Chúa Nhật XVI thường niên - Năm A
SỰ NHẪN NẠI THỰC SỰ
Lm. Cantalamessa

Cha Capuchin Raniero Cantalamessa, người giảng Phủ Giáo Hoàng đã giải thích về dụ ngôn cỏ lùng và hột giống tốt.

* * *

Hột giống và cỏ lùng

Nước Trời có thể sánh với một người đã gieo giống tốt trong ruộng mình; nước Trời giống như một hột cải; nước trời giống như chất men. Ba câu đầu này của những dụ ngôn đủ cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu đang nói với chúng ta về một nước "Trời", nhưng nước đó được tìm thấy "trên mặt đất."

Thật vậy, chỉ trên mặt đất mới có một chỗ cho cỏ lùng và sự mọc lên, chỉ trên mặt đất mới có bột cần chất men. Trong nước cuối cùng, không có cái gì trong tất cả những thứ đó, nhưng duy nhất chỉ có Chúa, đấng sẽ là tất cả trong tất cả mọi người. Dụ ngôn hột cải biến thành một cây chỉ rõ sự lớn lên của nước Chúa trong lịch sử.

Dụ ngôn chất men cũng chỉ sự lớn lên của nước Chúa, nhưng không phải một sự lớn lên trong sự trải rộng cho bằng trong sự hùng mạnh; nó chỉ sức mạnh biến đổi Người có sức mạnh đó có thể đổi mới mọi sự. Hai dụ ngôn sau cùng này được các môn đệ hiểu dễ dàng. Nhưng dụ ngôn thứ nhất không được hiểu dễ dàng như thế đó là dụ ngôn cỏ lùng.

Sau khi bỏ những đám đông, và khi vào đến nhà, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về sự đó: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe".. Chúa Giêsu đã giải nghĩa dụ ngôn. Người nói Người là kẻ gieo giống, hột giống tốt là con cái nước trời, những cỏ lùng là những con cái kẻ dữ, và đồng ruộng là thế gian và mùa gặt là ngày tận thế.

Đồng ruộng là thế gian. Trong thời cổ Kitô giáo, các người Donatists đã giải quyết vấn đề một cách đơn giản và nói rằng Giáo Hội là tất cả những kẻ lành, và thế gian thì đầy dẩy những con cái kẻ dữ, không có hy vọng gì được cứu độ. Nhưng tư tưởng của Thánh Augustinô trổi bật hơn, tư tưởng đó là tư tưởng về Giáo Hội phổ quát.

Chính Giáo Hội là một cánh đồng, trong đó những hột giống và những cỏ lùng, những kẻ tốt và những người xấu, đều mọc lên chung, là một nơi có chỗ để mọc, để được cải thiện và hơn hết để bắt chước gương nhẫn nại của Chúa. "Những kẻ dữ hiện hữu trong thế gian này hoặc là để được cải thiện hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện tập đức nhẫn nại" (Th. Augustine).

Bài đọc thứ nhất, trích từ Sách Khôn Ngoan, cũng nói về sự nhẫn nại của Chúa, với thánh thi ca ngợi sức mạnh của Chúa: "Nhưng dầu Chúa là chủ tể sức mạnh, Chúa xét xử nhân hậu, và Chúa cai trị chúng con với nhiều khoan dung,... Và Chúa đã dạy dân Chúa, bằng những việc làm này, là những kẻ công chính phải ở hiền lành, và Chúa ban cho con cái Chúa điều kiện tốt để hy vọng Chúa cho phép sám hối vì tôi lỗi của họ."

Hơn nữa, sự nhẫn nại của Chúa, không phải là một sự nhẫn nại đơn giản, nghĩa là chờ tới Ngày Phán Xét và lúc đó phạt theo thoả thích. Đó là sự nhẫn nhục, lòng thương xót và ý muốn cứu vớt. Do đó, trong Nước Chúa, không có chỗ cho những tôi tớ không biết nhẫn nại, cho những người không làm gì hơn là kêu xin Chúa phạt và thỉnh thoảng chỉ cho Chúa con người Chúa phải đánh.

Một ngày kia Chúa Giêsu quở trách hai môn đệ của Người muốn lửa mưa từ trời xuống trên những kẻ đã không tiếp rước Người (Lc 9,55). Có lẽ cũng phải quở trách như vậy đến một số người quá sốt sắng đòi công lý, hình phạt và báo oán những kẻ giữ cỏ lùng của thế gian.

Sự nhẫn nại của ông chủ ruộng cũng được chỉ như một gương mẫu cho chúng ta. Chúng ta phải chờ mùa gặt, nhưng không phải như những đầy tớ khó kiềm hảm, giữ chặt cái liềm, dường như nóng lòng thấy gương mặt của những kẻ dữ trong Ngày Phán xét. Ngược lại, chúng ta phải chờ như những người coi ý muốn của Chúa là của mình, là "tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý " (1Tm. 2,4).

Do đó, một lời kêu gọi sống khiêm tốn và nhân hậu, là điều được gặt hái từ dụ ngôn hột giống và cỏ lùng. Chỉ có một đồng ruộng đúng đắn và cần thiết để nhổ ngay cỏ lùng, đó là từ chính lòng của mình!