Chúa Nhật XXII thường niên - Năm A |
THẬP GIÁ DẪN TỚI PHỤC SINH |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Vào khoảng những năm của thập niên 1990 của thế kỷ 20, khi diễn ra một Thượng hội đồng thế giới về ơn gọi tu trì trên thế giới ở Rôma, một nữ tu dòng mến thánh giá Việt Nam được mời đến để đọc một bài tham luận. Bài tham luận này đã gây được chú ý của thế giới về chứng từ của những nữ tu Việt Nam, những người trẻ trong lòng Giáo hội vẫn còn say mê mầu nhiệm thập giá và chọn mầu nhiệm thập giá làm lý tưởng của đời mình. Dư luận thế giới không những chú ý về những gì mà người nữ tu trình bày với nhiều ơn gọi của các thiếu nữ và những hoạt động phát triển nhanh, nhưng còn chú ý đến tu phục mà người nữ tu đang mang trên mình. Ðó là một bộ quần áo hoàn toàn màu đen với chiếc quần bà ba đen bên trong chiếc áo dài cắt theo kiểu tây phương làm cho nhiều người chú ý. Ở thế kỷ 21 văn minh tiến bộ này, mà vẫn có những thiếu nữ trẻ say sưa yêu mến lý tưởng thập giá quả là một thách đố cho những đầu óc văn minh tiến bộ.
Ðau khổ và chết chóc là những giới hạn của thân phận con người. Trước đau khổ và sự chết con người muốn tìm tới những phương thế lạc thú để tiêu khiển cho quên đời, hoặc than trách cuộc sống với định mệnh khắt khe, than trách Thiên Chúa vô tình, xa vời và vắng mặt không nghe không nhìn thấy những đau khổ của con người. Thực ra, chính Chúa Giêsu khai mào cuộc sống mới và con đường cứu độ bằng mầu nhiệm thập giá. Thập giá và cái chết tủi nhục lại trở nên con đường đưa tới sự sống cho những ai chấp nhận làm môn đệ và vác thập giá theo thầy Giêsu.
Chủ đề của những bài đọc Chúa nhật tuần này trình bày một khuôn mặt nổi bật phải gánh chịu nhiều đau khổ trong Cựu ước là tiên tri Giêrêmia. Bài đọc Chúa nhật hôm nay là một trong những trích đoạn vẫn thường được gọi là lời tự thuật, hay đúng hơn những lời than vãn của Giêrêmia (11,18-12,6; 15,10-21; 17,14-18; 18,18,23). Ðây là những tiếng kêu thống khổ vì bị bách hại, bạc đãi, nhạo cười, tù tội vì đã làm người sứ giả loan báo lời Chúa, loan báo việc Giêrusalem bị tàn phá, cho Giuđa và Giêrusalem. Sứ điệp của Giêrêmia cho thấy tội của Giuđa, đời sống mất công bằng và chạy theo các thần tượng, đã vi phạm giao ước với Thiên Chúa. Lời loan báo thẳng thắn và không được chờ đợi này đã làm cho ông bị nghi ngờ, và bị thù hận đối với hoàng tộc cũng như đối với những bậc lãnh đạo dân Chúa. Vì thế, Giêrêmia phải chịu những cực hình suốt đời của ông, bị các tư tế âm mưu hãm hại (11,19), bị giam cầm trong ngục thất, bị tra tấn, đánh đập dã man, và sau cùng bị ném vào giếng nước (38,16). Ðây là thân phận bị bách hại đau khổ mà Chúa Giêsu cũng sẽ chia sẻ như lời báo thương khó của Chúa nhật tuần này.
Trong lời tự thuật, Giêrêmia nói lên tâm trạng của mình bị lôi cuốn và thu hút bởi Lời Chúa khiến ông không có thể cưỡng lại được, đồng thời cũng cảm thấy mệt mõi chán nản vì bị nhạo cười khinh bĩ chế nhạo vì đã nói sứ điệp của Chúa cho mọi người. Nhiều lần ông đã tự nhủ muốn bỏ cuộc, không còn muốn nhân danh Chúa nói tiên tri nữa, nhưng những khi như vậy, ông lại cảm thấy lòng mình như lửa thiêu đốt đến mức độ không chịu được. Lý do là vì sứ điệp của Chúa là một sứ điệp khó chấp nhận đối với những bậc vua chúa và quyền bính đương thời: đây là những lời đe doạ tai họa Giêrusalem bị tàn phá và dân cư sẽ phải chịu lưu đày.
Nhìn lại chính mình, ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm đau khổ và sự chết như là giới hạn của con người. Nhiều người còn đưa ra giải thích qui cho Thiên Chúa không hiện diện, hay Thiên Chúa trừng phạt con người vì những lỗi lầm sai phạm của con người. Chúa Giêsu, trong cuộc đời rao giảng, đã chữa lành nhiều bệnh tật, ngay cả cái chết của một số người, để làm chứng dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đang hiện diện. Người còn kết hợp việc chữa lành với lời tha tội, nhằm làm chứng quyền năng tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa, đồng thời cũng từ chối nối kết những tai ương hoặc bệnh tật mà con người phải chịu với tội lỗi của cá nhân những bệnh nhân. Chúa Giêsu đã không qui tội cho những người con người bị thương tích bệnh tật như thói thường xét đoán của những người đương thời. Mặt khác Người cố gắng băng bó, chữa lành những vết thương này, và nói lời tha thứ, khích lệ và nâng đỡ để cứu chữa với tâm tình bao dung thương mến. Lời tuyên báo thương khó của Người được lặp lại ba lần trong các Phúc âm, cũng như lời giải thích mạnh mẽ sau đó : “Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”, nhấn mạnh quyết định cũng như chọn lựa của Người. Theo ánh sáng của chọn lựa này, đau khổ và thập giá lại có thể trở nên cảm nghiệm sâu xa cho con người gặp gỡ Thiên Chúa, và là con đường duy nhất dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu không chỉ đưa ra hướng dẫn mà chính Người đã thực sự chia sẻ và kinh nghiệm trong cuộc đời của mình mầu nhiệm thập giá tự hủy này. Người đã dám mạo hiểm băng qua khoảng không vô định của sự chết để đến sự sống thật, nhưng Người đã không thể bị nhận chìm trong sự chết bởi Người luôn xác tín sức mạnh Phục sinh của Cha người.
Thánh Phêrô, đá tảng của Giáo hội, đã đưa ra những lời can ngăn Chúa Giêsu đừng lao vào con đường nguy hiểm là sự chết sau khi Chúa Giêsu tuyên bố sự thương khó của người. Lần này, Phêrô cũng có thể nói đại diện cho các môn đệ để xin Chúa Giêsu không đi Giêrusalem. Nhưng không như lần trước khi Chúa Giêsu khen ngợi Phêrô có phúc là được ơn mạc khải của Cha mà trái lại lần này Chúa Giêsu còn quở trách Phêrô nặng lời: “Satan, lui lại sau thầy, vì con làm thầy vấp ngã. Con chẳng hiểu biết việc Thiên Chúa mà chỉ hiểu biết việc người đời”. Như thế, chính thầy Giêsu là Đấng lãnh đạo và hướng dẫn Phêrô cũng như Giáo hội đi vào con đường thập giá. Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi và chúc phúc, nhưng Giáo hội cần phải đi theo con đường thập giá của thầy Giêsu. Giáo hội không có miễn trừ khỏi phải đón nhận những thử thách và đau khổ.
Ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm nhiều về những thập giá trong đời sống của mình khi chúng ta phải chu toàn công việc bổn phận, nhất là những va chạm hằng ngày trong gia đình. Chính những người thân yêu, gần gủi lại là những người đã làm cho chúng ta phiền lòng vì những lời nói châm chọc, chỉ trích công việc mà chúng ta đang cố gắng làm như trong trường hợp của tiên tri Giêrêmia. Những chỉ trích này làm cho chúng ta cảm thấy muốn bỏ cuộc và cảm thấy thánh giá nặng nề trong cuộc sống. Như thế, chúng ta kinh nghiệm những yếu hèn của mình khi thử vác thánh giá theo thầy Giêsu. Lời đáp trả của chúng ta theo lời mời gọi vác thánh giá của thầy Giêsu nhiều lúc rất phấn khởi khi mọi việc êm xuôi, chúng ta gặp được thành công, hạnh phúc, nhưng khi chúng ta gặp phải chống đối, thất bại, chúng ta đã dễ dàng buông xuôi và bỏ cuộc. Kinh nghiệm sống mầu nhiệm thập giá là hãy thử tín thác vào Thiên Chúa nhiều hơn nữa, quên mình nhiều hơn nữa, quên những dự tính của mình hơn, để Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta nhiều hơn để cảm nghiệm rằng sống mầu nhiệm là một dấn thân, một chọn lựa và hành động can đảm chứ không chỉ là một lý thuyết hay một ý niệm. Con đường của thập giá là con đường dẫn tới sự sống vĩnh cửu trong vinh quang Phục sinh. |