Chúa Nhật XX thường niên - Năm A
ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CANAAN
Chú giải theo Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1) Một cử chỉ tượng trưng xảy ra ở ngoài biên giới…

Đám đông dân chúng theo Chúa trong hoang địa Đức Giêsu đã nhân 5 ổ bánh và 2 con cá lên nhiều đến dư dật (Chúa nhật thứ l8). Rồi Người bắt buộc các môn đệ lên thuyền và chèo sang bờ bên kia trước. Trong khi đó Người rút lui lên núi cầu nguyện một mình. Rồi sau đó Người đã đến nhập bọn với họ, bằng cách đi trên mặt biển, lúc thuyền của họ đang bị sóng gió dập vùi (Chúa nhận 19). Giờ đây, các biệt phái và ký lục đến từ Giêrusalem chất vấn Người về chuyện các môn đệ Chúa không giữ luật thanh sạch, pbá tục lệ của tổ tiên. Đức Giêsu đặt lại các lề thói của tổ tiên vào đúng chỗ, nghĩa là các tục lệ đó phải phục vụ các giới răn của Thiên Chúa. Đức Giêsu quả quyết rằng sự thanh sạch của một người không lệ thuộc vào những thực hành, cho dù nó hợp pháp và theo truyền thống đến đâu chăng nữa, nhưng chỉ lệ thuộc vào hành động, phản ảnh nội tâm sâu xa nhất của người đó, phản ánh con tin của họ. Điều đó dẫn đến việc gặp gỡ người đàn bà Canaan ngoài giáo.

Sau cuộc tranh luận về chuyện "sạch" và "dơ", Đức Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, ngày nay thuộc miền nam Liban, đó là miền giáp ranh với đất của dân ngoại. Một phụ nữ từ miền đó tiến đến gặp Chúa. Một phụ nữ mà tác giả Matthêu đã cố ý gọi là người đàn bà Canaan, để chỉ rõ ý nghĩa cái hố sâu không thể vượt qua giữa họ và thế giới Do Thái. Địa danh cổ kính này dùng để chỉ miền đất mà dân Hipri đã đánh chiếm làm lãnh thổ của mình. Người phụ nữ ấy thuộc về "kẻ ngoại" những kẻ “dơ", những dân mà dân Do Thái coi khinh như những "con chó". Còn tệ hơn nữa, bà thuộc một dân tộc mà người Do thái chính thống tránh xa hơn các dân khác, mà từ thời cha ông họ đã thề nguyền giữ mối thù truyền kiếp. “Lạy Chúa, xin thương xót tôi" bà ấy van xin, trong khi kêu Đức Giêsu bằng danh hiệu "con vua Đavit". Trước hết Đức Giêsu làm thinh. Nhưng rồi bị các môn đệ nài ép đuổi người đàn bà vẫn đeo đẳng kêu van ấy Người nhắc đến sứ mạng của Người là chỉ được sai đến với những "chiên lạc của nhà Israel" mà thôi. J. Radmakers giải thích: "Câu đáp của Đức Giêsu am hạp hoàn toàn với bài diễn từ khai mạc sứ mạng của Người (câu 10,6). Ơn cứu độ của Thiên Chúa phải đi theo con đường lịch sử và địa lý trước, sau đó mới tới toàn thể các dân nước và lan rộng ra tới tận cùng thế giới" ("Au fil de Evangile selon St Matthieu", trang 211).

"Lạy Ngài, xin hãy đền cứu giúp" người phụ nữ một lần nữa sấp mình trước mặt Chúa và kêu cầu theo lời kinh phụng vụ. Đức Giêsu bấy giờ nói trắng ra rằng: Người không thể lấy bánh của con cái - là của dân Do Thái, dân của Lời hứa - để ném cho con chó nhỏ. Tuy câu nói "chó nhỏ" thì đã nhẹ bớt ý khinh dể, nhưng câu nói vẫn còn mang vẻ sỗ sàng. Người phụ nữ không phật lòng trước câu nói đó, bà còn dùng chính lời đó để đáp lại Chúa một cách tinh tế. "Đúng vậy thưa Ngài, nhưng những con chó nhỏ cũng được ăn những miếng bánh vụn rơi xuống từ bàn ăn của chủ”. Cl. Tassin giải thích: Bà ấy nhìn nhận rằng dân Israel theo lịch sử thánh được ưu tiên, họ là "chủ”, còn bà là dân ngoại, bà chỉ cầu được những "miếng bánh vụn" trong sự tuyển chọn mầu nhiệm của Thiên Chúa (L'evangile de Matthieu Centurion, trang 167).

Đức tin mãnh liệt ấy đã gây nên sự ngỡ ngàng nơi Đức Giêsu. “Bánh” Lời Chúa bị người Do Thái khước từ, vậy mà người đàn bà này, một người ngoại giáo, một người xa lạ, một người "dơ" đối với con mắt Do Thái, đã chấp nhận và chấp nhận với đức tin vững vàng. Chúa liền kết luận "Hỡi bà, đức tin của bà thật to lớn bà muốn sao thì được vậy. Đức Giêsu đả phá mọi cấm cản, dẹp tan mọi loại trừ để ban cho bà điều bà ta xin, đó là con bà được lành.

2) Báo hiệu một Tin Mừng không biên giới

Tác giả Matthêu thuật lại câu truyện người đàn bà Canaan này có ý nhắm những người Kitô hữu gốc Do Thái. Những người này tuy bị người đồng bào ruồng rẫy, nhưng họ cũng vẫn cảm thấy lòng nghi kỵ mãnh liệt đối với những Kitô hữu gốc dân ngoại, những người đón nhận Tin Mừng và gia nhập Hội Thánh ngày càng đông.

Đặt cuộc gặp gỡ này vào trong khung cảnh "bẻ bánh", tác giả như muốn làm sáng tỏ giáo lý Tin Mừng về sự cách biệt giữa người "sạch" và người "dơ" từ nay không còn nữa. Từ nay điều kiện duy nhất để được ngồi vào bàn tiệc Hội Thánh đề ra cho dân ngoại, và nhận "bánh của con cái" là lòng tin vào Đức Giêsu.

Từ một thái độ ban đầu của Đức Giêsu xem ra Ngài chỉ chịu chết để cứu chuộc những người thuộc dân tộc tuyển chọn, Matthêu đà dẫn đến bài học về phái độ cởi mở trong truyền giáo. Cl. Tassin viết: "Đức Giêsu thật đã thi hành sứ vụ cứu thế đối với dân Israel cách trung thành, tuy nhiên Người đã mềm lòng trước lòng tin mạnh mẽ của người phụ nữ ngoại đạo... Ngày nay, nếu những người ngoại giáo cũng chứng tỏ một đức tin mạnh mẽ như thế đối với Đấng Cứu Thế, lẽ nào Hội Thánh lại có thể đóng cửa không cho họ vào. Lẽ nào Hội Thánh lại có thể đặt giới hạn cho Đức Kitô, ngăn cản người chiếu sáng cho dân ngoại." (sđd trang 167-168).

Cuộc tranh luận giữa nhưng Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc dân ngoại đã tắt từ lâu. Nhưng trong Hội Thánh vẫn còn âm ỉ cơn cám dỗ đối nghịch giữa những người thuộc các chủng tộc khấc nhau: cám dỗ giả điếc làm ngơ trước những kêu gọi đến từ những nước xa xôi; cám dỗ cuộn tròn trong vỏ ốc của mình; cám dỗ trốn tránh mạo hiểm và khước từ mở rộng cửa để đón những cơ may. Do đọc lại đoạn Tin Mừng Matthêu hôm nay câu truyện người phụ nữ Canaan mời gọi Hội Thánh hãy tìm ra trong lịch sử của mình niềm hứng khởi và sức mạnh cần thiết để trung thành với sứ mạng toàn cầu và liên tục tự vượt thắng chính mình.

BÀI ĐỌC THÊM:

1/ “Đức tin phá đổ mọi rào cản”.

Người ta không biết tên bà, người ta gọi bà là "người phụ nữ Canaan”. Tuy nhiên bà giữ một vai trò độc đáo Đức Giêsu và các môn đệ vừa vượt ranh giới, bởi vì tình hình căng thẳng ở Galilê: Dĩ đào vi thượng mà. Họ đi về hướng Bắc, đến Tyr và Sidon, ngày nay là miền nam Liban. Đã từ nhiều thập kỷ, người Do Thái giừ một khoảng cách đối với dân chúng miền này, tôn giáo của người Canaan bị người dân trung thành với Thiên Chúa Israel khinh miệt. Một phụ nữ của xứ này đến kêu xin Đức Giêsu chữa con gái bà. Chúa làm thinh. Khi các môn đệ nài xin Chúa ban phép lạ để thoát khỏi người đàn bà quấy rầy, thì Chúa trả lời rằng Người chỉ được sai đến kiếm những chiên lạc nhà Israel. Rồi khi người đàn bà sấp mình dưới chân Chúa, thì Người còn tỏ ra cứng cỏi hơn: "Không nên lấy bánh của con cái là ném cho chó con. Và đây chính là lúc sự việc diễn ra. Một người phụ nữ chộp lấy cách gọi khinh bỉ đó và đối đáp lại bằng câu ví: "Thât đúng vậy, nhưng chó con được ăn những miếng bánh vụn từ bàn ăn của chủ rơi xuống. Bà ấy không phản đối, không chống lại. Bà chỉ kêu mời Đức Giêsu đi tới cùng. Đức Giêsu ngạc nhiên: "lòng tin của bà quá lớn...”. Và đứa con được lành bệnh. Đức Giêsu vừa bước qua một ranh giới, ranh giới nội tâm. Chúa mở rộng tâm hồn cách quyết liệt. Câu đối đáp của người phụ nữ ngoại này có chiều kích nhân đạo và tôn giáo vô hạn. Đối với các Kitô hữu đến từ các dân tộc và tôn giáo khác - người ta thường kêu là "dân ngoại" - đoạn Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu đến với người ngoại quốc, được coi là quý hoá. Bởi vì họ có thể đồng hoá với viên đại đội trưởng, với người phụ nữ Canaan. Khi có cuộc tranh luận xem có cần phải theo đạo Do Thái để theo chân Đức Giêsu không, thì người ta nhắc lại kỷ niệm này. Tại sao Đức Giêsu khen ngợi người phụ nữ Canaan? Chính là vì đức tin kiên trì của bà. Nhìn bà, chúng ta cùng khám phá ra rằng chúng ta cần phải học hỏi người khác, đôi khi cần chúng ta phải bỏ đi cái nhìn hẹp hòi của ta, và nhận ra rằng Thiên Chúa Cha đến từ nơi khác.

2/ “Đức tin của môt người phụ nữ ngoại

Người phụ nữ Canaan tuy biết rằng những người Do Thái mà bà đang khẩn cầu này nhìn bà cách kinh tởm vẫn cứ nài nỉ dai dẳng. Các môn đệ, những người rất tôn trọng truyền thống, gợi ý với Thầy mình: Xin Thầy làm phép lạ cho bà ấy đi, để chúng ta được yên. Đây là cuộc gặp gỡ do Chúa quan phòng xếp đặt. Vì lòng kiên trì của người phụ nữ sẽ thắng thái độ thinh lặng "theo luật" của Đức Giêsu. Nào Người sẽ giữ thái độ khép kín trong bốn bức tường định kiến của dân tộc Người chăng? Nhưng vị tiên tri Nagiarét đã phản ứng một cách bất ngờ và gây sốc biết bao. Bằng chỉ một lời, Đức Giêsu đã quét sạch mọi cấm kỵ, mọi luật lệ, mọi quy ước do những con người nhỏ nhen tạo ra, và bắt đầu một cuộc đổi đời mà sẽ trở thành cuộc hiệp thông giữa mọi người.

Đứng trước nhóm biệt phái tức tối và nhóm môn đệ bàng hoàng, Đức Giêsu đã trân trọng lời của một phụ nữ, trân trọng đức tin của một người ngoại đạo, thái độ chứng tỏ cho mọi người thấy tâm hồn cao thượng và lòng tin tương sâu xa của bà. Bà nhận được phép lạ như lòng mong ước, đồng thời nhận được tình bạn của vị tôn sư, điều mà bà không dám nghĩ tới.

Giờ đây, người "dơ" trở nên mẫu mực cho người "sạch". Người mà dáng lẽ phải bị ruồng bỏ giờ đây được đón tiếp, người đáng lẽ bị nguyền rủa giờ đây được chúc mừng. Người phụ nữ Canaan bị các môn đệ khinh bỉ, giờ đây được sư phụ của họ tôn vinh. Người khách lạ trở nên người thân thuộc, và "con chó nhỏ" được ngồi vào bàn ăn của Chúa. Sát bên Người. Chúng ta cũng có những phụ nữ Canaan, những con chó nhỏ. Tinh thần Ghetto (pháo đài) về giai cấp, địa vị luôn rình rập ta. Tính tự cao tự đại khiến ta nghi kỵ ra mặt, khinh bỉ người khác không giấu giếm, hoặc kiêu căng nghĩ mình là trên hết. Nhưng nhiều khi những "con chó nhỏ" giúp ta nhảy qua rào cản của bè phái để mở ra đón nhận sự phong phú từ người khác, và mở ra đón nhận tình huynh đệ toàn cầu. Đâu là những "người khách lạ" khi chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể?