Chúa Nhật XXIII thường niên - Năm A |
SỬA ĐỔI HUYNH ĐỆ LÀ BỔN PHẬN CỦA TÌNH YÊU |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cách thế giải quyết những tranh chấp, xích mích, những cá nhân lầm lỗi trong cộng đoàn. Ðây là công việc khó khăn vì phải thực hiện cách tế nhị nhưng trực tiếp, thẳng thắn và liên tục nhiều lần nhằm đạt được kết quả hòa giải và thống hối cho các thành viên trong cộng đoàn. Ðiều quan trọng không phải chỉ là nhằm một mục tiêu giới hạn là sửa chữa tính tình cá nhân nhưng mục tiêu còn rộng lớn hơn là nhằm làm cho đời sống của Giáo hội được phát triển tốt đẹp, cho mọi người đều được thăng tiến trong đời sống đạo đức. Thiên Chúa luôn mong muốn huấn luyện và sửa dạy dân Chúa trong đường lối tinh toàn để họ biết nhìn nhận Thiên Chúa và nhờ đó xứng đáng hưởng ơn cứu độ là sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi mọi người trong cộng đoàn biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau để cộng đoàn là nơi qui tụ những con người bắt đầu sống những thực tại mới của ân sủng.
Trích đoạn lời Chúa tuần này là thành phần của bài giảng thứ tư của Ðức Giêsu. Chủ đề là nhằm giúp đời sống cộng đoàn huynh đệ, sự thăng tiến của cá nhân, và trách nhiệm của mỗi người đối với nhau. Bởi vì những tranh chấp xích mích, những lỗi phạm cá nhân là điều không thể tránh được trong cộng đoàn, nên cần phải có những phương thế giải quyết. Trong bất kỳ cộng đoàn nào, những tranh chấp giữa các cá nhân là điều dễ gây đổ vỡ, trong cộng đoàn các môn đệ Chúa Giêsu, những tranh chấp này lại còn cao hơn nữa bởi vì chứng tá của những chứng nhân đời sống cộng đoàn sẽ làm cho Tin mừng được khả tín hơn hay đe doạ sự khả tín của Tin mừng.
Vì giải pháp cho tranh chấp có thể dẫn đến biện pháp kỷ luật nghiêm trọng là việc khai trừ khỏi cộng đoàn, nên điều Ðức Giêsu dạy được xem là có mức độ tiệm tiến từ hòa giải đến biện pháp kỷ luật nghiêm khắc: cố gắng ban đầu để giải quyết chỉ bao gồm giữa hai người liên hệ và nhằm nhắc nhở, khuyên nhủ. Nếu như không giải quyết được thì cần phải mời những người làm chứng. Những người làm chứng này kiểm chứng những biện pháp giải quyết của hai bên đang tranh cãi, và quan sát phản ứng của bị cáo nhằm bảo vệ cho người đứng ra cáo buộc, và cũng bảo vệ cho bị cáo khỏi những lời cáo buộc vô căn cứ. Nếu như hai giải pháp ban đầu, gồm có việc trao đổi cá nhân, và sau đó có thêm hai nhân chứng đều thất bại, thì những giải pháp sau nghiêm trọng hơn sẽ gồm có việc nhờ đến sự can thiệp của cộng đoàn. Khi cộng đoàn quyết định mà bị cáo còn từ chối không chịu hối cải, thì bị cáo bị sa thải, loại trừ và bị kể là người tội lỗi. Như thế, việc sửa đổi và hối cải là điều rất quan trọng đối với đời sống của người môn đệ đến độ từ chối sửa đổi tật xấu của mình tức đương nhiên quyết định tự loại khỏi cộng đoàn những môn đệ của Ðức Giêsu cũng như không cố gắng mạnh dạn góp ý cho người khác cũng là lỗi trách nhiệm. Sự chuẩn nhận của cộng đoàn là quan trọng trong việc nhìn nhận cá nhân sai lỗi đã sửa đổi tật xấu của mình hay không chịu sửa đổi. Phán quyết và quyền bính của Giáo hội hành động trong những sự việc này là chính quyền bính của Ðức Giêsu đã ban cho Phêrô.
Câu chuyện giải quyết tranh chấp trong đời sống cộng đoàn lại được tiếp nối bằng lời tuyên bố hiệu lực của lời cầu nguyện khi có hai hay ba người họp lại nhân danh Chúa Giêsu. Ðiều này được hiểu là hai ba người cầu nguyện này cũng chính là những người đến làm chứng cho việc dàn xếp tranh chấp trong cộng đoàn. Khi cộng đoàn đã đi đến quyết định, thì chính Chúa sẽ chấp thuận quyết định này của cộng đoàn, qua việc ưng thuận lời cầu nguyện của cộng đoàn.
Đây cũng chính là giáo huấn của các tiên tri, đặc biệt chúng ta nghe đọc trong sách tiên tri Êzêkiel. Hình ảnh được tiên tri mô tả sứ vụ của mình là người lính canh của nhà Israel. Công việc của người lính canh quan trọng cho sự bình an của người dân trong thành thế nào thì công việc sửa lỗi huynh đệ cũng như thế. Người lính canh này nhận lệnh từ chính Thiên Chúa để nhắc nhở mọi người biết sống theo đường đạo lý ngay thẳng, giúp cho người tội lỗi biết bỏ đường gian ác mà trở về con đường hoàn thiện để được sống. Người lính canh này mang một trách nhiệm nặng nề trước mặt Chúa, bởi vì nếu như người tội lỗi phải chết trong đường gian ác mà không được nghe lời nhắc nhở cảnh tỉnh của người lính canh, thì Thiên Chúa bắt lỗi nặng người lính canh này, bởi vì ông đã không chu toàn bổn phận của mình do Chúa trao phó.
Thánh Phaolô trong bức thư Rôma thì so sánh bổn phận giúp đỡ lẫn nhau là bổn phận do tình yêu nối kết mọi người với nhau đến mức độ giúp đỡ nhau được xem như một món nợ của tình yêu mà chúng ta phải chu toàn. Người tín hữu trong cộng đoàn cố gắng giúp nhau để mọi người sống những giới răn luân lý như không ngoại tình, không giết người, không làm chứng gian, không mê tham. Cộng đoàn các Kitô hữu là một cộng đoàn không phải lý tưởng, tức không có những tội lỗi. Nhưng đây là một cộng đoàn mà mọi người cùng giúp nhau để tiến bộ, để lần hồi biết từ bỏ những tội lỗi của mình. Vì thế, đời sống đạo của chúng ta không chỉ là sống tương quan thẳng với Chúa mà thôi mà còn phải sống tương quan ngang với anh em, bởi vì giúp nhau để trở nên tốt đẹp hơn là bổn phận của tình yêu và là đòi hỏi của Thiên Chúa.
Không ai trong chúng ta muốn bị sửa lỗi, bởi vì ai cũng tự ái. Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng phải nhìn nhận là mình không hoàn hảo, dù chúng ta dễ thấy tật xấu của người khác hơn là của chính mình. Ðiều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh không chỉ là việc sửa lỗi cá nhân, mà còn là nhằm gìn giữ đời sống toàn vẹn của cộng đoàn cũng như của mỗi người để được sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Ðây là một công việc nhẫn nại bởi vì phải giải quyết trực tiếp, thẳng thắn và nhiều lần nhằm đạt được mục đích là làm cho người này hoán cải và được hòa giải với cộng đoàn và với Thiên Chúa. Ðiều quan trọng không phải chỉ là việc sửa chữa việc tranh chấp của một cá nhân mà còn là vì chính đời sống của cộng đoàn.
Thống hối, hòa giải, chữa lành là những thực tại cánh chung, loan báo Nước Trời gần kề. Ở trong cuộc đời này, chúng ta không bao giờ là cộng đoàn hoàn hảo, hoặc là Giáo hội hoàn hảo, bởi vì chúng ta luôn là những con người yếu đuối với nhiều bất toàn. Ðời sống của Giáo hội, như là một cộng đoàn, đòi hỏi không ngừng hoán cải, bởi vì Giáo hội, xét như là Thân mình của Chúa Kitô, loan báo sự hiệp nhất chưa hoàn tất qua những con người yếu hèn của chúng ta. Nói cho cùng, khi chúng ta hành động như Giáo hội để hòa giải, chúng ta đang hành động như là Thân mình của Chúa Kitô hiệp nhất với Ðầu. Hòa giải là điều quan trọng thiết yếu trong Giáo hội bởi vì chúng ta là những phần chi thể của thân mình duy nhất của Chúa Kitô.
Vì thế, sửa lỗi người khác và được sửa lỗi là những điều rất khó khăn mà chúng ta phải cố gắng. Việc sửa lỗi huynh đệ cần phải có động lực chân thật nhằm đạt được việc thống hối và hòa giải thực sự. Có thể có những động lực không chính đáng xen lẫn khi chúng ta sửa lỗi nhau như chỉ vì tự ái, hoặc là để làm vui lòng nhau. Trái lại, động lực chân thực phải là sự xác tín rằng chúng ta cùng chia sẻ cùng một thân mình của Chúa Kitô như lời Người hứa hiện diện nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Người. Qua việc sửa lỗi huynh đệ, chúng ta muốn gìn giữ cho đời sống cộng đoàn được hiệp nhất trong cùng một Thân mình Chúa Kitô cũng như muốn giúp đỡ nhau sống những giá trị của Tin mừng đang hướng dẫn chúng ta. Chính đó là sức mạnh của Chúa Kitô Phục sinh đang hoạt động trong thân mình Giáo hội là chúng ta. Như thế, chúng ta lần hồi kinh nghiệm những chiều kích khác nhau của đời sống mới. |