Chúa Nhật XVIII thường niên - Năm A
VỚI NĂM CÁI BÁNH VÀ HAI CON CÁ,
ĐỨC GIÊSU ĐÃ CHO ĐÁM ĐÔNG ĂN UỐNG THOẢ THUÊ
Chú giải theo Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1) Một cử chỉ biểu tượng sứ mệnh của Đức Giêsu.

Bốn thánh sử đều tường thuật câu truyện hoá bánh ra nhiều. Cả thảy là sáu lần mà hai lần trong Matthêu và Máccô trong những bối cảnh khác nhau. Ở đây chúng ta gặp một trường hợp duy nhất là cùng một biến cố mà có những ngần ấy trình thuật khác nhau; điều đó đủ nói lên tầm mức quan trọng và vẻ phong phú của biến cố đối với huấn giáo.

Hôm nay Giáo Hội đề nghị ta suy niệm trình thuật thứ nhất trong hai trình thuật của thánh Matthêu.

Tác giả đã đặt câu truyện vào một bối cảnh bi thảm. Nỗi thất bại đã trải qua trong chính quê hương của mình" ở Nadarét (13,53-55) Đức Giêsu lại vừa mới hay tin Gioan Tẩy Giả bị Hêrôđê ra lệnh chém đầu(14,1-3). Khởi sự một chuyến đi lánh nạn sẽ dẫn Người từng chặng lần lượt đến miền Césarée Philipphe "Người lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng, riêng biệt. Không như một bài báo tường thuật biến cố xảy ra, bài trình thuật rất mau chóng lộ ra - cho ai xem xé kỹ lưỡng - là một bài tích luỹ những vay mượn các mẫu của Cựu Ước, đồng thời được đọc lại dưới ánh sáng kinh nghiệm bữa ăn Thánh Thể của các cộng đồng tín hữu đầu tiên.

+ Gặp lại "đám đông" đã đi bộ mà theo Chúa, còn Người thì dùng thuyền tìm nơi êm ả, thanh vắng, Đức Giêsu "chạnh lòng thương" (đúng chữ là "quặn lòng”) họ. Lúc bắt đầu bài giảng về truyền giáo Đức Giêsu đã quặn lòng như vậy khi nhìn thấy đám đông không người chăn dắt (9,36). Người cũng sẽ quặn lòng như thế khi gặp người mù ở Giêricô (20,34). Trước mặt đám người đông đúc mà Người trông thấy khi ra khỏi thuyền", Đức Giêsu tỏ mình ở đây là MỤC TỬ ĐÍCH THỰC mà các ngôn sứ đã loan báo (cf. Ez, 34), là Mục Tử Thiên Chúa sai đến để quy tụ dân Người và đưa họ đến những đồng cỏ xanh tươi.

F. Prud'homme chú giải: "Người chạnh lòng thương". Từ ngữ chỉ thứ xúc động của tình yêu sâu xa, như bản năng, bắt nguồn từ trong tim hay trong "ruột gan" của một người mẹ: đó không phải chỉ là tình cảm thuần tuý, nhưng là lòng trắc ẩn có sức tác động. Trong Cựu Ước động từ ấy chỉ tình yêu của Đức Giavê đôi với dân Người, một tình yêu thuộc bản tính của Thiên Chúa... Truyền thống nguyên thuỷ đã trình bày việc Chúa hoá bánh ra nhiều như một cử điệu chỉ thoát ra từ lòng trắc ẩn của Đức Giêsu. Trong bài tường thuật của mình, thánh Máccô dùng Ezechiel 34 để mô tả Đức Giêsu mang những nét của vị Mục Tử đích thực mà dân trông đợi Thánh Matthêu lại dùng cũng điểm quy chiếu trên ở 9,36 để nói lên ý tưởng là sứ mệnh của các tông đồ có nguồn gốc trong tình yêu trắc ẩn của Đức Giêsu. Ở đây cũng vậy, cử chỉ xót thương của Đức Giêsu được gợi nên do tính cách của đám đông đang đi tìm kiếm mà chẳng biết, đang "đi theo" mà đích thực chẳng khám phá ra Đấng Cứu Thế. Cái "đói" đích thực của đám đông này là thế đó. Hành động của Đức Giêsu sẽ mang tính biểu tượng cho tất cả sứ mệnh của Người, và các tông đồ sẽ tham dự chặt chẽ vào sứ mệnh đó. Nhưng con người nghèo khổ đói khát này, tất cả đều cần được chữa lành và hết thảy không trừ một ai đều được mời gọi tham dự bàn tiệc" ("Assemblée, du Seigneur" số 49, trang 24).

Cũng giống như ba tác giả kia, thánh Matthêu nhấn mạnh đến sự bất cân xứng lớn lao giữa số thực phẩm mang tới: năm chiếc bánh và hai con cá", và đám đông ăn no nê: "Chừng năm ngàn người, không kể đàn bà và trẻ em". Như thế Đức Giêsu được giới thiệu như vị NGÔN SỨ ĐƯỢC TRÔNG ĐỢI, vượt trên cả chính Elisée người đã nuôi ăn một trăm người bằng hai mươi cái bánh lúa mạch (2V 4,42-44). Thời đại mới, thời đại ứng nghiệm những hình ảnh của Giao ước cũ, đã được khai trương trong con người Đức Giêsu.

+ Cảnh được đặt vào "một chỗ hoang vắng". Đối với thánh sử Matthêu, đó là một cách để chào mừng Đức Giêsu là Môsê mới tụ họp dân Chúa tiến vào hoang mạc (Xh 10,4) rồi dẫn họ tới Đất Hứa thực, nơi đó "mọi người sẽ được nuôi ăn và ăn no nê" (Nl 6,11; 11,15; 31,20).

+ Sau cùng khi nhấn mạnh đến số thực phẩm quá dồi dào được ban tặng miễn phí, thánh sứ hàm ý chỉ Đức Giêsu là CHỦ BÀN ĂN quy tụ quanh Người những đám dân tản mác vào dự bàn tiệc của Đấng Cứu Thế (cf. Isaie 55, bài đọc I của Chúa nhật XVIII thường niên).

2. Một cử chỉ biểu tượng của Giáo Hội:

Nếu cảnh hoá bánh ra nhiều mạc khải bằng biểu tượng căn tính đích thực và sứ mệnh của Đức Giêsu, thì cảnh ấy cũng vén lên bức màn về sứ mệnh của các môn đệ Người phải thực hiện cho tới ngày Người trở lại.

Vả lại khi đặt cảnh hoá bánh ra nhiều vào lúc "chiều đến", giống như ở Tiệc Ly (26,20), thánh Matthêu có vẻ như muốn đúc kết trình thuật của mình để cho nó có vẻ long trọng hơn, một phong cách phụng vụ hơn, và như thế tập trung hơn những cái nhìn hướng về những cử chỉ của Đức Giêsu. Những cử chỉ được thánh sử tường thuật bằng cùng những lời lẽ như những cử chỉ Chúa đã làm trong bữa ăn sau hết với các môn đệ”, "Cầm lấy bánh", "đọc lời chúc tụng" (hoặc "tạ ơn"), "bẻ ra và "trao cho" (Mt 26,26). Những cử chỉ này chính là những cử chỉ của truyền thống phụng vụ về nghi lễ "Bẻ bánh" diễn ra trong các buổi họp hội của các tín hữu. Đối với thánh sử, đó là một cách để trình bày việc hoá bánh ra nhiều như là một báo hiệu tiệc Thánh Thể sau này. Còn về nhiệm vụ dành cho các môn đệ, thánh Matthêu cũng loan báo bằng biểu tượng thừa tác vụ mà sẽ là chính tác vụ của các ông trong việc cử hành Thánh Thể vốn được sinh hoạt trong các cộng đồng tín hữu: "Đức Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ. Và Môn đệ trao cho đám đông. J. Perron giải thích: "Đức Giêsu đã muốn cần đến các tông đồ, và muốn cho các ông khai trương ngay hôm đó nhiệm vụ vốn phải là nhiệm vụ của chính các ông. Thánh Matthêu còn nhấn mạnh ở đây tầm quan trọng và phẩm cách của chức vụ này khi dùng cũng một động từ "trao cho", mà chủ từ trước tiên là Chúa Giêsu, rồi sau là các môn đệ; điều đó hàm ý rằng: có cùng một ơn ban, và ơn đó được trao qua tay các môn đệ. Phải chăng Đức Giêsu đã muốn như thế, bởi trước đó, Người vừa mới nói với các ông: "Chính anh em hãy cho họ ăn”(Lire La Bible, số 52, trang 227).

Chuyện kể kết thúc ở việc thu gom những "mẩu bánh còn thừa": "mười hai giỏ đầy", cũng bằng con số các chi tộc Israel là dấu hiệu nói lên rằng công việc Chúa làm vượt trên số những người được hưởng ơn ngay tức thì, mà còn lan rộng tới cả một dân tộc. Là biểu tượng tiêu biểu việc Chúa ban ơn tràn trề, mười hai thúng đầy này cũng còn là dấu chỉ rằng thứ lương thực này còn mãi cho những ai được mời gọi tham dự cùng một bữa ăn trong cuộc lữ hành hôm nay của Giáo Hội: mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể, một cách nào đó, là chúng ta lấy ra ở trong "mười hai thúng đã được uỷ thác chiều hôm đó cho mười hai tông đồ. Như thế, việc hoá bánh ra nhiều, suy niệm về "bánh" của Đức Giêsu, về chính con người Đức Giêsu, và về sứ mệnh của Người, dưới ngòi bút của thánh sử Matthêu, trở thành sự chiêm ngắm Giáo Hội kẻ trao bánh, Giáo Hội kẻ trao ban Đức Giêsu trong khi tiếp tục sứ mệnh của mình trong thế giới.

BÀI ĐỌC THÊM:

1) “Một biến cố biểu tượng đầy ý nghĩa” (J.Potin, trong "Jésus, L'histoire vraie", Centurion, trang 276-277).

“Thực tế mà nói, biến cố ấy có một tầm mức mà những người chứng kiến không thể lĩnh hội hết mọi chiều kích. Sau này các tín hữu sẽ không chỉ xem đó là kỷ niệm việc hoá bánh và cá ra nhiều mà thôi. Tất cả mọi chiều kích của ơn cứu độ Đức Giêsu Kitô mang đến cho toàn thể nhân loại, được diễn tả qua phép lạ này. Người là Môsê mới. Cũng như Môsê, Người đã dẫn Israel, từ bên kia biển, đi qua sa mạc, để tìm đất Hứa. Như Môsê, sau lễ mừng Vượt qua đầu tiên đã ban bố Lề Luật cho dân, thì ở đây, dân chúng cũng đã được nghe Người loan báo Luật mới của Nước Trời. Dân chúng đông đảo Thánh Matthêu nói rõ là bốn hoặc năm ngàn người, không kể đàn bà và con trẻ. Đức Giêsu đã chia họ thành từng nhóm năm mươi hoặc một trăm cũng như Môsê xưa đã tổ chức nhóm nô lệ chạy trốn này thành một dân tộc chính cống. Xưa để nuôi dân Israel, Thiên Chúa cho họ Manna mỗi ngày. Cũng thế, để nuôi những kẻ theo Người, Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều. Nhưng bánh này không phải chỉ là đồ ăn nuôi xác mà thôi Đức Giêsu còn loan báo bánh Thánh Thể mà Người sẽ phân phát cho các môn đệ của Người chiều hôm trước ngày chịu chết và là bánh các môn đệ đến phiên mình cũng sẽ phân phát cho các tín hữu trong các cộng đồng tụ họp lại nhân danh Người. Vì thế, hình ảnh chàng trẻ tuổi làm-phép-lạ sẽ mờ nhạt đi sau con người Đấng Cứu Thế, Đấng mà trong bữa ăn cuối cùng đã phán: "Này là Mình Thầy bị nộp vì các con. Không thể gợi nhớ lại cảnh tượng xảy ra ở ven biển hồ mà lại không nghĩ đến cảnh ở nhà Tiệc Ly. Buổi chiều hôm đó, nhóm Mười Hai là tất cả Giáo Hội non trẻ. Đám đông hưởng phép lạ lúc ấy há không phải là hình ảnh loan báo Israel mới mà Thiên Chúa ban cho dư đầy của cải Nước Trời sao? Thì sách Xuất hành cũng đã tường thuật rồi đó: chiều hôm trước ngày Sabát, Thiên Chúa đã ban cho dân Người khẩu phần manna gấp đôi, để họ giữ lại cho ngày hôm sau, vì ngày hôm đó không có manna rơi xuống. Đức Giêsu cũng vậy, Người đã không đành chỉ làm dịu cơn đói, mà còn ban cho họ lương thực dự trừ để tiếp tục con đường. Quả thực, sau khi dân chúng ăn no nê, các môn đệ thu lại các mẩu bánh thừa được mười hai thúng, theo thánh Matthêu (con số biểu tượng Giáo Hội). Chúa Giêsu quả thật làm no đầy những kẻ thuộc về Người.

Nhờ việc sử dụng bài tường thuật về việc ra khỏi Ai Cập, và hơn nữa, bài nói về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể mà biến cố hoá bánh ra nhiều được kể lại trong các Phúc âm có được một tầm mức biểu tượng nói lên rất nhiều điều, biểu tượng ấy đã nuôi dưỡng việc rao giảng của Giáo Hội.

2) ”Giáo Hội không thể là Giáo Hội mà không thể chia sẻ tình yêu của Chúa mình cho quảng đại quần chúng”. (Đức Cha L. Daloz, trong "Le Règne des cieux s'est approché" Desclée de Brouwer, trang 219-220).

Giáo Hội có sứ mệnh biểu lộ và làm cho người ta chia sẻ cho mọi người tình yêu thương và lòng nhân ái của Thiên Chúa. Điều đó không chỉ giới hạn trong nội bộ của chính Giáo Hội, mà còn vì Giáo Hội có liên quan với tất cả nhân loại. Giáo Hội chỉ có thể là một căn nhà mở ra tứ phía, đón gió muôn phương. Các tín hữu là những người sống liên đới với đồng bào của mình, với những người sống cùng thời với mình, nên các tín hữu ấy chia sẻ những vấn đề, những niềm vui và những nỗ lực của họ. Đức Giêsu luôn luôn tiếp đón đám đông là một mẫu gương luôn luôn hiện thực đối với ta. Ở mọi thời đại, các tín hữu đã dấn thân không biết mệt mỏi để phục vụ con người; họ phục vụ cách nhưng không, không đòi hỏi được đền đáp, không bận tâm về vấn đề chủng tộc hay tôn giáo. Thời nay, nhờ những phương tiện thông tin đại chúng, các nhu cầu của con người được truyền đi mau lẹ và được toàn cầu biết đến, thì Giáo Hội nhất thiết phải quan tâm đến mọi nỗi thống khổ của con người, mọi tiếng kêu gọi có tính nhân đạo. Giáo Hội không thể sống khép kín, chỉ biết lo lắng cho những phần tử của mình. Trong mọi lãnh vực thăng tiến nhân loại, bênh vực quyền con người, Giáo Hội phải là người có mặt, Giáo Hội không thể là chính mình, nếu không chia sẻ tình yêu của Chúa mình cho quảng đại quần chúng mà Người luôn luôn quan tâm".