Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A |
UY QUYỀN |
Lm. Giuse Trần Việt Hùng |
Tiên tri Êlia xuất hiện và làm nhiều việc phi thường tại miền Bắc Kinh Thành nước Israel dưới thời vua Ahab, vào thế kỷ thứ 9, trước Công Nguyên. Theo sách Các Vua, Êlia đã bảo vệ việc tôn thờ Thiên Chúa Yavê chống lại thần Baal thuộc xứ Canaan. Êlia đã thực hiện một số việc lạ lùng như cho kẻ chết sống lại, cho lửa từ trời xuống và được cất nhắc lên trời trong xe lửa. Trong sách Malachi, nói về sự trở lại của Êlia trước ngày Chúa quang lâm. Trong Tân Ước, có nhắc đến tên Êlia, khi người ta so sánh tiên tri Êlia với Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Ông Êlia xuất hiện cùng với Môisen trong sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi Taborê. Chúng ta không biết nhiều về tiểu sử đời tư của tiên tri Êlia. Tên Êlia có nghĩa là Chúa của tôi là Yavê. Tại Israel, khi vua Ahab và hoàng hậu Jezebel tôn thờ các thần dân ngoại và xây dựng đền thờ kính thần Baal. Baal là thần xứ Canaan, họ tin rằng thần này chịu trách nhiệm về việc làm sấm chớp, mưa bão và sương sa. Jezebel nhập cư các thầy tư tế và các tiên tri của thần Baal vào đất Canaan. Êlia cảnh cáo và thách thức vua Ahab và các đồ đệ của thần Baal là sẽ có hạn hán trong ba năm. Êlia cũng đã thách đố quyền lực của thần Baal trên của lễ toàn thiêu. Kết qủa thần Baal chỉ là hư danh. Êlia đã toàn thắng trước mặt chư dân, nhưng vì ghen tương, bà hoàng hậu Jezebel tìm cách trả thù, nên ông phải trốn chạy lên núi. Chúa đã nâng đỡ an ủi ông trong cơn khốn cùng: Chúa phán cùng ông Êlia rằng: Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xẻ núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa. Nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất (1Vua 19, 11). Bài phúc âm hôm nay, sau khi Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, Chúa ở lại trong hoang địa để cầu nguyện. Thánh Matthêô viết: Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông (Mt 14, 25). Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Một sự kiện lạ lùng. Con người bình thường với sức nặng khi bước xuống nước sẽ bị chìm xuống. Ở miền Nam Do-thái, vùng Giuđêa có Biển Chết, nước rất mặn. Khi xuống nước tắm, chúng ta có thể nằm ngửa và thân xác sẽ nổi trên mặt nước và không cần phải cựa quậy chân tay. Khi đứng thì nhẹ nhàng nhưng nằm thì thân xác có thể nổi. Không ai có thể đi trên mặt nước. Trong một vài cảnh lạ quảng cáo trên truyền hình, đôi khi chúng ta cũng thấy có người đi trên mặt nước, nhưng phải cẩn thận quan sát vì có sự dàn dựng phía sau để che mắt thiên hạ. Cũng giống như tất cả các nhà ảo thuật, họ đều có kỹ năng chuyên môn để qua mắt bà con. Chúng ta có thể tìm hiểu về nguồn ngọn của các sự việc cách cụ thể trên sách vở báo chí. Chúa Giêsu đi trên mặt nước và đến với các tông đồ vào ban đêm: Chúa Giêsu nói với các ông rằng: Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ (Mt 14, 27). Các tông đồ là những người chài lưới rất quen thuộc với khung cảnh sóng biển. Khi thấy sự kiện lạ, các ông hoảng sợ. Đúng thế, ai mà không sợ chứ! Một phản ứng rất tự nhiên của con người. Các sự kiện lạ vượt ra ngoài qui luật của không gian và thời gian. Chúa Giêsu củng cố đức tin của các ông bằng các dấu lạ, để các ông nhận ra uy quyền của Thiên Chúa. Chúng ta thấy các tông đồ được chứng kiến nhiều phép lạ mà Chúa đã thực hiện, nhưng tới lúc nguy nan và khó khăn, đức tin của các tông đồ cũng vẫn bị lung lay và sợ hãi. Ông Phêrô tính tình rất thật thà và nhiệt thành. Ông đã xin Chúa cho đi trên mặt nước, Chúa chấp nhận, nhưng: Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sấp mình xuống nên la lên rằng: Lạy Thầy, xin cứu con (Mt 14, 30). Phêrô là dân chài lưới. Ông sống trên sông nước và tắm lội hằng ngày, vậy mà khi gió thổi mạnh, ông chìm xuống và vội la lên, xin Chúa cứu. Đứng trước Đấng có quyền phép vô cùng, Phêrô cảm thấy mình quá nhỏ bé và yếu đuối. Ông cậy dựa vào tình thương của Chúa để xin cứu vớt. Có Chúa, con còn sợ chi ai. Tính tình của ông Phêrô rất bộc trực nhưng chân thành. Chúa Giêsu đã yêu thương và trao cho ông quyền trên các tông đồ. Chúa còn trao quyền cho ông cai quản Giáo Hội mà Chúa thiết lập. Chúa hỏi ông và ba lần ông đã tuyên xưng: Lạy Thầy, con mến yêu Thầy. Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng đối diện với năm chìm bảy nổi. Nhưng các khó khăn và thất bại trong cuộc sống là những bài học giúp chúng ta sống trưởng thành hơn. Mới đây, trong một cuộc họp hàng tháng, chúng tôi đã chia sẻ về các vấn đề gây sự ưu tư trong cuộc sống đạo. Một linh mục chia sẻ rằng: Mỗi ngày cha đều dâng lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa, vậy mà sau ba mươi năm linh mục, cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu. Tính nào vẫn tật đó. Các tính xấu cứ lập đi lập lại. Lời chia sẻ rất chân tình. Hầu như ai trong chúng ta cũng thế. Tội đó đã xưng mười năm trước, nay vẫn còn tái phạm. Đôi khi chúng ta muốn sửa đổi và chừa tội, nhưng chỉ thay đổi và chừa cải được chút chút. Sau vài suy nghĩ, tôi tự an ủi rằng: Dù sao chúng ta cũng còn tiếp tục ở lại trong ơn nghĩa Chúa cho tới ngày hôm nay. Cũng giống như thức ăn thức uống giúp nuôi dưỡng chúng ta qua tháng ngày, nhờ từng bữa ăn bổ sức mà chúng ta còn sống khỏe tới ngày hôm nay. Tạ ơn Chúa. Mỗi ngày sống là một ngày mới hoàn toàn. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa. Sống ngày hôm nay cho trọn vẹn. Ngày hôm qua có bị ngã, bị chìm thì sự việc cũng đã qua. Chúng ta không thể làm gì được với quá khứ. Bình sành đã bể là đã bể. Hàn gắn lại là việc của ngày hôm nay. Chúng ta không nên ngồi đó để phiền trách về quá khứ đã qua. Cái đã qua giúp chúng ta học hỏi nhiều kinh nghiệm để tiến thân và sống tốt hơn. Đừng chìm đắm trong qúa khứ, nhưng hãy vui sống giây phút hiện tại mà chúng ta đang có đây. Phêrô đã chìm xuống nước và vội la lên, xin Thầy cứu con. Nếu có khi nào chúng ta bị rơi chìm, thất bại và chán nản, hãy nhớ rằng chúng ta có Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng có uy quyền trên hết mọi tạo vật. Hãy thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin cứu con!. Phần thưởng của cuộc sống là sự an vui và hạnh phúc. Khi con người nhận rõ vai trò, sứ vụ và cùng đích của cuộc đời, thì không còn phải lắng lo nhiều. Niềm tin sẽ dẫn dắt chúng ta hoàn thành sứ mệnh của con người trong cuộc lữ hành. Hãy tránh dần sự tranh chấp vô thưởng vô phạt để duy trì tình thân ái. Bỏ bớt cái tôi cao ngạo và dễ ghét, để cùng hòa đồng xây dựng sự hài hòa trong an bình. Tất cả mọi sinh hoạt đều qui hướng tạo niềm an vui hôm nay và ngày mai. Niềm vui lớn lao nhất của chúng ta là được làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Trong niềm tin sống đạo và ân sủng của các Bí tích trong Giáo Hội, chúng ta được tháp nhập vào nhiệm thể của Chúa Kitô, để đồng thừa hưởng gia nghiệp đã hứa ban. Không riêng gì dân Do-thái mà tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô: Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phụng tự và lời hứa (Rm 9, 4). Chúng ta sẽ được thừa kế gia sản ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành sẵn cho loài người qua Con Chúa Nhập Thể và cứu chuộc. Lạy Chúa, Chúa là chủ của muôn loài muôn vật. Chúa có quyền sáng tạo, biến hóa và tái tạo. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con trở thành những mảnh đất phì nhiêu sinh hoa kết trái nhân đức tốt lành trong cuộc sống. Xin cho chúng con can đảm tin tưởng và dõi theo lối bước của Chúa. Hãy lắng nghe lời của Thầy Chí Thánh: Thầy đây, các con yên tâm, đừng sợ!
Bronx, New York |