Chúa Nhật VIII thường niên - Năm A
PHÓ THÁC CHO THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Đâu là ý nghĩa của thái độ "chớ lo" xét trong tương quan với việc "tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của nó"?

2. Đâu là những thái độ đối nghịch? phải chăng đó là lời kêu mời đừng dấn thân, đừng tiên liệu?

3. Trong đoạn văn này, Chúa Giêsu có thực tế không?

*******

1. Ý nghĩa toàn bộ của bản văn thật rõ ràng: Thiên Chúa là Đấng Kyrios. Đối diện với Ngài, con người chỉ là tôi tớ. Nhưng con người luôn luôn có khả năng quyết định: hoặc sẽ quay về Thiên Chúa là Chủ duy nhất của mình và yêu mến Ngài, hoặc sẽ khinh miệt hay ghét bỏ Ngài. Nếu quay về một ông chủ khác, bất cứ là ai và mang tên gì, thì con người đã phục dịch một kẻ không phải là Thiên Chúa. Cho dù vẫn trung thành với ông chủ đầu tiên nhưng đồng thời còn phục dịch một chủ khác, thì người tôi tớ đó đã phá vỡ cuộc sống chung với ông chủ trước là kẻ độc quyền trên mình. Cũng vậy việc dính bén của cải có thể là một trở ngại đối với tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa chính vì ta chỉ có thể yêu hoặc ghét một thái độ thứ ba, thái độ trung lập, không được bàn đến ở đây cũng như trong các giáo huấn khác của Chúa Giêsu.

2. Ngược lại, Thiên Chúa hằng quan tâm đến tất cả những thứ con người cần. Nhưng Ngài mong chờ con cái Ngài chia sẻ các ưu tư của Ngài về Nước Trời. Nếu biết hoàn toàn phó thác mọi lo âu của mình cho Thiên Chúa, người môn đồ Chúa Giêsu sẽ hiểu được quyền năng diệu kỳ giải quyết mọi ưu tư của con cái Thiên Chúa. Việc quan trọng là hãy tìm kiếm nước Ngài và sự công chính của Nước ấy trước tiên. Điều đó không có nghĩa là mọi cái khác sẽ bị chểnh mảng, song chúng sẽ trở nên thành phần của một toàn bộ cần thiết hơn, quan trọng hơn: Nước Trời.

3. Dù sao, các câu này không phác họa một bức tranh lý tưởng phản ảnh sự lạc quan tự nhiên của một thi sĩ đắm chìm trong Thiên Chúa. Chúa Giêsu hoàn toàn thực tế. Người biết rõ chim trời, về mùa đông, cũng phải chết vì đói lạnh, rằng trong thiên nhiên vẫn có cuộc tranh đấu sinh tồn. Đức tin của người vào Thiên Chúa không phải là đức tin ngây ngô. Dĩ nhiên, mọi sự đều nên tốt lành cho những ai yêu mến Thiên Chúa (Rm 8, 21), nhưng có một điều chắc chắn là: khi phục vụ Thiên Chúa, con người sẽ không bị hư mất. Ngay cả chim trời chết lạnh và các thánh tử đạo bị giết cũng chẳng phải là những kẻ bị quyền năng Thiên Chúa từ bỏ. Thành ra không được xem tình phụ tử của Ngài như là một lý tưởng nhân đạo khoác lác. Tình phụ tử của Thiên Chúa chẳng phải là chính sách phụ mẫu, nghĩa ]à một sự chở che đầy ủy mị khỏi mọi may rủi, bất trắc của cuộc đời. Một người cha biết yêu con cái không phải bao giờ cũng tránh cho con mình khỏi thử thách hay đau khổ: theo sức ông, ông sẽ biến thử thách hay đau khổ đó thành ích lợi cho đứa con. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài lúc nào cũng có thể rút tỉa sự lành từ sự dữ, và biến cả cái chết và tội lỗi thành ơn cứu độ cho tạo vật Ngài. Ngài chỉ xin tạo vật hãy hoàn toàn phó thác cho Ngài, chọn lựa Ngài dứt khoát.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Chớ lo": Chỉ trong 10 câu đây, một đã 6 lần dùng động từ "lo” để nói lên lời khẩn bách mời gọi từ bỏ mọi lo âu thái quá vì cả cuộc sống ta đã được đặt trước mặt Chúa Cha là "Đấng biết rõ điều ta cần" (6, 8 được lặp lại trong 6, 32). Không phải là ở đây Chúa Giêsu cổ võ sự nhàn cư rảnh rỗi, lạc quan vô tâm hay phó thác thụ động vào Thiên Chúa. Đúng hơn Người đối nghịch hai thái độ sâu xa trước các nhu cầu của cuộc sống: bình tâm hay lo lắng. Dĩ nhiên phải làm việc kiếm cơm bánh hôm nay, tiên liệu cho ngày mai, nhưng điều cốt yếu là trong mọi sự, phải biết quy về Chúa Cha.

"Há mạng sống không hơn của ăn... ": Chúa Giêsu suy luận thế này: Nếu Thiên Chúa đã ban sự sống và tạo dựng thân xác, Ngài cũng sẽ đảm bảo cho chúng mọi thứ cần thiết. Vậy đừng lo lắng làm chi.

"Hãy coi chim trời... hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng": Đừng lo lắng, nhưng cũng chẳng được làm biếng. Chắc hẳn chim trời "không gieo không gặt", tuy vậy vẫn không ngừng làm việc để kiếm thức ăn. Chỉ cần đưa mắt quan sát, ta sẽ thấy chúng bay khắp bốn phương tìm của ăn thích hợp, loài nào thứ ấy. Hoa huệ ngoài đồng không ngừng đâm rễ ngày mỗi sâu hơn vào trong lòng đất để hút lấy nhựa cần thiết cho sự sống hay sắc hương. Thành ra tín thác vào Thiên Chúa quan phòng không đồng nghĩa với vô vi vậy.

"Dân ngoại": Khi xem của cải vật chất là đối tượng kiếm tìm không ngơi và đầy lo lắng, dân ngoại tỏ ra chẳng hề biết Đấng tạo hóa của mình, nếu không họ đã nhận lãnh chúng từ tay Ngài với lòng biết ơn vô hạn. Thành thử ở đây điểm được nhấn mạnh là động từ epizêtoun: tìm kiếm với đam mê và lo âu Một lần nữa, cái đặc trưng con người, không phải là bản chất của chính mình, song là cái mà con người dồn hết tâm lực hướng đến, là "kho tàng" của nó vậy (6, 19-21); cho dù đối tượng lo âu tìm kiếm này không phải là một trái cấm, thì đó cũng là "kiểu sống dân ngoại". Thiên Chúa biết rõ các nhu cầu chính đáng của ta và hằng muốn thỏa mãn; sai lầm của dân ngoại là ở chỗ bất biết tình yêu ấy của tạo hóa và, bởi đó, bạo thành với tạo vật Ngài, để chiếm đoạt cho kỳ được (epizêtoun) khiến gây nên nhiều bất công xã hội.

“Hãy tìm kiếm Nước và sự công chính của nó trước tiên": Chữ "trước tiên" thật là nằm trong tinh thần kinh Lạy Cha: Nước Chúa trước tiên đã (3 lời cầu xin đầu) rồi mới đến cơm bánh. Sự "công chính" của Nước Trời cũng là sự "công chính" ít nói đến trong cả Tin Mừng của ông, nghĩa là cách ăn nết ở phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Kitô hữu tiên vàn phải tìm cách để Thiên Chúa ngự trị trong đời mình, để đời mình là lời đáp trả với tình yêu thánh ý Thiên Chúa.

 

"Khổ ngày nào, đủ cho ngày ấy": Nhận xét cuối cùng này cho thấy Chúa Giêsu rõ ràng là con người thực tế. Người ý thức rõ đời không phải chỉ toàn màu hồng, nhưng cũng lắm "khổ cực gian nan". Người chỉ xin đừng thổi phồng khổ cực này cách vô ích vì quá ưu tư lo lắng cho ngày mai.

KẾT LUẬN

Đời sống con người chủ yếu là quy hướng về "Nước Trời và sự công chính của Nước ấy", là phục vụ Thiên Chúa trong chính trực và thánh thiện. Các thứ còn lại đều tùy thuộc vào đó Lương thực và y phục là phương thế để đạt đến các mục tiêu của một định mệnh tôn giáo. Chúng cũng là phần thưởng thường được Thiên Chúa bảo đảm cho những ai phục vụ Ngài và tín thác vào Ngài trong khi vẫn luôn can đảm làm.

HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Khi đòi buộc ta phải chọn Ngài như là chủ duy nhất, Thiên Chúa vẫn hoàn toàn vô vị lợi, vì Ngài chẳng cần gì nơi ta. nhưng Ngài biết rõ ta không thể tìm được hạnh phúc ngoài Ngài; Ngài là sự giàu sang vô biên, còn ta là nghèo khó vô tận. Vì thế yêu sách vô điều kiện của Ngài chỉ là một thái độ tình yêu mới đối với ta, nói lên rõ ràng định luật của hữu thể ta, khuynh hướng sâu xa của con tim ta. Con người được dựng nên cho Thiên Chúa như chim để bay, cá để lội. Điểm khác biệt là khuynh hướng về sự dữ của nó lôi kéo nó đi theo một nẻo đường khác. Do đó Thiên Chúa hằng xót thương ghé mắt nhìn đến tạo vật Ngài và, nhờ tiếng nói của Chúa Giêsu con Ngài, Ngài nhắc lại cho con người biết vận mệnh đích thực của nó.

2. Chúa Giêsu không đòi ta phải dửng dưng với các vấn đề lớn hiện nay như: nạn nhân mãn, bất quân bình kinh tế và xã hội, ô nhiễm môi sinh, giải phóng chính trị v.v... Người cũng chẳng buộc ta chểnh mảng trách nhiệm gia đình, nghề nghiệp. Nhưng Người đòi ta phải biết giải quyết các vấn đề đó trong một viễn ảnh "đối thần ", nơi Nước Trời chiếm chỗ ưu việt và con người trước tiên được quan niệm như con cái Thiên Chúa. Không phải tiện nghi hay của cải thực sự giải thoát con người: các nước kỹ nghệ vẫn luôn tìm kiếm thêm tiện nghi, và những kẻ giàu thuộc thế giới thứ ba vẫn luôn ao ước chất đầy của cải. Chỉ có sự cải hóa tâm hồn mới làm cho con người nên huynh đệ. Chỉ có niềm tín thác vào sự quan phòng của Chúa Cha mới làm cho kẻ nghèo biết tin tường ở tương lai.

3. Người ta có thể chỉ được một mảnh đất nhỏ mà cũng lo lắng về tương lai như một nhà triệu phú. Trong đoạn văn này, Chúa Giêsu không xét đến việc quản lý các tài sản khổng lồ, song bàn về việc tìm kiếm các nhu cầu sơ đẳng của cuộc sống. Thế mà cũng như gia sản khổng lồ, việc lo lắng tìm kiếm kế sinh nhai vẫn có thể là một ngại vật cho đời sống đức tin: vì không phải địa vị xã hội, nhưng chính thái độ của tâm hồn mới là yếu tố quyết định. Mọi người đều được mời gọi sống đời tự do của con cái Thiên Chúa: điều kiện duy nhất để được tự do ấy là hoàn toàn tin vào tình phụ tử của Ngài.