Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A |
THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ |
P. Trần Đình Phan Tiến |
Kinh thưa quý vị, thưa các bạn! Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay trình thuật cho chúng ta một sự kỳ diệu, nhưng không kém phần ngoạn mục. Đó là: Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Phép lạ Hóa bánh ra nhiều mà tuần trước chúng ta đã nghe và đã sống, cho chúng ta về tình thương xót, sự cảm thương của Chúa Giêsu về lương thực thân xác. Qua đó, Người đã cảm thương sự đói khát về thân phận con người của chúng ta, trong đó có sự đói khát tâm linh, đói khát chân lý, đói khát tình thương, đói khát Thiên Chúa, mà chúng ta với thân phận con người đành bất lực. Nên chi, chính Chúa Giêsu đã trở nên Thần Lương cho chúng ta. Lời Chúa hôm nay, cho chúng ta một chủ đề về sự xót thương của Thiên Chúa qua Đấng Cứu Thế Giêsu- Kitô với một hình thức khác, đó là: Sự Cứu Thoát thật sự. Vì Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta. Nhưng trong thời gian mong chờ ơn cứu độ, chúng phải kiên tâm vững chí trông cậy hết mực vào Thiên Chúa. Khởi đi từ Bài đọc I hôm nay (1V 19, 19a. 11-13a) trình thuật cho chúng ta thấy trong lúc Tiên tri Ê-li-a đang thất vọng, có thể nói: “Dầu sôi, lửa bỏng”, ông trốn lên núi Hô-rép, thì Thiên Chúa hiện ra và nâng đỡ ông. Sau khi cuộc đàm thoại với Thiên Chúa, thì tiên tri Ê-li-a được tăng sức và ông đã tiếp tục sứ mạng của mình. Bài đọc II (Rm 9, 1-5) cũng cho thấy, thánh Phao-lô là một vị tông đồ nhiệt thành, nhưng thánh nhân cũng cảm nhận sự tuyệt vọng. Theo đó, chúng ta thấy bước theo Chúa là cả một hành trình đầy thách thức, cam go, chứ không phải là một sự phẳng lặng, êm ả. Lời thánh Phao-lô tuần trước cho chúng ta thấy sự quyết tâm hy sinh của ngài, dù là bất cứ điều gì thì ngài cũng không thể xa lìa Đức Kitô. Nhưng giờ đây, vì lý do đồng bào, huyết thống, mà ngài đã nặng tình đặt trên tất cả, kể cả phải xa lìa Đức Kitô. Tại sao vậy? Thật mâu thuẫn không? Chúng at thấy sự chao đảo trên bước đường không có Chúa, dù là thánh nhân. Nhưng, điều ấy cho thấy ơn Chúa thật cần thiết cho chúng ta biết bao! Tin Mừng hôm nay (Mt 14, 22 -33) sẽ cho chúng ta một giải đáp rõ ràng. Vâng, trong cơn hoảng loạn, bối rối, thì chính ơn cứu độ thật cần thiết cho chúng ta. Bối cảnh Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ. Sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền đi sang bờ bên kia, rồi Người đi lên núi một mình và cầu nguyện, chiều đến Người vẫn ở trên núi một mình. Là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu luôn muốn kết hiệp cùng Thánh Ý Chúa Cha, Người hằng cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha Trời Đất. Chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha, còn chúng ta có luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa không? Trong lúc Chúa Giêsu cầu nguyện thì sóng đánh thuyền ra xa. Theo đó, chúng ta thấy chi tiết: Thuyền bị gió đánh ra xa, chứng tỏ theo nghĩa bóng: cuộc đời của mỗi người chúng ta, luôn bị phong ba , bão táp. Khi nào chúng ta nép mình vào Chúa, thì chúng ta mới được bình an. Cuộc đời là Kitô hữu cũng vậy, trên bước đường, bước theo chân Chúa, chúng ta có được bình an khi và chỉ khi chúng ta biết cậy dựa vào Chúa Giêsu, Đấng là Cứu Độ đời ta.Theo đó, cuộc đời tông đồ nghĩa đen và nghĩa bóng luôn phải gặp sóng gió, để chúng ta biết nép mình vào Chúa. Trong lúc đó, thời khắc là khoảng canh tư (tức khoảng hai giờ sáng). (Đêm thì năm canh, ngày sáu khắc). Canh tư có nghĩa trời gần sáng, vì hai giờ được tính là một canh, canh một từ sáu giờ tối (tức 18 giờ). Có nghĩa là từ sáu giờ tối, đến năm giờ sáng được tính là năm canh. Như vậy, canh giờ chỉ tính vào ban đêm, còn ban ngày thì tính bằng khắc. Sáu khắc ban ngày được tính 12 giờ còn lại. Như vậy, theo đó, canh tư là lúc mà Chúa Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ (c 25). Một sự kiện kỳ diệu mà chỉ có Thần Linh mới thực hiện được. Theo phản ứng tự nhiên, thì các môn đệ tưởng là ma. Nhưng, Chúa Giêsu đã lên tiếng: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Rồi, thì cũng chính Phê-rô, thưa với Chúa: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì hãy truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy” (c 28). Chúa Giêsu bảo: “Cứ đến!”. Và như vậy, Phê-rô từ thuyền bước ra và đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu. Rõ ràng, nhờ sự mau mắn của thánh Phê-rô, mà các môn đệ đã mục kích được một phép lạ và nhận ra Chúa. Nhưng, Phê-rô trong lòng còn nghi ngờ, nên chi ông đã té xuống nước và sắp chìm, ông hoảng quá liền kêu cứu: “Thầy ơi! Xin cứu con!” (c 30). Và Chúa Giêsu đã quờ trách ông: “Người đâu sao kém tin thế! Sao lại hoài nghi?” Rồi Thầy trò lên bờ và sóng gió lặng yên. (c 31-32). Những kẻ ở trên thuyền đã bái lạy Người và nói: “Thầy, quả thật là Con Thiên Chúa!” (c 33 ). Như vậy, qua Đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ ngay khi chưa đến giờ Tử Nạn của Người. Đoạn Tin Mừng hôm nay có một cụm từ rất đáng chú ý, đó là: “Đừng sợ!”. Vâng: “các con đừng sợ”, đó là lời mà thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói và để lại cho chúng ta. Vâng: “ĐỪNG SỢ “ đó là mệnh lệnh, đó là di huấn, đó là quà tặng, đó là lời nhắc nhở tuyệt vời. Nhưng với điều kiện là phải có Chúa Giêsu, và đừng quên vế thứ nhất: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Bởi vì, chúng ta không thể nói: “Đừng sợ”, mà không có Chúa Giêsu. Vâng, có Chúa Giêsu, thì chúng ta không sợ bất cứ thế lực nào. Vì người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu mà sợ thế lực thù đích , thì không đáng làm môn đệ Chúa. Như “Phê-rô đi trên mặc nước, mà bị rơi xuống sắp chìm”. Thánh Vịnh 84, 9a. 11, 12, 13 hôm nay thật chí lý khi cho chúng ta biết “Thiên Chúa là Đấng ban cứu độ, ơn bình an, ơn giải thoát.” Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con, vì con là kẻ yếu đuối, Chúa là Đấng con tựa nương. Xin cho con nhớ và kêu đến Chúa mọi lúc, mọi nơi trong đời con. Amen./. |