Chúa Nhật XXIV thường niên - Năm A
CẦU XIN ĐỂ THA THỨ CHO NHAU
Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR

Quá tam ba bận. Có tha chỉ tha ba lần mà thôi. Đến lần thứ tư là phải trừng phạt. Đó là truyền thống của người Do thái. Sách Tiên tri Amos có ghi một loạt các lời phán quyết: “Vì ba tội ác của (Đama, Gaza, Tyrô, Edom...) và vì bốn tội...Ta sẽ không hối lại... Ta sẽ phóng hoả tường thành” (Am 1). Từ đó người ta suy luận: Thiên Chúa sẽ trừng phạt kẻ ác khi nó lỗi phạm đến lần thứ tư, và người phàm thì không thể nhân lành hơn Thiên Chúa, thế nên con người không thể tha thứ cho nhau quá ba lần.

 

Truớc lối suy luận và giảng dạy như thế của các kinh sư, Phêrô chắc mẫm sẽ được Đức Giêsu khen ngợi khi đề nghị tha đến bảy lần. Bởi vì tha như thế là đã gấp đôi truyền thống Do thái, và còn cộng thêm một lần. Đây quả là lời đề nghị quảng đại, đầy tính cách mạng.Thế nhưng, câu trả lời của Đức Giêsu đã làm bàng hoàng người nghe : "Không phải chỉ tha 7 lần nhưng là 70 lần 7." Như vậy, vị chi là 490 lần. Thế thì có khác nào bảo người ta tha thứ không ngừng. Mà tha kiểu đó thì có khác gì tạo cớ vấp phạm: được đàng chân, họ lân đàng đầu thì sao?

 

Lắm khi tôi cũng tính toán như thế. Và không ít lần tôi chẳng muốn thứ tha người khác. Tôi tìm cách báo thù cho thoả lòng tự ái. Tôi tìm cách lật tẩy lỗi lầm tha nhân để nó đừng tái phạm. Tôi cố gắng thi hành chính sách "mắt đền mắt, răng đền răng" cho hợp lẽ công bằng. Tôi đưa ra nhiều lý do rất "kêu" để biện minh cho hành vi của mình. Nhưng thử hỏi có lý do nào phát xuất từ tình mến thương chăng?

 

Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn đáng cho tôi suy nghĩ: Có vị vua kia muốn tính toán sổ sách với các con nợ. Một kẻ thiếu ngài 10 ngàn nén vàng. Đổi ra cũng được 100 triệu đồng, tương đương với 60 triệu ngày làm công. Sử gia Flavius Gioseph cho biết: vào năm thứ tư trước công nguyên, số tiển thuế hai tỉnh Galilê và Pêrê nộp cho Rôma là 2 trăm nén vàng. Như thế 10 ngàn nén vàng là một món nợ vô cùng lớn.

 

Kẻ mắc nợ bị điệu đến trước mặt vua. Nhưng vì y không có gì trả nên vua ra lệnh bán y củng vợ con để bù vào. Chắc chắn số tiền đó chẳng đáng là bao. Nhưng đâu còn biệp pháp nào khá hơn.

 

Trước viễn cảnh gia đình tan nát, thân xác sẽ mang kiếp nô lệ ngựa trâu, tên mắc nợ sấp mình nài van đức vua cho thêm thời gian xoay sở. Thấy con nợ than khóc khẩn cầu, vua chạnh lòng thương . Tình thương ấy dâng cao đến nỗi vua cho y về, thậm chí còn tha luôn nợ.

 

Không phải xa vợ con, không bị đoạ đày khổ sai, lại còn được xoá đi món nợ khổng lồ. Ôi, có niềm hạnh phúc nào to lớn hơn!

 

Anh hân hoan nhịp tung chân bước. Lòng phơi phới, miệng hát ca. Từ nay sẽ không còn bồn chồn lắng lo. Khung trời tự do như rộng thêm dưới từng nhịp bước. Nhưng chân anh bỗng khựng lại vì chợt thấy bóng người hàng xóm. Tên này đang thiếu nợ anh. "Hắn mượn mình 100 đồng từ lâu mà chưa chịu trả," anh nghĩ bụng, "ta phải cho nó biết tay." Thế rồi, anh tóm lấy, bóp cổ, đòi nợ, và tống giam kẻ ấy sau khi hắn van xin anh cho thêm chút thời gian xoay sở mà không được.

 

Vụ việc đến tai vua. Nhà vua đã trừng trị hắn đích đáng.

 

Tôi tự hỏi: tại sao anh kia lại đối xử với tha nhân thiếu tình người như thế. Hà cớ gì anh lại ra tay vũ bạo với con nợ bé tí thế kia?

 

Câu trả lời sẽ là vì anh ta mau vô ơn. Tham chút lợi nhỏ trước mắt mà quên mất hồng phúc lớn lao trong đời. Mau vô ơn, cũng mau vô tình vô tâm. Thế nên để sống có tâm, có tình, con người cần phải nhìn lại chính mình luôn luôn. Nhìn lại để thấy tình Chúa chứa chan. Nhìn lại để biết chia ban ân phúc cho người.

 

Thiên Chúa luôn quảng đại thứ tha. Ngài không thích trừng phạt ai. Thế nhưng con người sẽ tự trừng phạt chính mình khi đóng cửa lòng với người khác. Mở ra là điều kiện tất yếu để đón nhận. Càng biết tha thức càng được Thiên Chúa thứ tha. Tha nhân nợ tôi, dù có nặng nề mấy, cũng chẳng đáng là gì khi so với việc tôi nợ Chúa. Thế thì dại chi khi không bỏ một vốn để được bốn vạn lần lời.

 

"Hãy cho đi để được cho lại. Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã lắc, đầy tràn toé ra mà đổ vào vạt áo các ngươi. Vì các nguơi đong bằng đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy.' (Lc 6,38).

 

Người ta kể: trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha trong những năm 1930, các phiến quân triệt hạ giáo xứ, đốt phá nhà thờ, và giết hại nhiều linh mục, giáo dân.

 

Một ngày nọ, bọn phiến loạn trói giật cánh khuỷu một linh mục già và đem ra pháp trường xử bắn. Trước khi bị hành hình, vị linh mục thều thào với viên chỉ huy:

 

- "Xin anh cởi trói cho tôi".

 

- "Chết đến nơi rồi thì cần gì cởi trói", viên chỉ hay quát lại.

 

- "Tôi muốn ban phép lành lần sau cùng cho các anh".

 

Nghe thế viên chỉ huy vô thần tức giận vung chiếc rìu lên, chém đứt không chỉ sợi dây trói, nhưng còn luôn cả đôi bàn tay linh mục.

 

Mặc dù đau đớn cùng cực, vị linh mục vẫn giơ cổ tay đầy máu lên cao, vẽ thành hình Thánh Giá như dấu hiệu ban phép lành. Ngài nói trong hơi thở đứt đoạn: "Tôi tha thứ cho các anh. Tôi xin Chúa tha thứ và chúc lành cho các anh."

 

Một loại đạn vang lên, xác vị cha già đổ xuống. Đầy máu.

 

"Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ... Nếu kẻ thù ngươi đói hãy cho nó ăn; nó khát, hãy cho nó uống. Làm thế ngươi sẽ chất than hồng trên đầu nó. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ" (Rm 12,14,20-21)

 

Biết cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình - đó có thể là vợ tôi, chồng tôi, con chiên tôi, các đồng nghiệp của tôi... - là biết sống tinht thần bác ái Kitô Giáo. Và như thế, tôi đang giúp họ cũng như chính mình tiến đến đỉnh cao kiện toàn.

 

Một nhà tư tưởng đã viết: "Nắm bắt chân lý để rao giảng về nó là một cuộc chiến khó khăn; sống theo chân lý lại là một cuộc chiến gay go gấp bội; nhưng chỉ những ai chú tâm cầu nguyện mới mong nắm được phần thắng" (Jack McArdle).

 

Liệu tôi đã biết cầu xin để có thể tha thứ cho nhau hay chưa?