Chúa Nhật XXV thường niên - Năm A
THÁI ĐỘ MỚI ĐỐI VỚI
ANH CHỊ EM TRONG CỘNG ĐOÀN
Lm. Phêrô Lê văn Chính

           Bài dụ ngôn của Chúa nhật này trình bày việc Thiên Chúa ban tặng cho con người ơn cứu độ qua hình ảnh dụ ngôn những người thợ làm vườn nho. Ðiều đáng ngạc nhiên về người chủ trong câu chuyện là đã mướn những người thợ làm việc từ giờ đầu và cả những người thợ làm giờ cuối cùng trong ngày và trả lương đồng đều cho mọi người, từ người làm việc sau hết cho tới người làm việc trước hết, mỗi người đều lãnh được một đồng công nhật. Trọng tâm của câu chuyện là để trình bày về đường lối và sự công bằng của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đối xử công bằng với chúng ta, có lẽ chúng ta không xứng đáng chút nào để đón nhận điều gì cả. Thế nhưng, Thiên Chúa không đối xử công bằng với chúng ta hiểu theo nghĩa con người nhưng là quảng đại vô bờ bến theo như lòng tốt lành của Ngài. Ðiều Thiên Chúa ban tặng cho con người không gì lớn hơn là ơn cứu độ, là điều mà con người không đạt được do bởi công sức của mình nhưng hoàn toàn là ân huệ do lòng rộng rãi của Thiên Chúa.

                                                         

           Câu chuyện dụ ngôn này có thể giải thích theo hai mức độ. Trước hết, Chúa Giêsu nói với những thính giả của Người, nhất là những người biệt phái và luật sĩ, những thượng tế và kỳ lão vốn luôn công kích Người vì giao tiếp thân mật với những người thu thuế và gái điếm, được xem là những người tội lỗi công khai, những người thu thuế (Mt 9,11; 11,19; 21,23). Vì thế, qua câu chuyện dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn giải thích là Thiên Chúa luôn xử quảng đại với người công chính (những người đã làm lụng vất vả suốt ngày), cũng như với những người tội lỗi (những người làm việc giờ cuối). Kế đến, thánh Matthêu muốn ngỏ lời với những tín hữu trong cộng đoàn của Ngài vốn là cộng đoàn gốc do thái và có cả những người gốc hy lạp trở lại với Kitô giáo. Cộng đoàn Kitô giáo này vẫn luôn đặt câu hỏi về chỗ  đứng của  những lương dân trong cộng đoàn. Và câu chuyện dụ ngôn muốn trả lời cho câu hỏi này. Những Kitô hữu gốc lương dân và gốc do thái giáo đều có chỗ đứng như nhau trong cộng đoàn, tức cùng được thừa hưởng lời hứa và ơn cứu độ của Thiên Chúa ban tặng. Những người do thái được xem như những người thợ làm việc từ giờ đầu, còn những tín hữu gốc lương dân được xem như những người thợ làm giờ cuối trong ngày, được Chúa Giêsu đưa vào làm việc trong vườn nho. Những tín hữu gốc do thái không vì thế mà bị mất phần của mình, bởi vì họ đã thỏa thuận với chủ về lương công nhật, họ cũng không có cơ sở để trách chủ, bởi vì chủ nhân quảng đại trả cùng một lương cho những người thợ làm việc giờ cuối như trả cho họ được.

                                                              

          Phép ẩn dụ về tiền lương  khiến chúng ta suy nghĩ theo lối công bằng, nhưng đây chỉ là hình ảnh ẩn dụ với những giới hạn của nó. Điều Thiên Chúa ban tặng cho con người không phải là tiền bạc nhưng là ơn cứu độ. Mọi người làm việc trong vườn nho đều lãnh nhận ơn cứu độ là hồng ân lớn lao được ban tặng do lòng quảng đại vô bờ của Thiên Chúa. Không bao giờ con người có thể chiếm hữu được Nước Trời do công sức của mình, nhưng ơn cứu độ được ban cho con người chỉ do lòng đại lượng của Thiên Chúa vốn luôn vượt quá những khó nhọc cũng như khả năng của con người.

 

         Nhiều người trong chúng ta, khi nghe câu chuyện dụ ngôn này, thường nghĩ nhiều về lương bổng và giờ làm việc. Cũng như những người thợ làm việc từ giờ đầu trong câu chuyện, chúng ta thường hiểu công bằng theo nghĩa tiền lương trả tương xứng với giờ làm việc. Thế nhưng câu chuyện làm thay đổi những cách suy nghĩ thông thường để hướng đến những thực tại mới như là tương quan với Thiên Chúa và mầu nhiệm nước trời. Những người thợ làm vườn nho này được mời để  làm việc cho vườn nho trong tình trạng họ đều là những người không có việc làm, và lương bổng đã thỏa thuận cách hợp lý là một đồng lương công nhật. Tình trạng không có việc làm và được đón nhận vào làm việc một cách dễ dàng là những điều được nhấn mạnh trong câu chuyện, nói lên tình trạng nghèo khó thiếu thốn của con người, cũng như hồng ân của Nước Trời được ban tặng cho mọi người cách rộng rãi không phân biệt.

 

           Trọng tâm của câu chuyện này như đã nêu lên, là về đường lối và sự công chính của Thiên Chúa thực sự vượt lên trên đường lối và sự công bằng người đời. Ðiều Thiên Chúa cho con người là ơn cứu độ, là điều vượt lên trên mọi cố gắng, mọi khó nhọc của con người. Chúng ta có là những người làm việc ở giờ cuối hay ở giờ đầu, không hệ gì cả. Điều quan trọng là chúng ta hãy đến với Thiên Chúa là “Đấng luôn công chính trong mọi đường lối của Ngài, và gần gủi với những ai kêu cầu Ngài”. Sự công chính của Thiên Chúa không chỉ là công bằng luân lý, trả lại cho cân xứng những gì phải trả, nhưng sự công chính  của Thiên Chúa là tương quan. Thiên Chúa quảng đại đối với chúng ta hơn những gì chúng ta có thể nghĩ, vượt xa những chuẩn mực của con người. Thiên Chúa quảng đại ở lòng thương xót và tha thứ : “như trời cao hơn đất, đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi”. Đây là điểm nhấn trong sứ điệp của tiên tri Isaia. Tuy nhiên, không phải vì Thiên Chúa thương xót và tha thứ mà con người được phép coi thường và ở mãi trong tội của mình. Con người cần phải nhận thức lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa để rồi mau mắn hoán cải trở về với Thiên Chúa. Điều thực an ủi và hạnh phúc cho chúng ta là Thiên Chúa thương xót và tha thứ cho chúng ta, hay nói như thánh vịnh 144, “Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và hay thương xót”. Vì thế, trái ngược với thái độ nhận thức đúng và hiểu biết sâu sắc về lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa,  thái độ của những người thợ làm việc từ giờ đầu là cảm thấy Thiên Chúa bất công và đối xử tệ bạc với mình. Thái độ này xem ra có vẻ hữu lý hay đòi hỏi được đối xử công bằng, nhưng nó bộc lộ những sự hẹp hòi thiển cận ích kỷ của con người đứng trước lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa.

 

          Trong bức thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô chia sẻ những tâm sự của người, lúc này thánh nhân đã phải mang xiềng xích vì bị cầm tù. Có lẽ thánh nhân cũng tiên cảm giờ chết của mình và người hầu như đã sẵn sàng, bởi vì đối với thánh nhân, chết là được về với Chúa, được tham dự vào sự phục sinh của Chúa. Mặt khác, thánh nhân cũng cảm thấy gắn bó với các anh chị em trong cộng đoàn và cảm thấy người cần thiết ở lại để giúp đỡ các anh chị em để củng cố họ trong đức tin. Dù sao, điều mà thánh Phaolô thâm tín và nhắc nhở cho mọi người, đó là dù sống hay chết thì hãy luôn cố gắng sống xứng đáng với Tin mừng của Chúa Kitô. Chúng ta có thể hình dung phần nào giáo đoàn mà thánh nhân đang viết bức thư này. Họ là thế hệ kitô hữu đầu tiên sau khi Chúa Giêsu Phục sinh. Họ được đón nhận Tin mừng cứu độ mà Phaolô rao giảng, thế nhưng cộng đoàn này cũng không phải là cộng đoàn lý tưởng, cũng có tội lỗi, và nhiều thói xấu khác, có những đố kỵ và tranh giành giữa các anh chị em, ngay cả trong việc rao giảng Tin mừng. Vì thế, trong bức thư, chúng ta thấy phần nào phản ảnh những bận tâm của thánh Phaolô về đời sống cộng đoàn với những nguy cơ chia rẽ tranh chấp nghi kỵ nhau.

 

          Có lẽ chúng ta thường để đến giờ thứ 11 mới bắt tay làm việc, nhất là trong việc sống tương quan xứng đáng với Thiên Chúa. Hơn nữa, thái độ của chúng ta dễ tự kiêu, cho mình là thế này thế khác, và chúng ta dễ phê phán người khác. Bài Tin mừng cũng có tính hiện tại, tức soi sáng cho thái độ sống của chúng ta trong cộng đoàn, và hơn nữa, khi chúng ta nhìn ra xã hội và thế giới để có thể hiểu tình yêu và long quảng đại nhân từ của Thiên Chúa đối với những người khác, để rồi chúng ta sẵn sang để đón nhận các anh chị em khác.  Chúa không phải để chúng ta trở nên những con người thờ ơ với Thiên Chúa, nhưng là để chúng ta nhận thức hồng ân lớn lao Ngài ban tặng cho chúng ta và cố gắng sống quảng đại với Thiên Chúa cũng như với những anh chị em khác của chúng ta.