Giêsu. Và giờ đây, họ đang tìm cách giết Ngài.

       Tới đây, có lẽ trong lòng mỗi người chúng ta đều dậy lên một tình cảm xót thương cho ông chủ tốt bụng, nhưng đã gặp quân phản phúc. Ông đã “nuôi ong tay áo”. Đồng thời, chúng ta cũng thầm kết án những tá điền được giao cho lãnh vườn nho. Chúng ta chắc cũng đồng ý với cách xử lý mà người Do Thái nêu lên trong bài Tin mừng: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ đúng mùa nộp phần hoa lợi”.

      Kính thưa …

     Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa giao cho canh tác một vườn nho. Vườn nho đó là những tập thể mà chúng ta phải chịu trách nhiệm; đó còn là gia đình, là anh chị em, là những người chúng ta gặp gỡ… Đặc biệt, vườn nho đó còn là chính bản thân chúng ta. Mỗi người chúng ta là một vườn nho của Thiên Chúa. Ngài đã dùng lời của Ngài và các bí tích để vun xới, rào giậu vườn nho này. Thiên Chúa đã làm tất cả những gì có thể làm để giúp cho đời sống của chúng ta phát triển sung mãn, như lời Ngài phán trong sách ngôn sứ Isaia: “Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm?”. Như ông chủ vườn nho đã sai con của ông đến với các tá điền. Thiên Chúa cũng đã sai Người Con Một yêu dấu của Ngài xuống thế để cứu chuộc chúng ta như lời Đức Giêsu đã khẳng định với Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi” (Ga 3, 16). Chính thánh Phaolô cũng đã khai triển vấn đề này trong thư gởi tín hữu Roma: “Còn Thiên Chúa thì lại thi thố lòng yêu mến của Người đối với ta thế này: là Đức Kitô đã chết vì tội ta ngay khi ta còn là tội nhân” (Rm 5, 8). Thế đó, ngay khi chúng ta còn là tội nhân, nghĩa là đang còn trong tình trạng chống đối Thiên Chúa, thì Đức Giêsu đã chết vì chúng ta. Thật đúng với lời tâm sự của Ngài: “Còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm?”. Ngay cả Người Con Một mà còn chẳng tiếc, vậy thì còn có điều gì có thể làm cho chúng ta mà Ngài đã không làm? Vì thế, Ngài muốn mỗi người chúng ta hãy nộp hoa lợi vườn nho cho Ngài. Tất cả đều do Thiên Chúa ban. Tất cả đều thuộc quyền Thiên Chúa. Chúng ta hãy ý thức rằng, mình chỉ là người quản lý. Do đó, chúng ta hãy trả lại phần hoa lợi cho chủ.

   Trước hết, hoa lợi đó chính là một đời sống công chính, ngay thẳng như lời Thiên Chúa phán trong sách ngôn sứ Isaia: “Ta trông mong nó thực hành điều chính trực,… Ta trông mong nó thực hành đức công bình”. Thánh Phaolô cũng khẳng định điều này trong lời mời gọi các tín hữu thành Philipphê: “Hỡi anh em những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy nghĩ tưởng những sự ấy.”. Vâng, tất cả những điều ấy là hoa lợi mà Thiên Chúa muốn thu hoạch nơi đời sống của chúng ta.

     Điều kế tiếp mà chúng ta cũng cần lưu ý, đó là nếu Thiên Chúa là chủ chúng ta là quản lý, thì tại sao chúng ta lại tiếc xót khi phải đóng góp, chia sẻ thời giờ, của cải cho công việc chung hay trong việc giúp đỡ các anh chị em mình? Nếu Thiên Chúa là chủ thời gian, thì tại sao chúng ta lại tính toán với Chúa thời giờ làm việc thờ phượng Ngài, nhất là ngày Chúa Nhật? Chúng ta cắt đầu, cắt đuôi, đi trể về sớm … Phải chăng, chúng ta cho rằng của cải, thời giờ là của chúng ta, chúng ta dâng cho Chúa bấy nhiêu là nhiều lắm rồi?

      Lắng nghe lời Chúa hôm nay, và nhờ sự trợ lực của Thánh Thể, ước gì mỗi người chúng ta luôn ý thức rằng mọi sự đều là của Chúa, để chúng ta có thể sống công chính, ngay thẳng, biết mở rộng lòng chia sẻ với tha nhân. Đồng thời, cũng biết dành thời gian để tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật một cách trọn vẹn và xứng đáng, để vào ngày Chủ đến, chúng ta không bị tru diệt như những tá điền bất lương trong bài Tin mừng hôm nay. Amen.