Chúa Nhật XVII thường niên - Năm A
NƯỚC TRỜI GIỐNG NHƯ KHO BÁU

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện

Tiếp nối bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước, bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13,44-52) gồm ba dụ ngôn về Nước Trời: dụ ngôn kho báu (c.44), dụ ngôn viên ngọc (cc.45-46) và dụ ngôn chiếc lưới (cc. 47-50). Kết thúc là một lời kết luận chung về các dụ ngôn (cc.51-52).

1. Hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý (cc.44-46)

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (cc.44-46).

Hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc có chung một điểm nhấn quan trọng về nội dung giáo huấn: Nước Trời không phải chỉ là chuyện của ước muốn hay ý chí, mà chính yếu là niềm vui của một cuộc tìm kiếm thành công bất ngờ ngoài sự mong đợi, và đặc biệt, là kết quả của một cuộc dấn thân đòi phải dám phiêu lưu. Sự từ bỏ tất cả những gì mình đang có không phải là một hành động tu đức, hy sinh hay hãm mình, mà là một chọn lựa tự nguyện cùng với niềm vui lớn lao.

Sứ điệp và trải nghiệm về mầu nhiệm Nước Trời làm cho mọi giá trị đã được biết từ trước tới nay bỗng trở nên tương đối. Tất nhiên những thực tại tốt lành khác vẫn là những thực tại có giá trị, như sức khoẻ, gia đình, nghề nghiệp, danh dự, học vấn, sự thành công, tình bạn, tình yêu đôi lứa… Nhưng chúng sẽ là tương đối trong so sánh với mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa ẩn mình nơi những sứ điệp và hoạt động của Chúa Giêsu. Ai hiểu những sứ điệp và mầu nhiệm đó sẽ khám phá nơi chúng những giá trị tuyệt đối, quý hơn tất cả những gì khác trong cuộc đời. Người đó sẽ dám bỏ đi tất cả mọi sự, ngay cả mạng sống mình, vì Nước Thiên Chúa, bởi lẽ anh ta đã biết rằng đó là kho tàng quý giá duy nhất có khả năng làm cho sự sống của anh ta trở nên thực chất và giàu có vô cùng. Đó cũng là kinh nghiệm của Thánh Phaolô: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, vì mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được thuộc về Người” (Pl 3,7-9)

Cuối cùng, hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc, một lần nữa, đề nghị người nghe chọn lựa sự nghèo khó như được nói trong 5,3 (“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”), khi lặp đi lặp lại: “bán tất cả những gì mình có” (cc.44.46). Kho báu và viên ngọc quý, như thế, chính là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa (“Nước Trời là của họ”). Kinh nghiệm đó tạo nên niềm vui sâu xa trong tâm hồn. “Kho tàng anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (6,20).

2. Dụ ngôn chiếc lưới (cc.47-50)

“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (cc.47-50).

Đây là dụ ngôn cuối cùng trong một loạt 7 dụ ngôn ven biển hồ về Nước Trời, được ghi lại trong Mt 13. Dụ ngôn cuối cùng này có kèm lời giải thích. Về nội dung, chúng ta gặp lại sứ điệp của các dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, nhưng nhấn mạnh hơn về ngày chung thẩm.

Như đàn cá bơi dưới biển, gồm đủ mọi thứ cá tốt xấu khác nhau, cộng đoàn Hội Thánh cũng gồm những người tốt kẻ xấu. Nhìn bề ngoài, không có chuyện gì khác biệt, nhưng khi chiếc lưới đã được kéo lên bờ, sự phân biệt sẽ xảy đến: cá tốt và cá xấu sẽ có số phận khác nhau hoàn toàn.

Sự đối lập “cá tốt” và “cá xấu” tương ứng với sự đối lập giữa cây tốt với cây xấu trong 7,15-19. Vậy những “cá xấu” ở đây chính là các ngôn sứ giả, những đồ đệ giả, những con sói đội lốt chiên, những kẻ chỉ có vẻ bề ngoài theo Chúa Kitô còn thực chất là chạy theo những giá trị giả trá và không thực… Trong lời giải thích ở câu 48, họ bị gọi là những “kẻ xấu”.

Số phận của họ sẽ là bị quăng vào lò lửa (c.50). Nỗi đau đớn kinh hoàng và không bao giờ chấm dứt trong số phận chung cuộc của họ được miêu tả bằng những hình ảnh đáng sợ: “khóc lóc” và “nghiến răng”. Điều căn bản làm nên nỗi đau đó chính là sự vĩnh viễn mất đi sự sống đích thật. Nhưng dụ ngôn đề cập đến số phận chung cục như thế là nhằm giúp các môn đệ xác định hướng đi đúng đắn trong những quyết định hiện tại. Chỉ những ai sinh hoa quả tốt mới được đạt tới sự sống đời đời.

3. Kết luận về các dụ ngôn (cc.51-52)

Kết thúc các dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.”52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (cc.51-52).

Giáo huấn dành cho các môn đệ được kết thúc trong khung cảnh mang tính riêng tư giữa Chúa Giêsu với các ông mà thôi. Tác giả Tin Mừng quay lại với chủ đề “hiểu”, vốn là chủ đề xuyên suốt Mt 13 (cc.13.14.15.19.23.51). Đã được hiểu biết về mầu nhiệm Nước Trời, các môn đệ phải trình bày mầu nhiệm đó cho những người khác. Tác giả Mt muốn nhấn mạnh một sự khác biệt lớn giữa các “bậc thầy” trong cộng đoàn Kitô giáo với các bậc thầy trong cộng đồng Do Thái giáo. Các kinh sư Israel mang trên vai gánh nặng của cả một truyền thống giải thích lớn lao vốn không cho phép mọi sự vượt quá giới hạn cổ xưa. Các “kinh sư đã được học hỏi về Nước Trời”, tức là các bậc thầy trong cộng đoàn Kitô hữu, thì không bị lệ thuộc vào truyền thống cổ xưa ấy. Đối với họ, ưu tiên số một sẽ là “cái mới” trong kho tàng mầu nhiệm mà họ đã được học hỏi; “cái cũ” phải lệ thuộc cái mới đó. Nói cách khác, họ không đặt đạo lý của mình trước hết trên nền tảng là những gì ông Môsê và các ngôn sứ đã nói, mà là trên chính mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Họ bắt đầu bằng sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu và đó chính là chìa khoá giúp họ đọc toàn bộ kho tàng Cựu Ước.

Không ít học giả hiểu rằng có lẽ tác giả Tin Mừng Mt muốn kín đáo tự nói về chính mình trong câu này.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

1. Tác giả Mt không có ý nói về tính cách luân lý trong quyết định và cách hành xử của người đi tìm kho tàng và người đi tìm viên ngọc quý trong hai dụ ngôn ở đầu bài Tin Mừng hôm nay. Vì vậy, sẽ không chính xác nếu chúng ta buộc ông phải trả lời về vấn đề này. Điểm nhấn mà ông nhắm tới là niềm vui của con người gặp được mầu nhiệm Nước Trời, vốn là thực tại tuyệt hảo, cao quý hơn tất cả mọi giá trị khác.

2. Điều quan trọng không phải là ao ước Nước Trời, mà phải tìm kiếm, và nhất là phải quyết định, phải chọn lựa và phải nỗ lực suốt đời để chiếm lấy Nước Trời. Kho tàng quý và viên ngọc quý sẽ không thuộc về chúng ta nếu chúng ta không dám quyết định bán tất cả những gì mình đang có.

3. Một trong những yếu tố đáng lưu ý là niềm vui tràn ngập tâm hồn các nhân vật trong hai dụ ngôn kho tàng quý và viên ngọc quý. Niềm vui đó vừa diễn tả độ lớn của niềm khao khát vừa là yếu tố thúc đẩy người ta mau mắn quyết định bán tất cả những gì mình đang có. Chúng ta đón nhận mầu nhiệm Nước Trời trong hân hoan hay miễn cưỡng? Chúng ta sống các mầu nhiệm thánh trong Đạo với niềm vui hay với sự chán nản mệt mỏi? Sứ điệp mà chúng ta công bố với thế giới có là tin mừng hay không?

4. Số phận thật của những con cá khi mẻ lưới được kéo lên sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào chất lượng của những con cá ấy. Những con cá xấu sẽ bị ném ra ngoài. Vì thế, trước khi tấm lưới được kéo lên trong ngày chung thẩm, chúng ta cần phải trở thành những con cá tốt. Số phận đời đời của chúng ta tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống hiện tại này.

5. Điểm quy chiếu chính yếu, nền tảng căn bản và đầu tiên, có tính quyết định, phải là chính Đức Giêsu và đạo lý của Ngài, chứ không phải là những truyền thống cổ xưa của con người, cho dù là những truyền thống tốt lành. Chính Đức Giêsu sẽ là tiêu chuẩn đánh giá những truyền thống ấy, những thực tại “cũ” ấy. Người kinh sư đã được hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời sẽ không còn lệ thuộc hoàn toàn vào các truyền thống Do Thái cũ như các kinh sư Do Thái nữa. Điểm quy chiếu có tính quyết định luôn luôn là chính Chúa Giêsu, Đấng là chính thực tại Nước Trời giữa chúng ta.