Chúa Nhật XV thường niên - Năm A
HẠT GIỐNG RƠI VÀO ĐẤT TỐT
Lm. Phêrô Lê văn Chính

Chúa nhật hôm nay sẽ bắt đầu một loạt những dụ ngôn mà Chúa Giêsu sẽ dùng để nói về Nước Trời. Chúng ta sẽ được dẫn dắt lần hồi để hiểu biết về Nước Trời và được mời gọi để hoán cải. Bài dụ ngôn Tin mừng hôm nay có thể được phân chia thành ba phần. Phần đầu, Chúa Giêsu trình bày người gieo hạt giống ra đi gieo hạt và có những hạt giống đã rơi trên những mãnh đất khác nhau : hạt rơi trên vệ đường, hạt rơi trên sỏi đá, hạt rơi trên bụi gai và sau cùng những hạt rơi trên đất tốt. Phần lớn các hạt giống đều chết trước khi trổ sinh bông hạt do thiếu điều kiện cho hạt giống lớn lên, nhưng những hạt giống rơi vào đất tốt thì trổ sinh nhiều bông hạt. Sau đó, bài Tin mừng chen vào lời giải thích của Chúa Giêsu cho những câu hỏi của các môn đệ tại sao người lại giảng dạy bằng những dụ ngôn. Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều khía cạnh ẩn dấu và mầu nhiệm của Nước Trời, vì thế con người phải ra sức tìm kiếm. Người ta không thể cùng một lúc sống cứng lòng bưng tai bịt mắt trước những lời mời gọi của Lời Chúa mà có thể đón nhận Nước Trời, mà ngược lại phải cố gắng tìm kiếm bằng cách lắng nghe, mở rộng lòng mình, thanh luyện tâm hồn.  Phần thứ ba là phần giải thích chi tiết những hình ảnh được dùng trong dụ ngôn. Những hạt rơi trên vệ đường là những người không lắng nghe Lời Chúa, nên quỉ dữ đã cướp đi những gì được gieo trong lòng họ ; những hạt rơi trên đá sỏi là những người đón nhận Lời Chúa nhưng lại sống nhất thời, không kiên trì giữ vững Lời Chúa nên khi gặp thử thách gian nan bắt bớ, họ vấp ngã ; những hạt rơi vào bụi gai là những người bị những đam mê lo lắng trần gian như tham lam của cải khiến Lời Chúa không thể sinh kết quả. Sau cùng là những hạt giống rơi vào đất tốt là những người biết đón nhận Lời Chúa và thực hành, những người này sẽ sinh hoa quả trong đời sống.

Đây là một loạt 8 bài giảng về Nước Trời bằng dụ ngôn ở Matthêu chương 13 (13,19,24,31,33,44,45,47,52). Những câu chuyện dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thường nhật để diễn tả những khía cạnh khác nhau của Nước Trời. Những cách trình bày dụ ngôn muốn xác định một điều căn bản là người ta không thể đưa ra một giải thích quyết định nào về Nước Trời, người ta không thể nói Nước trời như thế này thế khác. Mỗi một dụ ngôn gợi ý một khía cạnh của Nước Trời hơn là xác định Nước Trời là như thế.

          Chúng ta cần ghi nhận là dụ ngôn về người gieo giống không phải là một bài học về nông nghiệp, cũng không phải là về người gieo giống. Người gieo giống chỉ xuất hiện ở câu đầu tiên. Bài dụ ngôn cũng không phải là nói chuyện đất đai, nhưng chính là để nói về hạt giống và những mãnh đất đón nhận hạt giống khác nhau. Người gieo giống là Ðức Giêsu đã gieo rắc hạt giống một cách nói được là hào phóng, thừa thãi và quảng đại không tiếc nuối. Tính chất hào phóng dư dật này là đặc trưng của Nước Trời, đồng thời kết quả dồi dào của những hạt giống rơi vào đất tốt nhấn mạnh những đường lối mầu nhiệm và chắc chắn của sự phát triển của Nước Trời. Lời trích dẫn Isaia 55,10-11 nhằm mục đích nhấn mạnh sự hoàn tất nơi Ðức Giêsu. Chính Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể là Đấng mạc khải quyết định của giai đoạn cánh chung. Người ta không còn chờ đợi một Đấng cứu thế cũng như một mạc khải nào khác. Đồng thời cũng nhấn mạnh khía cạnh mạc khải của Nước Trời. Nước Trời được gieo vào lòng mọi người như những hạt giống mạnh mẽ cần những mãnh đất được  chuẩn bị màu mỡ để cho hạt giống trổ sinh nhiều bông hạt. Sự hiểu biết mầu nhiệm này được ban tặng cho các môn đệ do bởi việc họ lắng nghe lời rao giảng của Đức Giêsu. Không có mạc khải này do bởi Đức Giêsu thì dù có nhìn thấy hay nghe cũng không thể hiểu được, và như thế cũng sẽ không có ơn hoán cải hay chữa lành. Mặc dù những điều này đụng chạm tới những cảm thức công bằng của chúng ta, nhưng nó lại nhấn mạnh sự thật về Nước Trời là công việc của Thiên Chúa chứ không phải là kết quả của con người. Tất cả đều tùy thuộc vào hồng ân Thiên Chúa. Về phía con người, chúng ta được mời gọi trở nên mãnh đất màu mỡ để hạt giống Lời Chúa trổ sinh hoa quả phát huy hiệu năng. Cần dẹp bỏ mọi trở ngại từ phía con người chúng ta như việc lười biếng không lắng nghe Lời Chúa, nông nổi nhất thời, hay lo lắng việc đời tham lam của cải.

          Chúng ta cần chú ý phần thứ hai của bài Tin mừng. Trái với những thực tại khác, Nước Trời vừa là một quà tặng biếu không cho con người, nhưng lại là một thực tại ẩn dấu, bởi vì nhiều người sẽ thất bại, không đón nhận được Nước Trời. Không phải bởi vì Thiên Chúa hẹp hòi hay không công bằng,  không muốn ban tặng Nước Trời cho họ, nhưng chính họ phải tự đánh giá lại chính mình, xem cách sống và những tìm kiếm của mình trong khi theo đuổi những thực tại khác nhau trong đời sống.  Đứng trước quà tặng này, con người cần phải có nhiều cố gắng mới có thể đón nhận. Như những người khôn ngoan biết suy tính,  những người môn đệ của Chúa cần phải biết chuẩn bị chính mình, hiểu biết những trở ngại nào làm cho mình không thể đón nhận Nước Trời, hay những trở ngại làm cho hạt giống Nước Trời không thể phát triển nơi chính mình. Đó chính là những tính nông nổi nhất thời của mình, không biết kiên trì giữ vững Lời Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn ; đó chính là những tham mê việc đời, lo lắng của cải.

          Phần thứ ba của dụ ngôn là lời giải thích gợi ý. Những mãnh đất màu mỡ trổ sinh nhiều bông hạt là những người « biết lắng nghe Lời », bởi vì cũng có những người nghe Lời nhưng không kiên trì nhẫn nại khi gặp gian nan thử thách, hoặc có những người nghe Lời nhưng lại bị những tham lam lo lắng việc đời cản trở. Trái lại, người biết « lắng nghe Lời » thì để mình được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và lần hồi phát sinh hiệu quả. Hiệu quả phát sinh cũng không phải là đồng đều giống nhau nơi những mãnh đất khác nhau, có nơi thì sinh một trăm, có nơi sáu mươi, có nơi ba mươi. Thiên Chúa không đòi hỏi mọi mãnh đất đều phải sinh hoa quả gấp trăm mà quan tâm nhiều hơn đến sự phát sinh hoa quả của những mãnh đất khác nhau. Điều quan trọng là sự phát sinh hoa quả của mãnh đất, chứ không phải là số lượng. Đó chính là việc biết cố gắng lắng nghe Lời Chúa, hiểu và sống Lời Chúa cũng như thông truyền Lời Chúa cho người khác ngay cả qua đời sống yêu thương hợp nhất với mọi người. Khi chúng ta càng đến gần Chúa Giêsu, càng biết mở lòng mình để đón nhận Lời Chúa và sống Lời Chúa, biết kiên trì nhẫn nại trong mọi gian nan thử thách, biết bỏ đi những tham lam lo lắng việc đời, tham mê của cải, chúng ta càng làm cho mãnh đất tâm hồn của mình trở nên màu mỡ để rồi hạt giống Lời Chúa sẽ phát sinh hiệu năng mạnh mẽ.

Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta một viễn tượng rộng lớn khi chúng ta nhìn ra thế giới chung quanh mình. Ngài hình dung một vũ trụ đang trông chờ phúc nghĩa tử và hồng ân cứu độ thân xác. Trong bối cảnh cụ thể khi phải đối diện với những gian nan thử thách và bắt bớ, Thánh Phaolô nghĩ rằng đó là một nhân loại và vũ trụ đang chuyển mình. Con người chúng ta là thành phần trong vũ trụ này đang chuyển mình để đón nhận ơn cứu độ thân xác, đương nhiên chúng ta cần phải chịu thanh luyện đau khổ, nhưng sự thanh luyện đau khổ này không thể nào sánh ví với vinh quang mà chúng ta sẽ lãnh nhận, bởi vì vinh quang này sẽ vô cùng lớn lao hơn nhiều. Đó chính là điều kiện cần thiết để được giải thoát khỏi sự nô lệ của sự hư nát và được thông phần vào tự do của những con cái Thiên Chúa. Viễn tượng mà thánh Phaolô nhìn không phải là viễn vông hay siêu thực, nhưng là chắc chắn bởi vì ngài đã cảm nghiệm thực sự những « hiệu quả của ơn đầu mùa của Thánh Thần » trong chính cuộc đời của mình với những gian truân, bắt bớ tù tội và roi đòn.

Đời sống xã hội hiện đại làm chúng ta quá quen thuộc với những thực tại trần gian, Lời Chúa hôm nay thách đố chúng ta hướng nhìn về thực tại Nước Trời. Thực tại Nước Trời thúc đẩy chúng ta đánh giá lại những định hướng và tìm kiếm của cuộc đời chúng ta. Hãy can đảm để Lời Chúa sửa đổi chúng ta đế trở nên những mãnh đất màu mỡ đón nhận hạt giống Lời Chúa.