Chúa Nhật XVIII thường niên - Năm A |
NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐƯỢC BAN TẶNG |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Sau những trình bày bằng dụ ngôn về Nước Trời, Phúc âm thánh Matthêu chương 14 tường thuật phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nuôi 5000 người ăn no, như thực hiện cụ thể của khởi đầu của Nước Trời ở trần gian. Phải chăng Nước Trời mời gọi mọi người hãy đến để đón nhận bánh nuôi sống mà loài người đang cần cho cuộc đời của mình? Phải chăng con người cần nhận thức sự thiếu thốn của mình để nhờ quyền năng của Đức Giêsu, biến đổi thân phận yếu hèn của mình? Phải chăng, nhờ Đức Giêsu qui tụ, nước Trời đã khởi đầu và được thực hiện lần hồi với những cộng tác nhỏ bé của con người để cùng nhau chia sẻ sự sống sung mãn của Thiên Chúa ban tặng nơi Đức Giêsu? Chúa Giêsu đang đau buồn vì cái chết của Gioan và tìm đến nơi thanh vắng, thì đám đông tìm đến với Người, họ không quan tâm đến nhu cầu nghỉ ngơi của người. Trái lại Chúa Giêsu có trái tim rung động và thương xót nhìn thấy những nhu cầu của họ. Người đã thương xót và muốn đáp ứng nhu cầu của đoàn người đông đảo này một cách dư dật cho nên đã chữa lành nhiều người bệnh tật trong họ và còn nuôi dưỡng họ no nê với bánh và cá đến độ còn dư lại mười hai thúng đầy. Bánh cá dư dật diễn tả lòng thương xót của Người. “Hãy đến, mà mua rượu và sửa không phải trả tiền, không phải đổi chác gì cả”. Những lời mời gọi của Thiên Chúa, qua sứ điệp của tiên tri Isaia, vang vọng và thúc bách, không ngừng mời gọi dân chúng tham dự bữa tiệc của Ngài, đón nhận những lương thực mà Thiên Chúa cung cấp dư dật không tiếc nuối và hoàn toàn biếu không, không đòi hỏi phải trả tiền hay đổi chác gì cả. Đoạn sách tiên tri Isaia như loan báo thời đại của Đấng Cứu thế sẽ đến, lúc mọi người sẽ được lãnh nhận những nguồn lương thực dồi dào sung mãn ban tặng cho họ sự sống trường sinh; như lời hứa triều đại của Nước Chúa ở trần gian với sự giàu có sung túc những lương thực cần thiết mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho Dân của Ngài do bởi Thiên Chúa vốn là Đấng trung tín với Giao ước của ngài với Dân. Tính chất đặc biệt của triều đại Nước Chúa là Dân chúng được đón nhận và chiêu đãi một cách thực dư dật với những lương thực cần thiết mà họ hằng mong ước, vì thế Dân Chúa cần nhận thức tầm quan trọng của thời đại mới mẻ này để có thể đáp ứng xứng đáng lời mời gọi của Thiên Chúa. Thế nên truyền thống Giáo hội luôn nối kết phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nuôi 5000 người ăn no với Thánh Thể như là lương thực được tiên báo bởi sách tiên tri Isaia chương 55. Phép lạ hóa bánh nuôi 5000 người ăn no như tiên báo Thánh Thể là lương thực do chính Đức Giêsu ban tặng bằng cái chết tự hiến của Người trên thập giá. Chính Thánh Gioan cũng khai triển nhiều về chủ đề Chúa Giêsu là Bánh hằng sống từ trời để ai ăn bánh này sẽ không hề chết nhưng được sự sống trường sinh. Trong Cựu ước, thời đại của Ðấng cứu thế được trình bày cách cụ thể như một bữa tiệc với những viễn tượng làm choáng ngợp: “Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi các dân tộc một bữa tiệc”, “với thịt béo ngậy, và rượu ngon tinh chế”. Trong bài đọc của sách Isaia những hình ảnh dư tràn như nước, rượu, sửa, hạt giống, được dùng cách biểu tượng, hình ảnh của việc canh tân đời sống, đất đai hoa màu và giao ước. Một cách cụ thể và lịch sử, Israen bị lưu đày sẽ trở về lại đất nước của mình do bởi một đấng Mesia của Thiên Chúa, nhà vua Cyrô của dân Ba tư lại là một nhà giải phóng cho dân tộc do thái, chính ông sẽ ban hành chiếu chỉ phóng thích những người do thái cho họ trở về quê hương để xây dựng lại xứ sở. Thế nhưng viễn tượng của lời tiên tri Isaia không chỉ dừng lại ở việc giải thoát Israel khỏi cảnh lưu đày mà còn hướng về thời đại của Đấng Cứu thế đích thực với cách nói “tái lập giao ước vĩnh cửu với nhà Đavít”. Trong bài Phúc âm Chúa nhật hôm nay, trọng tâm không phải là một bữa tiệc thịnh soạn, bởi vì không có rượu thịt dư thừa, hơn nữa, thức ăn gồm bánh và cá là những thức thông thường của người nông dân miền Galilê. Thế nhưng, thức ăn này lại dư dật cho hơn 5000 người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em, và còn dư lại mười hai thúng đầy, nếu tính ra có thể là khoảng 20 000 người. Sư dư dật thường được hiểu với thời đại của Ðấng cứu thế là Ðấng chúc lành đất đai làm cho trổ sinh nhiều mùa màng phong phú bông hạt, dầu, rượu. Trong thời đại của Ðấng cứu thế (Messiah), thì hòa bình, ấm no thịnh vượng sẽ được thiết lập. Trong bài trình bày của Isaia về bữa tiệc (25,6-8), thì ngay cả sự chết cũng bị tiêu diệt, và (55, 1-3) thì đó là việc tái lập giao ước vĩnh cửu với nhà Đavít. Như thế, trong Phúc âm, Chúa Giêsu đã khai mạc thời đại cứu thế khi người thương xót chữa lành các bệnh nhân và thỏa mãn nhu cầu của những người đói bằng phép lạ hóa bánh và cá hôm nay. Lo âu buồn phiền sợ hãi, đó là những kinh nghiệm nhân sinh cho thấy giới hạn của kiếp người, nhất là khi chứng kiến người thân yêu của chúng ta qua đời. Ðây là những lúc mà chúng ta cảm thấy cần yên tịnh cầu nguyện. Khung cảnh này bắt đầu bài phúc âm hôm nay khi Chúa Giêsu rút vào nơi thanh vắng khi được tin người anh em họ là Gioan vừa bị giết. Khía cạnh này diễn tả rõ rệt nhân tính mà Chúa Giêsu chia sẻ với chúng ta, người cũng buồn phiền nhiều khi đối diện với cái chết. Người cũng cảm thấy những giới hạn của kiếp người yếu đuối, bị đe dọa mạng sống bởi những thế lực hủy diệt của sự ác. Khi đám đông dân chúng tìm đến với Người, họ không hề quan tâm tới nhu cầu của người, phần Chúa Giêsu thì động lòng trắc ẩn đối với họ. Ngay trong lúc riêng tư nhất của Người, Chúa Giêsu cũng có đủ sức mạnh và nghị lực để đáp ứng những nhu cầu của người khác, Người chữa lành nhiều người trong họ. Chúa Giêsu đầy lòng trắc ẩn và thực lòng muốn giúp đỡ nhu cầu của những người tìm đến với Người. Người đã nuôi họ ăn no nê còn dư lại mười hai thúng đầy. Tin mừng của ngày chúa nhật hôm nay không chỉ là chuyện phép lạ phi thường nuôi một đoàn người ăn no nê, và Chúa Giêsu chứng tỏ quyền năng của mình. Nhưng hơn nữa, Bánh và cá được ban dư dật mang ý nghĩa phong phú này: đây là những dấu chỉ chắc chắn cho thấy Nước Trời được thực hiện và ban tặng thực sự nơi con người Ðức Giêsu. Như thế, những gì mà các môn đệ không thể làm một mình được, như nuôi một đám đông người ăn, họ có thể làm được nhờ vào quyền năng của thầy Giêsu. Câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều giúp chúng ta suy nghĩ về Nước Thiên Chúa và ứng dụng vào đời sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta không thể tự mình làm cho Nước Trời hiện diện. Lúc đầu, Chúa Giêsu đã nhắc các môn đệ cho dân chúng ăn, nhưng các tông đồ đã không làm được. Những nguồn lực của con người không đủ để thực hiện những hứa hẹn của Nước Trời. Nhưng Chúa Giêsu đã tiếp nhận chút nguồn lương thực của con người là năm chiếc bánh và hai con cá, chúc lành và trao cho các môn đệ phân phát cho dân chúng. Những gì các môn đệ không thể tự mình làm được, thì họ có thể làm được với sự chúc lành của thầy Giêsu. Hoàn cảnh này được thuật lại tương tự như câu chuyện trong bài đọc thứ nhất của sách Isaia. “Hỡi những ai khát nước, hãy đến mà uống; hỡi những kẻ không tiền bạc, hãy đến mua lúa mà ăn”. Hình ảnh này là hình ảnh ở sa mạc nơi người ta không chỉ khát nước mà còn bị cái chết đe doạ; nơi mà con người nhận thức rất rõ sự thiếu thốn yếu đuối của mình và cần đến lòng thương xót và giàu có của Thiên Chúa. Trong nơi hoang vắng này, Thiên Chúa mời gọi dân của người đến ăn và uống không phải trả tiền. Thiên Chúa làm cho hoang địa được phì nhiêu và sản xuất dồi dào mà chúng ta không phải khó nhọc gì cả, chỉ cần đến với Chúa và lắng nghe Người. Thiên Chúa ban của ăn thức uống dư dật để nuôi sống con người. Chúng ta đã được thực sự chia sẻ Nước Trời bởi vì chúng ta đã đón nhận sự sống mới từ Chúa Giêsu. Sự hiện diện của Nước Trời là sự hiện diện của đời sống thần linh sung mãn bắt nguồn từ Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, làm cho mỗi người phải thực sự cảm nếm trong đời sống hiện tại của mình, làm cho họ cảm nghiệm được một sự xác tín mãnh liệt giữa những khó khăn đau khổ trong đời sống, Nước Trời đã được ban tặng. Chính Thánh Phaolô là người đã thực sự cảm nghiệm sự sung mãn này của Nước Trời, và ngài muốn lôi kéo chúng ta để chúng ta cũng bắt đầu thưởng nếm nguồn sung mãn dư dật của ăn mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta cùng với Người Con một của Ngài là Đức Giêsu đến độ có thể nói “không có gì tách tôi ra được tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. |