Chúa Nhật XVII thường niên - Năm A
KHO TÀNG VÀ VIÊN NGỌC QUÍ NƯỚC TRỜI
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Câu chuyện của bài Tin mừng tuần này một lần nữa trở lại với chủ đề dụ ngôn về Nước Trời. Một loạt ba bài dụ ngôn có những nét khá gần giống nhau, nhất là hai dụ ngôn về kho báu trong ruộng và viên ngọc quí đều nói lên sự mau mắn nhanh nhẹn làm mọi cách để sở hữu kho báu và viên ngọc quí của người tình cờ gặp được và thương gia sau bao ngày vất vả bôn ba tìm kiếm, riêng dụ ngôn thứ ba nói về lưới cá với tính chất bất ngờ của nó chụp xuống biển, bắt được mọi giống cá. Chủ đề chính của những dụ ngôn này nhấn mạnh đức tính khôn ngoan nhanh nhẹn của những người nhận ra giá trị của Nước Trời, họ phải tìm mọi cách thế, bằng mọi giá, để sở hữu Nước Trời bởi vì Nước Trời như là kho báu, như là viên ngọc quí, giá trị và quí giá hơn rất nhiều so với những gì mà họ đang có. Ngoài ra tính chất bất ngờ của Nước Trời cũng được nhấn mạnh qua hình ảnh lưới chụp xuống bắt được mọi thứ cá. Vì thân phận của con người không thể tránh thoát được giờ phút phải đối diện với việc xét xử của Thiên Chúa, nên cần phải khôn ngoan hành động ngay từ trong cuộc đời hiện tại . Ý tưởng khôn ngoan hiểu biết để hành động chính xác và hiệu quả nhanh nhẹn quyết đoán được nhắc lại ở câu kết luận của bài Tin mừng: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước Trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới cũ trong kho mình”.

          Ba dụ ngôn Chúa nhật tuần này là phần kết của bài giảng về các dụ ngôn của Phúc âm Matthêu. Hai dụ ngôn đầu tiên, kho tàng chôn dấu trong ruộng và viên ngọc quí, có cùng một mẫu thức hành động. Mặc dù người tình cờ tìm gặp được kho tàng chôn giấu trong ruộng do may mắn và người thương gia nhẫn nại đi tìm viên ngọc quí, nhưng cả hai khi gặp được điều mong ước, đều vội vàng bán mọi sự mình có, mua cho được thuở ruộng cũng như viên ngọc quí đó. Khi một người “gặp được”Nước Trời, dù là do may mắn hay kiên nhẫn tìm kiếm, thì mỗi người trong họ đều “bán những gì mình có”. Ðiều này cho thấy trong hai trường hợp, một sự thay đổi hoàn toàn dứt khoát với đời sống trước đây mà họ đã sống vì nhận thấy giá trị trổi vượt của Nước Trời. Nhằm để “mua” được Nước Trời, hiểu theo cách nói về kho tàng chôn dấu và viên ngọc quí, thì phải dám tự nguyện hy sinh tất cả mọi thứ khác. Trên bực thang giá trị, Nước Trời chiếm ưu tiên hơn tất cả những gì khác. Điều đạt được, là Nước Trời, thì giá trị hơn tất cả mọi sự, bởi vì không có gì có giá trị hơn Nước Trời. Vì thế cần phải hành động mạnh mẽ quyết liệt để đạt cho được.

          Ðiều mà ba dụ ngôn gợi ý qua các nhân vật, đó là sự khôn ngoan để nhận ra Nước Trời. Khôn ngoan là chủ đề của bài đọc thứ nhất, là điều mà Salomon ao ước hơn mọi điều gì khác, hơn sức khoẻ hay của cải hay mạng sống quân thù. Đứng trước trách nhiệm được trao phó, Salomon đã nhạy bén để chỉ xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan để biết xét xử dân Chúa là một dân đông đảo mà Salômon có trách nhiệm dẫn dắt. Điều bất ngờ vượt mọi dự đoán của Salômon, đó là điều ông cầu xin lại đẹp lòng Chúa đến độ Ngài ban cho ông sự khôn ngoan vượt bậc không ai sánh bằng và còn ban cho ông thêm cả những điều ông không xin như của cải và sức khoẻ. Quả thực, Truyền thống khôn ngoan minh triết vốn đã phát triển và đào sâu ở Israen với nhiều Sách Thánh khác nhau. Tựu trung khôn ngoan được lần hồi đồng hóa với Lề luật (Tv 19,8). Bậc hiền triết hiểu biết  nơi dân tộc Israen hẳn phải biết và xem Lề luật như diễn tả tối hậu của khôn ngoan, được diễn tả qua Thánh vịnh đáp ca chúng ta nghe đọc, nhấn mạnh đến những lệnh truyền, giới luật và lời Thiên Chúa ban cho dân Chúa : “Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao. Lạy Chúa con xin xưng thực, kỷ phần của lòng con là tuân giữ những lời ban dạy của Chúa. Luật pháp Chúa là sự sung sướng của lòng con”. Riêng bài Tin mừng còn nhấn mạnh hơn nữa yếu tố mới đóng góp vào truyền thống minh triết này. Sự khôn ngoan không chỉ dừng lại ở Lề luật Cựu ước thôi, mà còn hướng tới Đức Giêsu, Đấng sẽ mạc khải những điều mới mẻ và là Đấng cao trọng hơn lề luật : “thầy thông luật phải giống như chủ nhà kia, biết lợi dụng cái mới cũ trong kho của mình”. Đây cũng là kinh nghiệm thông thường, người chủ nhà khéo tay hay làm, biết dùng cả những cái mới cũ trong kho của mình. Chúa Giêsu khéo léo hòa hợp những lời dạy của Sách Luật và tiên tri, cùng những lời dạy mới mẻ mà Người mang đến. Thầy thông luật do thái không chỉ biết những điều cũ trong sách Luật mà thôi, mà còn nhạy bén đón nhận những lời dạy mới mẻ về Nước Trời nơi Đức Giêsu

          Ba dụ ngôn về Nước Trời mô tả những cách thế tìm kiếm Nước Trời khác nhau, do tình cờ may mắn, do kiên nhẫn tìm kiếm, do biện phân cẩn thận. Mỗi hoàn cảnh khác nhau mà chúng ta gặp trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta một đáp trả thích hợp khác nhau. Dù sao, điều đòi hỏi chúng ta là phải khôn ngoan để nhận thức giá trị lớn lao của  Nước Trời và có hành động quyết liệt mau mắn. Sự khôn ngoan mà Salomon cầu xin và nhờ đó mà ông nổi danh là một trong những đức tính có giá trị nhất của Truyền thống Cựu ước. Cũng như Salomon, chúng ta cũng cần phải cầu xin sự khôn ngoan để có thể nhận thức kho tàng lớn lao của Nước Trời. Như thế, chúng ta cần một trái tim hiểu biết để  khôn ngoan và mạnh mẽ vững vàng để nhận thức sự hiện diện của Nước Thiên Chúa được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giêsu.

          Một tâm hồn hiểu biết thực cần thiết để giúp chúng ta phân biệt điều gì có giá trị với điều không có giá trị. Salomon khôn ngoan vì đã biết cầu nguyện để xin điều quan trọng nhất là có được một tâm hồn khôn ngoan hiểu biết để sống và hành động chu toàn bổn phận theo thánh ý Thiên Chúa. Điều đáng chú ý, đó là Thiên Chúa yêu thích lời cầu nguyện này của Salômon, và Thiên Chúa ban cho ông cả những điều ông không xin. Phải chăng của cải vật chất lại làm cho chúng ta khó khăn để có thể có cái nhìn hướng về kho tàng chân thực? Phúc âm Chúa nhật này nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc sống đòi hỏi chúng ta hãy biết chọn lựa khôn ngoan tĩnh táo và quyết liệt giữa nhiều giá trị khác nhau. Chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi những giá trị khác trong cuộc sống che mờ đi viên ngọc Nước Trời, hay kho báu chôn giấu trong ruộng. Đó cũng là điều thánh Phaolô nhắc nhở qua cách nói “ơn gọi nên thánh” của người kitô hữu. Ơn gọi của kitô hữu là trở nên giống như người Con một Thiên Chúa, đón nhận người Con một này như người Trưởng Tử của Thiên Chúa, người sẽ dẫn đưa chúng ta đến thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời dành cho chúng ta theo dự định đời đời của Thiên Chúa. Điều quan trọng là nhận thức giá trị lớn lao mà chúng ta đang được ban tặng nhờ người Con một Thiên Chúa để sống những chiều kích mới này trong cuộc đời chúng ta.