Chúa Nhật XV thường niên - Năm A |
XÂY NỀN VỮNG CHẮC |
Lm Giuse Đinh tất Quý |
"Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."(Mt 13,23) Dụ ngôn người gieo giống là một trong những dụ ngôn rất hay của Chúa. Đây là dụ ngôn được chính Chúa giải thích. Dụ ngôn cho thấy nguời ta có thể có nhiều thái độ khác nhau đối với Lời Chúa Ta có thể kể đến bốn thái độ : - Không hiểu nên không đón nhận. - Đón nhận dễ dàng nhưng lại mau bỏ cuộc. - Đón nhận nhưng rồi hạt giống bị lo âu trần thế bóp chết. - Đón nhận và đem thực hành, nhờ đó sinh hoa kết quả, gấp mười gấp trăm. Thử duyệt qua từng thái độ một. 1. KHÔNG HIỂU NÊN KHÔNG ĐÓN NHẬN Đây là những người đã được nghe Tin Mừng, nhưng không hiểu hoặc chưa hiểu. Tuy nhiên chúng ta đừng vội kết án, bởi vì tình trạng này có thể có nhiều nguyên nhân rất khác nhau. Không phải ai cũng là người chủ tâm tự khép kín, khước tử hạt giống. Thật ra có nhiều người còn đang trên đường tìm kiếm. Cuộc tìm kiếm của họ chưa xong, còn đang tiếp diễn. Vì thành thật với lương tâm, họ chưa có thể chấp nhận điều mà họ chưa thật sự xác tín. Trong quyển "Tự thuật" Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương "Bất bạo động" và là người đã giải phóng Ấn độ khỏi ách thống trị của người Anh, ông đã kể lại rằng: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi, ông say mê Kinh thánh và vô cùng cảm kích về "Bài giảng trên núi" của Chúa Giêsu. Chính 8 mối phúc thật đã gợi hứng cho chủ trương bất bạo động của ông. Mahatma Gandhi xác tín rằng Kitô Giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn Độ từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ tới việc gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ khi đến nhà thờ để tham dự thánh lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thật thất vọng. Ông vừa vào đến cửa nhà thờ, thì một người da trắng chặn ông lại và nói: "Nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến nhà thờ dành cho người da màu" Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông không bao giờ trở lại với bất cứ nhà thờ nào nữa. Thế là Chúa đã mất đi một người, một người có thể làm cho cả một dân tộc trở vể với Chúa. Câu chuyện trên đáng cho chúng ta suy nghĩ. Vô tình hay hữu ý. Ai trong chúng ta cũng có thể là một chướng ngại vật cho nhiều người muốn tìm đến Giáo hội. Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống đi ngược lại với tinh thần của Tin Mừng đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi cửa nhà thờ. 2. ĐÓN NHẬN DỄ DÀNG NHƯNG MAU BỎ CUỘC Không ít tín hữu đã rơi vào trường hợp này. Đức tin chưa kịp bám rễ đã chết non. Có lên đường và khởi hành, nhưng đã chóng quặt sang ngả khác, chẳng đi được bao xa. Có nhiều người nghĩ rằng mọi cái trong Giáo hội và nơi người tín hữu đều hoàn hảo. Họ chưa thấy rằng thực tế khác với lý tưởng, cũng chưa thấy trước những khó khăn của cuộc đời đi theo Chúa nên khi bước vào Giáo hội thấy nhiều cái khác với mình tưởng, gặp khó khăn thì sinh nản lòng. Trường hợp một số môn đệ đã bỏ Chúa sau bài giảng về Bánh Hằng sống là một thí dụ. 3. HẠT GIỐNG BÁM RỄ NHƯNG BỊ GAI VÔ HIỆU HÓA Cỏ dại, gai góc là những lo lắng, đam mê trần thế thường chế ngự con người. Đây là tình trạng sống đạo nửa vời. Lời Chúa còn nằm bên lề cuộc sống, chưa thành động lực thúc đẩy từ bên trong. Đây có lẽ là tình trạng chung của rất nhiều tín hữu. Nhiều tín hữu sống đạo không rõ rệt, dứt khoát. Sống trong tình trạng chân trong, chân ngoài, (chân ngoài dài hơn chân trong). Có thể chỉ muốn là một tín hữu "bình thường', "coi được", "trung bình", chứ không sẵn sàng trả một giá cao, tương xứng với ơn gọi làm một Kitô hữu xác tín. Muốn đạt tới Nước Trời nhưng với một giá rẻ mạt. Đức Phaolô VI gọi lối giữ đạo đó là một thứ "Kitô giáo không Thập giá”. Trường hợp người thanh niên giầu có trong Tin Mừng Mathêô là một thí dụ.(Mt 19,22) 4. ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA RỒI ĐEM THỰC HÀNH Đây là một thái độ Kitô Giáo đích thực. Điều mà Chúa Giêsu đòi mỗi tín hữu là phải thực hiện. Không chỉ nghe mà thôi, nhưng là thực hành. Lời Chúa không còn là một thứ trang trí bên ngoài, nhưng trở thành động lực thôi thúc bên trong, trở thành đòi hỏi cụ thể phải quyết định hoặc chấp nhận hoặc khước từ, không thế lẩn tránh. Chúa Giêsu luôn lấy việc thực hành ý Chúa Cha làm lương thực nuôi sống mình. Cũng vậy người Kitô hữu chỉ là Kitô hữu khi nào ý Chúa trở thành đòi hỏi khẩn thiết nhất, ưu tiên cao nhất trong ưu tư, dự định của đời mình. Nhà thần học Leonardo Boff khi còn làm linh mục đã thuật lại câu chuyện thư sau: Một hôm, có một người đàn bà mà tôi quen biết từ nhiều năm gọi tôi ra một nơi và nói nhỏ với tôi: - Thưa cha, con muốn tiết lộ cho cha một bí mật. Xin cha hãy đến nhà con. Đến nhà bà ta, tôi được mời vào phòng ngủ đứa con bà. Đó chính là một quái thai. Đầu đứa nhỏ to như đầu người lớn, nhưng thân mình nó lại bé tí xíu. Đôi mắt đứa nhỏ nhìn chằm chằm lên trần nhà. Lưỡi nó thò ra thụt vào trông như lưỡi rắn. Tôi rùng mình thốt lên: - Chúa ơi! Bà ta nói : - Thưa cha từ tám năm nay, con đã săn sóc đứa con này. Nó chỉ biết có một mình con thôi, và con rất hài lòng vì nó. Hầu như không một người nào khác biết sự hiện diện của nó . Rồi bà ta kêu lớn tiếng: - Chúa là Đấng nhân lành. Ngài là Cha... Bà ta nhìn lên trời, nói tiếp với giọng bình thản: - Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời! Tôi rời nhà bà ta, không nói được câu nào. Đầu tôi cúi xuống, kinh hoàng vì đứa trẻ quái thai đó, ngỡ ngàng vì thái độ can đảm của bà mẹ. Rồi bất chợt một câu Kinh Thánh xuất hiện trong trí óc tôi, lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà có đứa con gái bị quỷ ám khốn cực lắm: "Hỡi người đàn bà kia, bà có đức tin rất lớn" (Mt 15, 28).
Lạy Chúa Giêsu,
Chúng con thường xây nhà trên cát,
Xin cho chúng con
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời
mình,
Ước gì ngôi nhà đời chúng con |