Chúa Nhật XX thường niên - Năm A
RA KHỎI ĐÓ, ĐỨC GIÊSU LUI VỀ
Chú giải của Noel Quesson

Chúng ta đã nhận thấy, vào cuối cuộc đời Người, Đức Giêsu "rút lui", "lánh mặt" ở vùng đất của dân ngoại. Đã hẳn có nhiều lý do được đưa ra. Dẫu sao, đây là một khúc quanh trong sứ vụ của Người. Từ khi hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu cảm nhận một cách xót xa sự hiểu lầm của dân chúng. Thật ra họ không biết sứ mạng thật của Người.

Từ nay, Người tránh họ, để chuyên tâm đào tạo nhóm nhỏ các môn đệ. Vả lại, như mỗi người trong chúng ta, Người không tránh khỏi sự mệt mỏi thể xác và tâm lý, và Người cảm thấy nhu cầu được yên tĩnh, nghỉ ngơi, cầu nguyện, xa khỏi các đám đông.

Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng...

Vậy để được yên tĩnh, Đức Giêsu phải vượt qua một biên giới. Và này Người đi dọc theo bờ biển tuyệt đẹp miền nam xứ Libăng với những vách đá màu vàng chạy xuôi ra Địa Trung Hải, và những vườn cây ăn trái xum xuê.

Vùng đất này, lẽ ra là một ốc đảo bình yên lại thường bị các cuộc chiến huynh đệ tương tàn làm xáo động. Tại đây, Đức Giêsu gặp tôn giáo ‘thờ thần’ của dân ngoại. Tia và Xiđon không còn nằm trong phần đất của Israel. Đó là hai thành phố cảng thương mại lớn, có cư dân hỗn hợp. Nhưng danh tiếng của Đức Giêsu đã vượt qua biên giới. Và đây là một phụ nữ mà Matthêu giới thiệu rõ ràng là "người đàn bà Canaan" để nhắc chúng ta nhớ lại những kẻ thù đầu tiên của Israel đã tiến vào Đất Thánh. Người đàn bà ấy đang kêu lên...

“Lạy Ngài là con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi? Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!"

Theo thói quen thường có, Matthêu cho lời cầu xin của người đàn bà một phong cách hoàn toàn "phụng vụ”: Lạy Ngài, xin rủ lòng thương tôi" dịch chính xác ra tiếng Hy-lạp là: "Kyrie éléisòn mé". Về chữ "Con vua Đa-vít" đây rõ ràng là một tước hiệu của Đấng Mêsia.

Vậy quả là một nghịch lý đáng kinh ngạc: Đức Giêsu vừa có một cuộc tranh luận, khi còn ở trên đất Israel, với các kinh sư và Pharisêu từ Giêrusalem đến (Mt 15,1-20); và chính trong vùng đất ngoại bang này, Người nhận được một lời cầu nguyện của đức tin do một người đàn bà. Đức Giêsu sẽ đón nhận lời cầu nguyện tốt đẹp, chân thành và cảm động ấy như thế nào, Người đã từng nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được… cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" (Mt 7,7).

Nhưng Người không đáp lại một lời.

Lạy Chúa Giêsu, tại sao Người không đáp lại lời cầu xin của một người mẹ đáng thương trong cảnh khốn khố? Tuy nhiên đó là một lời cầu xin rất tinh tuyền: bà xin Ngài "cứu con gái bà khỏi bị quỷ ám”. Lạy Chúa tại sao Ngài dường như rất hay im lặng khi chúng con cầu xin sự giải thoát chúng con, và giải thoát những người mà chúng con yêu mến?

Tạm thời trong lúc chờ đợi lịch sử chấm dứt sẽ soi sáng thêm cho chúng ta, có lẽ chúng ta nhớ lại ràng Đức Giêsu thường rất dè dặt trong việc làm phép lạ. Người không muốn bị coi như một người chuyên làm các phép lạ.

Một cách bình thường, Thiên Chúa để cho các quy luật của vũ trụ diễn ra và Người không muốn làm ngược lại bất cứ lúc nào. Những lần chữa bệnh hay làm phép lạ nào đó mà Đức Giêsu đã thực hiện thì không nhiều và trước tiên luôn luôn là những "dấu chỉ". Nhưng mọi “dấu chỉ" đều mơ hồ và đều phải được giải thích. Nhiều người Pharisêu khinh thường những phép lạ của Đức Giêsu bằng cách cho rằng các phép lạ ấy thuộc quyền lực của ma quỷ (Mt 12,24)... còn với các đám đông, các phép lạ ấy thường chỉ ở trong bình diện của thầy trị bệnh và thầy pháp, điều này khiến Người phải chạy trốn (Mt 14,22) đến nỗi. Đức Giêsu thường cấm người ta nói ra những phép lạ Người làm (Mc 1,34-44; 7,36; 8,26; 9,9).

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”.

Rõ ràng đây là một giải pháp dễ dãi. Nhưng như thế chẳng phải là làm ngưng mọi cuộc đối thoại đó sao? Người ta thoát khỏi sự phiền phức. Thế là xong. Rồi người ta được yên tĩnh.

Chúng ta cũng thế, như các Tông đồ, chẳng phải chúng ta cũng thường đi đến một thái độ cuối cùng như thế, và do đó cắt đứt mọi dự định trao đổi đó sao?

Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”.

Người bắt đầu không đáp một lời. Rồi giờ đây một sự từ khước dứt khoát. Lạy Chúa, tại sao vậy? Tại sao Chúa nói không với người đàn bà đang cầu xin Chúa? Tuy nhiên, chúng con biết rằng Chúa có trái tim nhân hậu và hay chạnh lòng thương xót. (Mt 9,36; 14,14; 15,32).

Nhưng rõ ràng, trước sự khắt khe này của Đức Giêsu chúng ta cảm thấy bị tổn thương.

Khi chúng ta biết được sự dịu dàng của Đức Giêsu đối với những người nghèo, chúng ta không thể nghĩ rằng những sự từ chối bề ngoài này không bao hàm một ý nghĩa. Chúng ta hãy thử vượt qua cảm tưởng ban đầu để khám phá ý nghĩa bao hàm trong công thức: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi". Bởi công thức này, Đức Giêsu nói lại với chúng ta tình yêu của Người theo thánh ý Chúa Cha: Người đã được Chúa Cha sai đến vì một nhiệm vụ chính xác và hạn chế. Mọi đời sống con người được đóng khung trong không gian và thời gian. Người ta không thể ở khắp nơi và làm mọi việc.

Đức Giêsu không tự mình quyết định sứ mạng của Người: Người đã được sai đi. Chính Chúa Cha đã giới hạn môi trường hoạt động trong phạm vi mà một con người có thể hoàn thành trong một cuộc đời ngắn ngủi. Chúng ta cũng thế, thay vì bám víu những mơ ước của chúng ta, chúng ta phải chấp nhận thân phận con người có giới hạn, bị gắn chặt vào một nơi nào đó ngõ hầu làm tròn nhiệm vụ riêng của mình và chỉ có chúng ta mới có thể làm được. Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ mơ mộng đến một đời sống khác... đời sống của những người khác?

Thật vậy Đức Giêsu, ngoại trừ những cuộc du hành ít ỏi (và rất có ý nghĩa), hiếm khi Người ra khỏi biên giới của xứ Palestine, Người dành phần chính của sứ vụ cho những người đồng hương Do Thái của Người. Những người khác, các môn đệ, sẽ đi khắp thế gian (Mt 28,19), nhưng chỉ sau khi Người đã dược trao toàn quyền trên trời tức là sau cái chết và sự sống lại của Người (Mt 28,18).

Trong lúc này, Đức Giêsu bằng lòng đảm nhận một cách khiêm tốn nhiệm vụ "nhỏ bé" giới hạn đã được trao cho Người, và Người định nghĩa sứ mạng của Người khi tóm tắt lời tiên tri tuyệt vời trong đó Thiên Chúa tự giới thiệu như một Mục Tử Nhân Từ, đích thân đến để quy tụ và chữa lành những con chiên lạc (Ed 34,1-31). Nhưng dù bà mẹ đáng thương có hiểu biết viễn cảnh lịch sử ấy… bà có bằng lòng không?

Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”

Ôi quả là một lời khẩn nài tuyệt diệu!

Thêm vào những lời đáp lại trước đó, câu này há chẳng phải là một lời đáp lại lý do tại sao của chúng ta đó sao?

Những thử thách của đức tin, những thử thách của việc cầu nguyện há chẳng phải là một sự thanh luyện đức tin và làm tăng giá trị của sức mạnh cho sự cầu nguyện chân thực. Giữa người đàn bà Canaan và Đức Giêsu có một quan hệ mầu nhiệm gây ngạc nhiên trong giây phút ấy: theo vẻ bề ngoài, đó là mối quan hệ bị phá vỡ, một lời từ chối, một sự bỏ rơi... nhưng bên trong những tấm lòng, chính những kh6 khăn của hoàn cảnh lịch sử làm nẩy mầm một quan hệ sâu xa nhiều hơn giữa hai người. Cũng như thế, trên núi; một đập nước dường như chận dòng nước lại… nhưng gây ra sự dâng lên cho đến lúc tạo ra những điều kỳ diệu.

Còn chúng ta? Chúng ta có biết giải thích những thử thách của chúng ta không? Thay vì để chúng ta bối rối bởi những khó khăn, chúng ta có biết "nâng cấp" mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa không? Trước sự bền đỗ tuyệt diệu này của người đàn bà ngoại giáo, Thầy chúng ta sẽ đáp lại gì?

Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.

Quả là khắc nghiệt! Lạy Chúa, Chúa vừa hóa bánh ra nhiều. Thế mà Chúa từ khước mẩu bánh nhỏ mà người đàn bà nghèo khổ ấy cầu xin. Không thể như thế. Hãy đọc cho đến phần cuối của câu chuyện này…

Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống".

Không để cho mình chán nản, người đàn bà đã nắm lấy trái bóng và với sự hóm hỉnh, trả trái banh lại cho Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu thực ra đã chẳng muốn cứu giúp người đàn bà ấy hay sao? Ở Phương Đông gọi một người nào đó là con chó là một sự nguyền rủa nặng nề. Nhưng khi dùng chữ chó con Đức Giêsu muốn gợi ra tính chất của thú nuôi trong nhà, chúng hoàn toàn thuộc về những thành viên trong nhà như các con cái.

Đức Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy". Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Rõ ràng đây là chỗ mà câu chuyện phải đi đến. Một niềm hy vọng to lớn được mở ra xuyên qua Tin Mừng này nhờ đức tin của người đàn bà ngoại giáo ấy. Nếu Đức Giêsu khiêm nhường giới hạn mình nơi những con chiên lạc của nhà Israel thì ở đây, Người cho thấy rằng sứ điệp và ơn cứu độ của Người là dành cho tất cả mọi người. Và chúng ta phải để cho chính Tin Mừng tra vấn chúng ta. Tại sao tôi may mắn có được đức tin? Tại sao tôi là một người có đặc ân, được ăn "bánh của con cái Thiên Chúa"? Có phải tôi không quên, mà quên thì rất thường xảy ra, đám đông nhiều vô kể đang chờ những mảnh vụn từ bàn ăn của Thiên Chúa? Mọi sự tuyển chọn của Thiên Chúa cũng là một sứ mạng hoàn vũ…

Nếu Thiên Chúa chọn "một số người", chính là để sai họ đi đến với mọi người khác. Israel là dân tộc đầu tiên được chọn, phải là dân tộc đầu tiên tiếp nhận sự trung tín tuyệt vời của Thiên Chúa với những lời Người hứa, không quên mục đích sau cùng: Mọi người phải được cứu chuộc! “Toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế"... cho những người khác (Xh 19,5-6).