Chúa Nhật XXII thường niên - Năm A |
CON ĐƯỜNG DÃN TỚI SỰ SỐNG |
Chú giải theo Fiches Dominicales |
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI: 1. Con đường của Con Người… Đáp lại câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ "trong miền Xêrarê Philip" trước khi lên đường đi lên Giêrusalem: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô đã trả lời: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Tiếp liền theo Đức Giêsu đã đặt cho ông một tên mới, tượng trưng cho sứ vụ mà Chúa trao cho: "Con là Đá trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Đến đây Matthêu lấy lại công thức mà ông đã giới thiệu mục vụ ở Galilê, đã thuật tiếp: "Từ thời gian này ..." đó là một cách nói báo trước một bước ngoặt quyết định trong hành trình của Đức Giêsu Kitô. 2. Thông báo lần đầu về khổ nạn Những kẻ theo Chúa cho đến lúc đó, và đã tuyên xưng qua miệng lưỡi của Phêrô căn tính đích thực của Người, còn cần phải khám phá xem Người phải thực thi sứ vụ của Người bằng con đường bất ngờ và khó đoán nào. Đức Giêsu từ nay bắt đầu vào việc: "Bắt đầu từ lúc này, Matthêu viết, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại." Thông báo lần đầu trong ba lần về cuộc khổ nạn phân chia cuộc hành trình lên Giêrusalem (xem 17,22-23 và 20,17-19). Mỗi lần đó đều gặp phải sự không hiểu từ phía các môn đệ. Mỗi lần đó đều quả quyết rằng không có con đường nào khác cho các môn đệ ngoài con đường mà sư phụ đã đi. Lời can ngăn hăng hái mạnh mẽ của Phêrô. Phêrô không thể giữ thinh lặng mà không nói lên lời phiền trách trước cái viễn tượng đen tối, mà ông và các bạn ông đã không thể tin được, nên ông "kéo Đức Giêsu ra khỏi đám đông, và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”. Dù ông đã tuyên xưng sứ vụ cứu thế của Thầy mình, nhưng quan niệm về một Đấng Kitô phải chịu nhục mạ, chịu khổ hình và chịu chết là điều ông không thể chịu nổi. Ông lấy danh Đức Kitô vinh thắng để chối bỏ Đấng Cứu Thế đau khổ. Lời khiển trách nghiêm ngặt của Đức Giêsu vào lúc đương đầu với cuộc khổ nạn và cái chết, Đức Giêsu trải qua cơn thử thách cô đơn. Không những đám đông dân chúng từ bỏ Người, mà cả đến các bạn hữu cũng không hiểu Người. Kẻ mà Người vừa chọn làm ‘đá tảng, đá nền để xây Hội Thánh của Người trên đó’, giờ đây bỗng biến thành viên đá cản đường, hòng làm Người té nhào trên đường. Ông gợi ý cho Người một con đường "cứu thế" theo ý loài người, chứ không theo con đường của Thiên Chúa. Việc Phêrô không muốn chấp nhận, theo J.Potid giải thích, làm sống lại cơn thử thách vĩ đại mà Chúa đã phải trải qua vào lúc đầu thi hành sứ vụ. Con đường của Người không phải là đường vinh quang mà những người Do Thái mơ ước cho Đấng Cứu Thế của họ, con đường trải đầy những việc phi thường, những chiến thắng, những cuộc biểu dương vinh hiển. Đức Giêsu đã phải loại bỏ những điều đó, bởi vì Thiên Chúa không thể thiết lập vương quốc bằng vũ lực. Và giờ đây Phêrô làm sống lại trước mắt Người sự hiện diện của Satan, mà Người đã thắng (trong "Jesus, l'histore vraie" Centurion 1994, trang 334-335) "Satan, lùi lại đàng sau Thầy". Đức Giêsu đã đáp lại ông cách hết sức gay gắt. Nghĩa là: anh hãy giữ địa vị môn đệ, đàng sau Thầy. Lời quở trách này, Cl. Tasin quảng giải, vẽ nên nét tương phản với lời chúc phúc mà Chúa đã nói với Phêrô ở câu 16,7. Ông đã biết tuyên xưng đức tin, nhưng ông lại không biết từ bỏ ý mình mà chấp nhận ý Thiên Chúa. Sự phản kháng của ông không những phát xuất từ tính ích kỷ của "ý tưởng loài người", mà còn phục vụ Satan. Cả một thế giới thù nghịch với sứ mạng của Đức Kitô ("L'evangile de Matthieu" (Centurion 1991, trang 181). 3. Đường của các môn đệ Và để cất đi mọi ngộ nhận, Đức Giêsu quả quyết rằng đối với môn đệ không có con đường nào khác con đường mà sư phụ đã đi trước: đó là đường thập giá. "Nếu ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Ba câu tiếp theo đều xây dựng trên từ "mạng sống" sẽ soi sáng tư tưởng lựa chọn này: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ai tự đặt mình làm trung tâm lẽ sống, người ấy đi vào cõi diệt vong; nhưng ai xem bề ngoài thất bại để uổng mất mạng sống mình vì Đức Kitô; thực tế tiến tới thành công. “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”. Mạng sống con người không đồng hoá với của cải họ có, cho dầu họ chiếm được cả thế giới. "Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?: nào ai trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa, thánh vịnh 49,8 đã nói. Chỉ cần môn đệ - đầy tớ giống như sư phụ – đã là đủ rồi (10,24-25), Jean Rachemakers kết luận, từ bỏ chính mình, mang thập giá lên vai và theo Chúa, là những thành phần làm nên cuộc sống người môn đệ. Điều mà Thầy đòi hỏi nơi Phêrô thì Người cũng đòi hỏi nơi mọi môn đệ là: chấp nhận ý định cứu thế của Thiên Chúa theo cách thế được tỏ ra nơi đời sống Đức Kitô, bởi đó, chấp nhận rằng Chúa Cha khác hẳn với điều mà "xác thịt và máu huyết" có thể nghĩ ra, hình dung được. BÀI ĐỌC THÊM 1. Theo Đức Giêsu (Mgr. Daloz trong cuốn "Le Règlle des cieux s'est approehé" desclée de Brouwer, trang 242-243). Nếu ta chăm chú nghe lời Đức Giêsu, ta sẽ thấy rằng Người không nói chống đối sự sống. Người không đòi hỏi các môn đệ phải bỏ sự sống. Trái lại Người kêu mời họ hãy sống phong phú hơn. Người chỉ cho thấy con đường sống thôi thúc người ta sống tốt tối đa, tức là sống để trao ban chính bản thân. Ai khép kín trong vỏ ốc của mình, ai chỉ lo cho bản thân mình, sẽ héo tàn, bởi vì con người không thể thành tựu nếu chỉ đóng kín lo cho mình. Nếu bạn khép kín, bạn sẽ chết trong khi nghĩ rằng mình giữ được sự sống. Thu tích của cải để phòng thân sẽ không ích gì, nếu bạn đánh mất chính mình. Con người ta không được cứu rỗi nhờ những của cải mình có, nhờ của "sở hữu” nhưng nhờ đức tính của đời sống. Tính "người được lớn lên khi ta quên mình và trao ban thân mình. "Nếu người ta được cả thế giới mà thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình". Đức Giêsu nhắc cho ta vẻ cao trọng của con người, trái tim con người được tạo nên để mở ra, để yêu thương, và bạn không thể yêu thương nếu bạn không cho đi và trao ban chính mình. "Yêu là cho tất cả là trao ban chính bản thân mình", thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói. Nếu bạn muốn tự cho mình là trung tâm vũ trụ, nếu bạn muốn qui chiếu mọi sự về bạn, bạn sẽ đánh mất bản thân: mất linh hồn, yếu tố nhờ đó mà sự sống thực sự là của con người. Thật là một nghịch lý cho con người, anh ta chỉ thật sự thành tựu cuộc sống trong khi anh khước từ nó để cho đi. Chúng ta có thể nhận thấy ở ngay quanh ta, mặc đầu ta không dễ chấp nhận điều đó áp dụng cho chính mình; những người thành tựu cuộc sống đẹp và hữu ích, là những người không tìm dễ dãi, là những người cho đi thời gian, sức lực lòng tận tụy để phục vụ tha nhân... cho đến hy sinh sự sống của mình. Đức Giêsu đã đề cập và soi sáng vẻ cao đẹp cho con người mới có này. Không những Người đã sống như thế, người còn mạc khải ý nghĩa đầy đủ. Người đã đi con đường mà Người muốn cho những ai theo Người phải đi: Ai muốn theo tôi... Nào chúng ta lại không muốn bước theo Người sao? Còn đường thập giá, người đã làm cho nó trở thành cửa ngõ xuống đường dẫn vào cuộc sống sung mãn bất ngờ: đó là sự phục sinh. Những câu tiếp theo liên quan đến phần thưởng Người nói về kết cục của cuộc sống con người. Không phải một lời đe doạ đâu, mà là một lời hứa. "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. Không có gì phải sợ khi bạn liều mạng sống vì Đức Giêsu, vì đó là một bảo đảm tốt nhất cho sự thành tựu cuối cùng: "Ai liều mạng sống mình vì Thầy, sẽ tìm lại được nó. Đức Giêsu mời ta cân nhắc tầm vóc đời đời của những lựa chọn của ta, và tương lai vô tận của tình thương đã trao ban. 2. Biểu trưng của thập giá (D.Ponnau, Giám đốc trường Louvre, trong tạp chí "Le Monde de la Bibbe" số 97, trang 5) Biểu tượng của Thập giá đi trước và vượt quá biên giới của thế giới Kitô giáo. Tuy vậy nó là dấu chỉ quen dùng nhất có tính đặc trưng và tính phổ quát của Kitô giáo. Từ thời trước Đức Kitô và từ thời Đức Kitô, thập giá là một biểu tượng có tính toàn cầu phổ biến nhất và được nói đến nhiều nhất, ở ngoài những miền đã tin theo Phúc Âm. Nó liên kết hết mọi người "phương Đông" ở mặt đất, ở trên trời và trong không gian. Lâu đời trước thời Đức Kitô, thập giá đã là dụng cụ khổ hình ghê sợ và ô nhục, chỉ dành cho những cặn bã của xã hội, những tên nô lệ phản động. Nhưng Đức Kitô đã làm nó trở nên biểu tượng của Đức Kitô và của các môn đệ của Đức Kitô. “Người Do Thái đòi phép lạ, người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, là vấp phạm đối với người Do Thái, là điên dại đối với dân ngoại, còn đối với những kẻ được gọi, cả Do Thái và Hy Lạp, Người là Đấng Kitô, quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa”. Thánh Phaolô đã nói như thế và chính Đức Giêsu cùng đã nói: "Ai không vác lấy thập giá và không theo Ta, thì không xứng đáng với Ta”. Đấng là Ngôi Lời hằng hữu, nói theo các môn đệ tự trao ban ngay từ khởi thuỷ, như Đấng bị đóng đinh và Đấng kêu gọi người ta chết đi đóng đinh vào thập giá. Người trao ban bản thân với tư cách đó trong lời Người và trong lời của những kẻ mà Người linh hứng. Không phải trong ảnh tượng của Người. Phải chờ đến thế kỷ IV thì ảnh tượng thập giá của Chúa mới được trưng bày cho người ta chiêm ngường. Thánh nữ Helena đã phát minh ra ở Giêrusalem và rồi sau đó xuất hiện vinh quang ở thành thánh. Từ đó thập giá được làm bằng kim loại quý và được cẩn đá quí. Rồi nhiều thế kỷ sau đó mới thấy xuất hiện tượng thánh giá có mang Đấng chịu khổ hình. Nghịch lý thay một biểu tượng có tính toàn cầu lại là một biểu tượng ô nhục. Nghịch lý thay sự vinh quang được tung hô bằng lời nói, lại không thể chịu được bằng mắt nhìn. Người ta đã có thể gây vấp phạm là trương lên tên gọi của thập giá và của Đức Giêsu bị đóng đinh. Nhưng phải đợi rất lâu sau người ta mới có thể trưng bày thập giá cho mắt thấy, và đợi một thời gian nữa, mới thấy trưng bày Đấng mà họ đã đóng đinh vào thập giá. Dấu ấn của thập giá đã trở nên dấu ấn tối ưu của Kitô hữu trên thế giới. Trên đó người Kitô hữu chiêm ngắm vị Thiên Chúa đã chọn vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Đức Kitô và Kitô hữu đã không sáng chế ra biểu tượng có dạng thập giá được tôn vinh từ Đông sang Tây và khổ hình độc ác nhất. Họ chỉ tạo cho nó thành địa điểm để Thiên Chúa siêu vời thấm nhập vào mầu nhiệm cô đơn của con người. Đức Giêsu bị đóng đinh trên đó đã mời gọi một cách độc đáo những kẻ từ nay có thể nhìn ngắm Người - Người từ đỉnh núi thánh gọi những kẻ đang ở đáy vực cuộc sống - nhìn ngắm Người, hoặc như gương mẫu tuyệt hảo của tận hiến và yêu thương, hoặc như dấu chỉ của tận hiến và yêu thương. |