Chúa Nhật XVII thường niên - Năm A
DỤ NGÔN KHO TÀNG, VIÊN NGỌC, LƯỚI CÁ
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CHÚ GIẢI CHI TIẾT.

“Về Nước Trời thì cũng giống như một kho báu”: Không phải là Nước Trời được so sánh với một kho báu, nhưng điều xảy ra khi một người tìm thấy kho báu được so sánh với điều xảy ra (hay phải xảy ra) khi một người khám phá Nước Trời.

"Người kia gặp thấy": Câu chuyện thật quá giản dị. Kho báu này không phải là vật do tổ tiên để lại hay phải tìm kiếm một cách gian khổ khó khăn; nó được chôn dấu, nhưng chẳng phải là ở một nơi nào hiểm trở, kẻ đến đầu tiên có thể bắt gặp được. Như Nước Trời trong con người Chúa Giêsu, kho báu đang nằm đấy, trước mặt con người không chủ ý tìm kiếm này. Nhưng một khi khám phá ra, tự nhiên anh ta bỏ rơi mọi điều khác. Sự từ bỏ theo tinh thần Tin Mừng không phải là phương thế để đạt đến Nước Trời, nhưng là hậu quả của việc khám phá Nước đó.

"Anh đi bán tất cả những gì anh có": Anh làm một công việc mà chẳng người lân cận nào trông thấy mà không thắc mắc. Anh bán tất cả: giá thửa ruộng cao đến độ con người ấy phải phá sản, dĩ nhiên là một gia sản chẳng đáng bao nhiêu, nhưng điều quan trọng không phải là ở chỗ đó mà ở chỗ anh bán hết không để lại tí gì. Chính đấy là điểm mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh trong dụ ngôn của người: Nước Trời là một kho báu đòi ta phải bỏ ra tất cả những gì mình có, kể cả bản thân, để tậu nó cho được.

"Một thương gia rảo tìm ngọc quý”: Có lẽ đừng xem việc người thương gia rảo tìm ngọc quý như là biểu tượng của việc tìm đạo; chẳng qua là ông ta làm nghề buôn bán thôi. Cái mà ông muốn tìm, đó là những viên ngọc đẹp, quý, chứ không phải là những viên ngọc "đắt giá". Thế mà ông lại bắt gặp một kho báu bất ngờ... Thành thử rốt cuộc dụ ngôn viên ngọc cũng tương tự và có cùng một ý nghĩa như dụ ngôn kho báu.

“Về Nước Trời thì lại còn giống như chiếc lưới": Như các dụ ngôn trước, phải hiểu Nước Trời không đồng hóa với chiếc lưới (là một phương tiện tạm thời), cũng chẳng với cá bắt được, mà với toàn thể công việc được miêu tả.

“…đã được thả”: Trái với cách dịch của BJ ("người ta thả”) động từ Hy lạp nói rằng lưới đã được thả, và được thả do ơn Chúa (thể thụ động ngụ ý Thiên Chúa là tác giả của hành động; điều này được xác nhận qua sự kiện không có câu nào đề cập đến các ngư phủ).

"Mọi thứ": Trong văn mạch, điều này muốn nói: Cá tốt lẫn cá xấu, như c. 48 sẽ bảo. Biển Galilê nổi tiếng là có rất nhiều giống cá. Cá "xấu" có lẽ là thứ bị luật Torah cấm ăn (Lv 11, 9-12; Đnl 14, 9-10) hay là quá bé nhỏ.

"Sẽ phân tách kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi quăng chúng vào lò lửa..”. Phải nhận là ở đây chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh tiêu cực của việc lựa lọc. Việc Nước Trời đến cách sung mãn không còn chịu được cảnh vàng thau lẫn lộn như trước nữa, và đòi hỏi phải triệt để loại bỏ kẻ dữ ra khỏi lòng mình. Trong lúc đoạn kết của lời chú giải dụ ngôn cỏ lùng (c. 43) gợi lên vinh quang của các người công chính “sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha họ", thì nơi đây lại không giống thế. Chắc hẳn một muốn chấm dứt diễn từ dụ ngôn của ông bằng lời cảnh giác có phần nghiêm khắc này, để thúc giục Kitô hữu hãy luôn cẩn thân canh chừng, chứ đừng buông thả.

"Các con có hiểu các điều ấy không? - Có": Như đã thấy nơi dụ ngôn người gieo giống, động từ hiểu được tác giả Tin Mừng gán cho một tầm quan trọng đặc biệt. Ở đây, qua câu hỏi này, Chúa Giêsu cố ý quy về tất cả những điều Người đã nói với dân chúng bằng dụ ngôn. Câu trả lời là một tiếng tán đồng ngấn ngủi: Có, Ai trả lời? Văn mạch ngụ ý là các môn đồ đã hỏi Chúa Giêsu trước đây (c.36). Nhưng vì không minh nhiên đề cập đến các ông ấy, nên chắc là một muốn ngầm bảo là mọi độc giả Tin Mừng, mọi Kitô hữu phải có trách nhiệm trả lời: chính câu trả lời đó đưa ta từ thân phận "đám đông" đi sang địa vị "môn đồ”.

KẾT LUẬN

Tất cả mọi dụ ngôn đều nói cho ta về Nước Trời; hết thảy chúng đều mặc khải một khía cạnh nào đó và trước hết diễn tả thực tại Chúa Giêsu, biến cố trung tâm của lịch sử và là giao điểm dứt khoát giữa đất và trời: trong Người, Nước Trời đã đến gần nhân loại một lần thay cho tất cả.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Nước Trời buộc ta phải bán hết thảy một khi ta đã khám ra ra nó. Không phải Nước Trời dẹp bỏ mọi thứ khác đâu, nhưng là chiếm đoạt tất cả để ban cho tất cả một chiều hướng, ý nghĩa mới. Cái nhân bản không bị xua trừ, nhưng được nâng lên để được đào sâu biến đổi, canh tân và đi vào thiên giới. Người ta chỉ dẹp bỏ trong cái nhân bản ấy những gì là chướng ngại vật của tình yêu. Kẻ đã tìm thấy Nước Trời là một người mới, sống động, rũ bỏ được mọi thần tượng, và trở nên trắng tay để nhận lãnh từ Thiên Chúa hiện tại và tương lai của mình.

2. "Tâm tình nào đã nung nấu hai kẻ tìm thấy kho tàng và bắt gặp viên ngộc đắt giá? Tâm tình mừng vui. Họ "hết sức vui mừng"! Cũng vui như thế khi tình yêu của Thiên Chúa, của phục sinh và Thập giá Ngài tràn ngập trong đời ta, khiến ta được nâng lên và bị chinh phục. Bấy giờ cái mà từ trước vẫn được xem như quý hóa thì mất hết giá trị, so với cái vừa mới nhận được, một cái thật cao giá vô cùng. Ai có Thiên Chúa là có tất cả vì chỉ mình Ngài là đủ. Đấy là một chân lý chỉ có thể hiểu được nhờ kinh nghiệm sống. Não trạng "trần tục" của ta, không lo sợ mất mát hay thiếu một vật nào, nỗi ám ảnh muốn được bảo đảm an toàn, chương trình sống ích kỷ dò ta lập ra, sẽ luôn va chạm với chân lý căn bản này: chỉ Thiên Chúa mới có thể làm mãn nguyện những cõi lòng hiến dâng cho Ngài trọn vẹn.

3. Dù không gặp sự dữ ở đời này, dù xem ra được tranh công, được kính nể yêu vì, dù có vẻ tốt lành và chăng đáng bị chỉ trích, thì con người nào đó cũng chỉ lộ phẩm chất đích thực của mình trong ngày sau hết, vào lúc chung thẩm (như trong dụ ngôn lưới cá). Điều ấy mọi người phải ý thức rõ, dù là các Kitô hữu đã có một ngày nào tìm gặp viên ngọc quý hay kho báu chôn giấu trong ruộng đồng. Vì rất có thể đời sống thực của họ được che giấu dưới một mặt nạ đạo đức. Vì rất có thể họ là loại "xấu” nếu chỉ đi tìm kiếm bản thân, thay vì kiếm tìm một mình Thiên Chúa.


 

16. Chú giải của Noel Quession

Đức Giêsu nói với đám đông các "dụ ngôn" sau đây.

Đức Giêsu như mọi người kể chuyện ở phương Đông, không giảng dạy một cách trừu tượng, người đưa ra những hình ảnh đẹp những từ ngữ chứa đựng những biểu tượng phổ quát mà mọi người có thể hiểu gợi ra nhiều ý nghĩa hơn định nghĩa của các từ ngữ và do đó thường có thể có nhiều cách giải thích khác nhau. Cũng như trong văn nói, những sự lặp lại, những điệp khúc cho phép khắc ghi một bài học vào trong trí nhớ.

Những dụ ngôn của Đức Giêsu, dù được đọc chỉ một lần, không thể nào quên được. Người ta cũng nghĩ rằng Đức Giêsu cũng như những kinh sư của thời đại Người thực tế là đã dạy cho các thính giả của Người thuộc lòng những bản văn ngắn. Nhưng như thế thì rất dễ. Vậy chính các bạn hãy thử lại xem-! Các bạn hãy đọc một dụ ngôn và sau đó đọc lại bằng trí nhớ của mình.

Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

Một "kho báu”! Mỗi người có thể hiểu điều đó theo cách hiểu của mình. Trên khắp trái đất, trong mọi nền văn minh, con người đều có những đồ vật mà họ coi như những "kho báu': một vật gì đó đáng được ao ước làm người ta thèm muốn, ở Palestin, vào thời của Đức Giêsu, không có nhiều ngân hàng để gởi những món tiết kiệm mà một gia đình dành dụm cho được an toàn. Vậy, người ta chôn món tiền ấy trong một góc của cánh đồng. Và có khi chủ sở hữu chết di mà không thể tiết lộ nơi giấu kho báu cho ai. Khi làm ruộng, một nông dân sau này có thể tình cờ khám phá ra.

Người nào đã khám phá ra... liền chôn giấu lại!

Thái độ này kỳ lạ... kích thích sự tò mò. Người ấy sắp làm gì?

Rồi vui mừng, đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

Rõ ràng đây là cao điểm của bài dụ ngôn mà Đức Giêsu muốn gợi ý cho chúng ta. Các bạn có đồng ý với cách làm đó không? Nếu các bạn gặp được một sự may mắn như thế, một cơ hội tương tự, bạn có làm giống vậy không. Phải, trong đời sống của chúng ta, chúng ta có thể thực hiện những hy sinh to lớn vì một điều mà chúng ta ấp ủ ở trong lòng: các sinh viên làm việc không nghỉ ngơi khi kỳ thi và một kỳ thi tuyển mà họ mơ ước một cách mãnh liệt sắp đến... các vận động viên kiêng cữ đủ thứ để tiến hơn trong bộ môn thi đấu và phá kỷ lục... cha mẹ trong gia đinh hy sinh cho con cái họ... các chính khách trong lãnh vực chính trị và công đoàn bỏ qua các thú vui và sự thư giãn vì chính nghĩa mà họ đang chiến đấu... Đối với Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa là một thực tại rất cao quý đến nỗi đáng để hy sinh tất cả, để khám phá, và để sống. Ở đây chúng ta ghi nhận rằng Đức Giêsu nói về "niềm vui chúng ta đoán được niềm vui ngây ngất của Người thấy một kho báu”. Trong sự vui mừng, người ấy bán tất cả những gì mình có..." Đối với Đức Giêsu, sự hy sinh không phải là một việc đau buồn:

Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

Rõ ràng ở đây có cùng một bài học, với cùng một điệp khúc. Nhưng thêm một khía cạnh quan trọng. Người làm thuê tình cờ khám phá được kho báu... còn người bán kim hoàn "tìm kiếm" như một người sưu tập tìm một món đồ quý hiếm. Chúng ta cũng thế, chúng ta đều đi tìm hạnh phúc. Nhưng, than ôi; nhiều người trong chúng ta đã lầm lẫn khi tìm những hạnh phúc không giá trị gì, những viên ngọc giả cũng sáng như những viên ngọc thật, nhưng không giá trị như những viên ngọc thật... và chỉ đánh lừa người dốt nát… Đức Giêsu, Người biết hạnh phúc thật của chúng ta là gì. Người đề nghị chúng ta phải trả giá và phải làm tất cả để có được hạnh phúc ấy. Không có niềm vui chân thật và lâu dài bên ngoài sự hiệp nhất với Thiên Chúa… điều mà Người: gọi là Nước Trời!

Để sống hạnh phúc vô giá, tuyệt vời ấy, hãy mua cho được viên ngọc đó... phải làm gì đây?

Ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng trong thực tế cảnh tượng mà Đức Giêsu kể lại. Xung quanh con người "bán tất cả những gì mình có", hẳn người ta phải nói: “Thằng cha này điên! Vậy sao? Chính vì những người khác không biết. Khi bán tất cả tài sản của mình, người ấy biết rằng mình không mất gì cả... bởi vì người ấy biết giá trị của viên ngọc! Và tôi cố tưởng tượng Đức Giêsu đang kể lại câu chuyện lôi cuốn này. Không chút lưỡng lợ. Đức Giêsu quả là con người có những quyết định cao cả, có vẻ điên rồ. Trong thực tế Người đã cho tất cả, đã đặt vào đó cái giá tối đa. Ngày hôm nay, thật là tốt đẹp khi có những con người, nam cũng như nữ nghe được tiếng gọi "hiến dâng tất cả" một cách triệt để lập tức thánh hiến cả cuộc đời mình cho Nước Trời qua đời sống linh mục và tu trì.

Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.

Đức Giêsu có lẽ đang nói về các thủy thủ ở bờ hồ Tibêria. Người nói về Thiên Chúa xuyên qua ngôn ngữ và những hoàn cảnh người ta đang sống. Đó là một biểu mẫu tốt nhất cho những cách dạy giáo lý về mầu nhiệm của Thiên Chúa, nếu chúng ta cũng quan tâm một cách cụ thể đến cuộc sống hàng ngày của anh em.

Nước Trời! Matthêu sử dụng công thức này để tránh nói ra từ ngữ về Thiên Chúa đối với dân Do Thái. Cách diễn tả này cũng có ý nghĩa như "Nước" của những con người hoàn hảo về mọi phương diện, là một sự quy tụ đủ mọi hạng người... tốt và ít tốt hơn! Chúng ta đã thấy tư tưởng này có trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì: Thiên Chúa nhẫn nại chờ đợi những kẻ tội lỗi và... cho họ có thời gian.

Trước hết, Thiên Chúa chịu đựng tôi và cho tôi một thời gian. Nhưng hãy coi chừng! Sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi không thể được giải thích như một sự "bỏ mặc" khiến chúng ta sống thụ động, sống chờ thời và sống dửng dưng. Chúng ta hãy nghe phần tiếp theo…

Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính rồi quăng chúng vào lò lửa, ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Một lời cảnh báo hết sức nặng nề! Lòng nhân từ của Thiên Chúa không phải là sự đồng lõa với điều xấu. Vừa rồi, Đức Giêsu nói về niềm vui! Giờ đây Người nói về khóc lóc và nghiến răng… sáu lần công thức đe dọa này trở lại trong Matthêu (8,12; 13,12; 13,50; 22,13; 24,51; 25,50). Chúng ta thường có xu hướng quên rằng sẽ có một sự phán xét. Thái độ của chúng ta không trung lập: chúng chuẩn bị cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta, Đức Giêsu nói. Và chúng ta phải mau lẹ hoán cải. Bởi sự nghiêm khắc này, Đức Giêsu muốn thức tỉnh chúng ta.

Không có gì là sự thích thú đày đọa trong những công thức ấy nhưng là tình yêu của một người sáng suốt muốn làm cho ta hiểu rõ cái được cái mất của đời sống. Khi bác sĩ phẫu thuật đưa con dao mổ vào vết thương mưng mủ, đó không phải vì ông dữ tợn mà vì ông muốn cứu người bệnh. Ngay cả khi dùng đến ngôn ngữ khải huyền (“khóc lóc và nghiến răng” là một phần của văn phong thời đại đó) rõ ràng là Đức Giêsu muốn tạo ra trong chúng ta một cú sốc sinh ơn cứu độ.

Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?

Thiên Chúa không áp đặt. Người tra hỏi chúng ta. Người tôn trọng tự do của chúng ta. Nhưng Người hỏi chúng ta "hiểu” không? Anh em có hiểu không? Từ "hiểu” là một từ được Matthêu lặp lại: Mt 12,7; 13,13; 13,14-15-19-23-51; 15,10-17; 16,9-11-12; 17,13; 19,11-12;21,45-46; 24,15-32-33-43. Đây là câu hỏi nền tảng.

Chẳng phải là trong lòng tôi có nhiều ngõ ngách của cuộc đời mà tôi không muốn hiểu đó sao? Chẳng phải là có những hoàn cảnh mà tôi không muốn đối chiếu với Tin Mừng đó sao? Lạy Chúa, xin thương nhắc con câu hỏi của Người: "Con có hiểu không?"

Họ đáp: "Thưa hiểu”.

Trong sự ngay thẳng, con cũng muốn nói rằng "con hiểu” những dự án của Thiên Chúa trong đời con. Nhưng con xin Chúa sức mạnh để hoàn thành chúng cho đến cùng, cho đến sự lựa chọn cao cả sau cùng, khi Chúa đưa ra ánh sáng “điều gì tốt" và "điều gì không có giá trị” trong cuộc sống.

Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ".

Đức Giêsu không khinh thường khoa học của các "kinh sư” các học giả về Luật, cho dù nhiều người trong bọn họ thực ra đã chống lại cái mới của Tin Mừng. Chính Matthêu soạn ra Tin Mừng, ngài tự giới thiệu như một "kinh sư” một người hiểu biết sâu xa Truyền thống của Cựu ước... nhưng có khả năng rút ra từ truyền thống ấy điều mới mẻ!

Dụ ngôn nhỏ này và cũng là sau cùng làm kết luận cho một loạt các dụ ngôn mà chúng ta đọc từ ba Chúa nhật và mang đầy tính thời sự. Cuộc tranh luận của những người theo xưa và theo nay. Sự đối lập giữa những người bảo thủ và những người cấp tiến. Đối với Đức Giêsu, người "theo truyền thống" thật sự không thể chỉ là người lặp lại cứng ngắc. Để không phản bội tư tưởng của Đức Giêsu, phải hiểu biết tư tưởng ấy từ nền văn hóa và ngôn ngữ của thời đại mình và vì thế, làm sáng tỏ tư tưởng ấy và thích ứng nó với thời đại của chúng ta mà vẫn tôn trọng ý nghĩa sâu xa của nó. Đức Giêsu hầu như không mã hóa gì cả. Bởi vì 'Thiên Chúa là người cùng thời với chúng ta": Người nói với chúng ta ngày hôm nay. Truyền thống (cái cũ) là chân chính nếu nó sống động, đầy những chồi nụ (cái mới). Cái mới chân chính không hủy hoại truyền thống: đối với những vấn đề mới, nó rút ra những lời giải đáp mới phù hợp. Với sự khôn ngoan của mọi thời đại. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chú ý đến mọi "cái mới" trong Giáo Hội "cũ xưa" của Chúa. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn trung tín với Người.


 

17. Chú giải theo Fiches Dominicales

DỤ NGÔN KHO BÁU VÀ NGỌC QUÝ, DỤ NGÔN CHIẾC LƯỚI

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Chọn lựa Nước Trời là điều khẩn trương…

Từ hai tuần qua, chúng ta đã khởi sự đọc "Bài giảng bằng dụ ngôn", với dụ ngôn người gieo giống. Hôm nay chúng kết thúc với những dụ ngôn kho báu và ngọc quí dụ ngôn chiếc lưới và lời kết thúc bài giảng.

Như một cặp, nên hai dụ ngôn kho báu và ngọc quí đều được xây dựng cách cân đối. Không muốn ta chú ý đến những sự vật là kho báu ngọc quí vì cho ta ít giáo huấn- hai dụ ngôn muốn tập trung chú ý của ta vào thái độ ửng xứ của các nhân vật. Việc họ khám phá ra kho báu, viên ngọc chỉ làm nên điều giả sử đã có, sẽ cho phép ta hiểu được ngay cách hành xử mà hai người đã chọn.

+ Người thứ nhất là một người làm công nhật, cầy ruộng của một người khác, tình cờ trong lúc làm ruộng, anh gặp thấy chôn giấu miếng đất một kho báu. Một kho báu mà theo con mắt của anh là vô giá, nên anh liền "đi bán tất cả những gì có là mua thửa ruộng ấy".

+ Người thứ hai là một thương gia buôn bán ngọc quý. Tình cờ trong khi chạy hàng anh đã tìm được một viên ngọc thượng thặng, liền bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”.

Cả hai đều không muốn bỏ lỡ cơ hội có một không hai, không muốn để cho vận may của cuộc đời qua mất, và vì thế họ hành động. Lời đáp trả cho sứ điệp Tin Mừng về Nước Chúa, như J. Dupont chú giải, có thể khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh và ơn gọi của mỗi cá nhân; nhưng không làm tất cả những gì cần thiết để được vào Nước Chúa, không lợi dụng vận may hiếm có đưa đến, đó là tỏ ra một thái độ khờ dại không thể tha thứ được. Chẳng có gì là phải trả giá quá đắt đối với -sự thiện có được: lấy tất cả những gì ta có, đem tất cả con người của mình để đặt cọc cho sự thiện này, đó chính là việc mua bán tuyệt vời. Đã cam kết trọn vẹn, lẽ nào lại keo kiệt, đắn đo? Hiểu như vậy, ta mới thấy hai dụ ngôn khó ăn ý với nhau để minh hoạ cho lời rao giảng ban đầu của Chúa Giêsu: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 4,17) (cf. Assemblées du Seigneur, số 48, trang 20).

2. Đang khi đợi chờ ngày Chúa đến:

Tiếp theo là dụ ngôn chiết lưới, đúng hơn là lưới vét: một loài lưới để là, hoặc là được kéo đi nhờ hai thuyền, hoặc được một thuyền đánh cá bố trí, rồi dòng giây dài vào bờ mà kéo đi.

+ Rất gần gũi với dụ ngôn cỏ lùng và hạt giống tốt, dụ ngôn thứ bảy và cũng là dụ ngôn cuối cùng này đưa chúng ta gặp lại biển, bờ biển cùng những người ngồi trên bờ lúc Chúa bắt đầu giảng (Phúc âm Chúa nhật thứ XV). J. Dupont giải thích: "Đức Giêsu loan báo việc Nước Chúa đến là điều sắp xảy ra. Thế nên mọi người biết rằng việc đến này phải bắt đầu bằng một cuộc tẩy rửa lớn lao... Bởi vậy, người ta chờ đợi xem Đức Giêsu bắt đầu cuộc thanh tẩy: luận phạt kẻ có tội, qui tụ người công chính chung quanh Người. Nhưng sứ vụ của Đức Giêsu lại chẳng tương xứng chút nào với sự mong chờ đợi này... Đức Giêsu phải tự giải thích. Người thực hiện điều này bằng nhiều cách khác nhau: Sứ mệnh của Người liên can tới những người tội lỗi mà Chúa muốn cho họ được cứu độ (Mt 20,1-15; Lc 15); làm cho giờ xét xử đến trước thời gian, việc đó không thuộc quyền Người... Thiên Chúa xử sự không khác với các ngư phủ; họ gom tất cả vào lưới rồi mới tiến hành việc lựa chọn. Bởi vậy lòng nhân từ yêu thương Đức Giêsu tỏ ra đối với những người tội lỗi không được là căn cớ gây nên xì-căng-đan: trong viễn ảnh ngày cánh chung khi mà Thiên Chúa ra tay can thiệp, thì sứ vụ của Đức Giêsu được coi là giai đoạn một, giai đoạn mà lưới được đầy cá đủ loại. Thời điểm tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính hãy còn chưa tới. Nhưng sẽ tới, đó là điều chắc (O.C., trang 22-23).

+ Lời giải thích tiếp theo ngay dụ ngôn này rõ ràng có một sự chuyển hướng tầm nhìn. Trong dụ ngôn, Đức Giêsu có ý cắt nghĩa tình trạng hiện hành là việc trà trộn người tốt với kẻ xấu. Còn cách giải thích của Phúc âm thứ nhất thì nhấn mạnh đến sự trừng phạt sẽ giáng xuống những kẻ có tội vào ngày tận thế, vào giờ sẽ thực hiện sự lựa chọn. J. Dupont kết luận: "Trong lời cảnh giác nghiên nhặt này, người ta nhận thấy mối bận tâm có tính huấn giáo của thánh sử. Ngài lo lắng vì thấy có biết bao tín hữu mà nơi họ lời Chúa vẫn trơ trơ không sinh kết qủa gì" (O.C. trang 24).

BÀI ĐỌC THÊM:

1. Chỉ có một thực tại đáng kể, kính là Thiên Chúa (J. Potin, trong "Jésus, l'histoire vraie" NXB Centurion, 1994, trang 134).

Bằng hai dụ ngôn nhỏ này. Đức Giêsu gợi ý rằng nước Trời là giá trị tuyệt đối không thể đem ra so sánh được với cái gì khác. Mọi sự còn lại đều mờ nhạt khi ta nhận thức được Nước Trời là gì và cao quý thế nào. Nhân vật trong dụ ngôn như bị thôi miên, bị choáng ngợp vì sự khám phá của mình, từ nay trở đi chỉ có một cái đó là đáng kể đối với anh mà thôi. Và để cái đáng kể đó trở thành của mình, anh sẵn sàng rũ bỏ mọi sự. Đức Giêsu chỉ cho thấy chỉ có một thực tại đáng kể chính là Thiên Chúa, Đấng mà ta phải loại trừ và hy sinh tất cả mọi sự khác ở trần gian này để mà chiếm lấy".

2. “Đức tin, trường học ưu tiên và hấp dẫn”

Vì thế phải nhìn Kitô giáo trong sự thực sâu xa của nó. Không phải là tôn giáo chủ trương tìm kiếm đau khổ hay cam chịu đau khổ, không phải là tôn giáo sùng bái những hy sinh và từ bỏ chỉ vì phải từ bỏ, hy sinh. Đức tin mới là trường học được ưa chuộng nhất và hấp dẫn, là bước dẫn đến kho báu đích thực làm cho cuộc sống và trọn vẹn cuộc sống được phong phú. Sứ điệp và giáo huấn của Đức Kitô là Tin Mừng chân lý và hạnh phúc.

Đối diện với kho báu, chúng ta bị dồn vào thế phải chọn lựa và chọn lựa ngay không tên hoãn: bán đi để có được, từ bỏ để chiếm hữu, khước từ để được tự do. Chắc chắn là phải khởi sự đi tìm và tìm cho được, bởi lẽ tài sản quý giá vô cùng này, viên ngọc vô giá kia được chôn giấu trong đất mà chúng ta vẫn dằm lên mỗi ngày. Kho báu và viên ngọc quý ấy hoà trộn vào cái làm nên sinh hoạt đời thường của ta. Bởi vậy ta có thể đến gần nó mà không biết, xéo lên chúng mà lại vô tình. Vì thế ta phải biết chú ý đến "những dấu chỉ của thời đại", những tiếng gọi bí ẩn vang dội lên mỗi ngày và trong mọi trường hợp. Bị loá mắt nếu không muốn nói là mù quáng bởi ánh sáng của những của cải phù vân giả dối, chúng ta có nguy cơ bỏ qua "chiếc đồng hồ vàng" và lạc đường khi đuổi theo những ảo ảnh. Bí tích Thánh Thể là phút dừng chân đặc biệt trong cuộc săn đuổi tìm kiếm kho báu. Hãy mượn lời ca của thánh vịnh để hát lên: "Niềm hy vọng của con, chính là lời Chúa! Nhờ để tâm lắng nghe Lời khôn ngoan, lòng ta "bừng cháy". Việc khám phá ra tài sản quý giá không xa. Nhưng liệu ta có đủ tin tưởng và lòng tin để bán đi những gì ta có hầu mua lấy viên ngọc quí hoặc thửa ruộng có kho báu ấy chăng?