Chúa Nhật XXI thường niên - Năm A |
GIÁO HỘI CỦA ĐỨC GIÊSU |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Câu hỏi của Chúa Giêsu : “Người ta nói con người là ai?” đã đưa đến lời tuyên xưng Ðức tin của thánh Phêrô và việc Chúa Giêsu quyết định thiết lập Giáo hội, trao quyền bính cho Giáo hội, và cách riêng trao cho thánh Phêrô, đá tảng của Giáo hội. Lời tuyên xưng đức tin này đã là động lực để Chúa Giêsu quyết định đặt Phêrô là tảng đá trên đó Người xây dựng Giáo hội cũng như đặt Phêrô làm người thủ lãnh của Giáo hội. Giữa lời tuyên xưng của thánh Phêrô và việc thiết lập Giáo hội của Chúa Giêsu, trên nền tảng Phêrô, có mối liên hệ của việc Chúa Giêsu tin tưởng trao cho Giáo hội trọng trách loan báo và chia sẻ mầu nhiệm cứu độ mà Người đã thiết lập. Những con người yếu hèn bình thường lại được tin tưởng trao trọng trách rao giảng Tin mừng cứu độ, đồng thời việc tín nhiệm này mời gọi mỗi người hãy biết tin tưởng và cộng tác với nhau để chu toàn công việc mà Thiên Chúa đã tín nhiệm trao phó, nhất là đứng trước thách đố đại kết hiệp nhất các Giáo hội Kitô giáo cũng như yêu cầu hội nhập văn hóa khi Giáo hội đứng trước các tôn giáo trong nhân loại đang khao khát gặp gỡ Thiên Chúa. Trong các Phúc âm, thuật ngữ Giáo hội chỉ được nói đến hai lần trong Phúc âm Matthêu (16,18; 18,17), tuy nhiên thuật ngữ này được nói đến 112 lần trong các sách còn lại của bộ Tân ước. Sự kiện các sách Phúc âm khác như Marcô, Luca và Gioan không nhắc đến thuật ngữ Giáo hội khiến các học giả vì thế đã có thể kết luận là “Giáo hội” là một thực tại hậu phục sinh, và hầu như không phải là quan tâm chính của Chúa Giêsu trong đời trần thế của Người. Sự kiện này có thể được lý giải bằng ý niệm “tính tiên tri” của các Phúc âm: Chúa Giêsu, Ðấng Phục sinh vẫn đang nói với Giáo hội qua các Phúc âm nhờ các thánh sử biên soạn, và Giáo hội, một thực tại hậu phục sinh, thực sự phát xuất từ chính ý muốn của Chúa Giêsu. Hay nói cách khác, chúng ta không nên nghi ngờ thực tại Giáo hội, bởi vì dù thực tại Giáo hội được nói đến bởi các tác giả Tân ước, thì cũng chính là Chúa Giêsu đang nói, Người đang nói qua những con người được người tín nhiệm trao trọng trách nói cho chúng ta chính Lời của người. Ðiều được ghi nhận qua bài tường thuật của Phúc âm chính là nguồn gốc thần linh của Giáo hội. Giáo hội được thiết lập bởi Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa mà Giáo hội là cộng đoàn những người tin và tuyên xưng Người chính là Ðức Kitô và là Con Thiên Chúa hằng sống. Lời tuyên xưng của Phêrô không phải là một trực giác đột nhiên hay một suy luận thuần lý, nhưng chính là mạc khải phát xuất từ thánh ý Chúa Cha, một ơn soi sáng từ Chúa Cha tác động trên trí tuệ của con người yếu hèn như Phêrô, là hình ảnh của khả năng con người chúng ta có thể lãnh nhận những mầu nhiệm vĩnh cửu về Thiên Chúa. Như thế, Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội khi nhận ra thánh ý của Chúa Cha trong việc thánh Phêrô đã đón nhận được mạc khải thần linh. Giáo hội này lại chính là Giáo hội của Chúa Giêsu, có Ðức Giêsu là Ðấng thiết lập. Như thế, sự hiện hữu của Giáo hội phát xuất từ thánh ý Chúa Cha và ý muốn của Chúa Giêsu. Hệ luận của việc nhìn nhận nguồn gốc thần linh này của Giáo hội cũng đưa tới việc nhìn nhận quyền bính của Giáo hội, đón nhận từ chính vị sáng lập của mình là Chúa Giêsu. Vai trò của thánh Phêrô được đề cao. Phêrô, một con người được phúc lành từ trên, được thiết lập như là đá, là nền tảng của Giáo hội. Ở những truyền thống Phúc âm khác, chính Chúa Giêsu (1Cr 3,11), hay là cả nhóm các tông đồ được nhìn nhận như là nền tảng của Giáo hội. Những cách trình bày này sẽ bổ túc cho nhau. Luôn luôn, Ðức Giêsu được hiểu là Ðầu, thủ lãnh của Giáo hội, thánh Phêrô và các tông đồ khác nhận quyền bính từ Chúa Giêsu, và thay quyền cũng như hiệp nhất với Người. Những câu trả lời của dân chúng về Ðức Giêsu chỉ là những câu trả lời xa xa, riêng câu trả lời của tông đồ Phêrô lại là câu trả lời chính xác đến độ nhiều người đã gọi bài phúc âm này là phúc âm về “hồng ân”. Tông đồ Phêrô đã tuyên xưng “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” là nhờ bởi ơn mạc khải của Chúa Cha. Như thế, chỉ nhờ vào ơn mạc khải từ Thiên Chúa mà thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin cũng như chỉ nhờ vào ơn của Thiên Chúa mà Phêrô được đặt làm người lãnh đạo Giáo hội. Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa ban cho các môn đệ của Người để xây dựng và tổ chức Giáo hội là cộng đoàn những môn đệ, những người tin vào Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mạc khải, đức tin, Giáo hội, quyền lãnh đạo của tông đồ, tất cả là những hồng ân của Thiên Chúa. Cũng như thánh Phêrô, mỗi người chúng ta cũng có thể nhận ra Ðức Giêsu bởi vì Thiên Chúa đã mạc khải người Con này cho chúng ta. Công việc của chúng ta là nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Ðức Giêsu như Phêrô đã nhận ra và cảm nghiệm trong cuộc đời mình ơn gọi và hồng ân làm môn đệ của Ðức Giêsu. Ơn gọi người môn đệ là cố gắng biểu lộ trong đời sống của mình qua những công việc làm căn tính là Kitô hữu của mình, hồng ân đã lãnh nhận ngày lãnh bí tích rửa tội. Hồng ân này đã làm người Kitô hữu được nên một với Đức Giêsu, đón nhận sức sống sung mãn của người nhờ đó mà mọi việc làm của mình được mặc sức mạnh của chính Chúa Giêsu, làm cho người Kitô hữu không ngừng được thánh hóa trong mọi công việc của mình. Căn tính Kitô hữu còn là thân mình của Ðức Kitô, những Giêsu khác trong thế giới để làm chứng về Ðức Giêsu cho người khác, để loan báo ơn cứu độ, để là những đá tảng trên nền đá Phêrô mà Giáo hội đã được xây dựng. Ý tưởng chúng ta có thể thấy rõ nét là Ðức Kitô đã tin tưởng và trao phó cho Giáo hội công việc loan báo về Người cho thế giới qua mọi thời đại. Ðức Giêsu đã không chọn những nhà tư tưởng lớn lao hoặc những con người thánh thiện vượt bậc mà kêu gọi những con người bình thường như chúng ta để làm chứng cho Người. Người chọn những con người biết mở rộng tâm hồn để trở nên những con người có lòng tin mạnh mẽ nhờ ơn mạc khải người thúc đẩy trong tâm hồn. Vì thế, đón nhận ơn mạc khải, theo gương của thánh Phêrô, không có nghĩa chúng ta thụ động không phải làm gì hết. Ðón nhận ơn mạc khải có nghĩa chúng ta hãy mở rộng cặp mắt của mình để nhìn, mở rộng đôi tai để lắng nghe, và mở rộng trí tuệ để học hỏi và hiểu biết, mở rộng tâm hồn để cảm nghiệm sự hiện diện của Ðức Giêsu và quyền năng của người qua những diễn biến xảy ra hằng ngày quanh chúng ta và mở rộng đôi tay để đón nhận người khác và làm việc làm chứng cho Ðức Giêsu. Một điều tốt đẹp xảy ra bất chợt trong ngày, một lời Chúa mà chúng ta nghe đọc, một tin tức xảy ra trong thế giới, những đau khổ thiên tai đang xảy ra, những biến cố, những người mà chúng ta gặp gỡ trong ngày, tất cả là dấu chỉ để chúng ta nhận ra Ðức Giêsu và quyền năng cứu độ của Người, cũng như hồng ân của Chúa ban tặng cho riêng ta, để rồi chúng ta được mời gọi dấn thân để làm chứng cho Thiên Chúa, để quyền năng cứu độ, tha thứ của Ðức Giêsu được hiện tại hóa cho nhân loại qua chứng tá của những con người trong Giáo hội. Sứ vụ của Giáo hội là phải không ngừng tin nhận và làm chứng cho người khác về Ðức Giêsu. Giáo hội đón nhận quyền bính từ Ðức Giêsu bởi vì Giáo hội đã tin và hiểu biết về Ðức Giêsu nhờ ơn mạc khải cũng như ơn Chúa Giêsu thiết lập và trao ban quyền bính cho Giáo hội. Giáo hội phải tỏ ra là người phục vụ và làm chứng cho Chúa Giêsu và không ngừng nhận ra những dấu chỉ mạc khải của Thiên Chúa. Qua sự kiện Giáo hội, gồm những con người yếu hèn này được kêu gọi và trao trọng trách làm chúng ta suy nghĩ những lời của thánh Phaolô nói lên sự ngạc nhiên vô cùng đứng trước đường lối và thánh ý của Thiên Chúa. Qua những gì mà chúng ta đang sống, đang cảm nghiệm hằng giây phút, chúng ta thấy có nhiều khía cạnh khác nhau như sự giàu có của Thiên Chúa, thượng trí của Thiên Chúa, phán quyết và đường lối của Thiên Chúa. Sự giàu có của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giesu, làm cho chúng ta được thông dự vào sự giàu có này, thượng trí của Thiên Chúa lại chọn lựa chúng ta và qui tụ chúng ta trong Giáo hội, để Giáo hội làm chứng cho Thiên Chúa giữa thế gian, và phán quyết và đường lối của Thiên Chúa là ngay thẳng, tức được thông ban cho mọi người để mọi người được mời gọi đến hưởng ơn cứu độ. |