Chúa Nhật XXII thường niên - Năm A
LOAN BÁO CUỘC KHỔ NẠN LẦN THỨ NHẤT
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Chúa sẽ có đâu như thế!": Đó luôn luôn là Satan với lời xúi giục cổ điển: "Các ngươi chẳng chết chóc gì đâu, nhưng sẽ trở nên như các thần" (Mt 3,4-5), chính nó lại đối diện với Chúa Giêsu ở đây, cũng như hồi Người bắt đầu sứ vụ: "Nếu Ngài là Con Thiên Chúa...", “các thiên thần sẽ nâng Ngài trên bàn tay họ" (Mt 4, 5). Tiếng kêu của Phêrô, kèm theo những lời trách cứ đúng là có nghĩa "Nếu Ngài là Chúa Kitô – vì Ngài là Chúa Kitô - điều đó không thể nào xảy ra được". Thế mà chính vì là Kitô mà Chúa Giêsu phải chết.

"Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta”: Cái đập vào mắt ta trong biến cố này, là những tiếng dữ dội Chúa Giêsu dùng để trả lời Phêrô; dĩ nhiên Matthêu không chủ ý kể lại một vụ hiểu lầm sơ sài, chóng qua. Vị trí của câu mắng sau lời tuyên xưng và thiên sai tính và sau lời loan báo đầu tiên về cuộc Khổ nạn mặc cho nó một sự nặng nề đặc biệt. Vừa mới được khen là có phúc, giờ đây Phêrô bị gọi là Satan; lúc ấy ‘Ngươi là đá’, bây giờ ‘Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta’ (cách dịch của BJ: ‘Ngươi cản ngăn Ta’ rõ ràng quá yếu). Ở đây sự tương phản gần như là mâu thuẫn: Từ địa vị Tảng đá nền móng khá vững chắc trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội Người, môn đồ Phêrô trở nên viên đá vấp phạm mà chính Người suýt phải vấp. Khi hiểu sự nghiêm khắc của Chúa Giêsu đối với những người gây gương xấu cho kẻ khác cùng sự thẳng tay của các giải pháp Người đưa ra để chống lại hạng làm gương xấu (18, 6-9), ta mới lượng được sự khắt khe tàn nhẫn của lời người khiển trách Phêrô. Người đáp lại ông với những từ ngữ đã dùng để trả lời Satan khi bị cám dỗ trong sa mạc: "Xéo đi, Satan" (4, 10). Chính vì trong cả hai trường hợp, Phêrô và Satan đều nghĩ rằng, vì là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu sẽ lợi dụng tư cách đó như một đặc quyền cá nhân để chiếm đoạt một vinh quang, thuần túy phàm trần.

"Vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa": Đây là một song đối tiêu cực với điều Chúa Giêsu đã nói ở câu l7: "Không phải thịt máu đã mặc khải cho ngươi, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời ". Trong việc gần như tự phát chống đối cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, Phêrô đã để thịt và máu nói, do đó tư tưởng của ông không thể phù hợp với mặc khải của Chúa Cha. "Quả thế, ý nghĩa của Ta không phải là ý nghĩ của các ngươi, và đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi" (Is 55, 8).

"Nếu ai muốn đi sau Ta": Dù trực tiếp ngỏ với các môn đồ chỉ thị này vẫn không coi như một lời khuyên sống trọn lành dành cho một nhóm Kitô hữu ưu tú: ‘bất cứ ai’ (Hy ngữ tis) muốn theo Chúa Giêsu, thì phải nghe và vâng theo chỉ thị đó, vì nó mô tả chính cuộc sống Kitô hữu cơ bản. Dĩ nhiên, đây chẳng phải là một điều kiện nhiệm ý, nhưng là một sự dấn thân tích cực mà người môn đồ không được trốn tránh.

"Vì kẻ muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta thì sẽ tìm lại được ": Câu này là câu kế tiếp dùng chữ sự sống với hai nghĩa khác nhau. Chữ ấy trước tiên chỉ con người cụ thể với sự sống thể lý trong thời gian của nó, nhưng đồng thời cũng chỉ sự sống vĩnh cửu theo nghĩa Gioan. Thành thử ta có thể giảng giải ra như sau: kẻ nào muốn cứu lấy sự sống trong thời gian của mình sẽ mất sự sống vĩnh cửu, còn kẻ nào đành mất sự sống trong thời gian của mình vì Ta, thì sẽ tìm được sự sống vĩnh cửu.

Câu 26 cũng phải được hiểu trong cùng chiều hướng như câu trước, nghĩa là phải mặc cho chữ sự sống hai nghĩa trên đây. Nếu không, sự nghịch lý Chúa Giêsu nói lên sẽ thành một câu lý luận tầm thường: dù lời lãi cả và thế gian, con người cũng không thể hưởng thụ được nó nếu bị thiệt mất sự sống trong thời gian của mình, tức là chết đi. Ở đây ý nghĩa hoàn toàn trái ngược: nào có ích gì cho con người khi được lời lãi tất cả thế gian, nếu vì đó mà lại thiệt mất sự sống vĩnh cửu.

"Hay người ta sẽ cho gì để chuộc lại sự sống mình?": Đây là một câu tục ngữ mà nếu hiểu một cách thông thường thì sự sống con người quý giá hơn tất cả mọi cái. Nhưng theo văn mạch và đem áp dụng vào sự sống vĩnh cửu thì nó có nghĩa: cái gì có thể bù đắp lại việc mất sự sống vĩnh cửu? Câu trả lời diễn dịch từ câu trước: Không gì bù đắp được, ngay cả vũ trụ.

Câu 27 đưa ra lý do sâu xa cho những chọn lựa cơ bản của môn đồ: đó là Con người một ngày kia sẽ đến phán xét các chọn lựa đó. Và cuộc phán xét này sẽ định đoạt số phận tương lai của họ.

KẾT LUẬN

Cuộc Khổ nạn là một yếu tố trong chương trình cứu rỗi: nó rất "cần thiết". Đó là phần thâm sâu nhất, mầu nhiệm nhất, "mới mẻ" nhất của tâm hồn và sứ mệnh Chúa Giêsu. Nhưng đó cũng là lý do trường cửu của sự vấp phạm; nó đã là cớ vấp phạm cho dân Do thái, cũng như là đề tài thắc mắc của Giáo Hội sơ khai và Giáo Hội mọi thời. Trước đấy, nó đã là vấn đề của sách Gióp: sau cuộc lưu đầy, Israel tự thắc mắc về ý nghĩa sự "công chính" của Thiên Chúa. Nói cách khác, được làm tuyển dân của Thiên Chúa, được làm đối tượng của tình yêu Ngài có nghĩa là gì? Qua lời mặc khải của Chúa Giêsu, điều mà trong sách Gióp xem như là một luật trừ (sự đau khổ của người công chính) thì nay thành luật chung: tình yêu Thiên Chúa đi ngang qua thập giá. Gương Phêrô từ chối nhìn nhận dung mạo đau khổ của Chúa Kitô là một bài học cho Giáo Hội và cho mọi kẻ tin.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Chúa Giêsu bình thản loan báo cái chết của Người. Đấng mà nguyên việc xuất hiện đã làm nẩy sinh mùa xuân của thế giới, nay sẽ phải nếm cơn hấp hối của sự từ bỏ hoàn toàn. Người ý thức sáng suốt định mệnh của mình, tuy nhiên vẫn biết rõ rằng, theo cách tính toán nhân loại, điều sắp xảy đến lẽ ra chẳng được xảy đến. Nhưng Người không buồn tủi, mà hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha: Người biết hòn đá bị loại bỏ dù thế nào đi nữa cũng sẽ trở thành viên đá đỉnh góc.

2) Chúng ta luôn có phản ứng như Phêrô khi phải chạm trán với thập giá. Cô đơn, nghèo khổ, đau ốm, bấp bênh tương lai mất người thân thuộc, bất lực chữa trị tật xấu, tất cả hầu như không thể chấp nhận đối với chúng ta. Thế nhưng, chính đó là cái Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta vác lấy để đi theo Người.

Vì thiếu đức tin nên ta thường phẫn uất, bất bình khi gặp thử thách. Như Phêrô, ta không thực sự tin Thiên Chúa thừa sức mạnh để làm phát sinh sự sống từ cái chết, thừa nhân hậu để từ chính thập giá làm phát xuất niềm vui. Tuy nhiên, chính hôm trước ngày tử nạn, Chúa Giêsu đã nói đến niềm vui của Người, lúc mà quân canh rình chực Người để bắt lấy. "Kẻ nào mất sự sống mình sẽ tìm được lại". Mầu nhiệm vĩ đại, cái mầu nhiệm mà các thánh đã từng kinh nghiệm trong cuộc đời chịu đóng đinh của họ, đó là niềm vui bất khả phân ly với thập giá. Vâng, nếu được chấp nhận vì tình yêu, thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng. Điều này không ngừng bị sự khôn ngoan trần gian phản đối, vì trần gian chỉ rêu rao sự tiện nghi và việc chạy theo khoái lạc: nó luôn hứa ban hạnh phúc nhưng bao giờ cũng chỉ đem đến thất vọng ê chề. Nó là kẻ thù không đội trời chung của thập giá. Nhưng khốn nạn thay, chính khi quay lưng với thập giá là trần gian quay lưng với niềm vui, với sự sống đích thực. Trần gian không biết và mãi mãi sẽ không biết rằng niềm vui và đau khổ có thể hòa hợp với nhau khi có sự hiện diện biến đổi của tình yêu.