Chúa Nhật XX thường niên - Năm A |
MỘT LÒNG TIN MẠNH MẼ |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Chúa nhật tuần rồi, chúng ta đề cập đến việc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, với tính chất bất ngờ của cung cách biểu lộ của Thiên Chúa, cùng với chủ đề đức tin như là điều kiện cần thiết để gặp được Đức Giêsu Kitô và quyền năng cứu độ của người. Chủ đề nhẫn nại và tin tưởng trong lời cầu nguyện sẽ là chủ đề của bài lời Chúa tuần này với hình ảnh người phụ nữ xứ Canaan đã kiên nhẫn cầu xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái của bà đang bị bệnh quỉ ám. Người phụ nữ xứ Canaan trong bài Tin mừng hôm nay đã chứng tỏ một đức tin mạnh mẽ qua lời cầu xin, một tài ứng đáp khôn ngoan mềm dẻo, một đức tính khiêm nhường tin tưởng cách bất ngờ. Mặc dù bị từ chối, ngăn cản, bà đã tỏ ra kiên nhẫn cách lạ lùng, thái độ kiên nhẫn này được Ðức Giêsu nhìn nhận là đức tin chân thực. Phải chăng Thiên Chúa là Đấng hành động cách đầy bất ngờ vượt dự đoán của con người, đã nhận thấy nơi người phụ nữ xứ Canaan này những đức tính cần thiết để thực sự gặp gỡ được quyền năng cứu độ của Thiên Chúa: đó là một đức tin mạnh mẽ, trưởng thành và chấp nhận những thử thách hy sinh. Những chi tiết trong câu chuyện Phúc âm hôm nay có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Chúa Giêsu đã thinh lặng trước lời cầu xin của người phụ nữ xứ Canaan, trong khi các môn đệ muốn Chúa Giêsu trả lời dứt khoát, tức ban ơn cho bà, để người phụ nữ này không còn theo quấy rầy các ngài. Lời khẳng định của Chúa Giêsu còn làm cho vấn đề nên rõ ràng khi Người nói chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israen, tức Người từ chối không can thiệp giúp đỡ cho người phũ nữ ngoại bang này. Câu chuyện của Phúc âm thánh Matthêu hôm nay thực ra nhằm trả lời cho vấn đề được đặt ra bởi cộng đoàn của Matthêu vào những năm 80 sau công nguyên khi mà cộng đoàn này gồm có những người do thái và lương dân. Thực ra vấn đề đã được giải quyết rõ từ thời các tông đồ, nhưng những hệ luận của nó vẫn còn dai dẳng trong những cộng đoàn do thái khi tự hỏi về chỗ đứng của người lương dân trong công cuộc truyền giáo. Thực vậy, truyền thống do thái giáo luôn xác tín sự tuyển chọn của Thiên Chúa đối với Israen như là dân riêng của Thiên Chúa (Ðnl 7,6). Israen là dân riêng của Chúa, thuộc về Chúa, thừa tự chính thức lời hứa của Thiên Chúa cho họ một dòng dõi đông đúc và sau cùng là một Đấng cứu thế với một triều đại trường tồn. Đồng thời, càng lúc, Israen cũng đã bắt đầu hiểu rằng các dân tộc khác cũng sẽ đến thờ lạy Thiên Chúa của Israen (Is 2,2-4), và sứ mạng của Israen là dẫn đưa các dân tộc khác đến với Thiên Chúa (Is 49,6). Như thế công việc cứu độ của Thiên Chúa diễn ra tiệm tiến trước hết là cho người Israen, sau đó là lương dân nhờ vào sứ vụ của người do thái. Câu trả lời của Chúa Giêsu phản ánh quan niệm này của người do thái: do thái trước hết, sau đó mới đến các dân tộc khác. Bài đọc I sách Isaia chương 56 diễn tả tầm nhìn của vị tiên tri về tính phổ quát của ơn cứu độ. Đây chính là hoàn cảnh sau thời lưu đày, Israen đã bắt đầu ra khỏi nhãn giới dân tộc hẹp hòi để mở ra cho mọi dân tộc mà Luật xưa khai trừ. Lời tiên tri này đã hướng đến ơn cứu độ phổ quát cho mọi dân tộc, bởi vì Thiên Chúa là Đấng Công chính, những người biết thực thi lề luật và giữ đức công bình sẽ được lên núi thánh, được Thiên Chúa nhận của lễ khi họ kêu cầu. Trong bài Tin mừng, cách nói hình tượng của Chúa Giêsu “chó” chỉ chư dân đã được người phụ nữ này lý giải thực là thông minh. Theo một cách giải thích, cách nói “chó” là ám chỉ thông thường của người do thái đối với dân ngoại là những người không có được sự phân biệt sạch dơ như những người do thái. Dầu vậy, như người phụ nữ này đã trình bày thẳng thắn và khôn ngoan cũng như hợp tình hợp lý, dù là chó, nó cũng có vị trí của nó trong nhà và cũng có quyền được ăn uống nuôi dưỡng bởi vì nó cũng phục vụ công việc trong gia đình và có chỗ đứng riêng của nó. Như thế, cộng đoàn của Phúc âm Matthêu ngầm hiểu, qua lời tuyên xưng của người phụ nữ, điều mà sách Công vụ tông đồ đã khẳng định từ đầu qua kinh nghiệm của thánh Phêrô khi nhận thấy Thánh Thần được ban cho người do thái và lương dân, là Thiên Chúa của mọi người, của người do thái cũng như lương dân. Và Chúa Giêsu thực sự đã cảm nghiệm đức tin của người phụ nữ này, đức tin mà Người kinh nghiệm trong chính cuộc đời trần thế của mình như là lời đáp trả của con người cho Thiên Chúa. Đức tin đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để đi vào trong tương quan với Thiên Chúa phải là một đức tin mạnh mẽ, dám chấp nhận vượt qua những thử thách, những hy sinh, những đau khổ. Đức tin này phải là đức tin sáng suốt trưởng thành, xác định được chỗ đứng và công việc của mình để chu toàn. Trong khi mà theo dự định cứu độ, thì thứ tự ưu tiên là do thái, sau đó mới tới dân ngoại, thì đức tin lại là điều kiện để hưởng ơn cứu độ cho mọi người không phân biệt chủng tộc hay điều kiện ưu tiên nào. Câu chuyện về người phụ nữ xứ Canaan còn là bài học về lòng kiên nhẫn trong cầu nguyện, trong việc lành. Lòng kiên nhẫn này sẽ đưa chúng ta đến đức tin là điều thiết lập mối tương quan thân mật của chúng ta với Chúa Giêsu, nhờ đó đón nhận được ơn cứu độ. Người phụ nữ này đã tha thiết đến với Ðức Giêsu nhưng đã bị từ chối thẳng thừng. Thế nhưng bà vẫn nhẫn nại kiên trì trong lời cầu của mình, bà chỉ có một ý tưởng là cầu xin cho con gái của mình. Sau cùng Chúa Giêsu đã phải nhìn nhận đức tin chân thật của bà và Người phải tỏ lòng thương xót bà. Trong lời cầu xin của bà, ngoài lòng nhẫn nại kiên trì, chúng ta cần phải để ý đến những lời cầu xin của bà: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Lời cầu xin này vừa chạm tới Ðức Giêsu ở lời tuyên xưng chân tính Đấng cứu độ của Người là Con vua Ðavít, người Con Thiên Chúa thực sự dấn thân vào trong dòng dõi nhân loại chúng ta vì lòng thương xót, vừa diễn tả nổi đau của chính bà khi mang trong mình đau khổ của một người mẹ lo lắng cho con. Chúng ta còn có thể nhìn thấy, qua hình ảnh người phụ nữ này, khát vọng được đón nhận ơn cứu độ. Bà linh cảm điều gì đó về Đức Giêsu và quyền năng cứu độ của người cho hoàn cảnh cụ thể của gia đình bà, của con gái bà. Bà đã bắt đầu tin rằng, quyền năng cứu độ của Đức Giêsu có thể giải thoát con của bà khỏi nô lệ ma quỉ, và đó đã là điều lớn lao đối với bà và con của bà. Thực vậy, quyền năng cứu độ của Đức Giêsu giải thoát chúng ta ra khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết để đến với sự sống tự do và sung mãn của Thiên Chúa. Vì thế, thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Rôma, ngài nói đến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người không trừ ai. Thánh Phaolô xác tín ơn gọi làm tông đồ dân ngoại của mình, từ đó, ngài cảm nghiệm thực sự Thiên Chúa không bao giờ hối tiếc đối với chúng ta là những người được Thiên Chúa ban ơn kêu gọi đến hưởng ơn cứu độ, dù là do thái hay là lương dân. Trong dự định yêu thương cứu độ của Thiên Chúa, không hề có loại trừ một ai. Nếu trong một tầm nhìn ngắn hạn, chúng ta có thể cảm thấy khó hiểu trong đường lối cư xử của Thiên Chúa, thì trong tầm nhìn dài hạn, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về đường lối ban ơn cứu độ của Thiên Chúa. Xưa kia, các dân ngoại chưa tin vào Thiên Chúa, nhưng nay dân ngoại, tức là chúng ta, các kitô hữu tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu vì những người do thái cứng lòng tin. Thiên Chúa để mọi người bị giam hãm trong sự cứng lòng tin để thương xót mọi người. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến dự định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nhằm cho mọi người được ơn cứu độ. Điều quan trọng đó là sự hiểu biết của chúng ta đối với dự định của Thiên Chúa và từ đó có lòng tin tưởng khôn ngoan và mạnh mẽ để có thể gặp được quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Đức Giêsu. |