Chúa Nhật XVII thường niên - Năm A
LƯỚI CÁ HAY LƯỚI NGƯỜI?
JM. Lam Thy ĐVD

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XVII/TN-A – Mt 13, 44-52) tiếp tục trình thuật những dụ ngôn Đức Giê-su Ki-tô dạy các môn đệ về Nước Trời. Đó là 2 dụ ngôn: “Kho báu và ngọc quý” và “Chiếc lưới”. Suy niệm dụ ngôn “Chiếc lưới” khiến người ta không thể không nghĩ tới lần Đức Giê-su thu nhận 4 môn đệ đầu tiên: “Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5, 4-8)

Những người đánh cá (trong đó có Thánh Phê-rô) bằng những dụng cụ chài lưới thường dùng và những kinh nghiệm từng trải, đã “… vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”, nhưng khi “… vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”, cũng vẫn những dụng cụ và cách thức ấy, thì kết quả đã vượt quá sức tưởng tượng (“họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm”). Sở dĩ gọi đó là một biến cố vì trong cùng một sự kiện, cũng một cách thức thực hiện, mà kết quả khác hẳn nhau, nhưng nhất là vì sự kiện đó xảy ra đã làm thay đổi hẳn cách nhìn (quan điểm) của thánh Phê-rô và đám đông về Đức Giê-su Ki-tô, đến nỗi mà thánh nhân phải “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Và còn hơn thế nữa, vì qua biến cố này, Đức Giê-su còn muốn biến những kẻ chài lưới bình thường ấy thành những người không còn phải lưới cá nữa mà là “lưới người” như Thánh Mát-thêu trình thuật: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19).

Lưới người? Đức Ki-tô đã dùng hình ảnh sống động “lưới cá” trong cuộc mưu sinh hàng ngày của các môn đệ, để nói về một công việc nghe có vẻ trừu tượng: “lưới người” (thu phục nhân tâm). Người muốn các môn đệ hiểu được Người muốn nói về chính sứ vụ của Người – sứ vụ mà Người muốn trao cho các môn đệ thực thi: “rao giảng Tin Mừng, mở mang Nước Chúa”. Công việc nghe có vẻ rất trừu tượng ấy lại được thực thi bằng những hành vi cụ thể: lời nói, việc làm, thậm chí bằng cả cuộc sống. Các môn đệ đã quá rõ về nghề chài lưới không chỉ cần đến các công cụ (ghe thuyền, chài lưới) cho thật tốt, mà còn cần – rất cần – phải biết chọn đúng thời điểm theo thời vụ ở mỗi địa điểm (vd: sáng thì nên thả lưới chỗ nào, trưa, chiều, tối thì nên thả lưới chỗ nào có nhiều cá; rồi còn phải biết tính vào mùa nào trong năm, vào thời điểm nào trong tháng … thì nên thả lưới ở đâu). Ngoài ra, còn cần đến những phương pháp, kỹ năng chài lưới sao cho có hiệu quả tối ưu nữa. Qua một phép lạ và chỉ trong một câu ngắn gọn, Đức Ki-tô đã làm cho các môn đệ hiểu và tin vào Người Thầy của mình sẽ giúp mình trở nên một người tinh thông và đủ năng lực thực hiện một hành vi trừu tượng “lưới người”. Như vậy thì sự kiện ấy chẳng phải là một biến cố đó sao?

Trong cuộc sống của con người, thường hay có những biến cố xảy ra. Xét theo từ nguyên thì biến cố chỉ có nghĩa là một tai nạn xảy ra làm thay đổi hình dạng (biến: mất đi, không còn hình dạng nữa; cố: sự vịêc). Như vậy, biến cố mang ý nghĩa thay đổi sắc thái + hình dạng + tố chất của sự kiện, sự vật, bao hàm cả tích cực lẫn tiêu cực. Tuỳ theo mức độ lớn nhỏ, những biến cố ấy có thể chỉ là một lối rẽ, một bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống thường nhật. Lớn rộng hơn, sâu xa hơn, có thể làm thay đổi cả nếp suy nghĩ (tư tưởng), cách nhìn (quan điểm) về vũ trụ và cuộc sống của con người (“vũ trụ quan”, “nhân sinh quan”). Về mặt xã hội, có những biến cố làm nảy sinh những trào lưu hoặc làm thay đổi cả hệ tư tưởng, thậm chí có những biến cố làm đảo lộn cả trật tự xã hội. Về mặt tôn giáo cũng vậy, chỉ nói riêng về Ki-tô Giáo, từ khi Giáo Hội được thành lập cho tới ngày nay cũng có không biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra: song song với những cải cách, canh tân từ những Công Đồng Chung làm cho Giáo Hội phát triển, đổi mới, thích nghi với thời đại, thì cũng có những cuộc ly giáo, đại ly giáo, những cuộc thập tự chinh… làm hoen ố tính chất hiệp thông, bác ái của Giáo Hội.

Với từng cá thể con người cũng không ra ngoài quy luật chung, đều có những biến cố – không nhiều thì ít – tác động đến đời sống (cả tinh thần lẫn vật chất). Khi nói về Thánh Phao-lô, vị Tông đồ kiệt xuất của Đức Ki-tô, chắc chắn ai cũng nghĩ rằng phải có một biến cố trọng đại xảy ra mới khiến ngài từ một kẻ chuyên đi lùng giết những người “theo Giê-su”, lại trở nên một người “theo Giê-su đến cùng”, thậm chí còn sẵn sàng chết cho mục đích mình theo đuổi. Nhưng không lẽ chỉ có một thánh Phao-lô là được biến cố Damas thức tỉnh và hoán cải con người của mình? Không, còn và còn rất nhiều, kể cả đến thời đại hiện nay, cũng vẫn có những biến cố xảy đến để thức tỉnh, đổi mới con người, canh tân Giáo Hội. Chỉ có điều, con người có nhận ra được biến cố đó hay không và có thực lòng hoán cải tâm hồn hay không mà thôi.

Trở lại biến cố “lưới người như lưới cá” xảy ra với 4 môn đệ đầu tiên của Đức Ki-tô (Lc 5, 1-11). Người bộc lộ cá tính rõ nét nhất trong 4 vị Tông đồ tiên khởi chính là “ông phổi bò” Si-mon Phê-rô. Gọi ngài là ông phổi bò vì ngài là người có gì, nghĩ gì, là nói thẳng ra, không quanh co, lắt léo. Ngoài biệt hiệu “phổi bò”, dân gian Việt Nam còn có những biệt hiệu khác dành cho những người thẳng thắn bộc trực, nghe rất ấn tượng: thẳng ruột ngựa, thẳng mực tàu. Cái cá tính bộc trực của thánh Phê-rô đã cho biết thánh nhân gặp nhiều biến cố khi đi theo Thầy Giê-su, tích cực có, tiêu cực có. Về mặt tích cực, thì ngay biến cố đầu tiên này đã làm cho thánh Phê-rô thức tỉnh, nhận ra Người Thầy của mình chính là Chúa – là Thiên Chúa – của mình, khiến ngài đã đổi cả cách xưng hô và thể hiện một động tác quy phục tột đỉnh (từ “Nhưng, vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”, đến “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” – ibid).

Về mặt tiêu cực thì có thể kể 2 biến cố nổi bật: đó là biến cố “Đức Ki-tô đi trên mặt biển” và biến cố “Phê-rô chối Chúa”. Nơi biến cố “Đức Ki-tô đi trên mặt biển”, xét về mặt chủ quan của chính chủ thể Phê-rô, thì thấy rõ ràng ngài đã thể hiện sự tiêu cực: vẫn chưa thật sự tin rằng Thầy mình là Thiên Chúa (thánh nhân thấy Người Thầy bằng xương bằng thịt của minh đi trên mặt biển lại nghĩ là ma, vì cho chỉ có ma mới đi được như thế). Đến như biến cố “chối Chúa 3 lần trong một đêm” thì rõ ràng đức tin của Phê-rô vẫn bị chao đảo (sợ cả đứa tớ gái nhà Cai-pha). Tuy nhiên, nếu xét về mặt khách quan (tác động từ bên ngoài vào chủ thể) thì chính những biến cố ấy lại mang tính tích cực rõ rệt, bởi sau biến cố này, thì con người thánh Phê-rô đã thay đổi hẳn. Sau cái hành động tiêu cực ấy, thì “Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Mt 26, 74-75). Và kể từ biến cố ấy, đặc biệt nhất là ở biến cố “Ngày lễ Ngũ Tuần” (Cv 2, 1-13) sau Phục Sinh, được ơn Thánh Thần soi sáng và tác động mãnh liệt, thánh Phê-rô đã trở nên một Tông đồ trung kiên tuyệt đối, dám đem cả sinh mạng của mình ra để làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giê-su Ki-tô.

Đến ngày nay, thì không chỉ có thánh Phê-rô, thánh Phao-lô và các vị Tông đồ tiên khởi của Giáo Hội sơ khai, mà là toàn thể Giáo Hội, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được Đức Ki-tô trao phó sứ vụ “lưới người”, tức là “… từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5, 10). Thu phục người ta, thu phục nhân tâm thì đúng là một công việc trừu tượng (“lưới người”), nhưng chính công việc trừu tượng ấy lại được thực thi, thể hiện bằng lời nói, hành động, việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày (“như lưới cá”). Tất nhiên, với một con người phàm phu tục tử có đầy đủ thất tình lục dục, thì không thể “tự lực cánh sinh, tự lực hành động” được, mà phải cậy nhờ vào những hồng ân, những đặc sủng Thiên Chúa ban tặng thông qua những biến cố trong cuộc đời.

Những thử thách trăm chiều mà con người phải đối mặt có thể sẽ làm cho con người tiêu cực càng trở nên tiêu cực hơn, nhưng với những con người sẵn sàng ngẩng cao đầu đối diện với nó – bằng một niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa, Đấng Quan phòng, Người đã gửi những thử thách ấy để “thử lửa” họ – thì chắc chắn họ sẽ coi những lời dạy của thánh Gia-cô-bê Tông đồ đúng là khuôn vàng thước ngọc để sống, để củng cố đức tin: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì”.(Gc 1, 2-4).

Trước mỗi biến cố thì lời khuyên luôn luôn và mãi mãi vẫn là: “Đừng ngồi nguyền rủa bóng tối, mà hãy thắp lên một ngọn đèn.” Cũng đừng ngồi há miệng chờ sung rụng, mà hãy trèo lên cây hoặc dùng những phương tiện (câu liêm, vợt…) để hái cho được những quả sung chín mọng. Vả lại, càng không nên ngồi chờ những biến cố như một phép lạ đến biến đổi con người của mình, mà hãy thức tỉnh, hãy tìm kiếm, và khi được gặp thì hãy hành động. Vâng, nếu đã tin có Đấng Toàn Năng Chí Công Vô Tư hằng luôn quan tâm đến bạn, hằng thương xót bạn, thì xin bạn hãy hành động. Ấy cũng bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Hãy sẵn sàng đón nhận sứ vụ “lưới người”, với một tư thế chuẩn bị kỹ càng ghe thuyền, chài lưới, trau giồi kỹ năng săn bắt, cùng với sự tỉnh thức học tập rút đúc kinh nghiệm, và cuối cùng, HÃY HÀNH ĐỘNG (ra khơi, thả lưới)! Vâng, chính những “dân chài”, những “người thợ làm vườn nho” chỉ có thể gặt hái được kết quả mỹ mãn, khi biết “công dục thiện kỳ sự, tất tiên lợi kỳ khí” (người thợ muốn hoàn thành tốt sự việc, trước hết phải biết trau giồi khí cụ cho thật tốt – Khổng Tử – “Luận Ngữ”).

Một hệ luận tất yếu dành cho những kẻ được ơn gọi đi “lưới người như lưới cá”, đó là: “Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.” (Bài đọc 2 – Rm 8, 30). Như vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không tin vào chính mình (tự tin) và xăn tay áo lên (hành động) mà thưa với Thầy Chí Thánh: “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới”. Xin được chia sẻ cùng những người bạn đồng hành. Amen.