Chúa Nhật XXIV thường niên - Năm A
THA THỨ - MỘT THÁCH ĐỐ KHÔNG NHỎ
PM. Cao Huy Hoàng

Lời Chúa hôm nay gửi đến chúng ta thông điệp về lòng tha thứ. "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. (Mt 18, 21-22)

 

Chúa Giêsu dạy ta tha thứ cho người xúc phạm đến mình, người làm hại mình, tha thứ cho người mà mình có thể xem là kẻ thù, tha thứ đến mức có thể thua thiệt hoặc thiệt thân vì lòng tha thứ, tha thứ và tha thứ…. Bảy mươi lần bảy là tha thứ vô thời hạn.

 

Tha thứ vì hiểu và cảm thông với người được tha hơn là vì người được tha hiểu và thông cảm cho mình.

Tha thứ vì yêu thương người làm hại mình chưa đủ trưởng thành về đời sống nhân bản, chưa đạt đạo làm người, chưa đạt đạo yêu thương, chưa đạt đến sự trọn hảo.. dù cho người ấy ở tầm cao hay thấp về trình độ, tuổi tác, chức vụ…

Tha thứ vì xác nhận người làm hại mình có thể vô tội vì họ không biết việc họ làm gây tác hại cho mình đến mức quá đáng.

Tha thứ vì khôn ngoan tìm kiếm  một sự bình an thanh thản trong tâm hồn

Tha thứ vì ngộ ra cuộc sống này ngắn ngủi, nên phải dùng thời gian và lòng trí cho những điều tốt đẹp hơn là trả thù.

Tha thứ vì khiêm tốn nhận mình cũng là người đã từng hoặc ngay lúc nầy đang nhiều lầm lỗi với mọi người và với Thiên Chúa.

Tha thứ vì nhận mình là con cái của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa đầy lòng khoan dung, tha thứ, và mặc lấy tâm tình của Thiên Chúa mà sống vì uy tín và danh dự của Thiên Chúa.

Và tha thứ vì mong nhận được hồng ân tha thứ của Thiên Chúa.

 

Sách Huấn Ca dạy: "Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha" (Hc 28, 2)

 

Sống tha thứ là sống đời sống của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô dạy:

“Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8)

Ý thức “thuộc về Thiên Chúa” giúp cho mỗi tín hữu phải sống sao nên họa ảnh của Ngài giữa trần gian này: chỉ có yêu thương, tha thứ mà không mảy may thù oán.

 

Vâng, lý tưởng công giáo trong tôi, trong bạn, trong tất cả các tín hữu là như thế.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử, xã hội, giữ luật tha thứ có thể nói là một thách đố không nhỏ đối với các tín hữu thời nay.

 

Nhìn vào xã hội ngày nay để thấy sự giả dối, gian tà đang ảnh hưởng lớn đối với các tín hữu công giáo:

 

-giả dối từ trong trứng nước: con người sinh ra không bởi tình yêu chân thật, không bởi tình yêu với bổn phận nối tiếp công cuộc sáng tạo và trách nhiệm bảo tồn công trình sáng tạo, nhưng là sản phẩm của một sự hưởng thụ, ích kỷ, dối lừa nhau. Bởi thế, người ta có thể cho sinh ra hoặc không cho sinh ra một con người. Còn kinh khủng hơn nữa, có thể giết chết, có thể ăn thịt chính con mình!

-giả dối trong tình yêu: tình yêu của thời đại thực dụng đến mức mỗi con người cũng có giá trị thực dụng của nó, và khi không còn giá trị thực dụng nữa, người ta có thể bỏ nhau, ly dị, lấy vợ chồng khác., còn con cái thì mặc chúng ra sao thì ra.

-giả dối trong tương quan xã hội: người với người không còn tôn trọng sự thật nữa, mà ngược lại, sự giả dối được tôn vinh thành sự thật để khống chế nhau, để cai trị, để áp bức nhau…

……

Hậu quả của một xã hội giả dối là gây quá nhiều tai hại cho con người, trong đó, các tín hữu công giáo là một phần chịu thiệt thòi khá lớn, phần khác, bị ảnh hưởng tiêm nhiễm không ít lối sống gian tà này!

Người tín hữu công giáo tha thứ hay trả thù xã hội gian ác ấy? Thiết tưởng, ta không có người thù, và ta không trả thù người, nhưng kẻ thù ta chính là những chủ trương giả dối gian ác, chính là ma quỷ. Trả thù ma quỷ bằng cách  không cộng tác với ma quỷ và luôn cảnh giác trước âm mưu của chúng.

 

Không phải đổ thừa cho bối cảnh, nhưng thực tế các gia đình công giáo, cho thấy giữ luật tha thứ là một thách đố không nhỏ:

 

Trong chương trình tĩnh tâm mừng ngày chầu lượt của một GX nọ, có một câu hỏi trên giấy gửi đến tất cả mọi giới: “Chúa Giêsu dạy ta “phải tha thứ, tha đến bảy mươi lần bảy”. Vậy, đối với bạn, người mà bạn cần tha thứ trước tiên là ai?”.

 

Có nhiều câu trả lời ghi trên giấy là “bố tôi”, “mẹ tôi” “vợ tôi”, “chồng tôi”, “con cái tôi”. Một số là “người hàng xóm”, là “tình địch”, “con chủ nợ khó tánh”, “cô chủ chảnh”…. Một số khác là “những người chống phá Giáo Hội”

 

            Quả thật, nếu “người làm hại mình” chính là người thân của mình thì còn nỗi đau nào hơn nữa. Một số thanh thiếu niên đang xem bố mình như kẻ thù, bởi vì bố đã bỏ mẹ mà đi tìm hạnh phúc mới trong lúc con đang còn đỏ hỏn. Cũng vậy, có em không thể nào cầm được nỗi xung giận thù hằn khi nhắc đến mẹ mình, vì mẹ đã chủ động viết tờ đơn ly dị và ép bố phải ký để chia tay, rồi sống với một chú công an nhỏ hơn mẹ đến gần 10 tuổi. Hỏi ra mới biết, vì chú công an ấy có nhiều tiền. Bố chẳng làm nhiều tiền hơn với cái nghề mổ heo chân chính.

 

            Ông Bà B đương là ông kia bà nọ trong giáo xứ, bỗng con gái mình “bỏ nhà đi”. Cất công đi tìm. Tìm được, gọi con không về, còn bị nó chửi mắng. Mấy tháng sau lại nghe tin sét đánh con gái nhà mình “chửa hoang” hơn hai tháng rồi. Chưa hết, hai tuần sau đó, cả nhà buồn rũ rượi, nghe nó nói: “Bố Mẹ thằng đó bảo phá thai rồi!”.

 

            Thiết tưởng, Lời Chúa hôm nay với thông điệp tha thứ, cần ứng dụng trước tiên trong mỗi gia đình công giáo.

- Tha thứ cho bố, tha thứ cho mẹ, tha thứ cho con, tha thứ cho nhau, đồng thời, cầu nguyện cho nhau biết trở về đường lối Chúa. Trong khi tha thứ, cũng chính là lúc mỗi người tự đấm ngực mình vì tội không cảnh giác trước những âm mưu của ma quỷ.

            - Tha thứ cho làng xóm, cho người chung quanh để làm gương đời sống đạo đức cho con cái, cho nhiều người khác.

            - Tha thứ cả cho những người tưởng phải nêu gương sáng trong giáo hội, đã lỡ lầm gây gương mù gương xấu.

            - Tha thứ cho những người đang làm phương hại trầm trọng đến cả một thế hệ trẻ bằng những chủ thuyết duy vật, vô thần, vô luân lý. Đồng thời, luôn ý thức trách nhiệm giáo dục Kitô giáo ngay trong gia đình mình.

- Những tha thứ ấy đã không dễ, còn gặp việc tha thứ khó hơn:

 

Con người hôm nay chịu ảnh hưởng của một xã hội hơn thua không thương tiếc, không khoan nhượng, theo đó, còn những cách hành xử bạo lực, bất công, làm các tín hữu luôn phải đối đầu với những thủ đoạn của những thế lực hại dân hại nước.

 

Anh bạn tôi đến thỉnh ý một linh mục:

 

-“Thưa cha, khi người bị hại không chỉ là một cá nhân mà là một đất nước, thì giữ luật tha thứ làm sao đây? Quả là một thách đố”.

-“Bình tĩnh đi con, vẫn phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy. Và có khả năng tha thứ sẽ dẫn đến thua thiệt tới mức đổ máu để minh chứng cho lòng khoan dung của Thiên Chúa. Đó là tinh túy của Đạo Chúa Giêsu, là cốt lõi của đời sống tín hữu công giáo. Cùng với các Thánh Tử Đạo, hãy tha thứ, hãy thắp nến lên, cầu nguyện cho người đang làm hại chúng ta, và tuyệt đối không cộng tác với ma quỷ”. 

 

Lạy Chúa Giêsu, giữ luật tha thứ của Chúa thực không dễ chút nào. Xin tha thứ cho chúng con vì những những lỗi chúng con đã xúc phạm đến Chúa và đến anh em . Xin cho chúng con khao khát và được thuộc trọn về Chúa, để chúng con nhờ ơn Chúa, và vì uy tín danh dự của Chúa mà chúng con thể hiện lòng khoan dung của Chúa cho hết thảy mọi người.

A men