Chúa Nhật VIII thường niên - Năm A
"DÂN NGOẠI ĐẠO"
SƯU TẦM

Chúa Giêsu không thích những kẻ hay lo lắng. Họ làm thương tổn điều mà Ngài sống với Chúa Cha. Làm sao nghĩ rằng có giây phút nào Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng vũ trụ vì hạnh phúc của con cái loài người, lại có thể để họ sống trong nghèo túng. “Dân ngoại đạo!”, Chúa Giêsu nói như thế với kẻ nào hay lo lắng. Người Kitô- ngoại đạo biết Chúa nhưng không biết lòng Chúa. “Những người kém tin!”. Chúng ta kém tin khi, để ngăn chận những mối lo, chúng ta chọn việc tin vào tài khoản ngân hàng của chúng ta ở ngân hàng hơn là tin vào Chúa.

- Không sao, tin vào Chúa rất có thể kèm theo sự cẩn thận theo lương tri đơn sơ! Những câu chuyện trong Tin Mừng nói về chim chóc và hoa cỏ này rất đẹp, nhưng có những lúc cạn lương vào cuối tháng, bệnh tật, thất nghiệp, lo âu muốn biết chúng ta có thể trang trải chuyện học hành cho đứa con nhỏ hay không, vết thương ăn sâu trong tâm trí khó xoá nhoà bằng một dịp tĩnh tâm ngắn ngủi. Tại Palestin, vào thời Chúa Giêsu, người ta dễ dàng phó thác vào Chúa hơn hay sao?

- Vấn đề không phải ở đó, Tin Mừng là lời nói dành cho các hoàn cảnh của chúng ta. Chúa Giêsu nói với tôi “Dân ngoại đạo!” hoặc”Con thật Cha trên trời” trong thế giới hiện tại. Chính so với thái độ của tôi trước những khó khăn hiện tại này mà sự kém tin của tôi làm Ngài nổi giận.

Bởi vì đây chính là một vấn đề đức tin. Đây không phải là chuyện chơi mà là tìm biết ai là kẻ giải thoát chúng ta khỏi những lo toan: Chúa hay cuốn sổ chi phiếu của chúng ta? Chúng ta ghét thế nước đôi này, chúng ta muốn giao phó chúng ta cho cả hai. Nhưng Chúa Giêsu nói:”Không ai có thể làm tôi hai chủ”.

Ngài nói điều đó bởi vì Ngài biết sự hấp dẫn của tiền bạc. Và chúng ta cũng biết sự hấp dẫn ấy! Trước tiên chúng ta muốn có tiền bạc để sống một cách liêm khiết, một cách đơn sơ. Chúng ta muốn có tiền bạc để đảm bảo không thiếu thốn. Sau đó chúng ta muốn có tiền bạc để có tiện nghi hơn. Và cuối cùng chính tiền bạc điều khiển cuộc sống của chúng ta, bỏ mặc cuộc sống chìm trong ba mối lo toan kiếm tiền, mua sắm và đảm bảo tương lai. Trong cuộc sống đó, nói với Chúa: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” chỉ còn là một lời kinh máy móc mà thôi.

- Thế thì Chúa Giêsu muốn chúng ta cư xử như những người bất cẩn và vô trách nhiệm hay sao?

- Chúng ta biết rõ rằng cái được thua không phải ở đó. Chúng ta thấy rõ vấn đề mà Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta nhưng chúng ta lại muốn gạt đi: “Bạn có tin rằng bạn có một người Cha trên trời hay không?”

Nếu có, phải dẹp bỏ các lo lắng vừa quấy rầy nhưng rốt cục vừa trấn an bởi vì đây là điều đã biết. Chúng ta e sợ dấn mình sâu hơn trong cái không biết của niềm tin!

Cuối cùng có thể nói: “Lạy Cha, con biết Cha yêu con và con không sợ gì cả”. Đó là chọn sự an bình ở một mức độ rất sâu xa trong con tim của chúng ta. Đây là một sự an bình thường là khá dễ dàng, may thay, nhưng lại có thể đòi buộc tính anh hùng: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” trở thành một hành vi đức tin rất ý thức và là một hành vi tình yêu. “Các ngươi đừng lo lắng cho ngày mai” từ nay là sự khôn ngoan của chúng ta.

Điều mà Chúa Giêsu nói thêm: “Ngày mai, mai sẽ lo” không nói ngược lại ba lần “Các ngươi đừng lo lắng” trước đó, mà tô đậm chúng. Cần phải lo lắng đến công việc, lương bổng, bệnh tật, nhà cửa phải mua, việc hưu dưỡng phải dự kiến. Nhưng sự lo lắng này chỉ tốt nếu nó diễn ra trong niềm tin tưởng vào Chúa. Và dấu hiệu thì rõ ràng: vẫn an bình.

Tìm kiếm Nước trời trước tiên, chính là kiếm tìm Chúa trước tiên, bền bỉ quy hướng về Chúa, chắc chắn rằng với Ngài chúng ta có thể được giải thoát. Những người nào dám tin tưởng như thế thì có được kinh nghiệm kỳ diệu này là con tim có tự do.