Chúa Nhật XI thường niên - Năm A - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
MÌNH VÀ MÁU ĐỨC KITÔ
Chú giải của Noel Quesson

Khác với ba Tin Mừng nhất lãm, thánh Gioan không thuật lại việc thiết lập Thánh Thể, chiều ngày thứ năm Tuần Thánh. Nhưng sau khi hoá bánh ra nhiều lúc Đức Giêsu phân phát lương thực trần gian cho những người đói khổ, thánh sử đã đặt vào miệng Đức Giêsu một bài giảng dài về “bánh hằng sống, bánh ban sự sống muôn đời”…

Theo một văn phong điểm hình của thánh Gioan, trang Tin Mừng ngắn mà chúng ta đọc hôm nay chứa đựng năm từ –chìa khoá: ăn (8 lần); uống (4 lần); thịt (5 lần); máu (4 lần); sống (9 lần); phải để mình cuốn hút vào giọng nói có nhiệu điệu ấy và dám vượt ra ngoài ngôn ngữ và ý tưởng trong sáng. Sự gặp gỡ với mầu nhiệm Thiên Chúa không bao giờ ban cho người nào gắn chặt và bám víu vào cái tri giác được, vào nhân tính và sự duy lý.

"Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống"

Bánh? Dẫu sao cũng là một vật rất đơn giản và rất con người. Đối Với toàn bộ vùng duyên hải của biển Địa trung hải, "bánh" (bánh mì) là lương thực căn bản, như khoai mì đối với châu Phi và lúa gạo đối với châu A. Bánh cũng là biểu tượng cho sự sống. Ai không ăn chẳng bao lâu sẽ chết và ai không ngon sẽ phải đến bác sĩ, vì đó là dấu hiệu có cái gì không ổn cho sức khoẻ của mình.

Nhưng sau đó chúng ta được phóng lên trên những từ ngữ của Đức Giêsu nói người là bánh lương thực nuôi sống. Hơn thế nữa Người còn khẳng định rằng lương thực ấy thiêng liêng, từ trời xuống. Và đó là bánh hằng sống! Vậy thì đó là một thứ bánh tra hỏi chúng ta về bản chất cái đói của chúng ta. Đối với tôi sống có nghĩa là gì? Nếu tôi không muốn ăn Thánh Thể, chứng bệnh thiếu máu nào rình chờ tôi? Tôi nuôi sống mình bằng gì? Phải chăng bằng tài sản? Bằng lạc thú? Bằng tiêu thụ? Bằng lao động? Những sở thích tự phát và sơ đẳng của tôi là gì?

“Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời".

Có nhiều trình độ sống khác nhau. Pascal đã nói đến ba cấp độ của sự cao cả. Những sự cao cả của xác phàm, những sự cao cả của tinh thần và sau cùng sự cao cả của thánh thiện; “gom tất cả thân thể lại, người ta không thể làm ra một tư tưởng nhỏ; điều đó không thể làm được và tư tưởng thuộc về một trật tự khác. Gom tất cả thân thể và tinh thần lại người ta không thể rút ra một vận động của bác ái chân thật, điều đó không thể làm được và bác ái thuộc về một trật tự khác: trật tự siêu nhiên”. (Tư tưởng 585). Dĩ nhiên là có sự sống của thân thể, thuộc sinh học, đúng theo bản chất của nó là đẹp và mong manh. Một nhãn hiệu quần dài vừa qua đã treo một biểu ngữ quảng cáo với lý tưởng đó: "Bạn hãy để cho thân thể bạn phát biểu, người ta thấy mình đang ở trình độ nào! nhưng đời sống thật của con người là đời sống trí thức: chính tư tưởng phân biệt con người với thú vật. Và chúng ta còn có một đời sống tâm linh: điều quan trọng lúc đó là yêu thương chân thật.

Đức Giêsu không ngừng nghĩ đến “đời sống thánh thiêng, đời sống muôn đời" như Người nói.

“Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống".

Những thánh sử khác dùng một từ khác: "Này là mình Thầy”. Còn Gioan đã nói về sự nhập Thể đã sử dụng chữ “thịt” được dịch ra tiếng Việt là ‘người phàm’. “Và Ngôi Lời đã trở thành người phàm" (Ga 1,14). "Đức Kitô đã đến và trở nên người phàm” (1 Ga 4,2). Gioan nhấn mạnh nhiều trên tính hiện thực của Đức Giêsu: điều chúng tôi đã thấy tận mắt và tay chúng tôi đã chạm đến (1 Ga 1,1).

Người phàm theo nghĩa Kinh Thánh, trước tiên không phải là bản chất thể lý mà chúng ta còn Gọi là thịt, xác thịt; mà là toàn bộ "hữu thể sống", là ngôi Vị trọn vẹn "Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là tôi, tất cả sự sống tôi”. Khi nói về "thịt tôi đây", như trong câu này, Đức Giêsu ám chỉ đến cái chết của Người. Khái niệm này rất quan trọng: Đức Giêsu phải đi qua cái chết để chúng ta được nuôi sống bởi Người. Người phải đi qua cái chết chúng ta được sống.

Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

Không phải chỉ ngày nay Thánh Thể bị từ chối. Ngay từ ngày đầu tiên, người ta đã gào lên "điên rồ!" Ai bám víu vào sự lĩnh hội ngay lập tức của các từ ngữ sẽ không thể đạt đến điều Đức Giêsu muốn nói:

Đức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình".

Không nao núng. Đức Giêsu còn nói thêm! Người không tìm cách để tránh gây thương tổn. Cho đến lúc này, Người chỉ nói "ăn" thịt Người. Người nhấn mạnh thêm khi nói rằng phải "uống" máu Người. Sự ám chỉ thịt và máu nhắc nhớ đến nghi thức hiến tế chiên vượt qua nơi những người Do Thái. Đối với tâm thức của người Do Thái, uống máu là một điều cấm kỵ, một sự cấm kỵ thiêng liêng; không chỉ không được phép mà còn ghê tởm, phạm thánh. Ngay cả thịt các động vật phải để cho nhỏ hết máu trước khi được ăn bởi vì máu là sự sống (Lv 17,11-14; Đnl 12,23).

Nhưng thực tại văn hóa ấy, mà từ “máu” chuyển tải trong tư tưởng Thánh Kinh cho thấy rõ ràng không chỉ là thứ chất lỏng gồm các hồng cầu và bạch cầu. Máu mà Đức Giêsu nói đến, chính là sự mới sẽ đến từ cái chết của Người. Chúng ta chớ bao giờ quên rằng thực tại mầu nhiệm của Mình và Máu mà chúng ta tiếp nhận chính là "thân thể vinh quang và thiêng liêng của Đức Giêsu đã Chết và đã sống lại. Về vấn đề này, phải đọc lại sự khai triển của Thánh Phaolô: "Cái người gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên nhưng là một hạt trơ trụi, như hạt lúa hay một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý người muốn: Giống nào hình thể nấy... Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát. mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí..." (l Cô-rin-tô 15,37-42).

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết".

Sự vượt qua phi thường của các từ ngữ mà chúng ta được mời gọi trong đức tin, không nên làm cho chúng ta đi đến một ý nghĩa chỉ thuốn là ẩn dụ hoặc làm dịu đi. Ở đây Gioan thình lình thay thế từ "phagein", "ăn" mà ngài đã dùng cho đến lúc này... bằng từ "trôgei” mang tính hiện thực nhiều hơn và có nghĩa là "nhai"! Mọi bản dịch đều ngần ngại đi theo thánh sử tới đó! Tuy nhiên, ở đây chúng ta có một ghi nhận văn hóa quan trọng: trong bữa vượt qua, con cái Israel được khuyên bảo phải nhai kỹ thức ăn như để hấp thụ thức ăn ấy tốt hơn. Chính Đức Giêsu ám chỉ đến tập tục đó. Và trong điều đó, không có gì là ma thuật; nhưng là một sự tượng trưng sâu xa rất hiện thực và rất có ý nghĩa bởi vì đời sống thiêng liêng của chúng ta được nuôi dưỡng và diễn tả bằng thân thể.

“Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống".

Từ "thật" được lặp lại hai lần. Đức Giêsu, nhất là trong Tin Mừng của Gioan không ngừng đi từ một thực tại hữu hình đến một thực tại khác sâu la hơn. Con người khát vọng sự viên mãn. Điều mà con người đã có kinh nghiệm về niệm vui tình yêu, sự sống làm cho con người ước mơ niềm vui sau cùng, không phức tạp, một tình yêu hoàn toàn làm thỏa mãn, môt đời sống không có sự chết. Lịch sử nhân loại là một lịch sự dài của những ước mơ bị tước đoạt những khát vọng thất bại. Đức Giêsu dám đề nghị sự sống thật, lương thực thật.

"Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”.

Ở đây có một từ mà thánh Gioan hay dùng: ở lại! Đề tài này sẽ còn được phát triển dài vào buổi chiều thứ Năm Tuần Thánh, trong bài văn phúng dụ về cây nho:..Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5).

Một trong những lời tự phụ nhất mà một con người bình thường không bao giờ phát biểu. Lời gây vấp ngã, nếu đó không phải là lời của Thiên Chúa.

"Nhai thịt”; “uống máu"; khi Gioan viết những lời nàỵ các Kitô hữu đã cử hành bữa ăn mầu nhiệm Thánh Thể, tức thánh lễ. Thật vậy trong thánh lễ có hai dấu chỉ phân biệt: bánh, chất rắn phải ăn; rượu nho, chất lỏng phải uống. Và có hai lời phân biệt: "Này là Mình Thầy bị nộp" “Này là Máu Thầy đổ ra"

Thịt... Máu... Làm thế nào mà không nghĩ đến cách cụ thể mà Đức Giêsu đã chết trên thập giá! Thánh lễ đưa chúng ta về Gôn-gô-tha nghĩa là hy tế đổ máu của Đấng đã ban cho tất cả một cách tự do. Hiệp thông với Đức Giêsu, không thể chỉ là một phần của phút trong đó chúng ta hiệp nhất với Người. Điều đó cũng phải là toàn bộ thời gian và bề dày của đời sống chúng ta mỗi ngày được hiến dâng tình yêu.

Và đó là “ở lại” trong Đức Giêsu.

Và đó là "sự sống" theo Đức Giêsu: sự sống thật.

Sự hiệp lễ Thánh Thể chỉ có ý nghĩa khi nó biểu lộ và nuôi dưỡng sự hiệp thông trong cuộc sống. Và một cách cụ thể của mỗi người chúng ta biết rất rõ trong cuộc sống hàng ngày điều đó có ý nghĩa là gì.

"Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy".

Đây là một trong những công thức cô đọng nhất của tất cả Tin Mừng. Rõ ràng có vấn đề thần thánh hóa con người! Hình ảnh đồng hóa lương thực nói lên nhiều điều!trong mọi chu kỳ của tự nhiên, luôn luôn hữu thể lớp trên đồng hóa thân hữu thể của lớp dưới: thảo mộc biến đổi thành vật chất vô cơ; thú vật biến đổi thành các thảo mộc mà nó ăn và con người là đỉnh cao thấy rõ của sự biến đổi ấy mỗi ngày một hoàn thiện của sự sống. Tại sao sự biến đổi lại dừng lại ở đó? Tại sao Thiên Chúa lại không đồng hóa chúng ta với Người?

"Đây là bánh từ trời xuống không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời".

Sống! Sống dồi dào! Sống thánh thiêng. Chỉ thế thôi Bạn có muốn như thế không? Bạn hãy đến với ngày lễ của sự sống đời đời. Thánh Thể chiếm vị trí nào trong đời bạn? Bạn có đói khát Thiên Chúa không? Người ta không ăn Thánh Thể như những người Do Thái ăn bánh man-na đi làm dịu cơn đói của thể xác. Đây là một cơn đói thiêng liêng, xuyên qua một dấu chỉ của thể xác.