Chúa Nhật XVIII thường niên - Năm A

Chúa Hiển Dung

Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

(Mt 17,1-9)

Thưa anh chị em,

Tại sao Chúa Giêsu không biến hình ở dưới đất thấp mà lại biến hình trên núi cao?.

Thưa, theo truyền thống Thánh Kinh, núi cao thường được xem như là nơi gặp gỡ giữa trời với đất, giữa Thần Linh với nhân loại, và những mặc khải quan trọng trong Kinh Thánh thường được diễn ra trên núi cao.

Từ trên núi cao, Chúa hứa ban cho tổ phụ Abraham một dòng tộc đông như sao trời, như cát biển.

 Từ trên núi Sinai, Thiên Chúa thiết lập Giao ước và ban lề luật cho Môisen, để ông truyền lại cho dân Israel.

Từ trên núi, Chúa Giêsu công bố Tám mối phúc thật, vác thập giá lên núi Canvê chịu chết và cuối cùng lên trời cũng từ trên núi.

Tin Mừng hôm nay kể lại, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín nhất riêng biệt lên núi cao vắng vẻ, để tỏ cho các ông thấy trước vinh quang của Ngài trong ngày phục sinh vinh hiển; đồng thời Ngài cũng tỏ lộ cho các ông thấy con đường Ngài sẽ phải đi, đi từ sự sống đến sự chết, từ đau khổ mới tới vinh quang phục sinh, và đó cũng là con đường tất yếu dành cho những ai muốn đi theo Chúa.

Từ trên núi Tabor, đang lúc Chúa Giêsu biến đổi thần tính, thì có tiếng Thiên Chúa Cha từ trời vọng xuống: “Đây là Con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”. Tiếng nói ấy không chỉ dành riêng cho ba môn đệ, nhưng còn dành cho tất cả những ai khi lãnh Bí tích rửa tội.

Từ trên núi cao, đang lúc nhìn thấy Chúa hiển dung, ba môn đệ đã ngất ngây trong niềm hạnh phúc, đến nỗi Phêrô muốn cắm lều ở lại đó. Thế nhưng, Chúa Giêsu không có ý đưa các ông lên núi để ở lại đó mãi mãi, mà còn phải xuống xuống núi trở lại, đi tiếp con đường sẽ phải đi, con đường hạnh phúc nhưng cũng không thiếu những khổ đau. Con đường có những niềm vui và nỗi buồn, nhưng hãy vững tin vì có Chúa luôn đồng hành.

Anh chị em thân mến,

Trong đời sống đạo, có những giây phút chúng ta cũng được lên núi cao với Chúa. Núi cao của những giờ tham dự Thánh lễ, núi cao của những giờ tĩnh tâm; núi cao của những chuyến hành hương; núi cao trong những giây phút cầu nguyện thân mật với Chúa. Nhưng chúng ta không lên núi cao để ở lại đây mãi, mà phải về lại với gia đình, về lại với bổn phận, về lại với cuộc sống thường ngày. Điều quan trọng là tâm tình chúng ta luôn sống gắn bó với Chúa và ăn ngay ở lành, lập công tích đức... sống như thế là đang bước đi trên con đường đi theo Chúa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự đặt cho mình một câu hỏi: tôi có thực sự muốn lên núi với Chúa không?. Nếu muốn thì chúng ta hãy siêng năng đến nhà thờ hơn trong việc đi đọc kinh, dự lễ. Tôi có thực sự muốn làm môn đệ của Chúa không?. Nếu muốn thì phải bước theo con đường mà Chúa đã đi, đó là con đường hi sinh và từ bỏ, con đường đau khổ đời này mới bước qua vinh quang đời sau.

 Chúng ta không thể làm con yêu dấu của Cha, nếu chúng ta không cùng lên núi với Chúa. Chỉ khi nào chúng ta lên núi cầu nguyện với Chúa và được ơn Chúa biến đổi mỗi ngày, lúc đó chúng ta mới hi vọng trở thành con yêu dấu của Chúa Cha.

Xin Chúa thương củng cố đức tin còn yếu kém của chúng ta, để những vất vả khổ đau đang gặp phải trên đường đời, là những thánh giá Chúa an bài gửi đến, nếu chúng ta vui lòng đón nhận vì lòng yêu mến Chúa, chấp nhận mọi gian lao đau khổ...sẽ đem lại cho chúng ta giá trị vĩnh cửu. Để rồi mai sau chúng ta cũng được vào số những người Chúa chọn, và lúc bấy giờ sẽ lắng nghe lời Chúa Cha mời gọi: Đây con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta, hãy vào hưởng sự vui mừng hạnh phúc với Ta. Amen.