Chúa Nhật XVIII thường niên - Năm A
HÃY CHO
SƯU TẦM

Bắt đầu bài Phúc âm hôm nay, thánh Matthêu nói rõ Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy giả đã bị chém đầu, nên Ngài buồn bã rút lui khỏi vùng Galilêa vào nơi yên tĩnh.

William Barclay đã đưa ra ba lý do. Ngài là con người, cần nghỉ ngơi. Ngài không bao giờ liều lĩnh lao vào nguy hiểm, phải rút lui kẻo sớm chia sẻ chung số phận với Gioan. Và trên hết, với thập giá đang đến gần kề, Chúa Giêsu đã biết Ngài phải gặp gỡ Thiên Chúa trước khi tiếp xúc với con người, Ngài tìm kiếm sự nghỉ ngơi cho thể xác và củng cố tinh thần nơi thanh vắng.

Phúc âm thánh Matthêu ở chương 14 đã mô tả hai bữa tiệc xảy ra nối tiếp nhau để độc giả so sánh và suy nghĩ: Bữa tiệc sang trọng với chiếc đầu của Gioan Tẩy giả và bữa tiệc của dân nghèo với năm chiếc bánh và hai con cá.

1. Gioan bị chém đầu: tại bữa tiệc ở cung điện của vua Hêrôđê với các quan khách sang trọng quí phái. Họ có tất cả mọi sự trên đời, quyền hành, danh vọng, tiền bạc, sắc đẹp, lạc thú, lương thực cao lương mỹ vị, rượu ngon thỏa thích, vũ nữ duyên dáng… và có cả hận thù, ích kỷ, máu đổ đầu rơi!

Vài tuần lễ trước khi chết, một phóng viên đã phỏng vấn Elvis Presley – nổi tiếng là vua của nhạc Rock: “Elvis, khi anh bắt đầu chơi nhạc, anh đã nói anh muốn có được ba điều trong cuộc đời. Anh muốn giàu sang. Anh muốn nổi tiếng. Và anh muốn sống hạnh phúc. Giàu sang và nổi danh chắc chắn là anh đã có. Thế còn hạnh phúc, không biết anh thực sự có hay không, Elvis?” Chàng ca sĩ trả lời, “Không, tôi sống cô đơn như ở trong hỏa ngục”.

Giàu sang. Danh vọng. Những người hâm mộ vây quanh gồm đủ mọi hạng người, các giai nhân tài tử tuyệt trần, vậy mà Elvis diễn tả cuộc sống của anh như hỏa ngục! Thật lạ lùng! Như thế, cuộc sống của vua Hêrôđê với tiệc tùng nào có khác chi!

2. Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất: tại bữa tiệc nơi hoang vắng với đám dân nghèo đói. Họ chẳng có gì, ngoài sự tin tưởng, hy vọng vào tình thương và sự chia sẻ của Chúa Giêsu. Sự thiếu thốn về vật chất dễ làm đời sống tinh thần của con người trở nên ích kỷ. Họ không muốn đóng góp sự gì, mà chỉ mong mỏi đấng Thiên Sai đến giải thoát họ khỏi khổ cực đang chịu vì sự áp bức của đế quốc Rôma và những người Do Thái giàu có.

Đây không chỉ là phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều nhưng còn là phép lạ thay đổi đám dân chúng ích kỷ trở nên quảng đại nhờ sự hiện diện và tiếp xúc với Chúa Kitô. Đây là phép lạ của tình yêu sinh ra trong những con tim oán hờn. Phép lạ này là một biểu tượng của Bí tích Thánh Thể.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Một hệ quả đầy ý nghĩa khác của chiều hướng cánh chung gắn liền với Thánh thể còn là sự kiện nó thúc đẩy chúng ta tiến bước trong lịch sử và làm nảy sinh hạt giống của niềm hy vọng sống động trong những dấn thân hằng ngày để chu toàn nhiệm vụ của chúng ta. Quả thế, nếu tầm nhìn Kitô giáo dẫn đến việc mong chờ một “Trời mới” và “Đất mới”, nó không làm suy giảm, mà trái lại làm gia tăng ý thức trách nhiệm của ta đối với thế giới hôm nay… Những vấn đề đang bao phủ chân trời của chúng ta thật là nhiều. Chỉ cần nghĩ đến nhu cầu cấp bách phải kiến tạo hòa bình, thiết lập những mối tương giao giữa con người với nhau dựa trên nền tảng vững chắc là sự công bình và tình liên đới… Và chúng ta sẽ nói gì đây về vô vàn mâu thuẫn trong một thế giới “toàn cầu hóa”, trong đó những người yếu ớt nhất, không có quyền lực nhất và nghèo nhất dường như không có chút hy vọng! Chính trong thế giới này, niềm hy vọng của người Kitô hữu phải tỏa sáng! Cũng vì lý do đó, Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong Thánh Thể, bằng cách làm cho sự hiện diện của Người trong bữa ăn và trong hy tế, trở nên lời hứa đổi mới nhân loại bằng tình yêu của Người”.

3. Vai trò của Giáo Hội: Phép lạ còn nhấn mạnh đến vai trò của các môn đệ trong công việc của Chúa Kitô nữa. “Xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn… Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Câu chuyện kể rằng Chúa Giêsu đã trao bánh và cá cho các môn đệ và chính các ông phân phát cho đám đông.

Sự thật là các môn đệ chẳng làm gì được nếu không có Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu cần đến những bàn tay cộng tác của các môn đệ. Nếu Chúa Giêsu muốn trẻ em được dạy dỗ, người nghèo đó được nuôi nấng, người ốm đau được săn sóc, Ngài phải có người nào đó làm công việc này.

Vào một đêm người đàn ông rút cây nến nhỏ từ trong ngăn kéo ra, thắp nó lên, và bắt đầu bước lên chiếc cầu thang dài hình trôn ốc. Cây nến hỏi người đàn ông: “Ông đi đâu vậy?” Ông trả lời: “Đi lên chỗ cao hơn nóc nhà nơi chúng ta đang ngủ”. “Và ông sẽ làm gì ở đó?” cây nến hỏi. “Tôi sẽ chỉ cho những con tàu ở biển khơi biết đâu là hải cảng”, người đàn ông nói, “vì chúng ta đang ở ngay lối vào hải cảng, và một số con tàu ngoài biển khơi đang gặp bão táp, có thể tìm thấy ánh sáng của chúng ta”. “Không có con tàu nào nhìn thấy ánh sáng của tôi cả”, ngọn nến nói “tôi quá nhỏ bé mà”. “Mặc dù ánh sáng của ngươi nhỏ bé”, người đàn ông đáp, “cứ hãy thắp sáng nó lên, đừng e ngại, hãy để phần còn lại cho ta tính”. Rồi người đàn ông trèo lên những nấc thang cho tới đỉnh của ngôi nhà hải đăng, cầm cây nến nhỏ bé, châm lửa vào những cái đèn vĩ đại đã đứng sẵn ở đó với những tấm gương phản chiếu bóng láng ở phía sau. Một cây nến nhỏ cũng có thể làm nên một ngọn lửa lớn hơn.

Đây là công việc của Giáo Hội. Giáo Hội được gọi là tông truyền vì luôn tiếp tục các công việc của các tông đồ. Giáo Hội vẫn được thánh hóa và hướng dẫn bởi các tông đồ qua giám mục đoàn với sự cộng tác của các linh mục, hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô.