Chúa Nhật X thường niên - Năm A - CHÚA BA NGÔI |
MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI ĐƯỢC MẠC KHẢI |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Sau khi mừng những mầu nhiệm long trọng như Phục sinh, Thăng Thiên của Chúa Giêsu, và Hiện xuống của Chúa Thánh Thần, Phụng vụ Giáo hội mừng mầu nhiệm Chúa Ba ngôi như đỉnh cao của mạc khải của Thiên Chúa cho con người. Mầu nhiệm Thiên Chúa là mầu nhiệm ẩn dấu từ đời đời, mầu nhiệm đáng sợ, nhưng đã được mạc khải, nhờ đó loài người thấp hèn của chúng ta được Thiên Chúa yêu thương mời gọi hiệp thông sự sống thần linh. Thiên Chúa biểu lộ tình yêu cứu độ của người qua việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa và việc ban tặng Thánh Thần Thiên Chúa cho loài người, bảo đảm cho con người sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Từ nay không một trở ngại nào dù là sự chết có thể cất đi khỏi con người tình yêu và sự sống của Thiên Chúa được ban tặng qua sự chết và phục sinh của Con một Thiên Chúa và ân sủng Thánh Thần của người Con một Thiên Chúa. Thực vậy, hiện hữu của con người được bao bọc bằng tình yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa từ tạo dựng đến cứu độ. Từ tạo dựng, con người đã được mời gọi tham dự vào hiện hữu của Thiên Chúa, và Thiên Chúa còn nâng con người đến chỗ tham dự vào sự sống vĩnh cửu của chính Ba ngôi Thiên Chúa. Tiến trình mạc khải cũng chính là tiến trình mà Thiên Chúa đến với con người, làm người, chia sẻ chung một thân phận với con người để lôi kéo con người đến với Thiên Chúa. Trong tiến trình giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa trong những thế kỷ đầu của Giáo hội, đã diễn ra những lối giải thích lệch lạc trong Giáo hội khiến Giáo hội phải xác định định thức mầu nhiệm Ba ngôi Thiên Chúa đồng bản thể. Những lạc thuyết này có thể kể đến Hạ phục thuyết và Hình thái thuyết. Lạc thuyết Hạ phục diễn ra cách gay gắt vào thế kỷ thứ 4, khi linh mục Ariô ở giáo phận Alexandria giảng dạy rằng Chúa Con chỉ là Thiên Chúa được thừa nhận bởi Chúa Cha hay là Chúa Con là nghĩa tử. Chúa Con không có bản tính Thiên Chúa như là Chúa Cha, bởi vì Thiên Chúa là Đấng duy nhất, nên không thể có hiện hữu nào ngoài Thiên Chúa Cha có thể chia sẻ bản tính thần linh, dù là Ngôi Lời là Con Thiên Chúa. Một hình thức lạc thuyết nguy hiểm khác là Hình thái thuyết giảng dạy rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất, nên Chúa Con và Thánh Thần chỉ là những biểu lộ trong thời gian của Chúa Cha mà thôi. Chung qui chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Chúa Con và Thánh Thần không thực sự hiện hữu, chỉ là những biểu lộ của sức mạnh của Cha trong nhiệm cuộc cứu độ, sau đó, những sức mạnh này lại trở về với Chúa Cha. Giáo hội đã mạnh mẽ khẳng định sự hiện hữu thực sự của Chúa Con và Chúa Thánh Thần với những công đồng Nixê (325) và Constantinốp (381) và những tín biểu đức tin này được chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính các ngày Chúa nhật. Định thức Ba ngôi đồng bản thể được Giáo hội tuyên xưng một cách bình lặng sau đó vào năm 382 tức là sau khi đã khẳng định thần tính của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và được toàn thể Giáo hội Đông phương và Tây phương đồng thanh đón nhận. Định thức này muốn khẳng định sự hiểu biết và giải thích của Giáo hội về mầu nhiệm Thiên Chúa, dựa trên những gì mà Thiên Chúa biểu lộ chính mình cho con người trong lịch sử. Chúa Con và Thánh Thần thực sự hiện hữu từ đời đời nơi Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa phải thực sự vốn là như thế theo như những gì Thiên Chúa biểu lộ cho con người trong lịch sử, nếu không thì con người không thực sự được cứu độ. Chúa Con được sinh hạ từ vĩnh cửu nơi Thiên Chúa và Thánh Thần là tình yêu và sức mạnh trao đổi giữa Chúa Cha và Chúa Con. Hồng ân tình yêu, sức mạnh và sự sống này, vốn là Thánh Thần nơi Thiên Chúa, không chỉ khép kín nơi Chúa Cha và Chúa Con mà được thông truyền cho loài người chúng ta bởi Chúa Con. Bài đọc 1 trích từ sách Xuất hành chương 34 cho chúng ta cảm nghiệm phần nào mầu nhiệm Thiên Chúa mạc khải. Môisen là vị lãnh tụ do thái, đã được vinh dự đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Bấy giờ Môisen lên núi vào tảng sáng và nhận được một mạc khải : Thiên Chúa hiện ra với Môisen và ông nghe những tiếng tung hô « Thiên Chúa thương xót, nhân từ, bao dung, đầy ân nghĩa và thành tín ». Bấy giờ, Môisen đã cầu nguyện với Chúa, « xin Thiên Chúa ở với ông và dân tộc ông, nâng đỡ, xóa bỏ mọi tội ác của họ và nhận họ làm gia nghiệp của Chúa ». Tường thuật này đánh dấu cách quyết định sự dấn thân của Thiên Chúa đối với Dân Chúa chọn. Israel được vinh dự làm dân Chúa chọn, được Thiên Chúa ở với họ, nâng đỡ họ và chọn họ làm dân riêng của Chúa. Israel cũng được chính Chúa cho biết Thiên Chúa là Đấng thành tín, nhân từ, tha thứ mọi lỗi lầm của họ. Vì thế họ hãy vững vàng tin tưởng để dấn thân theo Thiên Chúa. Mạc khải này ở núi Sinai cho Môisen chưa phải là trọn vẹn, nhưng dù sao cũng là bước đầu trong tiến trình mạc khải tiệm tiến của Thiên Chúa cho con người và xác định tương quan thân mật giữa Thiên Chúa và Israel là dân Chúa chọn. Bài Tin mừng theo Phúc âm Gioan cho chúng ta những hiểu biết quyết định hơn qua câu chuyện trao đổi giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô. Nicôđêmô là một người do thái, ông chân thành tìm đến nói chuyện với Chúa Giêsu ban đêm. Và điều Chúa Giêsu muốn nói với ông là hãy cố gắng đón nhận và tin vào người Con mà Thiên Chúa gửi đến. Tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi việc sai người Con một Thiên Chúa đến với loài người, không phải để lên án họ, nhưng là để cho họ được sống. Sự dấn thân của Thiên Chúa với con người không chỉ là ủng hộ hay nâng đỡ xa xa, nhưng là đến ở với con người một cách thực sự để cho con người có thể thấy người Con này của Thiên Chúa. Dầu vậy, Thiên Chúa cũng đòi hỏi con người một quyết định và dấn thân chọn lựa. Con người phải chọn lựa tin vào người Con này của Thiên Chúa để được sống đời đời. Tin và đón nhận người Con của Thiên Chúa là tin và đón nhận chính Thiên Chúa. Trong bài đọc hai từ thư thứ hai gửi giáo đoàn Corintô chương 13 của thánh Phaolô, chúng ta có thể thấy lời chúc của thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn. Lời chúc này lại là một định thức Ba ngôi, làm cho chúng ta hiểu được tầm vóc của nhận thức của thánh tông đồ và của Giáo hội thời kỳ đầu. Chính nhận thức về mầu nhiệm Chúa Ba ngôi này đã được đúc kết và tuyên xưng trong lời chào chúc này, muốn tuyên xưng rằng tất cả đều phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha, được biểu lộ cho chúng ta qua người Con một của Thiên Chúa, nhập thể chết và phục sinh để ban ơn cứu độ và trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, vốn là Thần khí Thiên Chúa đang nối kết và làm sinh động cộng đoàn tín hữu. Cả Ba ngôi Thiên Chúa cùng hành động hiệp nhất trong công trình cứu độ vì con người. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi không phải chỉ là một định thức thần học lý thuyết, nhưng định thức thần học này để nhắc nhở Giáo hội và mỗi người tín hữu, chúng ta thực sự được hiểu biết Thiên Chúa, vốn là mầu nhiệm ẩn kín từ muôn thuở. Sự hiểu biết này không chỉ là nhận thức trí thức, nhưng là sự hiệp thông sự sống thần linh. Thiên Chúa không phải chỉ đóng kín trong vinh quang vĩnh cửu mà từ đời đời, Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa đến với con người chúng ta và lôi kéo chúng ta vào sự hiệp thông sự sống thần linh của Thiên Chúa, nhờ bởi Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. |