Chúa Nhật XXV thường niên - Năm A
AN BÀI
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Lướt qua một số nguồn thống kê trên mạng lưới hoàn cầu, chúng ta có một cái nhìn tổng quát về tình trạng cuộc sống của con người trên thế giới. Con số thống kê có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng giúp chúng ta có một cái nhìn sơ khởi. Trên thế giới hiện nay, có chính thức là 196 quốc gia (bao gồm cả Taiwan). Dân số trên thế giới, theo thống kê mới nhất là có trên 7 tỉ 245 triệu người. Số trẻ em ước tính là 2 tỉ 200 triệu. Có khoảng 1 tỉ người người sống trong sự nghèo khổ thiếu thốn nhiều phương tiện và còn 1 tỉ 600 triệu người chưa có hệ thống điện nước. Tổng số tài sản lợi tức giầu có của 85 người giầu nhất, tương đương với tài sản của nửa số người nghèo trên thế giới. Về dân số, (geolive.com) nước Trung Quốc đông dân nhất có khoảng trên 1 tỉ 394 triệu và nước Việt Nam đứng vào hàng thứ 14 đông dân là trên 92 triệu 600 ngàn. Nước nhỏ bé và ít dân nhất là Holy See (Vatican) có 799 người.

Nguồn Unicef, có khoảng 22 ngàn trẻ em chết mỗi ngày và 7.6 triệu trẻ em đang chết dần chết mòn mỗi năm. Các trẻ em chết một cách âm thầm nơi những làng nghèo đói xa xôi hẻo lánh. Trên 3 tỉ người làm ăn sinh sống, thì trên 80% lợi tức mỗi ngày ít hơn $2.50. Thống kê 40% những người nghèo nhất trên thế giới, chỉ lãnh được 5% trong tổng số tiền lợi nhuận. Những người giầu có nhất là 20%, chiếm 3/4 tổng lợi nhuận trên hoàn cầu. Có một sự chênh lệch lợi nhuận qúa lớn giữa người giầu và người nghèo. Người nghèo bị thua thiệt mọi bề. Thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất. Dự tính vào thế kỷ thứ 21, có gần 1 tỉ người sẽ không có khả năng đọc sách và ký tên của mình. Chúng ta có thể nhận biết một chút những con số tượng trưng về cuộc sống và sự phát triển dân số trên thế giới. Có một sự cách biệt lớn lao giữa những nước giầu và những nước nghèo đang phát triển, giữa những người giầu và người nghèo. Điều này giúp chúng ta suy nghĩ và tìm về nguồn của sự sáng tạo và an bài của Đấng Hóa Công.

Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ muôn loài và đặt để mọi tiềm năng phát triển trong mọi loài. Từ những nguồn khoáng chất vô tri vô giác tới những loài có sự sống phát triển. Thượng Đế đã an bài cho mọi sự vật trong vũ trụ phát triển một cách tiềm tàng và chậm rãi. Người ban cho mọi loài có sự sống được tiếp nối sinh tồn. Người ban mưa thuận gió hòa để hoa đồng cỏ nội sinh xôi nẩy nở. Người an bài cho đất đai phì nhiêu, nước nguồn tưới gội, không khí trong lành và không gian bao la để tận hưởng. Mọi loài côn trùng, súc vật đồng hoang, chim trời cá biển và mọi loài sinh sống trên trời dưới đất được vui thỏa. Thiên Chúa lại ưu đãi ban cho con người có trí khôn để làm chủ tất cả mọi loài trên trái đất. Con người là thụ tạo cao quí được phú bẩm nhiều khả năng trổi vượt, nhất là sự hiện hữu của linh hồn và trí khôn để tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ. Tiên tri Isaia mời gọi: Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần (Is 55, 6). Mở rộng con mắt tâm linh thưởng ngắm mọi kỳ công Chúa đã tác thành để ca ngợi, chúc tụng và cảm tạ. Khiêm hạ phó thác vào sự an bài vô cùng kỳ diệu của Thiên Chúa.

Con người nhỏ bé giữa muôn loài muôn vật. Trong vũ trụ bao la, khả năng chinh phục và sự hiểu biết của con người quá nhỏ nhoi và giới hạn. Càng học biết, chúng ta càng nhận ra đời sống của mỗi cá nhân là một hồng ân được trao ban. Mỗi người cần chu toàn ơn gọi làm người của mình. Mọi sự đều nằm trong sự an bài và quan phòng của Thượng Đế. Không ai có thể dò thấu tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa: Vì tư tưởng của Ta, không phải là tư tưởng các ngươi và đường lối các ngươi, không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy (Is 55, 8). Không ai có quyền sắp đặt hay chỉ vẽ ra đường lối cho Chúa. Không ai có thể sắp đặt cho Chúa một điều kiện trong không gian và thời gian, để rồi Chúa phải thi hành. Thí dụ: Chúng ta tụ họp nhau đây cầu nguyện, hát ca một số bài, nghe một vài đề tài giảng dậy, cung kính thờ lạy Chúa trong Bí Tích Thánh Thể và cầu ơn Chúa thể hiện nhãn tiền và đụng chạm thân xác linh hồn, Thần Linh Chúa phải tỏ hiện và ban ơn. Thật ra, chúng ta chỉ có thể bày tỏ tâm tình đạo đức hay cảm xúc nhất thời của con người hướng về Chúa. Ân sủng sự lạ hoàn toàn do ở nơi Chúa. Luôn nhớ rằng tư tưởng và đường lối của chúng ta không phải là của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta về Nước Trời: Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình (Mt 1, 1). Trong vườn nho của Nước Trời bao gồm mọi thành phần, kẻ sang người hèn và kẻ đến trước người tới sau. Có những người vào làm việc từ sáng sớm và có những người kém may mắn, họ chỉ được vào làm vườn khi chiều đã trễ. Tiền công nhật đã được thỏa thuận. Mỗi ngày một đồng lương. Câu truyện dụ ngôn cho chúng ta thấy kết qủa có vài chi tiết đáng chú ý: Đến chiều, chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết (Mt 1, 8). Mỗi người được chủ trả lương đồng đều là một đồng. Trả lương như nhau cho kẻ làm trước cũng như người làm sau, đã tạo nên sự nghi kỵ và ghen tị với nhau.

Theo thỏa thuận, các người làm công đều được lãnh tiền công nhật một cách sòng phẳng. Điều này giúp chúng ta suy gẫm về cuộc đời. Trên đời, có kẻ xài không hết, có người lần không ra. Có kẻ giầu sang sống trên nhung lụa và có người nghèo đói thảm thương. Chúng ta nhận thấy thực tế cuộc sống có quá nhiều cách biệt về tài năng, của cải và đời sống. Có nhiều người làm ít mà được hưởng nhiều và có người làm lụng khổ cực vất vả mà vẫn không đủ ăn. Rồi cái nghèo mắc cái eo. Cuộc đời lam lũ gian nan khổ sở. Làm sao chúng ta có thể trả lời những vấn nạn cuộc sống? Thiên Chúa có nhân từ và công bằng vô cùng không?

Chúng ta nghe ông chủ đáp lời cho những người hay ganh tị: Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? (Mt 1, 14-15). Trên thế giới có hơn 7 tỉ người, mỗi người được ơn sự sống, được hít thở khí trong lành và được hưởng dùng mọi tài nguyên phong phú. Được tự do nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, Đấng tạo thành mọi sự. Thiên Chúa ban vũ trụ mênh mông, trăng sao lấp lánh, sông sâu biển rộng bao la, rừng xanh lá biếc muôn mầu, thú vật muôn loài và nguồn ân lộc sung túc cho mọi người hưởng dùng. Nhưng trên thực tế cuộc sống, một số ít người tham lam đã cướp đi những tài nguyên, nguồn vốn của chung nhân loại. Họ cướp cả quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do làm người. Nhiều người tiếm quyền đạt lợi đã tự tạo mối ngăn cách, đóng khung, giới hạn và ngăn ngừa để dành giật chiếm hữu tài sản làm tư lợi.

Chúng ta biết, cuộc sống của con người không chỉ tùy thuộc vào của cải vật chất, mà còn hướng tới một cùng đích cao cả hơn. Đời sống ngắn ngủi trên trần gian là cuộc lữ hành đi về Nhà Cha. Thế hệ này qua thế hệ khác, đã có biết bao nhiêu thế hệ đã đến và đã ra đi. Người giầu kẻ nghèo đều về chung một lối. Chỉ có những người biết tìm nguồn Chân Thiện Mỹ mới tỏ rạng ý nghĩa chính thật của đời sống. Niềm vui bất diệt là nhận biết Đấng đã tạo thành mọi sự và điểm đến của cuộc hành trình. Thánh Phaolô tuyên xưng rằng: Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi (Phil 1, 21). Tin vào Đức Kitô là trung gian vạn vật. Tìm nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thiên Chúa yêu thương ban cho mỗi người số vốn liếng tùy theo ý muốn của Ngài. Chúng ta không có quyền đòi hỏi. Hãy chấp nhận những cái chúng ta đang có và vui hưởng giây phút hiện tại. Đó là món quà cao quí nhất.

Lạy Chúa, chúng con phó dâng cuộc đời trong tay Chúa an bài. Chúng con cảm tạ Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã tuôn đổ trong đời sống.  Xin cho chúng con biết làm sinh lợi những gì chúng con đã lãnh nhận.

Bronx, New York