Chúa Nhật XXV thường niên - Năm A
TỰ DO THIÊN CHÚA
SƯU TẦM

Dụ ngôn nói lên một tính chất chung giữa chủ nhà và Chúa tể vũ trụ: Đó là sự tự do tối thượng.

1) Đây là sự tự do của chủ vườn nho: Ông đã gọi vì ông muốn, khi ông muốn và gọi những ai ông muốn, sau khi đã quyết định phần thưởng và phân công.

Thiên Chúa cũng thế. Ngài hoàn toàn tự do khi lên tiếng kêu gọi. Không một tạo vật nào tự hào có quyền trước mặt Chúa. Mà khi nói đến ơn gọi là nói đến tự do. Giáo hội là một cộng đồng ơn sủng. Sau khi phạm tôi, tạo vật lại được nghe thấy tiếng gọi ân sủng mà đáng lẽ tạo vật đã bị vất bỏ: Tạo vật không hy vọng trở lại nữa: Đó là chân lý hiển hiện trong hình ảnh sứ thần cầm gươm canh cửa vườn địa đường. Thánh Phaolô cũng daỵ như thế trong thư gửi giáo đoàn Roma: Không có gì tuỳ thuộc vào ý chí hay hành động nhân loại, nhưng tất cả đều tuỳ thuộc vào lòng từ ái Thiên Chúa.

Thiên Chúa có thể tự do gọi những kẻ Ngài muốn. “Ta thương Giacob và ghét Esau”. Thánh Phaolô so sánh hành động của Thiên Chúa với người thợ gốm muốn tuỳ ý nặn nên một vật gì tầm thường hay quí giá. Người thợ hoàn toàn tự do. Thiên Chúa cũng thế. Ngài gọi kẻ nào Ngài muốn: Người thì được gọi từ trong lòng mẹ như gọi một Tiên tri, người khác được gọi từ buổi thiếu thời, người khác khi đã đứng tuổi hay về già. Thiên Chúa quyết định thời gian.

Thiên Chúa tự do chọn lựa nơi nào Ngài muốn. Đức Kitô tuyên bố với Phêrô: “Người khác thắt lưng con, rồi dẫn con đến nơi mà con không muốn”. Mức độ ân sủng khác nhau tuỳ theo từng người. Người thì được gọi vào giờ đau khổ để được cứu rỗi. Kẻ khác được gọi để nên thánh. Người thì được gọi cứu linh hồn mình. Kẻ khác được gọi để cứu tha nhân. Những người khác nữa nhất là các thánh nhân được Thiên Chúa uỷ thác một sứ mệnh giữa Giáo hội chẳng hạn, các vị lập dòng, những người tiên phong, khởi xướng phong trào canh tân và các nhà tư tưởng…

Thiên Chúa tự do thưởng công: Ta chỉ nói về công nghiệp và phần thưởng theo cách bất toàn, và chính Đức Kitô theo sự tự do tuyệt đối của Ngài đã gọi phần thưởng là ân huệ được tham dự vào vinh quang Thiên Chúa.

Tất cả những tính toán, những dự liệu pháp lý, những đòi hỏi, những tham vọng, phải tan biến trước oai nghiêm và tự do của Tạo hoá.

Các tông đồ của Chúa Giêsu phải học biết điều đó bằng kinh nghiệm riêng. Nếu họ đã không được gọi, họ đã sống cuộc đời vô nghĩa giống như các ngư phủ khác và bọn thu thuế tại Galilêa. Ngay cả sau khi đã được gọi làm môn đệ, họ cũng chỉ như những người vô danh khác, nếu Đức Kitô không phân biệt họ khỏi những người khác. Trong số các môn đệ, Simon đã chẳng trở thành Phêrô nếu Chúa không tự ý thánh hiến ông thành vị thủ lãnh. Mặt khác, dù ngã quỵ trước cơn thử thách nặng nề ngày thứ sáu tuần thánh, tất cả đã đánh mất ơn gọi, nếu sau khi sống lại, Chúa đã không tụ tập lại, và sai đi truyền giáo, nhất là đối với Phêrô; vì ba lần chối Chúa, ông đã đánh mất chức vụ thủ lãnh, nếu Chúa không ban lại sau ba lần tuyên xưng lòng mến. Nhờ ba lần tuyên xưng lòng mến này, Ngài lại trao cho ông quyền chăn dắt đoàn chiên. Đức Kitô hừa cho họ ngồi trên mười hai toà xét xử mười hai chi họ Israel. Đó là phần thưởng đổi lại lấy những gì họ đã từ bỏ vì Chúa. Tất cả đều là ơn huệ nhưng không. Nếu tất cả Kitô hữu ý thức về những ân huệ đã nhận được do Thiên Chúa tự ý ban cho, thì mười hai tông đồ và những ai sống giữa cộng đồng được lựa chọn, đã thụ hưởng một ơn gọi đặc biệt, là phải nhận biết ơn huệ Thiên Chúa và không ngừng nhớ tới.

2) Dụ ngôn này còn có một giá trị giáo huấn nữa. Thiên Chúa dùng tự do của Ngài để thực thi lòng nhân hậu. Thêm vào lời quyết đáp: “Ta lại không được quyền làm điều ta muốn ư?” Ngài nói: “Mắt các ngươi xấu vì thấy ta tốt ư?”.

Thiên Chúa tỏ ra nhân hậu và tự do, khi mời gọi tất cả mọi người. Trước kia chỉ có một dân tộc duy nhất, một dân tộc nhỏ bé và được tuyển chọn. Nay nhờ Tin Mừng được loan báo cho tất cả các tạo vật, tất cả mọi quốc gia trở thành môn đệ Ngài (Mt 28, 16-20). Những tội nhân cũng sẽ được gọi đúng như lời Thánh Phaolô dạy: “Thiên Chúa đã để mọi người phạm tội để có thể thương xót mọi người”.

Lòng thương xót của Chúa thực là cao cả. Mọi người đều được mời gọi chung hưởng. Suốt đời, con người được tham dự vào vinh quang Thiên Chúa. Được nâng lên bên trên bản tính tự nhiên, con người sẽ trở thành hình ảnh đích thực của Thiên Chúa, bước đi trong ánh sáng của Ngài, tiến nhanh nhờ sức mạnh của Ngài, tham dự vào bản tính thần linh của Ngài. Do đó, tội nhân được gia nhấp cộng đoàn thánh nhân.

Lòng nhân hậu tự do của Thiên Chúa thực là cao cả, nên mới quyết giữ ơn gọi được miên trường. Ơn gọi không phải là một dịp tốt duy nhất, sẽ mất đi, nếu người ta không đáp lại. Ơn goị của Thiên Chúa theo dõi con người không ngừng và con người có thể đáp lại bất cứ lúc nào.

Như thế, chỉ khi nào ý thức về ơn sủng, con người mới hiểu được sự cao trọng của Thiên Chúa. Mỗi người có thể xử dụng tự do tuỳ ý. Thiên Chúa cũng sử dụng tự do để tha thứ, vì muốn thể hiện trọn vẹn tình yêu. Thiên Chúa ban phát mà không tính toán. Đến lượt con người họ cũng không được tỏ ra là người ganh tị hay ti tiện, trái lại, hãy mở rộng lượng của Đấng Tối cao. Các tông đồ đã nhận được nhiều sứ mệnh nặng nề. Phải ý thức điều đó để hoan hỉ trao ban những gì đã nhận lãnh. Những công nhân bất mãn đã cằn nhằn vì chịu khó nhọc nóng nực cả ngày mà không nhận được vào nước Chúa. Khi bắt chước Đức Kitô, những thử thách này là một đặc ân chứ chưa phải là một việc đền tội, một ơn huệ hơn là một bổn phận. Đó là cơ hội để chứng tỏ lòng yêu mến sâu xa và ưu tiên. Vì ta đã được gọi từ sớm để làm việc nhiều hơn. Con người phải từ bỏ tiêu chuẩn nhân loại để học biết suy nghĩ và phán đoán cách khác. Từ đây, mức độ là chính tình yêu. Nhưng tình yêu không bao giờ tính toán. Ai biết phó thác cho thánh ý Thiên Chúa theo tình yêu Ngài, sẽ tình nguyện tận hiến tình yêu cho Ngài. Vậy dụ ngôn này có một giá trị đặc biệt để giúp Kitô hữu suy nghĩ đúng đắn. Dụ ngôn này dạy ta phải hiểu biết cách hành động của Thiên Chúa, Ngài dùng tự do để bày tỏ tình yêu của Ngài.