Chúa Nhật XXVI thường niên - Năm A
THIÊN CHÚA NHÌN THẤY SỰ THAY ĐỔI
TRONG TẦM HỒN
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Thay đổi là điều vẫn diễn ra trong tâm trạng của con người và cũng cần thiết cho đời sống. Người ta cần thay đổi, sắp xếp lại căn phòng, công việc cho hợp lý hơn để đời sống được thoải mái hơn. Thậm chí trong tương quan với những người khác, chúng ta cũng cần phải luôn xét lại lương tâm để rồi thay đổi chính bản thân, hầu tạo cho mọi người sống gần chúng ta được hạnh phúc hơn. Trong đời sống nghề nghiệp, nhiều lần chúng ta cũng muốn thay đổi, nhiều khi thấy chán nản vì môi trường sống chung quanh không phù hợp với mình, nhưng rồi chúng ta đã cố gắng để suy nghĩ, để chọn lựa, và rồi để vượt qua những thử thách. Trong đời sống vợ chồng, chắc cũng có nhiều khi hai người đã cãi nhau, giận nhau, thậm chí nhiều khi muốn ly dị, nhưng rồi đã làm hòa lại, đã biết tha thứ cho nhau, và cố gắng để chung thủy trong đời sống vợ chồng. Đời sống con người không phải như một cái máy, mà có những lúc thăng trầm, vui buồn. Khi vui, chúng ta cảm thấy mọi sự trôi chảy dễ dàng, khi buồn chúng ta cảm thấy mọi sự nặng nề khó chịu.

          Câu chuyện lời Chúa tuần này là về việc thay đổi, hay là hoán cải. Đây là lời mời gọi chúng ta hãy từ bỏ những chuẩn mực cũ kỹ của mình, những quan niệm, cách sống hẹp hòi của mình để tiến đến đời sống mới, phù hợp với những đòi hỏi của Lời Chúa, và thánh ý Thiên Chúa. Câu chuyện phúc âm này ở trong bối cảnh tranh luận càng lúc càng căng thẳng giữa Chúa Giêsu và những thượng tế và kỳ lão ở Giêrusalem (chương 21), sau khi Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem và được đón rước trọng thể. Giêrusalem có đền thờ và toà án của thượng tế, vì thế được xem là trung tâm quyền lực của giới lãnh đạo do thái giáo. Ở đây, khi tranh luận với những nhà lãnh đạo do thái giáo vốn có quan niệm rất giáo điều và phê bình chỉ trích những gì Chúa Giêsu làm khi người đón nhận những người tội lỗi, Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn người cha với  hai người con có tính tình khác nhau. Người con thứ nhất ban đầu đã từ chối không làm theo lệnh Cha, nhưng sau đó anh hối hận và đã đi làm theo lệnh của Cha. Người con thứ hai ban đầu đã thưa vâng, nhưng sau đó đã không làm theo ý của Cha. Điều kỳ diệu mà Thiên Chúa nhìn thấy, đó là sự thay đổi trong quyết định chọn lựa sống của mỗi người. Thiên Chúa nhìn thấy không chỉ thái độ vâng phục hình thức bên ngoài, mà là quyết định chọn lựa từ nội tâm con người. Đó chính là mấu chốt của vấn đề.                                                                     

           Những thượng tế và kỳ lão luôn tự hào là những người công chính thánh thiện, và khinh dễ những người thu thuế và gái điếm là hạng tội lỗi: thu thuế thì bị phê phán là gian lận của dân chúng và làm việc cho chính quyền ngoại bang, còn hạng gái điếm thì phục vụ cho lính rôma, vi phạm giới răn luân lý. Vì thế, trong tương quan, người ta có những định kiến rất nặng nề đối với những người khác. Những thượng tế và kỳ lão thì luôn được xem là những nguời vị vọng, thánh thiện, dù bên trong họ là những người tội lỗi, còn hạng thu thuế và gái điếm bị gạt ra bên ngoài vòng những người công chính thánh thiện. Thế nhưng Thiên Chúa thì không đánh giá con người hời hợt như thế. Đứng trước Thiên Chúa, người tội lỗi vẫn là người thánh thiện khi họ biết ăn năn thống hối để từ bỏ con đường tội lỗi mà trở về với Thiên Chúa, và ngược lại người công chính vẫn có thể trở nên người tội lỗi khi bỏ đường công chính của mình để sống gian ác. Đứng trước Thiên Chúa, không ai có thể tự hào mình là người công chính thánh thiện. Thái độ của người con thứ hai là một ví dụ, có thể anh đã nghĩ mình đã làm theo ý cha, nhưng thực tế anh đã không làm theo ý cha. Đôi khi anh đã làm theo ý riêng của mình mà cứ tưởng đã làm theo ý cha. Ngược lại, thái độ của người con thứ nhất, mặc dù nói không nhưng sau đó vì hối hận, anh đã đi làm. Đây chính là điểm rất tế nhị và rất quan trọng trong tâm trạng của mỗi người mà Chúa Giêsu đã nêu lên, và chúng ta được mời gọi xét lại chính bản thân mình. 

          Hoán cải cũng là chủ đề trong sứ điệp của tiên tri Êdêkien. Hơn nữa, chủ đề này còn được nhấn mạnh qua việc giới thiệu về đường lối cao cả của Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan, và xét đoán công việc rất cân nhắc. Mỗi người được xét đoán đúng theo sự nhận định không chút thiên vị và định kiến của Thiên Chúa. Không ai có thể tự hào mình là người công chính, cũng như không ai phải mặc cảm sợ hãi mình là người tội lỗi. Mỗi người vẫn có nhiều cơ may hay hoàn cảnh để thay đổi vận mình của mình. Người công chính cũng có nguy cơ sa ngã và vì thế vẫn có thể bị hư mất nếu không luôn luôn cẩn thận bước đi trong đường công chính. Trái lại, người tội lỗi, không vì thế phải bi quan sợ hãi, mà hãy tin tưởng vào Thiên Chúa để rồi can đảm từ bỏ tỗi lỗi, đường lối gian tà của mình để trở về đường ngay nẻo chính thì sẽ được cứu độ. Thiên Chúa là Đấng phán xét chí công và giàu long thương xót. Thiên Chúa nhìn thấy những cố gắng của người tội lỗi muốn vươn lên, Thiên Chúa cũng nhìn thấy rất rõ sự kiêu căng tự phụ của những người công chính sa ngã để rồi phải hư mất đời đời.   

          Trong bức thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã đưa ra những lời khuyên và cũng là những lời khích lệ rất chân thành gửi các anh chị em trong cộng đoàn. Ngài hết long mời gọi mọi người hãy hợp nhất với nhau để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn thánh thiện, hiệp nhất và yêu thương. Đây cũng chính là điều làm ngài cảm thấy sung sướng và hạnh phúc nhất. Mấu chốt để thực hiện được sự hiệp nhất yêu thương lẫn nhau, đó là biết nhìn người khác hơn mình, và không nghĩ những sự thuộc về mình mà biết nghĩ tới những sự thuộc về người khác. Đây phải chăng chính là sự từ bỏ chính bản than mình. Thánh nhân nêu lên gương sáng của Chúa Giêsu. Người vốn là Thiên Chúa nhưng đã tự hạ và vâng lời cho đến chết trên thập giá. Và như thế, Thiên Chúa đã tôn vinh người trên tất cả.  

          Câu chuyện dụ ngôn này chắc hẳn đảo ngược thế giới của những thượng tế và kỳ lão. Họ vốn cho mình là gương mẫu thánh thiện, giờ đây họ phải học đường lối công chính của những người thu thuế và gái điếm. Họ vốn nghĩ mình đã chắc chắn vào Nước Trời, giờ đây họ phải sắp hàng sau những người tội lỗi đã biết hoán cải thay đổi đời sống. Hoán cải là như thế, nó thay đổi mọi cách sống và cách nghĩ của chúng ta và đòi hỏi chúng ta sống theo thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi, “ai là người làm theo ý của cha?”. Chắc chắn, đó không phải là người con với những lời hứa hẹn và mỹ từ nhưng là người con biết hối cải và làm theo ý cha. Hoán cải không luôn dễ dàng tự phát, nhưng hoán cải được biểu lộ qua hành động, qua việc làm, như những người thu thuế và gái điếm. Bởi vì họ đã biết lắng nghe, đã tin và thay đổi đời sống, nên họ đã đi vào Nước Trời.  

          Như thế, câu chuyện dụ ngôn này nhắc nhở chúng ta rằng tin không phải chỉ là nói vâng dạ, hay tuyên xưng như khi đọc kinh tin kính nhưng còn là sống niềm tin qua những việc làm cụ thể. Hơn nữa, trong việc làm hoán cải, chúng ta không chỉ làm một lần là xong. Việc hoán cải là việc liên tục, trường kỳ. Đó cũng chính là thành phần của đời sống chúng ta: học hỏi đường lối của Thiên Chúa. Những công việc cụ thể cần thiết như chuyên cần cầu nguyện, tha thứ hoàn toàn cho người khác, tìm kiếm Thiên Chúa bằng cách chú tâm tới những nhu cầu chính đáng của người khác. Điều đáng kinh ngạc là khi chúng ta trung tín chu toàn những việc bé nhỏ này, thì chúng ta lần hồi được thay đổi, sự hoán cải bắt đầu diễn ra nơi chúng ta.