Chúa Nhật XXV thường niên - Năm A |
LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA |
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái |
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ Anh chị em thân mến Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ về Thiên Chúa, chúng ta sẽ gặp nhiều bất ngờ. Thiên Chúa mà ta tưởng rằng đã hiểu rất rõ lại không như ta tưởng ; suy nghĩ của Ngài nhiều khi không giống suy nghĩ của chúng ta ; cách đối xử của Ngài cũng lắm bất ngờ. Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu Ngài hơn, và nhất là biết suy nghĩ và cư xử như Ngài. II. GỢI Ý SÁM HỐI - Chúng ta ít lo tìm hiểu Chúa nên đã không sống như Ngài. - Cách chúng ta đối xử với người khác dựa trên quyền lợi bản thân hơn là dựa trên lòng tốt. - Nhiều khi thấy một người khác được điều gì tốt, thay vì vui mừng, chúng ta lại khó chịu. III. LỜI CHÚA 1. Bài đọc I (Is 55,6-9) : Kẻ có tội thường sợ Thiên Chúa trừng phạt nên trốn lánh Ngài. Mà càng trốn lánh Thiên Chúa thì càng lún sâu trong tội. Qua lời ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa khuyến khích họ cứ an tâm trở về. "Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi" : Ngài không nghĩ đến trừng phạt mà chỉ nghĩ đến cứu vớt, Người không bắt tội mà chỉ thứ tha. 2. Đáp ca (Tv 144) : Tv này ca tụng sự vĩ đại của Thiên Chúa, sự vĩ đại này chính là tấm lòng của Ngài : nhân hậu, từ bi, kiên nhẫn, xót thương và tốt lành với tất cả mọi người… 3. Tin Mừng (Mt 20,1-16a) : Dụ ngôn này phản ảnh hai cách suy nghĩ : - Cách suy nghĩ của đám thợ làm vườn nho là suy nghĩ theo công bằng : kẻ làm ít giờ lẽ ra phải được lãnh ít hơn người làm nhiều giờ. Đây cũng là suy nghĩ của loài người chúng ta. - Cách suy nghĩ của ông chủ vườn nho : vẫn trả đủ lương cho những người làm nhiều giờ, nhưng vì lòng tốt nên cũng trả cho người thợ làm giờ cuối cùng đủ một đồng. Đây là cách suy nghĩ của Thiên Chúa. 4. Bài đọc II (Pl 1,20c.24-27) (Chủ đề phụ) : * Trong các Chúa nhựt XXV-XXVIII, bài đọc II được trích từ thư Phaolô gởi tín hữu Philipphê. (Xin xem bài giới thiệu tổng quát về Thư Philipphê, ngay sau bài này) Đây là bức thư Phaolô viết trong khi bị cầm tù. Trong thời gian Phaolô ở từ, tín hữu Philipphê đã thường xuyên thăm viếng, trợ giúp và còn phái người tới chăm sóc cho Phaolô. Trong đoạn thư này, Phaolô nghĩ đến hai tình huống : - Một là ông sẽ được tha tự do : khi đó ông sẽ tiếp tục rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, và Ngài sẽ được vẻ vang. - Hai là ông bị xử tử : cái chết của ông vì Tin Mừng cũng sẽ làm vẻ vang Đức Kitô. Vì thế Phaolô kết luận : "Dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô cũng sẽ được vẻ vang nơi tôi" IV. GỢI Ý GIẢNG 1. Tư tưởng của Thiên Chúa không giống tư tưởng loài người Loài người chúng ta suy nghĩ giống như một người buôn bán : món hàng trị giá thế nào, vậy phải mua thế nào, bán thế nào ? bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì sai ? Chúng ta áp dụng suy nghĩ ấy chẳng những trong đối xử với người khác, mà còn cho cả Thiên Chúa nữa : tôi đã làm gì và làm bao nhiêu, cho nên Thiên Chúa phải ban cho tôi ơn gì và ban bao nhiêu. Chúng ta cho rằng như thế là công bằng. Nhưng Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha, yêu thương chúng ta là con. Ngài chỉ có thương yêu và chỉ dùng lòng tốt để đối xử. Đối với từng đứa con, Ngài không xét xem nó đã làm được gì, nó đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ nó cần được chăm sóc như thế nào, ban cho nó cái gì là tốt nhất… Khi lẩm bẩm trách, những người thợ làm nhiều giờ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên suy nghĩ của ông chủ, họ muốn ông đừng làm người cha yêu thương mà hãy làm một người buôn bán vô tình. 2. Công bình và thương xót Nhiều người đọc xong dụ ngôn này đã nghĩ rằng Thiên Chúa đối xử không công bình vì Ngài đã trả cùng một đồng cho những người làm việc suốt ngày và người chỉ làm có một giờ. Thực ra chẳng có gì là không công bình cả : Vì ông chủ đã thỏa thuận với thợ về tiền công mỗi ngày là một đồng, nên nếu ông trả không đủ một đồng thì mới bất công. Nói cho đúng hơn : đối với những người làm suốt ngày thì ông chủ công bình ; còn đối với người làm chỉ có một giờ thì ông chủ đã đối xử hơn mức công bình : ông đối xử theo lòng thương xót. Xem ra, đòi hỏi công bình là điều hợp lý. Nhưng xét theo thực tế, chúng ta không chịu nổi nếu Chúa cứ theo công bình à đối xử với chúng ta, đúng như lời Thánh vịnh "Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được". Cho nên, xét cho cùng thì chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa hơn là đến đức công bình của Ngài. Vả lại, đối xử công bình là đối xử bằng lý, còn đối xử với lòng thương xót là đối xử theo tình. Mỉa mai thay, bất chính như con người thì hay đòi đối xử bằng lý, còn công chính như Thiên Chúa lại thích đối xử bằng tình. Flor McCarthy đã chứng kiến một cảnh tượng tương tự với dụ ngôn này và cho biết ông đã thay đổi cách suy nghĩ ra sao sau khi chứng kiến nó : có lần ông đến Cape Town nước Nam Phi. Đó là một buổi sáng mùa hè. Ông thấy một đám đông đứng ngoài đường không làm gì cả. Ban đầu ông nghĩ rằng đó là những kẻ lười biếng, đang khi những người khác lo làm ăn thì những người này đứng đó chẳng làm gì cả. Đến trưa ông vẫn còn thấy đám người ấy vẫn đứng đó, mồ hôi đã nhễ nhại ướt đẫm lưng áo. Hỏi kỹ thì mới biết họ là những người thất nghiệp. Họ đứng chờ ngoài nắng, hy vọng có ai đến thuê họ đi làm chăng. Mãi tới chiều ông vẫn thấy đám người đó. Và khi hết ngày, họ lủi thủi ra về, trông rất tội nghiệp. Hôm đó McCarthy rất hối hận vì đã vội kết án những con người tội nghiệp ấy. Và ông đã soạn một lời cầu nguyện như sau : "Tư tưởng của Ta không giống tư tưởng các ngươi và đường lối Ta không giống đường lối các ngươi" "Như trời xanh cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu" Lạy Chúa Tư tưởng chúng con rất nông cạn, đường lối chúng con rất hẹp hòi Bởi vì trí óc chúng con nghèo nàn và con tim chúng con chật chội. Xin Chúa mở rộng trí óc và con tim chúng con để chúng con suy nghĩ giống Chúa hơn, và hành động giống Chúa hơn. Xin giúp chúng con đừng bực bội vì lòng tốt của Chúa đối với người khác Xin giúp chúng con ý đừng cho rằng chúng con đáng được Chúa thưởng công Xin giúp chúng con ý thức rằng chúng con cần đến lòng thương xót hơn là đức công bình của Chúa. Amen. 3. Giờ thứ 11 Cuối đoạn Tin Mừng này có một câu bất ngờ : "Kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết". Trong Tin Mừng có nhiều thí dụ minh họa : Một chàng thanh niên giàu có và đạo đức hỏi Đức Giêsu : tôi đã giữ các giới răn từ thuở nhỏ, vậy tôi phải làm gì thêm để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ? Lần kia Phêrô áy náy trình với Chúa : Thưa Thầy, này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy thì sao ? Bồn chồn hơn nữa, hai người con Ông Dêbêđê nghĩ rằng mình thuộc số môn đệ đi theo Thầy trước hết cho nên xin Thầy dành cho mình hai chỗ tả hữu trong Nước của Ngài… Nhưng, đối với những "kẻ trước hết" ấy, Đức Giêsu đã không dành hai chỗ tả hữu ưu tiên, Ngài lại ban chúng cho hai tên trộm cướp. Đúng vậy, hai "kẻ sau hết" này đã ở hai bên tả hữu của Thập giá. Nói "trước hết" và "sau hết" là tính theo thời gian. Nhưng liên hệ với Chúa không tính bằng thời gian mà bằng sự gắn bó tình yêu. 4. Hãy có một não trạng mới Điểm sâu sắc nhất của dụ ngôn những người thợ vườn nho là đặt đối lập nhau hai não trạng : a/ Não trạng của những thợ làm nhiều giờ là óc tính toán : làm gì cũng là để tính công, công càng nhiều thì phải được hưởng càng nhiều. Đây là não trạng của đa số tín hữu chúng ta. Chúng ta tính toán mình đã giữ đạo bao nhiêu năm, đọc kinh dự lễ bao nhiều lần, làm việc lành phúc đức bao nhiêu việc v.v. Với não trạng ấy, chúng ta chăm chăm nhìn đến những việc mình đã làm và cứ bo bo nhìn vào sổ thu của mình. Chúng ta nghĩ rằng khi đến cuối đời (hết ngày làm việc), trình quyển sổ thu đó cho Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ mở kho tàng ơn cứu độ và thanh toán sòng phẳng cho chúng ta. Nhưng trong não trạng ấy, ta là ai, Thiên Chúa là ai, liên hệ giữa Thiên Chúa và ta là gì ? Ta chỉ là người làm công, Thiên Chúa là người thuê mướn, liên hệ hai bên là hợp đồng làm ăn. Sống đạo theo não trạng này thật là nặng nhọc và vô tình vô nghĩa. b/ Thực ra, Thiên Chúa đâu có tự coi là người thuê mướn và cũng đâu có coi chúng ta là người làm công. Thiên Chúa yêu thương chúng ta theo hoàn cảnh của mỗi người chúng ta. Người thì hoàn cảnh này (đứng trước vườn nho từ sáng sớm), người thì hoàn cảnh khác (đứng trước vườn nho khi đã gần hết ngày), nhưng người nào cũng được Thiên Chúa thương và ban cho ơn cứu độ (được vào vườn nho, được lãnh một đồng). Não trạng thoải mái và hạnh phúc nhất là cảm nhận tình thương ấy và đáp lại tình thương bằng cách tận tâm tận lực canh tác vườn nho, không tính toán làm lâu hay làm mau, làm được nhiều hay làm được ít, chịu cực khổ nhiều hay ít. Cần phải thay đổi não trạng : sống đạo không bằng tính toán mà bằng cả tấm lòng. 5. Chuyện minh họa Đây là diễn tiến một cuộc chạy đua 3000 mét. Lúc bắt đầu, những tay đua chạy san sát nhau thành một nhóm rất đông. Một lúc sau, một nhóm nhỏ đã tách rời đám đông và chạy phía trước. Còn vài chục mét nữa thì một người vọt lên rất nhanh và tới đích. Khán giả vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Một số người ôm những bó hoa tới tặng nhà vô địch. Các phóng viên xách Camera và máy chụp hình tới, vừa bấm máy, vừa thu hình, vừa phỏng vấn. Những người hâm mộ tới xin chữ ký. Một số hãng thương mại đến đề nghị ký hợp đồng với nhà vô địch. Cuối cùng, ông chủ tịch Ban Tổ chức xuất hiện. Người ta mời nhà vô địch lên đứng trên một chiếc bục cao, người hạng nhì đứng trên bục bên phải thấp hơn một chút, và người hạnh ba bục bên trái thấp hơn chút nữa. Người ta mang đến 3 chiếc huy chương để ông chủ tịch đeo vào cổ họ. Nhưng ông chủ tịch ngỏ ý muốn gặp 3 người tới đích cuối cùng. Ban tổ chức không hiểu, nhưng vẫn làm theo lời ông. Khi họ tới, ông tươi cười trao chiếc huy chương vàng cho người hạng chót, chiếc huy chương bạc thuộc về người áp chót, và chiếc huy chương đồng cho người kế tiếp. Nhà vô địch bực bội phản đối : - Như thế là không công bình ! - Tại sao ? Ông chủ tịch hỏi lại. - Tôi hạng nhất, tôi phải được thưởng. - Thì anh đã được thưởng rồi. Này nhé khán giả đã vỗ tay hoan hô anh, báo chí đã chụp hình anh, những người hâm mộ đã tặng hoa cho anh, những hãng thương mại đã ký hợp đồng với anh… Anh đã được thưởng quá nhiều rồi. Bây giờ anh hãy nghĩ tới những người chạy sau chót : họ cũng cố gắng như anh, vất vả không kém gì anh, và cũng chạy hết đoạn đường 3000 mét như anh. Anh thử nghĩ xem có công bình không khi anh thì được tất cả còn họ thì chẳng được gì ? V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI CT : Anh chị em thân mến Thiên Chúa là tình yêu. Người yêu thương và muốn cứu độ hết thảy mọi người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin. 1- Chúa Giêsu đã giao cho hàng Linh mục sứ mạng rao giảng Tin Mừng / và cử hành các bí tích mà phục vụ dân Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các ngài luôn trung thành / khôn ngoan và nhân hậu. 2- Trên thế giới ngày nay / hình như lòng khoan dung không còn ngự trị trong các sinh hoạt trần thế / do đó con người vẫn còn điên cuồng tàn sát lẫn nhau / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lòng khoan dung ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt trong đời sống con người. 3- Hiện tại có biết bao người đang âm thầm hy sinh cả cuộc đời trên cánh đồng truyền giáo / để giới thiệu Chúa cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa giữ gìn / và nâng đỡ những anh chị em ấy / giữa muôn vàn thử thách trong đời sống chứng nhân của mình. 4- Tính ganh tị làm cho con người trở nên mù quáng / hẹp hòi / ích kỷ / thậm chí vu khống để bôi nhoi danh dự / để hạ người khác xuống / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết can đảm sửa chữa tận gốc tật xấu kinh niên này. CT : Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết sống như Chúa : luôn cư xử quảng đại và khoan dung với hết thảy mọi người, nhờ đó chúng con sẽ nên hoàn thiện như Chúa Cha trên trời. Chúa hằng sống và hiển trị… VI. TRONG THÁNH LỄ - Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta đây, kẻ thì biết Chúa vào giờ thứ nhất, người thì chỉ mới biết Ngài vào giờ thứ 11. Nhưng Chúa đã thương tất cả chúng ta, cho tất cả chúng ta làm con trong nhà Ngài. Vậy tất cả chúng ta hãy trìu mến dâng lên Ngài lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy. VII. GIẢI TÁN Thiên Chúa đối xử với mọi người bằng lòng tốt. Xin Chúa giúp anh chị em ra về cũng đối xử bằng lòng tốt với mọi người.
Bài đọc thêm 3 THƯ PHILIPPHÊ A. GIÁO ĐOÀN PHILÍP 1. Philíp là một thành phố trong tỉnh Makêđoan, được thành lập bởi vua Philíp, cha của Alexandre đại đế (đế quốc hy lạp), do đó thành này mang tên Philíp. Đến năm 42 công nguyên nó thành thuộc địa của đế quốc Rôma. Thuộc địa này rất thịnh vượng. Được làm công dân của Philíp thì cũng đương nhiên được quyền công dân Rôma. Dân thành này hãnh diện vì mình là công dân Rôma, họ nói tiếng Latin và ăn mặc theo kiểu rôma (đây là bối cảnh của 3,20-21 : Phaolô bảo các tín hữu hãy hãnh diện vì được làm công dân Nước Thiên Chúa). Đa số dân cư là lính tráng rôma, do đó nếp sống và việc quản trị hành chánh ở đây mang đậm sắc thái rôma (x. Cv 16,21). Cũng có những người do thái nhưng rất ít đến nỗi họ không có hội đường (x. Cv 16,3), và đây cũng là lý do khiến trong thư này Phaolô rất ít trích dẫn Cựu Ước. 2. Năm 50, trong cuộc du hành truyền giáo thứ 2, Phaolô đã đến Philíp. Cùng đi có Sila, Timôtêô và Luca. Họ đã thành lập được giáo đoàn mà đa số tín hữu là người lương trở lại (Cv 16,12-40). Vì không có hội đường nên Phaolô không rao giảng tại hội đường như thói quen. Các cuộc nhóm họp của tín hữu cũng tổ chức tại tư gia. Hình như cuộc nhóm họp đầu tiên tổ chức tại nhà Bà Lyđya một tín hữu làm nghề buôn bán vải điều (Cv 16,14-15) 3. Giáo đoàn này xem ra rất được Phaolô quý mến nên ông thường trở lại thăm viếng. Sau khi thành lập xong giáo đoàn, Phaolô ra đi, để Luca ở lại cai quản. Đến năm 57, Phaolô trở lại. Năm sau, trên đường từ Côrintô đi Giêrusalem, Phaolô lại ghé thăm. Cũng có lẽ vì quý mến giáo đoàn này nên mặc dù có lập trường không nhận trợ giúp vật chất của ai, Phaolô đã bằng lòng để họ giúp đỡ mình (Pl 4,16 2Cr 11,8-9) Mục đích của thư này là cám ơn sự giúp đỡ của tín hữu Philíp. Nhưng ngoài ra cũng có một số mục đích khác : - Thông tin về hoàn cảnh sống hiện tại của Phaolô (1,12-26 ; 4,10-19). - Khuyến khích tín hữu can đảm, kiên trì và nhất là vẫn vui vẻ lạc quan trong thời gian thử thách (1,27-30 ; 4,4). - Khuyên bảo họ hai điều quan trọng là khiêm tốn và đoàn kết (2,1-11 ; 4,2-5). - Gởi gắm Timôtêô và Êpaphrôđitô cho giáo đoàn Philíp (2,19-30). - Cảnh cáo tín hữu về hiểm nguy của khuynh hướng vụ luật (do những người do thái thủ cựu) và khuynh hướng phóng túng (chương 3). C. NỘI DUNG - Khuyến khích và dạy dỗ :1,1-3,1 - Khiển trách 3,2-4,1 - Tiếp tục khuyến khích và dạy dỗ : 4,2-9 - Cám ơn sự giúp đỡ 4,10-20 D. NHẬN ĐỊNH Điểm đặc biệt nhất của thư này là "niềm vui" : kitô hữu hãy vui luôn, cho dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa cũng vẫn vui. - Đặc tính của niềm vui này : Không chóng qua nhưng bền bỉ : "Yến tiệc nào không có lúc tàn" (Qohelet). Niềm vui tự nhiên sẽ tàn khi cuộc vui kết thúc. Nhưng niềm vui siêu nhiên trong thư này thì vẫn tồn tại. Ngay cả khi tín hữu phải sống trong hoàn cảnh hết sức khổ sở, họ vẫn vui. Thậm chí ngay khi đối diện với cái chết họ vẫn cứ vui. Cụ thể là Phaolô khi ấy đang bị cầm tù và không biết mạng sống sẽ ra sao nhưng ông vẫn vui. - Nguồn gốc của niềm vui này : a/ Xác tín rằng Thiên Chúa có thể biến một điều xem ra bất lợi trở thành có lợi (2,5-11). Bằng chứng hiển nhiên nhất là cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu độ. b/ Tự nhủ rằng cù sướng hay khổ, dù sống hay chết cũng được, miễn sao cho Tin Mừng được rao giảng (1,12-18). |