Chúa Nhật XXIII thường niên - Năm A
SỬA LỖI THA NHÂN
Lm Đan Vinh

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

Ý CHÍNH: NẾP SỐNG CỘNG ĐOÀN.

Tin Mừng hôm nay mô tả nếp sống cộng đoàn Hội Thánh là các thành viên phải yêu thương nhau, thể hiện qua việc tế nhị sửa lỗi cho nhau và cùng cầu nguyện chung với nhau:

- TẾ NHỊ SỬA LỖI CHO NHAU (c 15-18): Khi có người nào trong cộng đoàn sai lỗi, thì do tình thương thúc đẩy, các tín hữu có bổn phận phải sửa lỗi cho họ. Muốn việc sửa lỗi đạt được kết quả tốt đẹp thì người sửa lỗi phải tỏ ra tế nhị và kiên nhẫn sửa lỗi qua 4 giai đoạn sau: Trước hết phải gặp riêng giữa hai người. Nếu không kết quả thì đưa thêm hai nhân chứng theo. Nếu kẻ có lỗi vẫn cố chấp không nghe thì hãy đưa ra trước cộng đoàn. Nếu họ không chịu nghe cộng đoàn thì hãy kể họ như người ngoại giáo, và phó thác họ cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.

- CÔNG HIỆU CỦA LỜI CẦU NGUYỆN CHUNG (c 19- 20): Đức Giê-su khuyên các tín hữu nên hiệp nhất cầu nguyện chung trong một cộng đoàn. Mỗi lần hội họp nhau với trong tình yêu thương thì Đức Giê-su hứa sẽ ở giữa họ và lời cầu xin của cộng đoàn sẽ dễ được chấp nhận.

CHÚ THÍCH:

- (c 15) Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được cả món lợi là người anh em mình:

+ Người anh em: ở đây là anh em thiêng liêng cùng trong một cộng đoàn đức tin (x Mt 23,8; 28,10).

+ Phạm tội: Không nhất thiết là tội phạm đến người sửa lỗi, nhưng là những lỗi nặng nề, công khai,gây gương mù gương xấu và làm tổn thương đến cộng đoàn. Câu này cho thấy Hội Thánh không chỉ bao gồm những người hoàn thiện, mà còn có cả những tội nhân nữa.

+ Hãy đi sửa lỗi nó: Ở đây Đức Giê-su dạy phải đi sửa lỗi cho kẻ có tội do đòi hỏi của đức bác ái. Vì mỗi thành viên trong cộng đoàn đều có trách nhiệm liên đới với đời sống đạo đức của anh em mình. Sự sửa lỗi này không mâu thuẫn với lời dạy về việc phải tránh xét đoán anh em và đừng đòi lấy cái rác ra khỏi mắt anh em, đang khi có cả cái xà trong mắt mình (x Mt 7, 1-5). Như vậy sửa dạy không phải là sự khiển trách hay la mắng miệt thị, mà là do tình yêu thương. Do đó, cần tạo điều kiện để tội nhân nhận ra tội mình và thành tâm sám hối.

+ Một mình anh với nó mà thôi: Đây là sửa lỗi cá nhân, nhằm tôn trọng và giữ thể diện cho kẻ có tội. Nếu cách này không hiệu quả thì mới sử dụng tới cách khác hiệu quả hơn.

+ Được món lợi là người anh em mình: Món lợi ở đây không có nghĩa là "có lời" thêm được một người bạn hay là chiến thắng được một đối thủ. Nhưng là giúp cho Hội Thánh khỏi bị mất đi một thành viên.

- (c 16) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân:

Chỉ thị này nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn phải có đối với những tội nhân bướng bỉnh cố chấp. Việc đem theo một hoặc hai người nữa là để tội nhân ý thức hơn về tội của mình, như luật Mô-sê đã dạy: "Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào. phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét" (Đnl 19,15). Tuy nhiên, chỉ thị của Đức Giê-su nói đây không phải là nhân chứng buộc tội, nhưng là những người trợ lực có uy tín, để giúp tội nhân dễ dàng sửa lỗi.

- (c 17) Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế:

­ + Đi thưa Hội Thánh: tức là đi thưa với Hội Thánh địa phương, vì Hội Thánh đã được Chúa ban cho quyền cầm buộc và tháo cởi (x Mt 18,18). Đưa ra Hội Thánh không phải để bị xét xử, nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá. Nhưng nếu kẻ đó vẫn cố chấp không chịu sửa lỗi, thì tức là đã tự loại mình ra khỏi Hội Thánh, và từ đây không còn là thành viên của Hội Thánh nữa.

+ Kể nó như một người ngoại: Nếu kẻ có tội cố chấp không muốn ở trong Hội Thánh, thì sẽ được kể là “dân ngoại hay người thu thuế “, nghĩa là ở ngoài Hội Thánh, là người đang sống trong sự lầm lạc về đức tin và luân lý. Từ nay Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp phải lo cho họ nữa, nhưng chỉ còn biết phó thác họ cho lòng nhân từ thương xót của Thiên chúa.

- (c 18) Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy:

+ Dưới đất anh em cầm buộc những điều gì: Đức Giê-su trao cho Nhóm Mười hai cũng một thứ quyền cầm buộc và tháo cởi đã trao cho ông Phê-rô trước đó (x Mt 16,19). Nhờ đó, Hội Thánh có thể thiết lập luật lệ cho các tín hữu về các vấn đề có liên quan đến cả tòa trong cũng như tòa ngoài. Khi trao quyền cầm buộc tháo cởi cho Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su không bãi bỏ quyền của Phê-rô để ban chung cho Hội Thánh. Nhưng Người chỉ muốn các môn đệ được liên kết với Phê-rô như người đứng đầu.

+ Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì …: "Mọi phán quyết của Hội Thánh về đức tin và luân lý đã được Đấng kế vị thánh Phê-rô công bố ở trần gian, thì cũng sẽ được Chúa phê chuẩn ở trên trời".

- (c 19) Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em họp lời cầu nguyện bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho:

Lời cầu nguyện của mỗi người ở trong phòng kín là cách cầu nguyện khiêm tốn làm đẹp lòng Chúa (x Mt 6,6). Nhưng lời cầu nguyện chung của hai ba người họp lại với nhau lạicàng đẹp lòng Chúa hơn và dễ được Chúa Cha chấp nhận hơn. Cầu nguyện chung là một phương thức co võ và duy trì đức ái và sự hiệp nhất cộng đoàn. Tóm lại, khi hội họp với nhau, các tín hữu cần lưu ý hai điều quan trọng: Một là phải họp nhau trong sự bác ái và hiệp nhất cầu nguyện chung. Hai là phải nhân danh Đức Giê-su, nghĩa là họp nhau để uy trì sự đồng tâm nhất trí xây dựng Hội Thánh và phục vụ cho Tin Mừng ngày một lan rộng.

- (c 20) Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở đấy, giữa họ:

+ Hai ba người họp lại nhân danh Đức Giê-su: Đây không phải là ự họp nhau để vui vẻ ăn nhậu với nhau và mang tính thế tục, nhưng là hội họp nhau nhân danh Đức Giê-su, trong niềm cậy trông vào Thiên Chúa, để nghe lời Đức Giê-su phán dạy dưới ơn soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

+ Có Thầy ở đó với họ: Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa luôn hiện diện ở giữa dân Người dưới hìng dạng cột mây đậu trên Nhà Tạm ban ngày và ban đêm thì có lửa trong cột mây đó (x Xh 40,34-38). Người cũng hứa sẽ hiện ra với dân Is-ra-en trong đám mây trên nắp xá tội của Hòm Bia giao ước (x Lv 16,2). Đến thời Tân Ước, không những Đức Giê-su hứa sẽ hiện diện mỗi khi cộng đoàn họp nhau cầu nguyện, mà cả khi họ hội họp nhau nhân danh Người. Người hiện diện để giúp cộng đoàn xây dựng tình yêu thương hiệp nhất, giúp họ sửa lỗi cho nhau, hòa giải giữa những kẻ đang bất bình chia rẽ nhau, để sau đó mọi người lại được hiệp thông với nhau và dễ dàng quan tâm phục vụ lẫn nhau.

II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA:

- "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình" (Mt 18,15).

- "Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ" (Mt 18, 19-20).

2. CÂU CHUYỆN:

NGÔN SỨ NA-THAN SỬA LỖI VUA ĐA-VÍT.

Đức Chúa sai ông Na-than đến với vua Đa-vít. Ong vào gặp vua và nói với vua: "Có hai người trong cùng một thành, một người giàu một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ong nuôi nó và nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông. Nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông, ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu. Ong này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm. Ong lại đi bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông". Vua Đa-vít bừng bừng nỗi giận với người ấy và nói với ông Na-than: "Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót". Ong Na-than nói với vua Đa-vít: "Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này: "Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en. Chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khing dễ lời Đức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm U-ri-gia người Khết. Vợ y ngươi đã cướp làm vợ ngươi. Còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. Ay vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bời vì ngươi đã khinh dễ Ta và cướp vợ của U-ri-gia người Khết, làm vợ ngươi.

Đức Chúa phán thế này: Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây họa cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Ít-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật”. Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: "Tôi thật đã đắc tội với Chúa" (2 Sm 12,1-13).

Phương cách ngôn sứ Na-than sửa lỗi cho vua Đa-vít trong câu chuyện trên thật tế nhị và đầy bác ái. Na-than xứng đáng đại diện cho Thiên Chúa để sửa dạy các tội nhân. Đây cũng là gương mẫu cho chúng ta khi sửa lỗi cho kẻ có tội theo tinh thần Đức Giê-su muốn dạy hôm nay.

NGƯỜI MÙ LẠI SỬA LỖI CHO NGƯỜI SÁNG MẮT.

Chuyện xưa kể rằng: Có một người mù đi trong đêm tối. Một tay anh ta xách theo chiếc đèn đang cháy sáng. Tay kia anh giữ chiếc bình sành đang đội trên đầu. Một người đi đường thấy vậy thì cho là anh mù ngốc nghếch, nên đứng lại vừa cười vừa hỏi rằng: "Này anh mù ngốc kia ơi! Đối với người đui như anh thì ban ngày có khác gì ban đêm mà sao anh lại phải cầm đèn theo mình làm chi cho vất vả như thế?". Người mù liền ôn tồn trả lời: "Thật ra tôi mù nên không cần cây đèn này. Nhưng tôi cầm theo vì nó rất cần cho những người sáng mắt các anh. Để trong đêm tối khi các anh không thấy gì sẽ không đụng vào tôi và có thể làm bể chiếc bình sành qúy giá của tôi đang đem theo đây".

Người sáng mắt trong câu chuyện trên tượng trưng cho loại người kiêu ngạo, luôn khinh thường người khác, nên thường hay chê bai những người xem ra thua kém mình. Nhưng anh ta đâu ngờ, chính người mù lại dạy cho anh thấy được sự giới hạn của mình. Bằng việc cầm chiếc đèn đang cháy sáng đi trong bóng đêm, người mù không nhằm tránh cho mình khỏi bị vấp ngã. Vì đối với người mù thì đêm cũng chẳng khác gì ngày. Nhưng anh lo cho người sáng mắt, trong bóng tối không thấy, nên có thể đụng vào anh, làm bể chiếc bình sành anh đang mang trên đầu.

CÁCH SỬA LỖI TẾ NHỊ CỦA MỘT VỊ GIÁM MỤC.

Ngày kia có một vị giám mục có dịp ghé thăm dân chúng trong một ngôi làng nọ. Khi gặp ngài, dân làng đã bày tỏ sự bất bình đối với một vị tu sĩ kia đang sống trên núi lén lút với một phụ nữ. Sau đó họ yêu cầu ngài đi kiểm tra thực tế. Vị tu sĩ từ xa thấy đám đông đang tiến đến gần chỗ mình thì hoảng sợ. Ong bảo người phụ nữ sống chung tạm trốn trong một chiếc thùng gỗ để bên cạnh cửa ra vào. Khi đến nhà tu sĩ, vị giám mục yêu cầu dân chúng đứng chờ bên ngoài để ngài vào trước một mình xem sao. Sau khi bắt tay chào hỏi vị tu sĩ, giám mục đưa mắt quan sát và đã hiểu rõ sự việc. Bấy giờ ngài thản nhiên đến ngồi lên trên chiếc thùng gỗ kia và mời dân làng cùng vào trong nhà. Nhưng sau khi tìm kiếm từ trong ra ngoài nhà mà không thấy ai, dân làng đành buồn bả ra về. Chờ cho mọi người về hết, bấy giờ vị giám mục mới nhìn vào mặt tu sĩ và nghiêm nghị nói với ông ta rằng: "Này người anh em. Hãy cẩn thận giữ lấy linh hồn của mình!".

Nói ít hiểu nhiều, vị tu sĩ kia đã nhận ra lỗi của mình và rất biết ơn vị giám mục đã thương và che chở mình. Từ ngày đó ông đã thay đổi để sống phù hợp với nếp sống của một tu sĩ hơn.

3. SUY NIỆM:

Hội Thánh gồm các tín hữu có đức tin và đã thánh hoá nhờ các bí tích. Nhưng bao lâu còn ở trần gian, các tín hữu vẫn có thể sai lỗi như bao người khác. Họ có thể sai lầm và phạm phải những tội lỗi gây gương mù gương xấu và nên cớ vấp phạm cho người ngoài. Tuy nhiên, không phải Hội Thánh cứ thấy con cái sai lỗi là phạt ngay. Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta thái độ phải có đối với những anh chị em trong cộng đoàn khi họ sai lỗi, để sao cho vừa giữ được đức bái ái lại vừa đem lại hiệu quả giúp tội nhân nhận ra lỗi lầm mà thành tâm sám hối và tu sửa nên tốt hơn.

SỬA LỖI LÀ MỘT HÀNH VI BÁC ÁI YÊU THƯƠNG:

Đức Giê-su dạy các tín hữu chúng ta không được im lặng khi thấy anh chị em mình có lỗi, nhưng phải mạnh dạn và thẳng thắn góp ý để giúp họ nhận ra lỗi lầm mà sửa đổi (x Mt 18,15)..Vì Thiên Chúa không muốn cho những kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối va được sống. Nhiều khi chúng ta không dám thẳng thắn sửa lỗi vì sợ làm cho họ tức giận hay sợ sẽ bị mất quyền lợi, hoặc sợ bị ám hại. Im lặng như thế là đồng lõa. Tuy nhiên, cần phân biệt góp ý sửa lỗi với thái độ tọc mạch, "vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết", hoặc kiêu ngạo muốn lên mặt dạy đời, như người ta thường nói: "Chân mình những lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người". Hay như lời Chúa quở trách thái độ kiêu căng của các Biệt Phái và Luật sĩ Do thái: "Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẽ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em" (Mt 7,3-5).

Nhưng sửa lỗi là một hành động yêu thương, giống như cha mẹ vì thương con nên mới sửa dạy: "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Thấy một người đang đi vào con đường nguy hiểm mà cứ im lặng không cảnh báo để họ biết đường đề phòng hay kịp thời quay trở lại, thì đó là một hành vi lỗi đức bác ái nghiêm trọng. Thấy một người làm sai có thể gây thiệt hại cho bản thân và người khác mà không kịp thời ngăn chặn thì đó chính là một tội ác!

NGHỆ THUẬT SỬA LỖI THA NHÂN:

Tuy nhiên, sửa lỗi tha nhân cũng giống như bác sĩ giải phẫu một khối u ác tính. Nếu thiếu kinh nghiệm hay làm không khéo thì không những không hiệu quả mà còn gây thiệt hại cho những bộ phận khác trong thân thể. Cũng vậy, sửa lỗi cho anh em chính là một nghệ thuật, đòi người ta phải tuân theo một số kỹ thuật. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy phải sửa lỗi cho anh em cách tế nhị, kín đáo và kiên nhẫn.

+ Tế nhị tức là phải đặt mình vào hoàn cảnh của người bị sửa lỗi, để làm cho họ khỏi bị bẽ mặt xấu hổ.

+ Kín đáo là phải góp ý riêng tư không để người thứ ba được biết.

+ Kiên nhẫn là không nóng vội khi thấy người kia cố chấp bướng bỉnh, không chịu nhận lỗi. 9ức Giê-su dạy ba bước phải làm khi sửa lỗi anh em: Bước thứ nhất là gặp riêng giữa ta và người có lỗi. Nếu họ không nghe thì sang bước thứ hai là mang theo một hoặc hai nhân chứng, không phải để làm áp lực, nhưng là để công việc được sáng tỏ và khách quan hơn, nhờ lời của một hợac hai nhân chứng, gọi là "Ba mặt một lời". Nếu họ vẫn cố chấp không nghe, thì mới sang bước thứ ba là đưa ra cộng đoàn. Không phải để xét xử, nhưng để lấy thế giá của cộng đoàn luôn có Chúa hiện diện mà khuyên bảo họ (x Mt 18,20). Nếu họ vẫn cố chấp không nghe cộng đoàn, thì bấy giờ họ đã tự loại mình ra khỏi Hội Thánh, từ đây không còn được mang danh nghĩa là "anh em" và không còn là thành viên của Hội Thánh. Cũng giống như một chi thể bị hoại tử, nếu giữ lại sẽ hại lây sang các chi thể khác, nên cần được cắt bỏ càng sớm càng tốt. Bấy giờ họ được kể vào thành phần "dân ngoại và thu thuế", nghĩa là họ không còn ở trong Hội Thánh. Từ đây Hội Thánh không chịu trách nhiêm trực tiếp đối với họ nữa, và chỉ còn biết phó thác số phận của họ cho lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa.

THẤY NGƯỜI LẠI NGHĨ ĐẾN TA:

Góp ý sửa lỗi anh em là một bổn phận do tình yêu thương thôi thúc. Nhưng bản thân mỗi người chúng ta cũng cần được người khác góp ý sửa lỗi. Một cộng đoàn trưởng thành là một cộng đoàn có khả năng ngồi lại để góp ý cho nhau. Trong mỗi cộng đoàn tu sĩ, mỗi hội đoàn hay mỗi giáo xứ rất cần có những lúc ngồi lại để phê bình góp ý xây dựng nhau trong tình yêu thương. Cần làm sao cho lời góp ý của chúng ta phát xuất từ tình thương, chứ không do ghen ghét đố kỵ hay ác cảm cá nhân. Cần có đủ sự khiêm tốn để sẳn sàng lắng nghe những lời phê bình góp ý của anh em, và ngay cả phê bình mạt sát của những kẻ thù ghét ta. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng: Hãy chịu đựng nhau cho xong, hãy sống "dĩ hòa vi quý". Nhưng nếu như vậy sẽ xảy ra tình trạng trì trệ và không thể tiến bộ được. Bấy giờ người ta sẽ đối xử với nhau "bằng mặt chứ không bằng lòng". Bầu khí cộng đoàn trở nên ô nhiễm do sự lạnh nhạt và thủ thế giữ kẽ với nhau. Chính việc dám đối diện với thực tế nhiều khi phủ phàng, dám chấp nhận sự mổ xẻ đau đớn, sẽ làm cho đời sống chúng ta ngày một tốt lành thánh thiện hơn, cộng đoàn sẽ có được bầu khí vui tươi thật sự, phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa và sự hiện diện thực sự của Đức Ki-tô như Người đã nói: "Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ" (Mt 18,20).

4. THẢO LUẬN:

1.- Bạn đã bị ai khác phê bình góp ý chưa? bạn cảm thấy thế nào khi bị người khác nói về sai lỗi khuyết điểm của mình?

2.- Góp ý sửa lỗi cho người khác có phải là một việc làm cần thiết hay không? Tại sao?

3.- Khi thấy người trên có một lỗi nghiêm trọng, ta nên góp ý sửa lỗi thế nào để vừa kết quả tốt, vừa tránh được quan hệ căng thẳng giữa người đó với ta sau này?

4.- Khi làm việc trong một công sở hay một công ty mà cả tập thể từ trên xuống dưới đều đồng lòng thâm lạm công quỹ để chia nhau. Vậy ta phải khôn ngoan cư xử thế nào để tránh khỏi bị đào thải và giữ được sự công bình cần thiết?

III. HIỆP SỐNG CẦU NGUYỆN

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xưa Chúa cũng đã từng có những người bạn thân là ba chị em mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô ở làng Bê-ta-ni-a (x Ga 11,5.11). Chúa không còn coi các môn đệ là tôi tớ, nhưng là bạn hữu nghĩa thiết, để chia sẻ mọi sự của Chúa có cho các ông (x Ga 15,15). Hôm nay chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con những người bạn thân, để nâng đở chúng con trên đường đời.

LẠY CHÚA, dù giữa chúng con còn có nhiều khác biệt, nhưng xin Chúa hãy hiệp nhất chúng con nên một, trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết thật tình yêu thương nhau, biết chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn, biết nâng đỡ an ủi nhau khi bị vấp ngã thất bại, biết động viên khen ngợi nhau trong những lúc thành công, luôn khích lệ nhau cố gắng vươn lên, và nhất là thẳng thắn góp ý xây dựng cho nhau để cùng thăng tiến. Xin cho chúng con trở nên bạn hữu nghĩa thiết của Chúa, nhờ năng học hỏi suy niệm lời Chúa, để từ đó, chúng con có thể trở thành bạn thân của mọi người thiện chí.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

2) LẠY MẸ MA-RI-A. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay để tiếp nhận những người bạn mới, xin cho chúng con đừng chỉ muốn làm bạn với những ai giống mình, nhưng sẵn sàng tiếp xúc với hết mọi người, kể cả những kẻ đã từng chỉ trích nói xấu con. Xin cho chúng con biết quảng đại cho đi và cũng biết khiêm nhường nhận lãnh.

LẠY MẸ. Mỗi lần đến với tha nhân, xin cho chúng con biết đem Chúa là niềm vui và hạnh phúc đến với họ, như Mẹ đã làm khi đến thăm gia đình Gia-ca-ri-a. Xin cho chúng con mỗi khi nói chuyện với kẻ khác, không phải chỉ dành nói về mình, mà còn biết kiên nhẫn lắng nghe để hiểu nhu cầu và tâm tư của người khác. Xin cho chúng con mỗi lần nói chuyên, không chỉ biết khoe khoang thành tích của mình, nhưng còn biết khiêm nhường học hỏi những ý tưởng tốt đẹp của người khác. Nhờ đó tâm hồn chúng con sẽ ngày một phong phú hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.