Chúa Nhật XXIV thường niên - Năm A
KHÔNG NGỪNG THA THỨ
                                                Lm, Gioan. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Đọc Thánh Kinh chúng ta thấy tha thứ là một đề tài thường xuyên không ngừng lặp đi lặp lại. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng giàu ân sủng, chậm bất bình và rất mực khoan dung.

Thật vậy, lịch sử cứu độ là lịch sử của lòng tha thứ. Đầu tiên, Chúa tha thứ cho ông bà nguyên tổ đã giơ tay hái trái cấm. Chúa tha thứ cho vua Đavít ngoại tình. Tha thứ cho dân Israel đã nhiều lần không trung thành với lời Giao ước.

 Khi đến trần gian, Chúa Giêsu là hiện thân của lòng tha thứ. Ngài tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình: “Ta không kết tội chị…”; tha thứ cho Phêrô sau ba lần chối Ngài; tha thứ cho đám lý hình: “Xin Cha tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết ”. Tha thứ cho người trộm lành: “Ta bảo thật ngươi, ngay hôm nay ngươi sẽ lên thiên đàng với Ta”. Và Chúa lập Bí tích hoà giải là bằng chứng Chúa không ngừng tha thứ cho con người qua mọi thời đại.

Lời Chúa hôm nay không những nói đến Thiên Chúa tha thứ cho con người, mà còn nói đến bổn phận con người phải tha thứ cho nhau nữa.

Hôm nay, Chúa đưa ra một giới luật tha thứ thật rõ ràng. Ngài không dạy chúng ta phải tha thứ như trong thời Cựu ước “mắt đền mắt, răng đền răng”. Hay người Việt Nam mình thường nói “nhất quá tam ba bận”. Hoặc như thánh Phêrô  cùng lắm là 7 lần, nhưng Chúa dạy phải tha đến 70 lần bảy, nghĩa là phải tha thứ vô hạn định, tha thứ mãi mãi, tha thứ như Chúa đã không ngừng tha thứ cho chúng ta.

Chúa Giêsu nêu lên trường hợp người đầy tớ được tha thứ mười ngàn nén bạc, nhưng lại không biết tha thứ cho người bạn của mình chỉ mắc nợ anh ta một trăm quan tiền.

Vào thời bấy giờ một nén bạc tương đương với 10 ngàn đồng và như vậy món nợ 10 ngàn nén bạc tương đương với 100 triệu đồng, và lương một ngày công được trả 1 đồng bạc như trong dụ ngôn người làm vườn nho. Như vậy 100 triệu đồng tương đương với 100 triệu ngày công. Đây là một món nợ khổng lồ, diễn tả tội lỗi con người xúc phạm đến Thiên Chúa nặng vô cùng. Chúa kể dụ ngôn này nhằm dạy chúng ta hãy tha thứ cho nhau mãi mãi.

Aáy thế mà, có nhiều người đưa ra lý lẽ: Tôi là người chứ đâu phải là Chúa? Cũng không phải là thánh, làm sao tôi có thể tha thứ cho những hạng người không đội trời chung với tôi. Họ quan niệm rằng: những người tôi gặp gỡ hàng ngày, làm cùng công ty, ngủ cùng phòng, ăn cùng chỗ.... họ đã vô ơn bạc nghĩa, làm bao nhiêu là điều xấu, thì làm sao tôi có thể tha thứ được. Thế nhưng, có ai đếm được bao nhiều lần vợ chồng phải tha thứ cho nhau không?, nếu muốn hôn nhân đong đầy hạnh phúc như tình yêu thưở ban đầu.

Vậy, tha thứ là hồng ân của Thiên Chúa. Người quan toà có thể không tha thứ cho tội nhân, nhưng Chúa sẽ tha thứ cho người tội lỗi, nếu họ thực lòng sám hối ăn năn. Chúa hiểu sự yếu đuối của con người và Ngài sẵn sàng tha thứ. Chính Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ bách hại, lăng nhục, cáo gian và đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Người Pháp có câu: “lầm lỗi là bản tính con người; tha thứ là bản tính Thiên Chúa”. Là người Công giáo chúng ta bắt đầu thánh lễ với lời thú tội với nhau. Và khi trao ban bình an trong Thánh lễ, đó là nghĩa cử chúng ta tha thứ cho nhau. Vì thế, việc tha thứ cho nhau là điều kiện để được Chúa thứ tha cho chúng ta.

 Chớ gì mỗi lần bước đến toà cáo giải, chúng ta kín múc được ơn tha thứ của Chúa, thì chúng ta cũng nên tha thứ cho anh chị em mình trước. Bởi vì Chúa đã đặt điều kiện rõ ràng: “Nếu các con hết lòng tha thứ cho anh em mình, thì Cha Ta trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con”.

Ước gì chúng ta ý thức hơn mỗi lần đọc kinh Lạy Cha: Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, là mỗi lần Chúa nhắc nhở chúng ta không ngừng tha thứ cho  nhau. Amen.