Chúa Nhật XI thường niên - Năm A - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ |
THÁNH THỂ HIỆN DIỆN THỰC SỰ |
SƯU TẦM |
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay và nói trước mặt các môn đệ: “Đây là Mình Thầy”, lập tức mọi người hiểu rằng tấm bánh kia là thân thể Chúa, nghĩa là tấm bánh kia, bên ngoài có hình thù, mầu sắc, hương vị của bánh nhưng bản thể của bánh đã biến sang bản thể của Thiên Chúa. Làm sao có thể như thế được? Đối với Thiên Chúa thì không thành vấn đề, bởi vì Thiên Chúa đã từng làm cho có manna đầy tràn ở trong hoang địa, và nước trở thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana, thì việc biến bánh ra Mình Chúa đối với Chúa là chuyện dễ dàng, dễ dàng đến độ Ngài chỉ cần một lời nói “Đây là Mình Thầy”. Có ai trong chúng ta dám nói tôi là thế này tôi là thế nọ không? Thí dụ: “Tôi là ánh sáng”. Chúng ta chỉ có thể nói: “Tôi có ánh sáng” hay “tôi chế ra ánh sáng la-de”, chứ không ai có thể nói: “Tôi là ánh sáng”. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ra ánh sáng, mới có nền tảng mà tuyên bố “Tôi là ánh sáng”. Cho nên, khi Chúa nói: “Đây là Mình Thầy” là một câu nói quả quyết, một câu nói quả quyết sự đồng nhất. Một số người chối Bí tích Thánh Thể đã cho rằng: câu Chúa nói: “Đây là Mình Thầy” chỉ có ý nghĩa tượng trưng, ám chỉ một việc khác. Chúng ta có thể trả lời như sau: Để có ý nghĩa tượng trưng, phải có một trong bốn ý sau đây: Thứ nhất, một cái gì tượng trưng rõ ràng, chẳng hạn khi chúng ta chỉ vào pho tượng thánh Giuse mà nói: “Đây là thánh Giuse”. Thứ hai, một kiểu nói dụ ngôn, chẳng hạn như hạt giống gieo là lời Chúa. Thứ ba, một ý nghĩa tượng trưng tự nó, chẳng hạn như tre trúc tượng trưng cho lòng ngay thẳng, bông huệ tượng trưng cho sự thanh khiết. Thứ tư, một bản văn ám chỉ tới một chuyện khác, chẳng hạn Isaac ám chỉ Chúa Giêsu. Lời truyền phép của Chúa Giêsu không ở trong bốn trường hợp đó. Tự bản chất và công dụng của bánh không bao giờ ám chỉ đến thân thể. Chúa cũng không cắt nghĩa gì thêm, vì quá rõ ràng, đến nỗi người Do Thái lấy làm chướng tai, không nghe được và bỏ đi. Trong Cựu Ước cũng như Tân Ước không bao giờ dùng tấm bánh để ám chỉ về người ta, cho nên, câu Chúa nói “Đây là Mình Thầy” phải hiểu là một chân lý quyền năng của Chúa. Như vậy, câu Chúa nói “Đây là Mình Thầy” là Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Đây là điều chắc chắn, là chân lý tuyệt đối, nhắc nhở chúng ta những điều quan trọng sau đây: Thứ nhất, Chúa Kitô hiện diện thật sự trong phép thánh Thể. Chúa Kitô ở trong phép Thánh Thể là Chúa Kitô vinh hiển, nhân tính Ngài hiện diện trong bí tích đó không còn đau khổ, buồn phiền, cô đơn nữa. Những kiểu nói Ngài cô đơn, vắng lặng trong nhà tạm chỉ là để nhắc nhở thái độ dễ vô ơn, thờ ơ của chúng ta đối với Chúa. Thứ hai, Chúa Kitô hiện diện trong phép Thánh Thể là trạng thái hết sức khiêm hạ vì thương yêu loài người. Chúa âm thầm tự trở nên một tù nhân giữa loài người. Phải có một tình yêu cao độ chúng ta mới hiểu được sự ở lại trong khiêm hạ này. Cũng trong sự khiêm hạ âm thầm này mà có biết bao phạm thượng, lộng ngôn xúc phạm đến Chúa qua bao thế hệ. Đó cũng là lý do nữa nhắc nhở chúng ta thêm lòng kính mến bí tích tình yêu tột đỉnh này. Thứ ba, Chúa Kitô với hai bản tính đều ở trong bánh và rượu. Ở mỗi hình thái đều có đủ Chúa Kitô thật. Nhưng chúng ta nên nhớ: Chúa Kitô ở trong hình thái bánh rượu không còn lệ thuộc vào không gian, thời gian hay trương độ, trọng lượng như xác thịt người phàm nữa. Ngài ngự trong hình bánh rượu, Ngài nghe, biết, thấy chúng ta cầu nguyện, không bằng con mắt xác thịt như chúng ta mà bằng thần tính của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta hãy siêng năng đến cầu nguyện với Chúa trong Thánh Thể. Chúng ta hãy nhớ và thực hành hai điều sau: Thứ nhất, mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta hãy cố gắng rước lễ, bởi vì chả lẽ đi dự tiệc mà lại không ăn tiệc? Chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để rước lễ. Nhưng cũng đừng vì một đôi khuyết điểm hay yếu đuối nhỏ mà chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng rước Chúa. Thật ra khi rước lễ, tình yêu chúng ta dành cho Chúa Giêsu đủ để Ngài tha thứ những tội nhẹ và khuyết điểm của chúng ta. Thứ hai, ngoài thánh lễ, Chúa vẫn ở với chúng ta trong nhà tạm. Vì thế, mỗi khi vào nhà thờ chúng ta hãy ý thức sự hiện diện của Chúa, chúng ta cúi đầu hay bái gối với một lòng biết ơn và kính trọng, rồi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với một lòng tin sâu xa: Chúa Kitô đang hiện diện thực sự trước chúng ta, đang lắng nghe chúng ta, đang muốn ban ơn cho chúng ta. |